Châu Á: Mỹ làm rõ chiến lược mới với vai trò quan trọng của Ấn Độ

Phụ tá ngoại trưởng Mỹ, đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Alex Wong.

Washington đã đề cập nhiều đến khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương, thay cho khái niệm cũ là châu Á-Thái Bình Dương, với chủ trương được tuyên bố là thiết lập một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do. Ngày 02/03/2018, chiến lược châu Á mới của Mỹ đã được làm rõ, với yếu tố nổi bật là vai trò của Ấn Độ được coi trọng.

Phát biểu với báo chí tại Washington, ông Alex Wong, phụ tá ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã giải thích rõ hơn về chiến lược của chính quyền Donald Trump ở khu vực được gọi là Ấn Độ – Thái Bình Dương mà mục tiêu là tạo ra được một vùng “tự do (free) và mở (open)”.

Theo nhân vật này, ý nghĩa của thành tố tự do trong chiến lược của Mỹ nằm ở chỗ là Hoa Kỳ muốn các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tự do theo đuổi con đường mình chọn mà không bị bất cứ một sự ép buộc hay cưỡng bức nào từ một nước khác.

Còn ở cấp độ quốc gia, Mỹ muốn các nước trong vùng ngày càng được tự do hơn, quản trị tốt hơn, bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, minh bạch và chống tham nhũng.

Về thành tố mở ở trong chiến lược mới này, ông Alex Wong xác định rõ là Mỹ muốn nói đến các tuyến giao thông trên biển và trên không phải cũng phải được tự do, không bị bất kỳ ngăn trở nào. Các tuyến đường biển là huyết mạch của khu vực, với 50% lượng giao thương quốc tế đi qua Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là qua Biển Đông. 

Thành tố kinh tế của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng được quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ nêu bật khi ông khẳng định rằng Washington muốn giúp phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng hội nhập khu vực và tăng trưởng kinh tế. Mỹ cũng muốn một môi trường đầu tư thông thoáng, thương mại công bằng trên cơ sở bên nào cũng có lợi.

Alex Wong đặc biệt giải thích vì sao Mỹ lại dùng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương thay vì châu Á – Thái Bình Dương như các chính quyền Mỹ tiền nhiệm. Theo ông, thực tế đang cho thấy là Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng ở Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á.

Chính vì vậy mà việc Ấn Độ gia tăng vai trò trong toàn khu vực mang lại lợi ích cho nơi đây: “Ấn Độ là quốc gia đã hết sức quan tâm đến một trật tự mở và tự do. Ấn Độ là một nền dân chủ có thể trở thành mỏ neo cho trật tự mở và tự do ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Quan chức ngoại giao Mỹ không ngần ngại khẳng định : “Chính sách của Mỹ là bảo đảm sao cho Ấn Độ thực hiện được vai trò đó, và dần dần trở thành một tác nhân có ảnh hưởng lớn hơn trong vùng“, điều mà theo ông, đã được thấy gần đây khi thủ tướng Ấn Độ Modi mời các lãnh đạo ASEAN đến New Delhi để củng cố thêm quan hệ.

Đối với người chuyên trách châu Á tại bộ Ngoại Giao Mỹ, thì chiến lược mới của Mỹ hoàn toàn không nhằm đối phó với Trung Quốc, bởi vì theo ông, bản thân khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã lớn hơn Trung Quốc nhiều, ví dụ như về mặt dân số, các nước ASEAN và Ấn Độ cộng lại đã có 1.8 tỉ dân.

Tóm lại, theo phụ tá ngoại trưởng Mỹ về châu Á, sau giai đoạn giới thiệu chính sách châu Á mới của mình, giờ đây đã đến giai đoạn triển khai chiến lược.

Trọng Nghĩa

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt