‘‘Chiến lược An ninh Quốc gia’’ Mỹ: Ưu tiên củng cố dân chủ và siết chặt quan hệ đồng minh
Hôm 03/03/2021, tân chính quyền Mỹ công bố bản “Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời”. Bản chỉ dẫn là cơ sở cho việc soạn thảo Chiến lược An ninh Quốc gia của nước Mỹ, dự kiến sẽ hoàn tất cuối năm.
Về mục tiêu của việc công bố bản “Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” (Interim National Security Strategic Guidance), Tòa Bạch Ốc cho biết là để “truyền đạt tầm nhìn của tổng thống Biden về cách thức mà nước Mỹ sẽ làm việc với thế giới và cung cấp hướng dẫn cho các bộ và các cơ quan để điều chỉnh hành động của mình, khi chính quyền bắt đầu xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia”.
“Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời” khẳng định trước hết là, các mối đe dọa hiện nay, từ đại dịch đến khủng hoảng khí hậu, thách thức về kỹ thuật công nghệ số, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nhân đạo, hay chủ nghĩa bạo lực, khủng bố, vũ khí hủy diệt…, không thể được hóa giải, nếu không có các phối hợp quốc tế.
Bản “Chỉ dẫn” cũng đặc biệt nhấn mạnh đến một thách thức sống còn khác, đó là các nền dân chủ trên toàn cầu, bao gồm cả nước Mỹ, đang trong tình trạng “bị vây hãm”, bị thách thức “từ bên trong”, bởi “nạn tham nhũng, bất bình đẳng gia tăng, phân cực xã hội, chủ nghĩa dân túy và các mối đe dọa phi tự do nhắm vào thể chế nhà nước pháp quyền”.
Để “đảo ngược các xu thế” nguy hiểm nói trên, tân chính quyền Mỹ đặt trọng tâm vào việc Hoa Kỳ trở lại dẫn đầu thế giới bằng “sức mạnh nêu gương”, trước hết với việc nỗ lực hành động để củng cố các trụ cột nền tảng của nền dân chủ trong nước, với việc giải quyết căn bản tình trạng kỳ thị chủng tộc. Thành công của nước Mỹ sẽ trở thành “ngọn hải đăng” cho các nền dân chủ khác.
Trang mạng Nhật Bản NHK đặc biệt chú ý đến việc bản “Chỉ dẫn” cho biết nước Mỹ sẽ tập trung đầu tư vào Hiệp Ước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quan hệ liên minh của tổ chức này với Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc, được coi là “tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ”.
Tài liệu cho biết thêm chính quyền Biden sẽ làm việc có trách nhiệm để chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan và duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông ở mức độ phù hợp, đồng thời “duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu”.
Tài liệu dài 24 trang của Tòa Bạch Ốc cũng khẳng định “sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, cộng tác với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung”.
Theo tin RFI