Chiến tranh thương mại: TT Trump chơi trò mèo vờn chuột

TT Trump với bản sắc lệnh liên quan đến các biện pháp tăng thuế với hàng Trung Quốc, do chính ông ký, Washington, 22/03/2018 (Ảnh: RETERS/Jonathan Ernst)

Ngay trong những tuyên bố gay gắt nhất tố cáo Trung Cộng “ăn cắp” chất xám của Hoa Kỳ, tổng thống Trump luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Nhà Trắng điều một phái đoàn sang Bắc Kinh đàm phán. Thế giới có thể tránh được một cuộc chiến mậu dịch, nhưng trò “mèo vờn chuột” của tổng thống Hoa Kỳ cũng đủ đe dọa giao thương và tăng trưởng toàn cầu.
Chính sách thương mại của Mỹ đang làm thế giới đảo điên. Nhà Trắng đòi đánh thuế 25 % trên thép và 10 % vào nhôm nhập sang Hoa Kỳ, rồi tuyên bố tạm tha cho các “nước bạn” như Mêhicô, Canada và Liên Hiệp Châu Âu nhưng vẫn phạt Trung Cộng. Mỹ đã thành công trong việc bắt Hàn Quốc phải nhượng bộ trên một số điểm.
Riêng với Bắc Kinh, từ tháng 3/2018 cuộc khẩu chiến Mỹ -Trung không hề thuyên giảm cho dù ở hậu trường, đôi bên cùng đang nỗ lực tìm ra đồng thuận. Hai bằng chứng cho thấy rõ điều này.

Hy vọng không nổ ra chiến tranh

Bắc Kinh thông báo kể từ năm 2022 các công ty xe hơi Âu Mỹ đến Trung Cộng hoạt động không còn phải liên danh với một công ty địa phương. Nội trong năm 2018 biện pháp nới lỏng này sẽ được áp dụng cho các hãng xe hơi chế tạo động cơ điện. Mở cửa thị trường xe hơi Trung Cộng cho các hãng xe của Mỹ đáp ứng một phần đòi hỏi của Donald Trump về nguyên tắc “có đi có lại”.

Còn về phía Mỹ, tuy đưa ra hạn chót ngày 22/05/2018 để đạt đến một đồng thuận với Bắc Kinh bằng không, Washington sẽ đánh thuế nhập khẩu trên 128 mặt hàng của Trung Cộng xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Thiệt hại cho phía Bắc Kinh ước tính lên tới từ 50 đến 60 tỷ đô la, nhưng Nhà Trắng điều 4 sứ giả hàng đầu – gồm bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế của tổng thống Trump ông Larry Kudlow, sang Bắc Kinh đàm phán.

Với Liên Hiệp Châu Âu, cũng trên hồ sơ nhôm và thép, chính quyền Trump gia hạn thêm một tháng cho Bruxelles để điều chỉnh chính sách thương mại với Mỹ. Mặt khác, Washington áp dụng chính sách “chia để trị” gây chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Pháp và Ủy Ban Châu Âu đòi Mỹ rút lại các biện pháp dọa áp thuế và báo trước là nếu nhôm và thép của châu Âu bị Mỹ “phạt”, thì Bruxelles sẽ đánh thuế vào hàng của Mỹ nhập sang 28 nước thành viên trong Liên Âu, trong đó có rượu mạnh Whisky, quần Jean và xe máy Harley Davidson. Riêng Đức sẵn sàng “đối thoại” với Washington.

Chiến lược hù dọa và uy hiếp kiểu “con buôn” của Trump

Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Sébastien Jean, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Thông Tin Quốc Tế (CEPII) giải thích vì sao chưa bao giờ bàn cờ thương mại quốc tế lại trở nên sôi sục như hiện nay:

“Tình hình khá nghiêm trọng bởi vì tới nay Hoa Kỳ là quốc gia đã đặt ra luật chơi chung cho thế giới trong lĩnh vực thương mại. Để rồi giờ đây, chính nước Mỹ lại phản đối cái mô hình đó và thậm chí là còn đòi phá vỡ những gì đã có. Những tuyên bố của chính quyền Washington đe dọa đến phần cốt lõi trong quan hệ kinh tế và thương mại trên thế giới.

Nhưng cần nói thêm là tới nay, đây mới chỉ là những lời đe dọa chứ Hoa Kỳ chưa thực sự áp dụng các biện pháp trừng phạt như đã tuyên bố. Dù sao thì Nhà Trắng cũng gây hoang mang về chính sách thương mại của Hoa Kỳ, nhất là khi mọi người cùng biết Donald Trump có thói quen uy hiếp đối phương, bắt họ phải nhượng bộ”.

“Tính toán không có cơ sở”

Đâu chỉ là những hù dọa suông, khi ông Trump đòi đánh thuế nhập khẩu 25 % thép và 10 % nhôm bán sang Hoa Kỳ và giải thích rằng đây là một quyết định cần thiết để giảm nhập siêu của Mỹ, đặc biệt là với Trung Cộng? Tổng thống Trump thậm chí còn đưa ra con số 575 tỷ đô la nhập siêu của Hoa Kỳ so với Trung Cộng trong lúc mà các thống kê của bộ Thương Mại Mỹ chỉ nói tới 375 tỷ. Ông Sébastien Jean, giám đốc trung tâm CEPII nêu lên lập trường không có cơ sở về mặt kinh tế của tổng thống Trump:

“Đây là lập luận không chặt chẽ. Trong mắt ông Trump, thâm hụt trong cán cân thương mại là một sự yếu kém nếu không muốn nói là một cái lỗi về mặt chính trị. Do vậy theo ông, Mỹ phải là một nước mạnh, có nghĩa là không thể nhập khẩu nhiều hơn là xuất khẩu. Lý luận này hết sức là vô lý: Một mặt rất khó diễn giải về tình hình thương mại và kinh tế của một quốc gia với một đối tác thương mại khi chỉ nhìn vào thâm hụt cán cân thương mại song phương.

Mặt khác, và đây mới là cốt lõi của vấn đề, một nền kinh tế bị nhập siêu, trước hết là do mức tiêu thụ cao hơn so với khả năng sản xuất của quốc gia đó. Điều đó cũng có nghĩa là các khoản tiết kiệm của người dân trên toàn quốc không đủ trang trải cho các khoản đầu tư. Vì không có sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, hay là do sản xuất nhưng hàng lại quá đắt so với túi tiền của người tiêu dùng, cho nên người ta mới phải nhập hàng của nước ngoài.

Vậy thì tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu không giải quyết được vấn đề nhập siêu. Riêng trong trường hợp của Hoa Kỳ từ thập niên 1970 khi Mỹ thả nổi đồng tiền và đồng đô la đóng vai trò dự trữ thì cả thế giới đều muốn có đô la. Cả thế giới sẵn sàng cho Mỹ vay. Dân Mỹ quen tiêu xài trên khả năng của họ. Vì vậy cán cân thương mại của Hoa Kỳ bị thâm hụt triền miên. Để không còn bị nhập siêu, Hoa Kỳ phải cân bằng lại mức cung và cầu”.

Đe dọa “leo thang”

Từ gần hai tháng nay, ngày nào báo chí quốc tế cũng nói đến nguy cơ nổ ra “chiến tranh thương mại” trên thế giới, nhưng thế nào là một cuộc chiến thương mại và nó nguy hiểm ở chỗ nào? Chuyên gia kinh tế Sébastien Jean, trung tâm nghiên cứu CEPII:

“Tôi không thích sử dụng cụm từ chiến tranh thương mại, vì đấy chỉ là một hình ảnh mà không nói lên được thực chất của vấn đề. Hiện tại, giao thương trên toàn cầu được dựa trên một mô hình hợp tác. Có nghĩa là cộng đồng quốc tế đề xuất một luật chơi chung, tránh để một trong các thành viên chơi xấu, tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng làm phương hại đến những đối tác khác. Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đóng vai trò trọng tài, để bảo đảm là tất cả các bên cùng tuân thủ những luật lệ chung.

Khi nổ ra chiến tranh thương mại, tức là một trong số các thành viên phá rào. Chẳng hạn như là phá giá đồng tiền, trợ giá hay đòi đánh thuế vào hàng nhập khẩu … Nhưng khi mà một trong số các bên trong cuộc không tôn trọng luật chơi chung, thì những thành viên khác trả đũa một cách tương xứng. Trò ăn miếng, trả miếng kiểu này, chung cuộc tất cả các bên đều bị thiệt thòi. Bởi vì các nền kinh tế đã quá lệ thuộc vào lẫn nhau. Điều nguy hiểm là không ai biết được rằng tính toán đầy mạo hiểm đó sẽ dừng lại ở đâu”.

Trong lịch sử thương mại thế giới đã có nhiều cuộc chiến thương mại và đều dẫn tới những hậu quả tai hại. Bên khai mào đã phải lui bước.

Kinh nghiệm gần đây nhất là đợt chính quyền Bush vào năm 2002 áp thuế thép nhập sang Mỹ trong vòng 18 tháng. Liên Hiệp Châu Âu đã kiện Hoa Kỳ lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) và đã thắng kiện. Với bản thân nước Mỹ, biện pháp đó đã khiến 200.000 công nhân mất việc làm, theo các thống kê chính thức của Hoa Kỳ. Cuối cùng biện pháp bảo hộ này chỉ tồn tại trong 18 tháng. Một mối lo ngại khác: tăng thuế hải quan liệu có gây ra lạm phát và gây thiệt hại cho túi tiền của người tiêu dùng ở Mỹ hay không? Giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII, Sébastien Jean phân tích:

“Căn cứ vào những thông báo cụ thể, là Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 50 đến 60 tỷ đô la hàng của Trung Cộng bán sang thị trường Hoa Kỳ, có thể nói đây là một số tiền không đáng kể. Chúng ta biết rằng tiêu thụ ở Mỹ là 15.000 tỷ đô la. Do vậy, tăng thuế hải quan không trực tiếp đánh vào túi tiền của người tiêu dùng ở Hoa Kỳ.

Nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào thì Mỹ và Trung Cộng ngưng hù dọa lẫn nhau và đấy chỉ là dọa suông hay đôi bên thực sự lao vào một cuộc chiến? Đọ sức thương mại Mỹ-Trung sẽ chỉ giới hạn ở các lĩnh vực nhôm, thép hay còn lan rộng tới các lĩnh vực khác?

Bên cạnh đó, cần nhắc lại là ông Trump tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép để bảo vệ nền công nghiệp luyện kim của Hoa Kỳ. Các nhà máy của Mỹ sẽ hoạt động trở lại, nhưng nhôm và thép bán ra sẽ đắt và ảnh hưởng tới các hãng xưởng của Hoa Kỳ cần nhôm thép để sản xuất ra xe hơi hay máy bay chẳng hạn. Nhìn từ góc độ này, về lâu dài, biện pháp bảo hộ sẽ dẫn tới lạm phát”.

Mỹ muốn thương lượng chứ không đóng cửa với thế giới

Vậy Mỹ có thể đơn phương rút khỏi luật chơi quốc tế trên bàn cờ thương mại hay không? Theo cựu giám đốc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Pascal Lamy, câu trả lời là không:

“Ai cũng biết ông Trump là người chống thế giới toàn cầu. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ Trump nghĩ gì mà câu hỏi đặt ra là liệu nước Mỹ có phương tiện để ‘”phi toàn cầu hóa” hay không. Tức là nếu Mỹ đóng cửa với thế giới thì kinh tế nước này bị thiệt hại khá nhiều. Bản thân tổng thống Trump biết rõ điều đó. Tổng thống Mỹ nhắm vào hàng Trung Cộng và ông tuyên bố rằng đây là nguyên nhân khiến cán cân thương mại của Hoa Kỳ bị thâm hụt. Nhưng thực ra vấn đề nằm ở chỗ Mỹ và Trung Cộng đang đọ sức với nhau trong các lĩnh vực từ chính trị đến địa chiến lược và công nghệ cao chứ không chỉ đơn thuần là một cuộc ganh đua về thương mại”.

Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông cũng đã mạnh mẽ hù dọa luôn cả hai đối tác thương mại thân cận nhất với Hoa Kỳ là Canada và Mêhicô, nhưng với mục đích là buộc các đối phương phải đàm phán lại về một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ. Donald Trump chỉ trích mô hình toàn cầu hóa, bài xích Tổ Chức Thương Mại Thế Giới nhưng sẽ là một sai lầm khi cho rằng chính quyền Trump muốn đóng cửa với thế giới.

Có điều trò chơi mèo vờn chuột của chủ nhân Nhà Trắng khiến thế giới không biết đâu mà lường. Trong lúc mà các hoạt động thương mại cần được phát triển trong một môi trường ổn định, cần tránh mọi sự bất ngờ và nhất là không ai muốn trông thấy hai ông khổng lồ Mỹ và Trung Cộng lao vào một cuộc đọ sức trực tiếp, bởi “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”.

Thanh hà (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt