Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Mỹ tiếp tục ra đòn hiểm vào lĩnh vực công nghệ của Tàu Cộng

Bên trong Công Ty Fujian Jinhua của Tàu Cộng

Washington đã ra lệnh hạn chế một công ty sản xuất chất bán dẫn Tàu Cộng mua sắm các thiết bị của các công ty Mỹ vì cho rằng công ty Tàu Cộng có thể gây ra mối đe dọa với lợi ích và nền an ninh quốc gia Mỹ.

CNN đưa tin, Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/10 ra thông báo cho biết công ty sản xuất chất bán dẫn Tàu Cộng Fujian Jinhua Integrated sẽ không được phép mua thiết bị, linh kiện từ các công ty Mỹ nếu không sở hữu giấy phép đặc biệt.

Cơ quan này cho rằng Fujian Jinhua, công ty có mối quan hệ với chính phủ Tàu Cộng, có thể “gây nên mối đe dọa nghiêm trọng bằng những hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

“Khi một công ty nước ngoài có hoạt động đi ngược lại lợi ích quốc gia của Mỹ, Washington sẽ có những hành động mạnh mẽ nhằm bảo vệ nền an ninh quốc gia”, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết.

Ông Ross nói rằng lệnh cấm sẽ hạn chế công ty Tàu Cộng “đe dọa tới chuỗi cung ứng những linh kiện thiết yếu của hệ thống thiết bị quân sự Mỹ”.

Hành động của Washington diễn ra trong tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Tàu Cộng đang leo thang và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các cuộc đàm phán giữa đại diện của 2 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới vẫn đang trong tình trạng  đình trệ. Chủ tịch Tàu Cộng Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina vào cuối tháng 11 tới.

Hồi đầu năm, chính quyền Trump đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu với công ty ZTE, một trong những công ty công nghệ lớn nhất Tàu Cộng. Mỹ cáo buộc rằng ZTE đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Bắc Hàn và Iran. Lệnh cấm đã được gỡ bỏ hồi tháng 7 năm nay sau khi ZTE đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD và chấp nhận các biện pháp giám sát từ phía Mỹ.

Hành động ngày 29/10 của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra sau khi Micron Technology, công ty chuyên sản xuất chip memory (bộ nhớ) ở tiểu bang Idaho, cáo buộc Fujian Jinhua ăn cắp bí mật kinh doanh. Micron đã nộp đơn kiện Fujian Jinhua lên một Tòa án Liên bang vào tháng 12 năm 2017. Fujian vào tháng 1/2018 cũng đã nộp đơn kiện ngược Micron lên một tòa án Tàu Cộng.

Fujian Jinhua được thành lập năm 2016 ở tỉnh Phúc Kiến và được chính quyền tỉnh hỗ trợ về mặt tài chính. Công ty này đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 5.7 tỷ USD trong khu vực.

Theo Reuters, hành động của Mỹ nhằm vào Fujian Jinhua có thể sẽ đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên cao trào hơn nữa, do công ty này là một trong những trọng tâm của chiến lược “Made in China by 2025” của Tàu Cộng.

Chiến lược được Tàu Cộng công bố từ năm 2015. Kế hoạch này nhằm chuyển trọng tâm từ nghiên cứu đầu tư trong nước sang đổ tiền vào các thị trường nước ngoài. Đứng đầu trong danh sách ưu tiên đầu tư là các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và du hành không gian. Đây là chiến lược thể hiện mong muốn của Bắc Kinh sẽ sớm trở thành bá chủ công nghệ thế giới.

Tin Tổng Hợp

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt