Châu Âu làm được gì để chống Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông ?

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hòn đảo trong Trường Sa, đánh dấu nơi có thể Trung Quốc đặt trạm radar. (Ảnh do Viện CSIS phổ biến ngày 23/02/2016).

Cuối tháng Hai vừa qua, một nhóm học giả, chuyên gia hoạch định chính sách và quan chức chính phủ, trong đó có nhiều người đến từ châu Âu, đã họp lại tại Rangoon (Miến Điện) để thảo luận về các thách thức chiến lược tại vùng Đông Nam Á, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trong một bài viết đăng trên trang web tạp chí Mỹ Forbes vào hôm  06/03/2016, chuyên gia Úc John Lee, giám đốc Học Viện An Ninh Khu Vực tại Canberra đã nêu bật những gì mà châu Âu có thể làm được, đặc biệt là trong việc ngăn không cho Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, khuấy động tình hình ổn định trong khu vực.

Đối với chuyên gia Úc này, điểm cần ghi nhận đầu tiên là châu Âu thường không được chú ý mỗi khi quốc tế bàn về các vấn đề địa lý chiến lược vùng châu Á. Lý do rất dễ hiểu. Ngoại trừ Anh Quốc và Pháp là hai nước có tiềm lực triển khai lực lượng tại các chiến trường xa xôi, các nước còn lại chỉ có thể quanh quẩn chung quanh lục địa châu Âu mà thôi.

Ngay cả Anh và Pháp, hai nước này cũng không có nhiều cơ sở trong vùng Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đang muốn lao vào tranh giành vai trò cường quốc khu vực số một, chống lại siêu cường đang tại vị là Hoa Kỳ.

Thế nhưng, đối với với chuyên gia John Lee, không phải là châu Âu hoàn toàn không thể làm được gì cho việc cải thiện tình hình khu vực. Vấn đề là phải biết biến những gì thường được xem là nhược điểm của châu Âu, thành thế mạnh.

Nhược điểm nổi bật nhất là sự hiện diện khiêm tốn của châu Âu về mặt chiến lược và quân sự trong khu vực. So với các cường quốc khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và trong chừng mực nào đó là Ấn Độ, thì trên hai phương diện này, trọng lượng của châu Âu chẳng là bao. 

Thế nhưng, chính vì là bên không có quyền lợi chiến lược và quân sự trong vùng mà châu Âu có thể được công nhận là một tiếng nói vô tư, không thiên vị (ít ra là về hình thức). Liên Hiệp Châu Âu, trong tư cách là một khối, hay một nước nào đó, có thể tranh thủ điều này để đề ra, hay đứng ra bảo trợ cho một sáng kiến đa phương, để lên án mọi hành vi sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Châu Âu cũng có thể lên án các quốc gia xây dựng đảo nhân tạo và các cấu trúc khác trong vùng biển tranh chấp, và khiển trách bất kỳ quốc gia nào không chịu dùng luật pháp quốc tế để biện minh cho đòi hỏi chủ quyền của mình, không chịu để cho các cơ quan luật pháp quốc tế phân xử.

Đối với chuyên gia John Lee, châu Âu đã chấp nhận tất cả các nguyên tắc nêu trên, nhưng Liên Hiệp Châu Âu hay từng thành viên một, vẫn chưa thực sự đứng ra bảo vệ các nguyên tắc đó, đặc biệt là trước mặt Trung Quốc.

Dĩ nhiên là cho đến nay, nhiều nước đã có đề cập đến các vấn đề trên với Bắc Kinh, nhưng không thành công. Mỗi khi bị chỉ trích, Trung Quốc thường phản bác ngược lại rằng các nước phê phán đi theo lập trường của Mỹ và đồng minh muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thế nhưng, đối với nhà nghiên cứu John Lee, châu Âu đang có một lợi thế có thể nói là độc nhất vô nhị để phê phán lập trường của Trung Quốc. Châu Âu không có tranh chấp lãnh thổ với các nước trong vùng, tổ chức NATO chỉ có nhiệm vụ đối với châu Âu, và không một nước châu Âu muốn mình bị coi là tay sai hoặc bù nhìn của Mỹ – điều mà Bắc Kinh thường dùng để gán cho Nhật Bản và Philippines.

Bắc Kinh do vậy khó có thể cáo buộc châu Âu có động cơ xấu khi phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tin RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt