Chiến lược mới của Mỹ: “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở”

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

TT Donal Trump đọc diễn văn tại Hội Nghị APEC tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam vào năm 2017

Từ khi TT Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017 đến nay, nhiều lãnh đạo ngành ngoại giao, quốc phòng và Phó Tổng Thống Hoa Kỳ liên tục đến thăm các nước Châu Á Thái Bình Dương, gia tăng các cuộc tuần tra trên Biển Đông, chủ nhân Toà Bạch Ốc mời các lãnh đạo các nước Châu Á (Nhật, Ấn, Việt Nam, Singapore, Trung Cộng) đến thăm Hoa Kỳ v.v.. Nhưng chính quyền mới tại Washington chưa đưa ra một sách lược cụ thể nào để trấn an các nước châu Á Thái Bình Dương đang phập phồng lo sợ kẻ láng giềng Trung  Cộng xấu xí…
Nhiều nhà bình luận và truyền thông quốc tế cho rằng ông Trump chỉ thực hiện chiến thuật chứ không có một chiến lược rõ ràng tại Châu Á Thái Bình Dương, trong khi Trung Cộng thì từng bước xâm lược Biển Đông có kế hoạch. Họ tự hỏi không biết ông Trump có còn tiếp tục chiến lược “Tái cân bằng” (Rebalancing) của Tổng Thống Barack Obama hay không? Đáng ngại nhất là ông nhanh chóng rút ra khỏi Hiệp Định Hợp Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bỏ một khoảng trống trên mặt trận kinh tế mà Trung Cộng cho là “bất chiến tự nhiên thành” vì nó phù hợp với chiến lược “Vành đai và Con đường” mà Tập Cận Bình đề xướng để đưa nước Tàu làm chủ thế giới trong thế kỷ thứ 21.

Tổng Thống Trump công du 5 nước Châu Á từ ngày 4 – 14 tháng 11, 2017, đây là chuyến công du châu Á dài nhất trong một phần tư thế kỷ qua của tổng thống Mỹ. Trong chuyến đi này TT Trump sẽ công bố chiến lược mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” tại Đà Nẵng, Việt Nam. Đó là chiến lược tổng thể, trong đó bao gồm cả “Tái Cân Bằng” của TT Barack Obama.

Trọng tâm của chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình dương Tự Do và Rộng Mở”

India-Pacific Freedom and Open (Ấn Độ-Thái Bình dương Tự Do và Rộng Mở) danh từ  tự nó đã nói lên những tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương Sang Thái Bình Dương được tự do đi lại (freedom of navigation) và mở ra theo luật định của quốc tế, không một ai làm chủ. Muốn như vậy, chiến lược “Tự Do và Rộng Mở” cần phải bảo đảm thiết lập hạ tầng cơ sở, cân bằng việc đầu tư thương mại,  tự do hàng hải và ổn định trật tự chính trị dân chủ nhân quyền.

“Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” không những thực hiện trên hai bờ đại dương mà gồm cả các quốc gia ven biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cần phát triển và ổn định chính trị, có thế Hoa Kỳ mới duy trì vị thế Siêu Cường Biển trong thế kỷ thứ 21.

Phát ngôn viên báo chí của Toà Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders tiết lộ rằng TT Trump sẽ đọc diễn văn quan trọng trong Hội Nghị APEC tại Đà Nẵng vào ngày 8 tháng 11, 2017 về sự “Cam kết của ông với các đồng minh và đối tượng hợp tác lâu dài, và Hoa Kỳ tái khẳng định sự lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy Tự Do và Rộng Mở tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” (his commitment to longstanding United States alliances and partnerships, and reaffirm United States leadership in promoting a free and open Indo-Pacific region).

Bà Sander còn cho biết thêm “Trong bài phát biểu, Tổng thống sẽ trình bày tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở  và nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ” (In the speech, the president will present the United States’ vision for a free and open Indo-Pacific region and underscore the important role the region plays in advancing America’s economic prosperity).

Chiến lược rộng lớn này một phần dựa trên chiến lược “xoay trục” của TT tiền nhiệm, và phần chính là thực hiện các trụ điểm: An ninh, kinh tế và dân chủ nhân quyền.

Về lãnh vực an ninh: Phối hợp với các nước Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản-Úc Đại Lợi lập vòng đai an ninh trên tuyến đường biển và đường hàng không xuyên suốt từ Ấn Độ Dương qua các eo biển chiến lược đến Tây Thái Bình Dương.  Đặc biệt đối đầu với Trung Cộng đang âm mưu xâm lấn Biển Đông tạo nên sự rối loạn trên tuyến đường biển chiến lược huyết mạch này.  Muốn thế phải tiếp cận với các nước liên hệ có vùng lãnh hải tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, quốc gia có chủ quyền trên quần đảo Hoàng và Trường Sa đóng vai trò hệ trọng. Có thể vì địa lý chính trị quan trọng này, nên TT Hoa Kỳ dùng địa danh Đà Nẵng để đọc bài diễn văn chiến lược mới của ông: “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở”.
Khi nói đến An ninh trong vùng, các đồng minh tứ trụ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc chú trọng đến chủ thể gây chiến là Trung Cộng nhiều hơn là khủng bố Hồi Giáo hoặc Bắc Hàn chế bom nguyên tử.

Về kinh tế:  TT Trump thăm Nhật nói đến sự chênh lệch cán cân thương mại Nhật-Mỹ (Mỹ mua nhiều bán ít) đã từ lâu. Trong hai ngày 5 và 6 tháng 11 vừa rồi, thăm viếng nước Nhật, TT Trump rất tâm đắc 100% với Thủ Tướng Abe trên nhiều vấn đề, từ chấm dứt vũ khí nguyên tử Bắc Hàn, đến đồng minh lâu dài, đến chiến lược trên biển v.v.. chỉ còn lại một vấn đề mà TT Trump đòi hỏi phải làm sao cân bằng cán cân thương mại Mỹ-Nhật. Đây là điểm mà TT Trump muốn “American Greate Again” (nước Mỹ vĩ đại trở lại) vì muốn làm cho nước Mỹ giàu mạnh về kinh tế thì nền xuất khẩu phải tăng lên.
Chắc chắn đến Trung Cộng, vấn đề chính vẫn là cán cân thương mại chênh lệch quá mức, bắt buộc Trung Cộng phải giải quyết để rút ngắn khoảng cách, đồng thời ông Trump dùng kinh tế là thứ vũ khí để mặc cả với Tập Cận Bình gây sức ép với Bắc Hàn chấm dứt vũ khí nguyên tử. Tại Bắc Kinh, TT Tump cũng đem chiến lược mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” ra nói với Tập Cận Bình rằng sự xâm chiếm Biển Đông là hành động không phù hợp với chiến lược mới. Nên Tập Cận Bình cần bỏ ý định “hình lưỡi bò chín đoạn” hay “giải pháp tứ Sa” mới đây. 

Về dân chủ nhân quyền: Không thể để các quốc gia nằm trên vành đai Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có một chế độ độc tài đi ngược lại với chế độ chính trị ổn định là tự do dân chủ. Chuỗi Ấn Độ-Thái Bình Dương là một dây xích, nếu một trong những móc xích của dây xích này bị vỡ (trên Biển hoặc các nước ven bờ) thì chiến lược sẽ bị đứt đoạn. Vì vậy, khi TT Trump thăm 5 nước Châu Á, thì ngoại trưởng Rex Tillerson thăm Ấn Độ đề cao vài trò Ấn Độ ở châu Á còn quan trọng hơn Trung Cộng, xiết chặt tình đồng minh chiến lược truyền thống (truyền thống vì ông Tillerson cho là hai nước có nền chính trị dân chủ giống nhau). Khi TT Trump nhậm chức thì quan hệ ngoại giao giữa Ấn-Mỹ thắt chặt và thân thiện hơn bao giờ hết, cũng như Nhật-Mỹ, Thủ Tướng Abe rất tâm giao với TT Trump. Còn nước Úc với Mỹ là đồng minh chiến lược lâu đời. Từ đầu năm nay, chúng ta còn thấy các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao Ấn-Nhật gặp gỡ thường xuyên để bàn chuyện hợp tác quốc phòng trên Biển Đông và Ấn Độ Dương. Và Ấn Độ là nước theo chế độ dân chủ duy nhất có ngoại giao với Việt Nam “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” ngang hàng với Nga và Trung Cộng, đây là chiến thuật tạo vây cánh của Mỹ kéo Việt Nam vào móc xích “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở”. Nhìn những sự kiện sắp đặt có hệ thống, ai cũng hiểu rằng đằng sau là đạo diễn Hoa Kỳ.

Gần một phần tư thế kỷ qua, các đời TT tiền nhiệm nước Mỹ  từ Bill Clinton, George W. Bush đến Barack Obama thường nhắc tới an ninh Biển Đông, đưa chiến lược “Tái cân bằng-Xoay Trục” nhưng chưa quyết tâm thực hiện, chưa phản ứng đúng mức nên bị Trung Cộng qua mặt tiếp tục xâm lấn. Họ cũng thường nhắc đến sự chênh lệch cán cân thương mại Mỹ-Nhật và Mỹ-Trung, tuy thế chưa có kế hoạch và hành động cụ thể để rút ngắn sự chênh lệch. Còn về vấn đề tự do nhân quyền, Hoa Kỳ thường lên tiếng về vấn đề vi phạm nhân quyền trong các buổi họp song phương và báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại Giao, mà chỉ đánh bằng nước bọt và giặc giấy, tình trạng phi nhân quyền ở hai nước độc tài Việt Nam, Trung Cộng càng ngày càng gia tăng… Nay, hy vọng TT Trump với cá tính mạnh mẽ, nhìn thấy được tâm địa các nước Cộng Sản còn sót lại nên ông sẽ hành xử thực tế, phối hợp hai mặt trận kinh tế và an ninh buộc Trung Cộng phải lùi bước, từ bỏ mộng bá đồ vương, và buộc Cộng Sản Việt Nam rời khỏi chế độ Cộng Sản “anh em” thì chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” của ông mới có hy vọng thành công. Nếu không thì cũng đi vào vết xe cũ.

Ngày 6 tháng 11, 2017

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt