Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Thương mại: hoãn binh ở châu Âu để rảnh tay đối phó Trung Cộng
Vì sao vào giờ chót hôm 30/04/2018 chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn thêm một tháng việc áp thuế mới trên nhôm và thép nhập khẩu từ Liên Hiệp Châu Âu? Theo nhiều chuyên viên được hãng tin Pháp AFP phỏng vấn, đây là một chiến thuật hoãn binh mà Mỹ áp dụng đối với một khối có tầm quan trọng chiến lược, để rảnh tay bước vào cuộc đàm phán thương mại gay go với Bắc Kinh.
Phản ứng trước quyết định tạm hoãn được Tòa Bạch Ốc công bố, Liên Hiệp Châu Âu không hề tỏ vẻ vui mừng, mà trái lại đã biểu lộ thái độ thất vọng, cho rằng quyết định không dứt khoát miễn áp thuế đối với châu Âu chỉ “kéo dài tình trạng bấp bênh“, không có lợi cho kinh doanh.
Giới phân tích đã gắn liền hành động hoãn binh của Mỹ đối với châu Âu, với sự kiện một phái đoàn Mỹ lên đường qua Trung Cộng vào hôm nay để đấu tranh với Bắc Kinh về việc Trung Cộng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo bà Monica de Bolle, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson, tổng thống Mỹ không thể đơn độc đương đầu với Trung Cộng trong một cuộc chiến tranh thương mại, và “Liên Hiệp Châu Âu biết rõ điều đó”.
Đối với bà de Bolle, tầm quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu đối với Hoa Kỳ vượt xa khuôn khổ thương mại hay bất cứ thứ gì liên quan đến thép hoặc nhôm, vì lẽ Bruxelles có một trọng lượng về chiến lược và ngoại giao hiển nhiên mà Washington không thể bỏ qua.
Mặt khác, Liên Hiệp Châu Âu cũng phản đối chính sách của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ, nhưng sẽ không ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống Trung Cộng, nếu vẫn bị Washington tấn công trong lãnh vực nhôm và thép.
Ông Edward Alden, một chuyên viên về thương mại tại trung tâm nghiên cứu Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại, cho rằng Washington không muốn gây sự với Bruxelles vào lúc mà phái đoàn thương mại hùng hậu của Mỹ đổ bộ xuống Bắc Kinh. Chính vì không muốn mở ra một mặt trận khác với châu Âu mà chính quyền Trump đã quyết định hoãn áp thuế trên nhôm và thép.
Lý do rất đơn giản: Nếu thuế nhôm thép có hiệu lực đối với châu Âu ngay từ ngày 01/05 như dự kiến, Liên Hiệp Châu Âu sẽ lập tức ra đòn trả đũa và điều đó, theo ông Alden, “sẽ khiến Mỹ bị cô lập trong việc đối phó với Trung Cộng“.
Tuy nhiên, quyết định tạm hoãn áp thuế trên thép và nhôm đối với châu Âu chưa giải quyết được dứt khoát mầm mống gây bất đồng giữa Mỹ và châu Âu, với việc Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục đòi miễn giảm vĩnh viễn các sắc thuế này.
Đối với ông Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại Học Cornell ở Hoa Kỳ, việc chỉ kéo dài việc miễn áp thuế một thời gian ngắn, cho phép chính quyền Trump duy trì áp lực trên châu Âu, buộc Bruxelles nhượng bộ trên một số lãnh vực thương mại theo mong muốn của Hoa Kỳ.
Theo ông Alden, trong vấn đề này, Washington đang đặt cược trên khả năng một số nước khác ngoài châu Âu như Brazil, Úc, Achentina và Nam Hàn, chịu thua và chấp nhận các điều kiện của Mỹ. Trong tình hình đó Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị đơn độc nếu tiếp tục cứng rắn.
Trọng Nghĩa