Chiến tranh mậu dịch
Hồi đầu tuần, TT Trump loan tin ông sẽ tăng thuế nhập cảng thép lên 25% và nhôm 10%. Thiên hạ nhao nhao hơn vỡ chợ.
Quyết định của TT Trump, cũng giống như tất cả các quyết định khác của ông tổng thống này, đã gây tranh cãi ồn ào.
Phe ủng hộ cho rằng đây là việc làm quá cần thiết. Nước Mỹ trước đây là nước sản xuất và xuất cảng thép lớn nhất thế giới, nhưng rồi cạnh tranh không lại với thế giới vì mức lương cao của nhân công Mỹ, cũng như vì cạnh tranh bất chính của cả thế giới, như bán với giá thấp hơn bình thường mà Mỹ gọi là dumping, trợ giá cho các hãng sản xuất thép nội địa như Đại Hàn đã làm, hay mánh mung hối đoái kiểu Trung Cộng, khiến Mỹ ngày nay trở thành một trong những nước phải nhập cảng thép nhiều nhất.
Phe chống lại quyết định của TT Trump, oái ăm thay phần lớn lại là khối đồng minh bảo thủ của TT Trump, chủ trương tự do mậu dịch theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường không có sự can thiệp của Nhà Nước, nhất là mọi hình thức tăng thuế. Họ lo ngại cho các công ty Mỹ cần nhập cảng thép và nhôm cho các sản phẩm thiết yếu như xe hơi, máy bay, hay cả loong nước ngọt và bia. Việc tăng thuế sẽ đưa đến tình trạng tăng giá thành, bớt lời, sẽ phải tăng giá bán, đưa đến lạm phát, trì trệ kinh tế, xóa sạch tác dụng của việc giảm thuế.
Nhưng dường như lo ngại của họ đi hơi quá xa. Như bộ trưởng Thương Mại đã đưa ra thí dụ: một loong nước ngọt 1,99 đô có thể sẽ tăng giá lên 2,01 đô chẳng hạn. Tại sao lại chỉ tăng giá vậy thôi? Thực tế, trong giá loong nước ngọt này, tiền nhôm chỉ là khoảng 10%, tức là khoảng 20 cents. Bây giờ nhôm bị tăng thuế quan 10%, tức là tăng lên 2 cents, loong nước ngọt sẽ tăng giá lên 2,01 đô.
Nhưng tăng thuế nhập có thể sẽ giảm mức nhập cảng nhôm hay các công ty sản xuất sẽ giảm giá bán qua Mỹ, tức là thay vì tăng 2 cents, có thể chỉ tăng có 1,5 cents, và giá loong nước ngọt sẽ thành 2,005 đô (hai đô và một nửa cent!). Nôm na ra là nếu quý vị mua 100 loong, mới phải trả thêm một đô rưỡi. Đó là nói lý thuyết kinh tế, còn thực tế thì không có tiệm nào tăng giá lên 2,005 đô hết, tức là giá bán lẻ vẫn không thay đổi.
Dĩ nhiên với những sản phẩm lớn hơn như xe hơi, có thể sẽ tăng giá vài trăm đô, chẳng hạn như xe Lexus tăng từ 50.000 đô lên tới 50.500 hay 51.000, chứ không phải lên tới 60.000 như vài tờ báo hù dọa. Theo các chuyên gia, ‘sở phí cứng’ (hard cost) tức là vật liệu của cái xe đó chỉ chừng 15.000 đô, phần còn lại là ‘sở phí mềm’ (soft cost) như tiền ban quản trị, hành chánh, điện nước, kỹ sư, nhân công, quảng cáo, tiền lãi trả ngân hàng, và tiền lời. Trong số 15.000 đó, dĩ nhiên, thép và nhôm là phần lớn, nhưng vẫn còn những vật liệu khác như kính, plastic, nệm, vải, cao su, sơn,…. Do đó việc tăng thuế quan thép và nhôm cũng chỉ có tác động rất nhỏ trên giá xe.
Chưa kể việc tăng thuế nhập có thể khiến cho các công ty ngoại quốc mở hãng tại Mỹ để bớt thuế, tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ.. Cách đây ít lâu, TT Trump quyết định tăng thuế trên các tấm kính thu ánh sáng mắt trời –solar panels- nhập cảng từ Trung Cộng. Ngay sau đó công ty sản xuất kính lớn nhất TC đã quyết định mở hãng làm kính này ngay tại Mỹ.
Tăng giá chẳng bao nhiêu trong khi cả ngàn gia đình có công ăn việc làm, một bài toán quá đơn giản đối với nhà kinh doanh Trump.
Một cụ tỵ nạn phóng đại “dân Mỹ sẽ đành thắt lưng buộc bụng cho qua cảnh vật giá gia tăng, thất nghiệp tràn lan… vì cả hành pháp, lập pháp, và tư pháp – đều tuân lệnh tổng thống”. Một nhận định thật quái lạ. TT Trump là tổng thống bị chống đối mạnh bạo nhất trong lịch sử cận đại Mỹ, tại sao bất thình lình cả ba ngành hành pháp, lập pháp, và tư pháp bây giờ lại răm rắp tuân thủ một cái lệnh tai hại khủng khiếp như vậy? Cả nước lên cơn điên hết rồi sao? Hay tại cả nước đều không thông suốt bằng cụ tỵ nạn?
Thật ra cụ tỵ nạn chỉ làm ‘thông ngôn’ cho CNN mà không có một khái niệm nào về kinh tế hay thực tế lịch sử. Năm 2002, TT Bush con đánh thuế quan 30% trên thép nhập cảng. Phe chống đối la hoảng lạm phát, thất nghiệp, suy xụp kinh tế,… y chang như bây giờ. Thực tế ra sao? Đây là thực tế:
Tổng Sản Lượng: 2002: +1,8%; 2003:+ 2,8%. 2004: +3,8%
Lạm phát: 2002: 2,4%; 2003: 1,9%; 2004: 3,2%
Thất Nghiệp: 2002: 5,9%; 2003: 6,0%; 2004: 5,8%
Diễn giải cho cụ tỵ nạn: chẳng có lạm phát hay thất nghiệp gì ráo.
TT Trump viện dẫn lý do ‘an ninh quốc gia’ qua một điều khoản của Luật Thương Mại, khiến nhiều người mau mắn đả kích là TT Trump nói láo, phịa, chẳng có an ninh khủng bố gì trong chuyện nhập cảng thép hay nhôm. Điều họ không ý thức rõ là ‘an ninh’ trong luật thương mại này là an ninh kinh tế, tức là trường hợp một ngành kinh tế bị đe dọa hủy diệt, ở đây tức là mối nguy đe dọa ngành thép và nhôm.
Cách đây không lâu, Mỹ có 12 nhà máy lớn nung thép và có 650.000 nhân công. Bây giờ chỉ còn hai cái đang chạy và 140.000 người. TT Trump mô tả kỹ nghệ thép và nhôm của Mỹ là… “chết rồi”. Thử tưởng tượng chiến tranh xẩy ra và Mỹ không có kỹ nghệ thép để làm súng đạn, máy bay, tầu chiến, đại bác, hỏa tiễn,… phải chờ nhập cảng. Như vậy có phải là vấn đề ‘an ninh quốc gia’ không?
Tự do mậu dịch nghe hay thật, nhưng khi nó đưa đến tình trạng nguyên một ngành kỹ nghệ Mỹ bị giết thì ông Trump, với tư cách tổng thống, có bổn phận phải phục hồi bằng mọi giá. Người dân bầu tổng thống để lo những chuyện này, không phải để đi xin lỗi thế giới.
Ngoài ra, phe chống đối cũng sợ các quốc gia bị nạn sẽ phản pháo bằng cách tăng thuế trên hàng Mỹ bán cho họ. Họ nêu ra việc Liên Âu dọa có thể tăng thuế trên quần jean, bourbon (whisky), xe gắn máy Harley-Davidson. Tại sao lại là ba sản phẩm này? Câu trả lời rất ý nghĩa: jeans là sản phẩm tiêu biểu nhất của Mỹ dĩ nhiên, mà cũng là sản phẩm lớn của Cali, một tiểu bang chống Trump kịch liệt, đây là cách Liên Âu quậy thêm phong trào chống Trump; bourbon là sản phẩm chính của Kentucky, tiểu bang của TNS Mitch McConnell, lãnh tụ nhóm đa số CH tại Thượng Viện; và xe môtô Harley-Davidson là sản phẩm chính của Wisconsin, tiểu bang của dân biểu CH Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện. Một cách nhắc khéo hai ông lãnh tụ Thượng và Hạ Viện là hai ông sẽ là nạn nhân đầu tiên đấy, nhớ giữ hai cái ghế cho chắc. Thật ra, cả ba sản phẩm đó chỉ mang tính tượng trưng chính trị chứ không quan trọng gì hết. Dân Âu Châu không uống bourbon cũng không đi môtô Harley. Quần jean thế giới đang mặc phần lớn sản xuất tại những xứ như Bangladesh chứ không phải Cali.
Nói Liên Âu phản pháo không phải là không có lý, nhưng lại quên mất khả năng phản phản pháo của Mỹ. Mỹ là nước bị thâm thủng cán cân mậu dịch quốc tế triền miên, lủng 800 tỷ năm 2017, tức là thế giới bán qua Mỹ nhiều hơn mua của Mỹ. Nôm na ra, thế giới cần bán hàng cho Mỹ hơn Mỹ cần bán cho thế giới. Nội cái thị trường nội địa của Mỹ không cũng đã lớn hơn thị trường cả Liên Âu rồi. Nếu xẩy ra ‘chiến tranh giao thương quốc tế’, Mỹ vẫn nắm dao đằng chuôi. Mỹ chỉ ho hen chút đỉnh là thế giới đã bị cúm liệt giường hết ngay.
Trước hết, ta nhìn qua tình hình chung.
Âu Châu xuất cảng cả triệu xe qua Mỹ, nếu họ tăng thuế trên bourbon hay quần jean chẳng hạn, và Mỹ đáp lễ bằng cách tăng giá nhập cảng xe thì các hãng Peugeot, Mercedes, BMW, Fiat, sẽ rất mệt.
Nhìn xa hơn để tìm hiểu quyết định của TT Trump thì phải nghĩ đến hai việc: Trung Cộng và toàn cầu hóa.
1) Vai trò của Trung Cộng
Nhiều người cho rằng đây là đòn đánh Brazil, Nam Hàn, Âu Châu, và nhất là Canada và Mexico vì đây là những nước đứng đầu trong việc xuất cảng thép và nhôm qua Mỹ, chứ không phải nhắm vào Trung Cộng vì tỷ lệ thép và nhôm TC trong kinh tế Mỹ không đáng kể, chỉ khoảng 2% số lượng Mỹ tiêu thụ mỗi năm.
Trên thực tế, đòn tăng thuế này sẽ đánh thẳng vào TC mạnh nhất. Hơn một nửa số lượng thép TC sản xuất được xuất cảng ra thế giới, kẻ cả Âu Châu, để làm nguyên liệu chế xe hơi và nhiều dụng cụ, máy móc, sau đó được bán qua Mỹ. Canada chẳng hạn, không sản xuất được một ký-lô thép hay nhôm, nhưng lại nhập cảng hai nguyên liệu này từ TC, rồi chế biến thành sản phẩm bán qua Mỹ. Nói cách khác, TC dùng các nước trung gian để bán thép và nhôm qua Mỹ.
Canada và Mexico lại còn có yếu tố đặc biệt khác với Âu Châu. Đó là hai quốc gia có hiệp ước mậu dịch ưu đãi đặc biệt với Mỹ qua NAFTA. Tức là một cách gián tiếp, TC đã khai thác được chế độ ưu đãi này để bán rẻ, bán chui sản phẩm của mình vào Mỹ qua ngã Canada và Mexico. Đây là một trong những điều TT Trump nhất định điều đình lại với hai ông hàng xóm trong khuôn khổ một hiệp ước NAFTA mới, không cho phép TC hay bất cứ xứ nào khác tiếp tục khai thác kẽ hở này.
Quyết định tăng thuế nhập cảng thép và nhôm là đòn đánh TC của cố vấn Ngoại Thương Peter Navarro. Ông này nổi tiếng chống TC, từng viết nguyên một cuốn sách, Death By China, để khui ra không biết bao nhiêu mánh lới gian ác của TC, từ cách dùng các chất hóa học độc hại trong đồ chơi con nít hay chế biến thực phẩm, cho đến việc giết tù nhân để bán bộ phận cho Âu Mỹ, khai thác các mỏ tài nguyên thiên nhiên Phi Châu bằng cách đút lót các tay lãnh tụ độc tài, đến các mánh mậu dịch bất chính qua các hiệp ước thương mại quốc tế.
Cuộc chiến chống TC của ông Navarro chỉ mới bắt đầu. Chính quyền Mỹ đang cứu xét việc tăng thuế hàng loạt sản phẩm của TC, cũng như các biện pháp giảm hàng nhập từ TC luôn. Chỉ nội chuyện này không cũng đủ cho kẻ này hoan hô ông Navarro rồi. Thực tế hơn vạn lần gửi chiến hạm dạo mát gần Trường Sa như TT Obama đã làm.
2) Toàn cầu hóa
Nhiều người đã lớn tiếng chỉ trích TT Trump đang điên khùng, phá vỡ nền móng giao thương quốc tế, kích động một cuộc chiến tranh mậu dịch có thể đe dọa đến cả sự tồn vong của WTO –World Trade Organization-.
Nói như vậy là vẫn chưa hiểu TT Trump.
Thế giới trong những thập niên qua đã hùng hục tiến về hướng toàn cầu hóa –globalization- với sự ra đời của không biết bao nhiêu hiệp ước và khu vực thương mại quốc tế, phần lớn có mục đích xóa biên giới chính trị và biên giới kinh tế luôn.
TT Trump ngay từ khi tranh cử, đã công khai tố giác những loại hiệp ước đó vì ông cho là bất lợi, thiệt thòi cho Mỹ. Tại sao? Chỉ vì từ lâu nay, các hiệp ước này trên thực chất chỉ là một hình thức kín đáo Mỹ nhượng bộ kinh tế để mua ảnh hưởng chính trị.
Quyết định đầu tiên của TT Trump khi vừa nhậm chức là rút ra khỏi TPP, đòi điều đình lại các hiệp ước NAFTA, cả hiệp ước với Nam Hàn. Nói trắng ra, ông muốn xóa sạch hết, viết lại mọi thỏa thuận từ tờ giấy trắng, với mục đính bảo vệ quyền lợi Mỹ thật sự, theo châm ngôn America First, không cần mua chuộc ai hết.
TT Trump chưa bao giờ ‘sợ’ thế giới. Khi ông rút ra khỏi hiệp ước Paris về chuyện hâm nóng địa cầu, cả thế giới phản đối, một phần vì vai trò quá quan trọng của Mỹ trong vấn đề hâm nóng địa cầu, một phần vì số tiền ba tỷ mà TT Obama đã hứa sẽ bị mất. Bây giờ, cả thế giới lại ồn ào phản đối vì sản phẩm của họ xuất cảng qua Mỹ sẽ đắt hơn khó bán hơn.
Bây giờ, vạn bất đắc dĩ WTO bị khủng hoảng, đó sẽ là ưu tư cuối cùng của TT Trump. Có bị khai tử, ông còn vui hơn nữa. Quan điểm hợp tác mậu dịch của TT Trump tương đối rất giản dị: song phương hết. Các nước nói chuyện tay đôi, điều đình với nhau, không bị trói buộc bởi những hiệp ước đa quốc gia hay tổ chức quốc tế nào hết.
Nhiều người chỉ trích TT Trump nhìn gần mà không thấy xa: lo bảo vệ việc làm cho khoảng 140.000 nhân công ngành thép của Mỹ mà không thấy những tai hại lớn. Thật ra, chính những người chỉ trích TT Trump mới là những người không nhìn xa.
Việc TT Trump làm không phải nhắm vào con số hơn một trăm ngàn nhân công thép đó. Ông nhắm vào hai việc lớn hơn nhiều.
Thứ nhất, phục hồi kỹ nghệ thép ở Mỹ, tức là sẽ tạo thêm rất nhiều việc làm trong ngành này. Chưa chi thì hai công ty thép và nhôm lớn nhất Mỹ, US Steel và Century Aluminum, đã loan tin mở lại một số xưởng đã bị đóng cửa và thu nhận thêm tổng cộng hơn 1.000 nhân công.
Sau đó, quan trọng hơn nữa, ông tung ra thông điệp ‘bảo vệ việc làm cho dân Mỹ cho dù cả thế giới chống’ cho cả trăm triệu cử tri lao động và trung lưu Mỹ thấy.
Hiển nhiên, trong tình trạng hiện hữu, quyết định của TT Trump mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là kinh tế. Đây là cách hữu hiệu nhất giữ khối cử tri lao động của các tiểu bang vùng Đại Hồ từ Pennsylvania tới Ohio, Michigan, Indiana, Iowa, và Wisconsin. Giữ được khối này, bảo đảm sẽ thắng tại những tiểu bang này. Thắng tại những tiểu bang này thì cho dù dân số Cali tăng lên gấp hai gấp ba, và kết quả đầu phiếu phổ thông cho thấy ông Trump có thua vài chục triệu phiếu thì ông cũng vẫn tiếp tục ở trong Nhà Trắng. Ai không đồng ý, có quyền xuống đường biểu tình thêm bốn năm nữa.
Cho đến nay, khó ai có thể xác định chắc chắn việc tăng thuế này sẽ có hậu quả trên kinh tế tổng quát của Mỹ và thế giới như thế nào, dù sao cũng không giản dị như lời tiên đoán của cụ tỵ nạn đã có thành kiến nhắm mắt chống Trump. Chỉ biết quyết định đó đã phần nào đảo lộn bàn cờ CH-DC.
TT Trump phần lớn bị phe CH chống, điển hình là chủ tịch Hạ Viện đã công khai yêu cầu TT Trump xét lại quyết định tăng thuế trong khi nhiều dân biểu, nghị sĩ CH cũng công khai phản đối. Wall Street gọi đây là sai lầm lớn nhất của TT Trump. Cố vấn kinh Tế Gary Cohn từ chức. Trong khi đó, các dân biểu và nghị sĩ DC bối rối, phần lớn giữ im lặng không gân cổ đả kích như đã từng làm đối với bất cứ quyết định nào của TT Trump. Muốn ủng hộ nhưng há miệng mắc quai vì đã thề chống bất cứ việc gì TT Trump làm, mà chống thì kẹt với cử tri lao động. Các ca sĩ DC như Chuck Schumer và Nancy Pelosi bất ngờ tắt tiếng, không hò hét sỉ vả gì nữa.
Quyết định của TT Trump đã được giới lao động Mỹ tại các tiểu bang ‘sinh tử’ Ohio, Pennsylvania, Michigan hoan nghênh nhiệt liệt vì họ cho rằng tăng thuế như vậy sẽ giúp kỹ nghệ thép và nhôm của Mỹ cạnh tranh sòng phẳng hơn, giúp mang lại công ăn việc làm cho nhân công Mỹ.
Báo Pittsburg Post Gazette, tiếng nói của dân lao động Pennsylvania, đã công khai ủng hộ TT Trump. Ngay cả ông Richard Trumka, chủ tịch nghiệp đoàn lớn nhất Mỹ, AFL-CIO, cũng đã công khai ca ngợi quyết định của TT Trump.
Chưa gì thì thiên hạ đã thấy một hiện tượng quái lạ nhất: trong một cuộc bầu cử dân biểu đặc biệt tại Pennsylvania, là thành đồng của giới thợ thuyền mà cả hai đảng CH và DC đang tranh phiếu, cả hai ứng cử viên của cả hai đảng, ông DC Conor Lamb và ông CH Rick Saccone, đều tranh nhau… ca tụng quyết định của TT Trump để dành phiếu thợ thuyền. Đúng là … ông thần Trump!
Nhưng lại đưa đến tình trạng tiếu lâm là vài cụ tỵ nạn quen thói chửi Trump, nhưng không hiểu rõ vấn đề, mau mắn nhẩy ra sỉ vả TT Trump như thường lệ, bị hố to vì vô hình chung đang chống Trump, bảo vệ TC.
Thế mới nói TT Trump muốn làm gì là cứ làm thôi, ít khi để ý đến đồng minh hay kẻ thù, phe ta hay phe địch. Ai muốn nói Trump khùng, Trump ngu, phải nhìn vào hậu quả những việc Trump làm, chứ cứ chúi mũi vào mấy cái tweeter Trump viết nửa đêm khi ngủ không được thì… chết ráng chịu.
Tin giờ chót: TT Trump đã ký lệnh tăng thuế nhập thép và nhôm, nhưng miễn áp dụng cho Canada và Mexico trong khi chờ đợi điều đình lại NAFTA, đồng thời cũng để cửa ngỏ để thảo luận với từng quốc gia, có nghĩa là sẽ có nhân nhượng qua lại, đặc biệt là với các đồng minh như Úc Châu. Đây đúng là mô thức Trump: điều đình song phương, có qua có lại, không thiệt thòi cho Mỹ.
Vũ Linh