Châu Á sẽ nóng thêm sau phán quyết về vụ kiện Biển Đông
Tờ Financial Review của Úc hôm nay, 12/07/2016, đã trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia châu Á báo động về tác động của phán quyết về vụ kiện Biển Đông lên tình hình châu Á. Những ý kiến này được trích ra từ các cuộc phỏng vấn được trang Asialink của Đại học Melbourne, Úc đăng tải.
Đối với chuyên gia Termsak Chalermpalanupap, thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á- Yusof Ishak, Singapore, việc Tòa Án Trọng Tài Thường Trực bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh thêm giận dữ và càng đẩy nhanh việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo tại các vùng đang tranh chấp ở Biển Đông.
Bà Elina Noor, giám đốc nghiên cứu an ninh và chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, Malaysia, cũng quan ngại là sau phán quyết của Tòa hôm nay, căng thẳng ở Biển Đông sẽ gia tăng và trầm trọng thêm, với việc Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo, một hành động theo bà là “vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC”. Bà Elina Noor cũng dự báo Bắc Kinh sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông và đưa thêm nhiều tàu xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Về phần mình, ông Ngeow Chow Bing, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, Malaysia, thì lo ngại là một phán quyết có lợi cho Philipines sẽ đẩy Trung Quốc đến tâm lý “một mình đương đầu với nhiều người”, với Philippines và rồi các nước tranh chấp khác trong ASEAN liên kết với hai đối thủ truyền thống của Bắc Kinh là Mỹ và Nhật tạo thành một mặt trận chống Trung Quốc. Theo vị chuyên gia này, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại về địa chính trị.
Cũng quan ngại không kém, ông Suchit Bunbongkarn, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Thái Lan, dự báo là việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh khu vực. Theo ông, phán quyết của Tòa Án Trọng Tài sẽ không giải quyết xung đột mà sẽ làm vấn đề thêm gay gắt.
Từ góc độ của Jakarta, ông Evan Laksmana, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Indonesia, cho biết nước này sẽ theo dõi sát phản ứng của Trung Quốc và sự leo thang căng thẳng có thể xảy ra ở Biển Đông. Dầu sao thì Jakarta sẽ tìm cách khai thác phán quyết ra hôm nay vì phán quyết này củng cố vị thế của Indonesia nếu nước này cũng đệ đơn kiện về những vụ đánh cá trái phép của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Còn chuyên gia Lee Poh Ping, thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, thì lo ngại về một phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Ông cũng sợ rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ dùng phán quyết này để thi hành chiến lược “bao vây” Trung Quốc, với lý do Trung Quốc là một quốc gia “côn đồ”, xem thường luật pháp quốc tế. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh sẽ phản pháo bằng cách lôi kéo các nước Đông Nam Á khác.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển và Chiến lược, Philippines, ông Herman Kraft cũng dự đoán là sau phán quyết hôm nay, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động trên Biển Đông, đi xa hơn những gì mà họ đã làm để xác quyết chủ quyền trước khi có phán quyết. Theo chuyên gia này, nếu Việt Nam và Philipines đáp trả cái mà họ xem như là chiến thuật hù dọa của Trung Quốc, cộng thêm với việc hải quân Hoa Kỳ can dự nhiều hơn, điều này có thể tại ra một môi trường thù nghịch mà trong đó mọi quyết định vội vã có thể dẫn đến khủng hoảng.
Phó chủ tịch Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nayang, Singapore, chuyên gia Ong Keng Yong thì quan ngại cho sự đoàn kết nhất trí của khối ASEAN vì phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết hôm nay sẽ gây khó khăn cho việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, việc thực thi DOC trên nguyên tắc sẽ dẫn đến một bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc pháp lý hơn. Tân chính phủ Philippines có thể sẽ buộc có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc và điều này sẽ gây mất đoàn kết nội bộ ASEAN, cản trở sự đồng thuận trong việc ra các quyết định của khối này.
Thanh Phương