Bẫy nợ: Chiến lược ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Cộng

Hình minh họa: Những quốc gia rơi vào bẫy nợ của Trung Cộng

Nếu có một thứ mà giới lãnh đạo Trung Cộng thực sự vượt trội không ai bằng, thì đó chính là việc sử dụng công cụ kinh tế (hay còn gọi là quyền lực mềm) để gia tăng lợi ích địa chính trị của Hán tộc. Thông qua kinh phí “Một Vành Đai, Một Con Đường” với 1 nghìn tỷ USD, Trung Cộng đang hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nằm ở các vị trí chiến lược trên trục “Một Vành Đai, Một Con Đường” thường là bằng cách cung cấp các khoản vay khổng lồ cho chính phủ các nước này. Từ đó, các nước ngày càng sa vào bẫy nợ khiến họ trở nên dễ bị chi phối trước ảnh hưởng chính trị của Trung Cộng.

Việc cho vay để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng dĩ nhiên là không xấu. Nhưng các dự án mà Trung Cộng đang cho vay thường không nhằm hướng đến hỗ trợ nền kinh tế quốc gia hoặc địa phương, mà nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Trung Cộng tiếp cận dễ hơn với các tài nguyên thiên nhiên, hoặc để mở cửa thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu giá rẻ, thiếu phẩm chất của Trung Cộng sản xuất. Trong nhiều trường hợp, Trung Cộng thậm chí còn đưa công nhân xây dựng người Hán đến làm việc, dẫn tới thu hẹp công ăn việc làm được tạo ra cho người dân bản địa.

Một số các dự án đã hoàn thành hiện vẫn đang thua lỗ kéo dài. Chẳng hạn như phi trường quốc tế Mattala Rajapaksa của Sri Lanka, vốn mở cửa vào năm 2013 gần Hambantota, hiện được mệnh danh là sân bay vắng khách nhất thế giới. Tương tự, Cảng Magampura Mahinda Rajapaska tại Hambantota, Sri Lanka vẫn rất vắng vẻ, giống như cảng Gwadar của Pakistan với chi phí đầu tư nhiều tỷ USD. Nhưng với Trung Cộng, các dự án này đang hoạt động đúng như mục tiêu xây dựng: Các tàu ngầm tấn công của Trung Cộng đã hai lần neo đậu ở các cảng của Sri Lanka, và gần đây hai tàu chiến của Trung Cộng đã được đưa vào hoạt động giúp bảo đảm an ninh cho cảng Gwadar.

Theo một nghĩa nào đó, việc các dự án đó hoạt động kém đối với bản địa lại tốt hơn cho Trung Cộng. Rốt cuộc, gánh nặng nợ nần đè lên vai các nước nhỏ càng lớn thì ảnh hưởng của Trung Cộng với các nước đó càng tăng. Trung Cộng hiện đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan ngăn chặn một ASEAN đoàn kết chống lại việc Trung Cộng theo đuổi một cách hung hăng các yêu sách lãnh hải trên Biển Đông.

Hơn nữa, một số nước ngập trong các món nợ từ Trung Cộng đang bị ép phải bán cổ phần trong các dự án do Trung Cộng hỗ trợ tài chính hoặc trao quyền kiểm soát cho các công ty quốc doanh của Trung Cộng (chính là nhà nước Cộng sản Bắc Kinh). Ở các quốc gia có rủi ro về tài chính, Trung Cộng hiện đang yêu cầu được sở hữu cổ phần đa số ngay từ đầu. Chẳng hạn, vào tháng 1/2017, Trung Cộng đã ký một thỏa thuận với Nepal nhằm xây dựng một con đập khác, phần lớn do Trung Cộng sở hữu ở đây, trong đó Tập Đoàn Tam Hiệp Trung Cộng do nhà nước làm chủ nắm 75% cổ phần.

Như thể chừng đó là chưa đủ, Trung Cộng hiện đang đi thêm các bước để bảo đảm các nước này sẽ không thể thoát khỏi các món nợ của mình. Để đổi lấy việc điều chỉnh thời hạn trả nợ, Trung Cộng yêu cầu các nước giao cho mình những hợp đồng xây dựng các dự án bổ sung, qua đó biến khủng hoảng nợ của họ kéo dài mãi. Tháng 10 năm ngoái, Trung Cộng xóa khoản nợ 90 triệu USD cho Campuchia, chỉ nhằm giành thêm các hợp đồng mới lớn hơn do Trung Cộng nắm chủ động.

Một số quốc gia có nền kinh tế đang phát triển đang rất hối tiếc về quyết định nhận các khoản vay của Trung Cộng. Các cuộc biểu tình đã bùng phát do tình trạng thất nghiệp tràn lan, được cho là do việc bán phá giá hàng hóa Trung Cộng, giết chết ngành sản xuất trong nước. Các cuộc biểu tình càng trở nên trầm trọng hơn do việc Trung Cộng đưa nhân công lao động Trung Cộng đến làm việc tại các dự án của mình.

Các chính phủ mới ở một số nước, từ Nigeria đến Sri Lanka, đã đề nghị điều tra các nghi án hối lộ của Trung Cộng với các nhà lãnh đạo các nước này. Tháng trước, quyền Đại sứ Trung Cộng tại Pakistan, Zhao Lijian, đã tham gia một vụ tranh cãi trên Twitter với các nhà báo Pakistan về các cáo buộc tham nhũng ở các dự án và việc sử dụng tù nhân Trung Cộng làm công nhân ở Pakistan (không phải là điều gì mới ở Trung Cộng). Zhao gọi các cáo buộc đó là “vớ vẩn”.

Nhìn lại, chiêu bài của Trung Cộng dường như khá rõ ràng. Nhưng quyết định của nhiều nước đang phát triển chấp nhận các khoản vay của Trung Cộng là có thể hiểu được. Không được các nhà đầu tư tổ chức quan tâm, họ không tìm được nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thế nên khi Trung Cộng xuất hiện, hứa hẹn các khoản đầu tư rộng rãi với tín dụng dễ dàng, tất cả họ đều nhận lời. Chỉ sau này thì mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn rằng mục đích thực sự của Trung Cộng chính là thâm nhập thương mại và gây ảnh hưởng chiến lược, nhưng khi đó thì mọi chuyện đã quá trễ rồi. Và các nước này bị dính vào một vòng luẩn quẩn với các món nợ từ Trung Cộng.

Sri Lanka là một trường hợp điển hình nhất. Mặc dù là một nước nhỏ, Sri Lanka lại nằm ở vị trí chiến lược giữa các cảng miền Đông của Trung Cộng và Địa Trung Hải. Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã gọi Sri Lanka là một nhân tố sống còn của “Con Đường Tơ Lụa Trên Biển” hay gọi là Maritime Silk Road một nhánh của “Vành Đai, Con Đường” chạy trên biển.

Trung Cộng bắt đầu đầu tư mạnh vào Sri Lanka trong suốt 9 năm cai trị gần như độc tài của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và Trung Cộng đã bảo vệ cho Rajapaksa tại Liên Hiệp Quốc khỏi các cáo buộc về tội phạm chiến tranh. Trung Cộng nhanh chóng trở thành nhà đầu tư và là chủ nợ hàng đầu của Sri Lanka, và là đối tác thương mại lớn thứ hai, qua đó có được ảnh hưởng ngoại giao lớn.

Đó là một hành trình thuận lợi cho Trung Cộng cho đến khi Rajapaksa bất ngờ bị đánh bại trong cuộc bầu cử đầu năm 2015 bởi Maithripala Sirisena, người đã hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ đưa Sri Lanka thoát khỏi bẫy nợ của Trung Cộng. Đúng như lời hứa, ông đã đình chỉ các dự án lớn của Trung Cộng.

Nhưng mọi chuyện đã quá trễ. Chính phủ Sri Lanka đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Thế nên, như một tờ báo quốc doanh của Trung Cộng đã nói, Sri Lanka không còn cách nào khác phải “quay lại và ôm lấy Trung Cộng lần nữa”. Sirisena, vốn cần thêm thời gian để trả các khoản nợ cũ cũng như cần thêm các khoản tín dụng mới, đã chấp thuận hàng loạt các yêu cầu của Trung Cộng, tái khởi động các dự án đã bị đình chỉ, như dự án Thành phố cảng Colombo trị giá 1.4 tỷ USD, và trao cho Trung Cộng các dự án mới.

Gần đây, Sirisena cũng đồng ý bán 80% cổ phần ở cảng Hambantota cho Trung Cộng với giá khoảng 1.1 tỷ USD. Theo Đại sứ Trung Cộng tại Sri Lanka, Yi Xianliang, việc bán cổ phần tại các dự án khác cũng đang được thảo luận, nhằm giúp Sri Lanka “giải quyết các vấn đề tài chính của mình”. Rajapaksa đang cáo buộc Sirisena đã trao cho Trung Cộng các nhượng bộ quá đáng.

Bằng cách kết hợp các chính sách an ninh, kinh tế và đối ngoại, Trung Cộng đang thúc đẩy mục tiêu tạo nên các liên kết của một phạm vi bá quyền về thương mại, viễn thông, giao thông và an ninh. Nếu các nước vì vậy mà ngập đầu trong các món nợ thì các vấn đề tài chính của họ chỉ càng nối tay cho mưu đồ thực dân mới của Trung Cộng. Các nước hiện vẫn chưa rơi vào bẫy nợ của Trung Cộng nên lưu ý và làm bất cứ điều gì có thể để tránh rơi vào vòng xoáy đó.

Nguồn: Brahma Chellaney, “China’s Debt Trap Diplomacy
Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao

Vài hàng về tác giả: Professor Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách ở New Delhi, Ấn Độ và nghiên cứu tại Học Viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có các cuốn nổi tiếng: Asian Juggernaut, Water: Asia’s New BattlegroundWater, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis….

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt