Chế độ toàn trị Trung Cộng và Nga chưa bao giờ nguy hiểm như bây giờ

Tổng thống Nga-Putin và Chủ tịch Trung Cộng-Tập Cận Bình tại một hội nghị quốc tế

Các chế độ toàn trị Trung Cộng và Nga, hiện trong thế phòng thủ sau những thất bại gần đây, chưa bao giờ lại tỏ ra nguy hiểm như thời điểm đầu năm 2016 này. Theo ghi nhận của François Hauter, nhà văn – nhà báo, nguyên chủ bút tờ Figaro, tác giả bài “Gió lạnh thổi tại Trung Cộng và Nga” (Vents glacés sur la Chine et la Russie), được Le Temps (tháng 2/2016) đăng tải. 
Tin xấu đầu tiên trong năm 2016: tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố là Hoa Kỳ và do vậy cả các đồng minh phương Tây của họ, là một “mối đe dọa” đối với nước Nga.

Tuyên bố hung hăng này, bất hạnh thay lại chính là đặc trưng chính sách tuyên truyền của chế độ Nga đương đại. Người đứng đầu điện Kremlin giải thích với 140 triệu đồng bào rằng cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hai năm vừa qua, các trừng phạt của phương Tây hay thậm chí những bất hạnh của của nước Nga, tất cả đều do Hoa Kỳ gây ra. Những hiện tượng kể trên chẳng liên quan gì đến việc giá khí đốt và dầu lửa sụt giảm, bạn bè, người thân của nguyên thủ Nga vơ vét tài sản của Nhà nước hay việc ông Putin đã đưa nước Nga vào tình trạng bị cô lập…

Chủ nghĩa dân tộc hung hãn

Cơn gió độc chủ nghĩa dân tộc hung hãn này không chỉ thổi qua đất nước Nga mà thậm chí cả ở Trung Cộng. Nước này tự khép mình như một con sò trước những ảnh hưởng từ bên ngoài. Có vẻ như từ đầu năm 2016, sau khi cùng nhau phô trương sức mạnh cơ bắp của mình, cả hai chế độ toàn trị lớn nhất trên thế giới này đều có nhu cầu cấp bách “sáng tạo” ra các kẻ thù, để tự cứu chính mình. Kinh tế của hai quốc gia này đều đang lung lay và chính quyền của hai nước, hiện trong thế phòng thủ, đều tỏ ra hung hăng một cách nguy hiểm. 

Vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, triết gia Trung Cộng Mạnh Tử (Mencius) từng giải thích rằng chính quyền chỉ như chiếc thuyền mỏng manh trên mặt biển. Biển ở đây là dân chúng. Một khi biển dậy sóng – tức là khi dân chúng bất mãn, thì giới chức quyền nên tự rút lui hoặc phải tìm ra thủ phạm.

Sự rồ dại của chính sách tập thể hóa

Khi nhận thấy các vụ mùa bị thất thu nghiêm trọng do chính sách tập thể hóa điên rồ, Stalin đã ra lệnh xử bắn các nhà khí tượng học. Putin thì tân tiến hơn: các đối thủ của ông nếu không bị đưa vào các trại tâm thần thì cũng bị ám sát một cách bí ẩn ở Luân Đôn và Matxcơva. Như vậy, chỉ còn có Putin là người duy nhất được nói tại Nga. Khi chính sách của Mao Trạch Đông đã làm cho Trung Cộng rơi vào nạn đói và đẩy đảng Cộng Sản đến bờ vực thẳm, thì ông ta tấn công Khổng Tử bằng cuộc “Cách Mạng Văn Hóa“. Tập Cận Bình tỏ ra tân tiến hơn khi núp sau cái bóng của Khổng Tử để ngăn chặn những “ảnh hưởng tiêu cực” từ bên ngoài vào.

Tại Trung Cộng, giai đoạn chấm dứt thời kỳ “30 năm vinh quang” đầy nguy hiểm. Vì không còn tỷ lệ tăng trưởng GDP 10% hàng năm để bảo đảm tạo công ăn việc làm đầy đủ. Trung Cộng sẽ còn có thể phá giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, nhưng chính sách này cũng có giới hạn của nó. Mặc dù hàng trăm triệu người dân Trung Cộng đã thoát khỏi đói nghèo, nhưng công lý vẫn chỉ là công lý của một đảng duy nhất, nền kinh tế còn ở giai đoạn chủ nghĩa tư bản sơ khai, môi trường bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, giá nhân công không còn sức cạnh tranh nữa, bất động sản hụt hơi, các cơ sở hạ tầng lớn đã được xây dựng, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và thị trường chứng khoán thì như một sòng bài khổng lồ.

Năm 2001, có 100 ngàn vụ biểu tình phản đối, thì đến năm 2014, đã có 800 ngàn vụ. Ngân sách dành cho lực lượng an ninh nội địa cao gấp hai lần ngân sách quân sự. “Giấc mơ Trung Hoa” về một sự “phát triển hài hòa”, như ông Tập từng hứa, nay gây ra vô số nạn nhân ung thư phổi. Mọi tự do tư tưởng đều bị vùi dập. Núp sau vẻ ngoài của sự hiện đại hóa, đảng Cộng Sản Trung Cộng đóng cửa đất nước để chống lại những tư tưởng bên ngoài. Điều này minh chứng cho trạng thái căng thẳng và dễ bị thương tổn của Trung Cộng.

Sự sụp đổ của đồng Rúp (đồng tiền Nga)

Nền kinh tế Nga không tốt đẹp hơn. Ngoài Matxcơva và Saint-Peterburg, thu nhập trung bình của một nhân công là 300 đô la/tháng. Mức lương này thậm chí còn giảm 10% trong năm 2015. Khi đồng rúp bị mất giá (đã qua rồi các thời dân Nga được hưởng những kì nghỉ giá rẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Thái Lan), một chiếc điện thoại có giá bằng 2-3 tháng lương, giá thực phẩm tăng vọt và giới doanh nhân thì phàn nàn vì không còn thị trường xuất khẩu.

Tham nhũng ở Nga thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Nigeria. Theo phân tích của Karen Dawisha (tác giả cuốn “Chế độ đạo tặc của Putin, ai sở hữu nước Nga“, Simon và Schulster, 2014), các tài nguồn năng lượng của nước này (trị giá 1.6 nghìn tỷ đô la trong giai đoạn 2000 – 2011) đã bị đánh mất. Không có một đường cao tốc nào giữa các thành phố lớn được xây dựng trong giai đoạn này. Với nước Nga, tự cung tự cấp lương thực là một huyền thoại, bởi vì không thể thực hiện cung ứng liên vùng mà không có cơ sở hạ tầng.

Không ai vui mừng về tình hình thê thảm này vì chúng mang mầm mống của khủng hoảng, thậm chí những cuộc xung đột trong tương lai. Những chế độ toàn trị chưa bao giờ sụp đổ mà lại không tái diễn và làm trầm trọng thêm những hậu quả mà chúng đã gây ra trước đó.

Những cuộc chiến nhỏ của triều đại đỏ

Tại Bắc Kinh, cho đến lúc này, triều đại đỏ đã tránh thoát được khủng hoảng bằng cách tiến hành các cuộc chiến tranh nhỏ chống lại các nước láng giềng, có nghĩa là tìm cách tập hợp người dân để chống lại những “mối đe dọa bên ngoài”, như đến từ Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam. Việc Trung Cộng sáp nhập các vùng biển của Brunei, Việt Nam, Philippin hay Malaysia, bằng cách xây bồi các đảo nhân tạo là điềm báo trước xẩy ra các xung đột trong tương lai tại Biển Đông. Đằng sau Nhật Bản và Việt Nam, tất cả các cường quốc khu vực đều đang trong tình trạng chuẩn bị.

Tại Mátxcơva, Putin cũng dùng những thủ đoạn tương tự với các hoạt động tại Ukraina. Tại Syria, vì đã trang bị vũ khí cho chế độ Assad từ nhiều năm nay, rõ ràng Putin phải là người chịu trách nhiệm chính về các vụ thảm sát ở nước này. Những toan tính chia rẽ phương Tây thông qua việc liên kết với những lực lượng chính trị mị dân của phương Tây, từ Donald Trump đến các chính trị gia dân túy châu Âu, chỉ đánh lừa được những kẻ ngu ngốc.

Chế độ toàn trị tại Trung Cộng và Nga, trong tư thế phòng thủ sau những thất bại, lại càng tỏ ra nguy hiểm hơn vào đầu năm 2016 này. Chẳng có gì tốt đẹp để mong đợi từ các chế độ này: bởi vì chính nền dân chủ đe dọa các thể chế toàn trị và các chế độ toàn trị chống lại nền dân chủ. Họ thù ghét lối sống của chúng ta.

Điểm báo Pháp của RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt