Chiến lược An Ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ ở Đông Nam Á

Chiến Lược An Ninh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ
Thái Bình Dương đối đầu với Trung Cộng

Vào thứ Sáu tuần trước ngày 11/02/2022 Hoa Kỳ vừa công bố Chiến Lược An Ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific Strategy of United States). Nội dung đưa ra có năm mục tiêu an ninh và kinh tế nhằm kích thích các lợi ích của Hoa Kỳ và các nước trong vùng rộng lớn này.

Tài liệu nhận định tầm quan trọng của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương như sau: “trải dài từ bờ biển Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đến Ấn Độ Dương, là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, gần 2/3 nền kinh tế thế giới và có 7 quốc gia có quân đội lớn nhất thế giới. Nhiều căn cứ và quân nhân Hoa Kỳ trong khu vực này lớn hơn bất cứ vùng nào khác nằm ngoài nước Mỹ. Ấn Độ-Thái Bình Dương tạo ra ba triệu việc làm cho người Mỹ và nhận nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước Mỹ gần 900 tỷ USD. Trong những năm tới, khu vực này thúc đẩy tới 2/3 mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng của khu vực này sẽ tăng lên rất cao – tầm quan trọng của khu vực này đối với Hoa Kỳ cũng tăng lên theo tỉ lệ thuận” (1)

Với quyền lợi kếch xù đó, nay bị đe dọa bởi Trung Cộng, buộc Mỹ phải chiếm giữ nếu muốn tồn tại vị trí siêu cường… không được khinh suất! Chiến lược này còn cho biết đến là sự nối tiếp của nhiều đời Tổng Thống Hoa Kỳ hơn ba thập niên nay từ Bush (Cha), Clinton, Bush (con), Obama, Trump và nay là Biden đồng thời được hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội Hoa Kỳ đồng thuận thúc đẩy.

Chiến lược An Ninh Quốc Gia thường là chương trình hành động đối ngoại của nước Mỹ trong nhiệm kỳ của một Tổng Thống, hiện nay là nhiệm kỳ 4 năm (2020-2024) của Tổng Thống Joe Biden. Chiến lược mới này có nhiều điểm chung với chiến lược trước đó của chính quyền Donald Trump, đặc biệt là có những chi tiết tập trung vào việc chống lại Trung Cộng ngày càng hung hăng và hành động vô pháp luật. Chiến lược khẳng định thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, cũng như khái niệm về một “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở”.

Điểm khác biệt của chiến lược này của nhiệm kỳ ông Joe Biden là nhấn mạnh sự hợp tác với các quốc gia đồng minh và các quốc gia đối tác (partners) cùng hợp tác với Hoa Kỳ để đẩy mạnh chiến lược an ninh ở Đông Nam Á.

Nội dung chiến lược thường nhắc nhiều lần tên các quốc gia đồng minh như Nhật, Úc, Nam Hàn, Philippines, Thái Lan từng ký hiệp ước bất tương xâm với Mỹ trong vùng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, đề cập không ít đến các quốc gia đối tác (partners) quan trọng như Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam. Đồng thời đặt nặng khối ASEAN như là vai trò trung tâm. Để nói lên sự quan trọng của toàn khối ASEAN đối với Mỹ trong chiến lược an ninh này, trong những tháng tới, Mỹ sẽ chủ động đứng ra tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo khối ASEAN và Hoa Kỳ tại thủ đô Washington DC. Việc này trước đây cựu TT Donald Trump đã dự định tổ chức tại Las Vegas vào tháng 3/2020 nhưng không thực hiện được vì đại dịch virus Vũ Hán lúc đó bùng phát rất mạnh và nguy hiểm nên cấm cửa vào Mỹ.

Chiến lược nhiều lần nhấn mạnh đến hai nước đồng minh của Hoa Kỳ là Philippines và Thái Lan song song với Úc, Nhật Bản và Nam Hàn. Đây là sự khác biệt với Chiến Lược An Ninh Quốc Gia trước không thấy nhắc đến hai nước này, có lẽ lúc đó tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines bắt tay thân mật với Trung Cộng, và Thái Lan đang trong giai đoạn quân đội cầm đầu (?) nên hai quốc gia đồng minh này tạm thời đặt nhẹ vai trò.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thường nhắc đến “Răn đe tích hợp” hay còn gọi là “răn đe tổng hợp” như khái niệm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhắc tới để đối phó với Trung Cộng. Nhiều người cho rằng khái niệm “Răn đe tích hợp” được định nghĩa một cách lỏng lẻo, nhưng sẽ làm sáng tỏ trong Văn Bản Chiến Lược Bảo Vệ Tổ Quốc năm 2022 sắp tới do Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ soạn thảo và công bố.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đề cao vai trò các nước trong khối ASEAN như một trung tâm trong khu vực. Đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược này của Mỹ ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Vai trò Bộ Tứ Quad gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn và AUKUS gồm Australia, Anh, Mỹ như hai cột trụ giải quyết các xung đột trong khu vực. Các quốc gia khối ASEAN sợ vai trò to lớn của Quad làm lu mờ khối ASEAN, cho nên trong buổi họp thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao Quad ở Melbourne nước Úc đã ra một tuyên cáo thể hiện rõ ràng vai trò của Quad để cho các nước khối ASEAN yên tâm. Tuyên cáo này được công bố ở Melbourne nước Úc chỉ trước vài giờ công bố Chiến Lược An Ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Washington DC.

Về kinh tế trong Chiến Lược An Ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương công bố ngày 11/02/2022 chưa nói rõ các chi tiết về quy chế kinh tế trong vùng này. Lời hứa hẹn sẽ được làm rõ trong một văn kiện của hội nghị APEC mà Hoa Kỳ tình nguyện tổ chức vào năm 2023, đây là một dấu hiệu cam kết về việc xây dựng các quy tắc kinh tế. Nó sẽ làm khung sườn cho các chính quyền các nước trong việc đàm phán nguyên tắc kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương IPEF (Indo-Pacific Economic Framework) trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng, giải trừ thải khí carbon, nền kinh tế kỹ thuật số, chống tham nhũng, các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, cùng các vấn đề khác… IPEF sẽ cung cấp tin tức chi tiết về những vấn đề đó, IPEF cũng sẽ cung cấp những chi tiết về những lợi ích và những vấn đề cấp bách nhất về Chiến Lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngày 17 tháng 02, 2022

Lê Thành Nhân


(1)
https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt