Châu Âu mong gì từ hai ứng viên TT Mỹ ?
Trong khi Mexico và Trung Cộng đã nắm tương đối rõ đường lối của Donald Trump trong tương lai với các nước này nếu ông đắc cử, thì các nhà lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu hầu như chưa thể đoán định được tương lai mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.
Vậy, đâu là “Điều Châu Âu trông chờ từ hai ứng viên Nhà Trắng” ? Nhật báo Le Monde ngày 19/09/2016 nhận định trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, chưa bao giờ hoặc hầu như chưa bao giờ hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đề cập về châu Âu.
Mùa hè năm nay, Donald Trump đã dọa là Mỹ sẽ không trợ giúp cho các nước châu Âu không tôn trọng cam kết tài chính liên quan tới NATO. Điều này khiến các nước Đông Âu lo ngại cho an ninh quốc gia của họ, vì các nước này lệ thuộc vào NATO, trong khi sự đe dọa từ Nga ngày càng gia tăng. Ba Lan được coi là một nước thân Mỹ, đề xuất của Donald Trump làm cho Ba Lan đặc biệt lo sợ và họ cảm thấy bị Mỹ phản bội, bỏ rơi. Tuy nhiên, ông Rahsaan Maxwell, giáo sư chính trị học ở Đại học Bắc Carolina, trấn an châu Âu là Donald Trump không theo một hệ tư tưởng nhất định nào, ông ấy có thể thay đổi ý kiến về bất cứ chủ đề nào, “Ông ấy không ngu ngốc và rất thực dụng”.
Nhìn một cách tổng quát, Donald Trump muốn sang trang mọi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và xem xét lại các định chế đa phương đang thống trị thế giới (NATO, Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế). Ông Patrick Chamorel, giáo sư quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Đại học Stanford, California nhận xét là ông Donald Trump “đi ngược lại đường lối quốc quốc tế hóa và đa phương hóa” của đảng Cộng Hòa. Việc ông ngưỡng mộ Vladimir Putin và nước Nga cũng không phù hợp với truyền thống của đảng Cộng Hòa. Giáo sự Chamorel cho biết thêm : “Ông ấy khiến người ta lo ngại về việc ký kết các thỏa thuận trực tiếp với Nga, đẩy châu Âu ra khỏi các hồ sơ quan trọng về Trung Đông”.
Ngược lại, bà Clinton luôn tỏ ra khó chịu trong quan hệ với Vladimir Putin. Bị xem là theo chủ trương quân sự hung hăng hơn tổng thống Barack Obama, cách đây hai năm, bà Clinton đã cố gắng siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, đó cũng không phải là tin vui đối với Tây Âu, đặc biệt là Đức. Chính quyền của bà Thủ Tướng Angela Merkel đánh giá là đã có quá nhiều biện pháp trừng phạt và sợ là Châu Âu phải trả giá đắt về kinh tế, chẳng hạn như giảm sút xuất khẩu từ châu Âu sang Nga, hay giảm sút nguồn cung ứng năng lượng từ Nga sang châu Âu.
Hơn nữa, đa số các cường quốc Châu Âu đều cho rằng việc mềm mỏng hơn trong quan hệ với Nga sẽ có thể phát triển một lợi thế khác, đó là tạo ra một mặt trận thống nhất để chống Hồi Giáo cực đoan. Giáo sư Patrick Chamorel kết luận là “Nếu bà Hillary Clinton muốn cứng rắn hơn trong quan hệ Mỹ – Nga, điều đó sẽ bất lợi cho Đông Âu”.
Thử thách cho Hillary Clinton, mối lợi bất ngờ cho Donald Trump?
Nước Mỹ lại rúng động sau hàng loạt vụ nổ khiến 29 người bị thương tại New York. Nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi liệu các vụ nổ bom này có phải là “một thử thách cho bà Hillary Clinton nhưng lại là mối lợi bất ngờ cho Donald Trump?” .
Các vụ nổ diễn ra chỉ một ngày trước cuộc họp của Liên Hiệp Quốc quy tụ các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Le Figaro nhận định đây không chỉ là thách thức cho lực lượng an ninh Mỹ, mà còn là sự kiện lớn có thể tác động mạnh mẽ tới kết quả cuộc bầu cử thổng thống tới đây.
Không cần chờ đợi chính quyền tiểu bang New York khẳng định tính chất “cố ý” của các vụ nổ ở thành phố này, chỉ 40 phút sau vụ nổ ở khu Chelsea, ông Donald Trump đã kết luận đây là vụ khủng bố. Ông nói: “Một quả bom đã phát nổ ở New York và không ai biết điều gì đang xảy ra. (… ) Chúng ta phải cương quyết, rất cương quyết. Những gì đang xảy ra trên thế giới và tại đất nước của chúng ta thật là kinh khủng. Chúng ta sẽ phải cứng rắn, khôn ngoan và rất cảnh giác”.
Trong khi đó, bà Hillary tỏ ra thận trọng hơn. Ba giờ sau vụ nổ, khi cảnh sát vừa tuyên bố chưa xác định đươc chắc chắn nguyên nhân vụ nổ, bà Hillary Clinton phát biểu: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nắm rõ sự việc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp cứu và các nhà điều tra hiện đang cố xác định rõ điều gì đã thực sự xảy ra. Tôi cũng tin rằng nên chờ đợi để có thêm thông tin trước khi kết luận”.
Theo Le Figaro, phản ứng trái ngược của hai ứng viên tổng thống cũng thể hiện sự đối lập trong chương trình tranh cử của họ. Ứng viên đảng Cộng hòa “chơi lá bài uy lực và quyết tâm”, còn ứng viên đảng Dân Chủ “chơi lá bài năng lực và sự khôn ngoan”.
Ông Donald Trump sẽ nỗ lực để khai thác yếu tố có thể sẽ mang lại thất bại cho chính quyền Dân Chủ sau khi đảng này cầm quyền liên tục tám năm, trong đó bà Hillary giữ chức ngoại trưởng.
Tuy nhiên, ông Donald Trump cũng cần có thêm nhiều thông tin, chẳng hạn như tác giả hay các tác giả của vụ tấn công này là người Mỹ hay người nước ngoài? Đây là các vụ tấn công kiểu sói đơn độc hay do các thành viên của một mạng lưới khủng bố gây ra? Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có đứng ra nhận trách nhiệm vụ nổ bom này cũng như vụ tấn công bằng dao nhắm vào 8 người ở Minnesota tối thứ Bảy vừa rồi?
Để đối phó với các tình huống khác nhau, nhiều phương án đã sẵn sàng để ông Donald Trump lựa chọn: đóng cửa biên giới đối với người nhập cư trái phép, không cho phép di dân người Hồi Giáo đặt chân đến Mỹ, quay trở lại cương lĩnh “luật pháp và trật tự”, hợp pháp hóa các biện pháp tra tấn, hứa hẹn hợp tác với Vladimir Putin để tiêu diệt Daech, tăng cường sức mạnh quân đội …
Các biện pháp mà bà Hillary chuẩn bị đề xuất sẽ đáng tin cậy hơn nhưng chắc chắn sẽ ít đanh thép hơn. Để tấn công ông Donald Trump, hôm trước, ông Tim Kaine, người mà bà Clinton chọn làm phó tổng thống nếu bà đắc cử, đã nhấn mạnh là muốn cuộc chiến chống khủng bố có kết quả tốt thì phải dựa vào cơ quan tình báo: “Nếu không phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ yếu đi chứ không thể mạnh lên”.
Le Figaro lưu ý là sự đáng tin cậy của các phản ứng của các ứng viên sau vụ tấn công xảy ra ngày hôm qua cũng quan trọng không kém gì sức mạnh của họ. Trên thực tế, trước đây, do quá phô trương các biện pháp có sử dụng vũ lực, ông Donald Trump đã nhiều lần đi chệch đường.
Thùy Dương