Chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra không?

Những nước thủ đắc nguyên tử trên thế giới

Thật đáng lo khi giới lãnh đạo Nga thường lặp đi lặp lại xử dụng vũ khí nguyên tử để đối đầu với khối NATO từ ngày đưa quân sang xâm chiếm Ukraine vào đầu năm 2022 và Moscow đã vạch những lằn ranh đỏ… Danh từ “vũ khí nguyên tử” đã không nghe từ miệng các nhà lãnh đạo từ sau Thế chiến thứ Hai, nay xuất hiện thường xuyên trên những người thủ đắc trong tay hàng ngàn đầu đạn nguyên tử. Hiện Nga đang có hơn 5.000 đầu đạn nguyên tử… Chúng ta cần tìm hiểu nó được Nga xử dụng hay không?

Hai kích cỡ vũ khí nguyên tử:

Trước hết các chuyên gia vũ khí nguyên tử chia làm 2 kích cỡ: Một là vũ khí nguyên tử chiến thuật (Tactical nuclear) và hai là vũ khí nguyên tử chiến lược (Strategic nuclear)… Vũ khí nguyên tử chiến thuật có năng suất từ 1-50 Kiloton, còn “nguyên tử chiến lược” có năng suất từ ​​100-1000 Kiloton hoặc lớn hơn. Không có tài liệu nói về vũ khí nguyên tử từ 50-100 Kiloton thuộc loại nào!
Vũ khí “nguyên tử chiến thuật” được thiết kế để xử dụng trên chiến trường, trái lại vũ khí “nguyên tử chiến lược” được thiết kế để bắn từ một khoảng cách xa để tiêu diệt các thành phố của đối phương.

Đơn vị của nguyên tử là lượng nổ Kiloton (TNT) – bom nguyên tử thả xuống Hiroshima năm 1945 tương đương lượng nổ 13 Kiloton (nguyên tử chiến thuật) tác hại như thế nào?

Ngày 06/08/1945 (Hiroshima), quả bom “nguyên tử chiến thuật” có tên “Little Boy” được máy bay B29 của Không quân Mỹ thả xuống trung tâm thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Quả bom phát nổ cách mặt đất khoảng 600m tương đương lượng nổ 13 Kiloton. Ngay khi bom thả xuống lập tức giết chết chừng 90,000 trên 255,000 cư dân, có bán kính bị hủy diệt là 1,60 cây số và đám cháy lan rộng trên diện tích 4,40 cây số vuông. Ước tính 90% nhà cửa thành phố Hiroshima bị tiêu hủy hoặc hư hại.
Một vụ nổ nguyên tử tạo ra các làn sóng dữ dội về nhiệt độ, ánh sáng, không khí và chất phóng xạ. Bất cứ thứ gì ở gần kề vụ nổ đều bị phá hủy, bao gồm các nhà cửa, đường xá, cầu cống, xe cộ, công trình kỹ nghệ…
Đám mây bụi được biết là chất phóng xạ nguyên tử bay lơ lững theo chiều gió trên quãng đường dài trước khi rơi xuống đất, những ai tiếp xúc với chất phóng xạ sẽ bị thiệt mạng hay bị dị ứng nặng. Người bị nhiễm phóng xạ nguyên tử thì bộ não, da, ruột và máu bị tổn hại nghiêm trọng. Về lâu dài, chất phóng xạ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tuy phóng xạ nguyên tử gây chết người sẽ giảm nhanh trong vài ngày đầu nổ ra, cho dù là như thế, chất phóng xạ còn lại từ các phân hạch tia nguyên tử sẽ là tác nhân chính gây ra ô nhiễm cho sự sống con người và thực vật đến hàng chục năm sau.

Nga có thể xử dụng vũ khí nguyên tử ở chiến trường Ukraine không?

Trong thời chiến tranh, những chất nổ như bom “nguyên tử chiến thuật” có thể được xử dụng để khai thông “điểm bị nghẽn” đối với các cuộc tấn công của đối phương, chẳng hạn như tại các đường hầm, đèo núi hẹp… Hiện nay, không có phân định nào chính xác để được phép xử dụng “nguyên tử chiến thuật” cả. Nhưng với cách nói như vậy có nghĩa là vũ khí “nguyên tử chiến thuật” (Tactical nuclear) có thể được dùng trong chiến tranh.
Trong Chiến Tranh Lạnh (Cold War), Mỹ và Liên Xô đều có hàng nghìn hỏa tiễn mang đầu đạn “nguyên tử chiến thuật” gồm đạn pháo nguyên tử, hỏa tiễn phòng không nguyên tử và đạn chống xe tăng nguyên tử. Tuy nhiên, không thấy có loại nào được đã được đem ra xử dụng ở bất cứ chiến trường nào.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia có một cuộc chiến tranh được xử dụng với vũ khí “nguyên tử chiến thuật” chứ không phải chiến lược? Thế giới sẽ xử dụng nguyên tử quy mô nhỏ như thế nào?

Điều này đã được các chính phủ, quân đội và nhóm nghiên cứu về nguyên tử diễn tập chiến tranh phân tích về vật lý lẫn tâm lý nhiều lần trong nhiều thập niên qua: 
Tất cả đều cho rằng nếu dùng “nguyên tử chiến thuật” thì cuộc chiến sẽ leo thang thành một cuộc đối đầu vũ khí nguyên tử toàn diện (gồm chiến thuật & chiến lược). Lúc đó hầu như hai bên tham chiến không còn gì để mà chiến thắng. Sự leo thang từ vũ khí “nguyên tử chiến thuật” sang “nguyên tử chiến lược” xảy ra rất nhanh đến mức ngành ngoại giao không có thì giờ để xoay chuyển tình thế.
Cách duy nhất có thể ngăn chặn chiến tranh nguyên tử xẩy ra là phải ngăn chặn vũ khí “nguyên tử chiến thuật” phát khởi. Nếu không thì đại họa chiến tranh nguyên tử toàn diện sẽ hủy diệt tất cả. Lúc đó mới vỡ nợ rằng thay vì dùng “nguyên tử chiến thuật” tưởng rằng để tạo chiến thắng trên chiến trường thì vô tình nó lan rộng tiêu hủy luôn các thành phố lớn trên thế giới. Vladamir Putin biết rõ điều này.

Cuộc chiến Ukraine có thể xẩy ra chiến tranh nguyên tử không?

Theo tin Reuters ngày 11/06/2024 thì Nga và Belarus có cuộc tập trận để thực hiện việc xử dụng vũ khí “nguyên tử chiến thuật” để làm quen cách vận hành.
Nga cho biết cuộc tập trận đã có hỏa tiễn Kinzhal và Iskander [của Nga] diễn ra ở khu vực phía nam Akhtubinsk nước Nga. Trong video do Bộ Quốc Phòng công bố cho thấy đoàn xe chở hỏa tiễn Iskander và có lẽ là những đầu đạn nguyên tử dự định ​​sẽ được lắp vào chúng. Video cũng cho thấy một máy bay ném bom Tu-22M3 và một máy bay chiến đấu MiG-31K, cả hai đều có khả năng mang hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal. Video còn cho thấy một hệ thống Iskander được lắp vào máy bay MiG-31K và máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-22M3.
Cuộc tập trận này là để răn đe NATO vì điện Kremlin đã lộ ra mục đích cuộc tập trận “hy vọng sẽ làm dịu những kẻ nóng nảy” của các cường quốc khối NATO như Tổng thống Pháp Macron kêu gọi điều động quân đội của các nước châu Âu đến Ukraine chiến đấu chống lại Nga và Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết Ukraine được tự do xử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga…

Một số người tin rằng Nga có thể xử dụng vũ khí “nguyên tử chiến thuật”

Trong trường hợp quân đội của Nga phải đối diện với những thất bại to lớn. Trong một báo cáo của cựu quan chức cao cấp Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ, ông William Alberque gần ba mươi năm kinh nghiệm trong Chính Phủ Hoa Kỳ, NATO và tổ chức phi chính phủ [NGO] liên quan đến vũ khí nguyên tử cho biết: Nga có thể cân nhắc xử dụng vũ khí nguyên tử phi chiến lược NSNW (Non-Strategic Nuclear Weapons) tức là “nguyên tử chiến thuật” để “cảnh tỉnh” và ép buộc Tây phương giải quyết chiến tranh Nga-Ukraine theo chiều hướng của Nga. Do đó Putin tính toán rất cẩn thận là dùng “nguyên tử chiến thuật” như thế nào để không vượt qua ngưỡng cửa chiến tranh nguyên tử mà Mỹ và Tây phương phải trả đũa.

Làm sao để biết Nga xử dụng “nguyên tử chiến thuật”

Các chuyên gia nguyên tử cho biết việc chuẩn bị phóng một vũ khí như vậy có thể sẽ được các vệ tinh tình báo quân sự phương Tây, nhất là Hoa Kỳ nhìn thấy, vì nó sẽ di chuyển đầu đạn từ nơi cất giữ… Vệ tinh của Mỹ ngày đêm quan sát những hoạt động tại địa điểm này khá xít xao.

Bên cạnh đó, các nước Tây phương lo ngại rằng các hỏa tiễn mang đầu đạn “nguyên tử chiến thuật” không thể phân biệt được với các loại hỏa tiễn mang đầu đạn thường mà Nga đã bắn vào Ukraine trong hai năm nay. Nhưng một cuộc tấn công “nguyên tử chiến thuật” thực sự và chắc chắn sẽ được xác định bằng mức độ tàn phá, chấn động địa chấn và ảnh hưởng chất phóng xạ có thể kiểm chứng bằng khoa học.

Đến đây chúng ta có thể nghĩ rằng Nga có thể dùng “nguyên tử chiến thuật” trong trường hợp thập tử nhất sinh. Hiện nay những lời tuyên bố úp mở sẽ dùng “nguyên tử” phát đi từ miệng của Bộ Trưởng ngoại giao Lavrov Sergey và của nhân vật thứ hai ở nước Nga từng là Tổng Thống, Dmitry Medvedev và tập trận “nguyên tử chiến thuật” với Belarus. Tất cả thứ đó, nhằm mục đích hăm dọa các nước Tây phương. Nhưng khi những điều hăm dọa không còn có tác dụng làm cho đối phương lùi bước thì Putin có thể thực hiện “nguyên tử chiến lược” để giải quyết những bế tắc chiến tranh nhằm đạt được mục đích của mình.

Đó là điều lo lắng của thế giới Tây phương đặc biệt là Tổng Thống Joe Biden rất sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra.

Lê Thành Nhân


Tài liệu tham khảo:

https://kyivindependent.com/risk-of-russias-use-of-nuclear-weapons-in-2022-was-real-cia-says

https://www.rferl.org/a/russia-nuclear-weapons-burns-cia/31804539.html

https://health.maryland.gov/preparedness/Documents/Radiation_Vietnamese.pdf

https://www.reuters.com/world/europe/what-are-tactical-nuclear-weapons-why-is-russia-holding-drills-2024-06-11/

https://www.armscontrol.org/sites/default/files/images/Factsheets/ACA_WarheadInventories_Map2024_07.png

https://en.wikipedia.org/wiki/Tactical_nuclear_weapon

https://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_n%C3%A9m_bom_nguy%C3%AAn_t%E1%BB%AD_xu%E1%BB%9

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt