Châu Á hiện nay tương tự như châu Âu trước thế chiến thứ I

Bài của Ishaan Tharoor (*)

Tuần báo Time (02 năm 2013)

Người dịch: Phạm Nguyên Trường

Mặc dù chẳng ai muốn thấy xung đột ở châu Á, nhưng số người bi quan và hốt hoảng đang gia tăng từng ngày. Sự ngóc đầu dậy về mặt địa chính trị của Trung Quốc là bóng ma đang săn đuổi lục địa này. Chính phủ các nước xa gần đang cảnh giác quan sát siêu cường phi dân chủ đang lên tìm cách bảo vệ địa vị của mình trên trường quốc tế và ngầm thách thức học thuyết Hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana) có từ năm 1945. Một số nước đã vướng vào những cuộc tranh cãi cực kỳ căng thẳng với Bắc Kinh: trong mấy năm vừa qua, những cuộc tranh cãi không ngưng nghỉ về những hòn đảo hoang ở phía nam và đông Trung Quốc đã làm xấu đi mối quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines.

Bầu không khí căng thẳng đến mức làm người ta nhớ đến giai đoạn hiểm nghèo cách đây đúng một trăm năm trước. Trong tuần này, hai ông cựu Bộ trưởng Ngoại giao của hai nước châu Á (ý nói Australia và Hàn Quốc, xem bên dưới – ND) trong những bình luận riêng biệt, cùng so sánh châu Á với châu Âu lúc đó cũng bị vướng vào những vụ xung đột và liên minh trước Thế chiến I. Biển Đông – vùng biển chiến lược quan trọng nhất mà Trung Quốc coi là “nội thủy” của mình, làm cho các lân bang nổi giận – giống như khu vực Balkans cách đây 100 năm: nó giống như một thùng thuốc súng có thể tạo ra một đám cháy lớn trên một khu vực, nếu không phải là một cuộc chiến tranh thực sự. Cựu Thủ tướng và cựu Ngoại trưởng Australia, ông Kevin Rudd nói:

Giống như khu vực Balkans một trăm năm về trước, bị chia rẽ bởi những liên minh chồng lấn lên nhau, bị chia rẽ bởi lòng trung thành và thù hận, tình hình chiến lược của Đông Nam Á hiện nay rất phức tạp. Ít nhất có sáu nước hay thực thể chính trị hiện đang tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc, ba trong số đó là những đồng minh chiến lược gần gũi với Mỹ.

Quyền lực của Washington ở khu vực Thái Bình Dương được cho là đang đi xuống, trong khi sức mạnh của Trung Quốc lại đang gia tăng, tạo ra bối cảnh cho những vụ tranh cãi về lãnh thổ hiện nay. Luật chơi trong khu vực đang có biến đổi và sự không chắc chắn làm gia tăng nguy cơ đối đầu. Ông Yoon Young-kwan, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc, vừa chỉ ra một sự tương đồng nữa giữa châu Á ngày nay với châu Âu thời đầu thế kỉ XX:

Lúc đó sức mạnh tương đối của Anh cũng đang xuống dốc; trong khi từ ngày thống nhất, sức mạnh của Đức lại đang đi lên. Tương tự như thế, ít nhất là sức mạnh kinh tế của Mỹ và Nhật Bản dường như cũng bắt đầu đi xuống, đấy là nói nếu so với Trung Quốc. Những vụ thăng trầm quyền lực lớn thường tạo ra những thời đại, trong đó các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt có thể có những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại. Việc thiếu kiểm soát quan hệ quốc tế trong những giai đoạn khủng hoảng như vậy thường dẫn tới những cuộc chiến tranh lớn.

Tôi không biết gì về con tàu đánh cá của Việt Nam có tên là Đại công tước Archduke Franz Ferdinand, cũng như không biết gì về bãi ngầm mang tên Sarajevo. Hiện nay ngành ngoại giao đang làm việc: tuần vừa rồi Tokyo đã gửi đến Bắc Kinh vị đại diện để trao tận tay bức thư của ông Shinzo Abe – Thủ tướng Nhật Bản – cho nhà lãnh đạo Trung Quốc là ông Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình đã đồng ý xem xét khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh để bàn về tranh chấp lãnh thổ. Trong khi những bàn tán về chiến tranh có thể là hơi quá đáng, nhưng rõ ràng là có lý do để lo lắng. Lý do chính là chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trên toàn khu vực. Từ Nhật Bản đến Ấn Độ và hầu như tất cả các nước nằm trong khu vực này, ngôn từ hiếu chiến đã và đang được đẩy lên. Ông Tập Cận Bình – nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc – hứa sẽ không có nhượng bộ về tuyên bố chủ quyền trên những vùng lãnh thổ đang bị các nước khác tranh giành; trong khi đó, một số sĩ quan hiếu chiến của Trung Quốc hiện nay có thể tuyên bố rằng họ có thể “tấn công phủ đầu” và có thể tiến hành một cuộc “chiến tranh quyết liệt, chớp nhoáng”.

Có thể thấy sự đồng vọng của nước Đức hồi cuối thế kỷ XIX trong sự tự tin như thế của Trung Quốc. Các nhà sử học đã chỉ ra được những sự tương đồng giữa nhà nước toàn trị Trung Quốc với nước Đức do nhà thiết kế người phổ, ông Otto von Bismarck, lập ra. Chủ nghĩa dân tộc đầy kiêu ngạo của Hoàng đế Wilhelm II không phải là điều xa lạ với Trung Quốc hiện nay, trong khi Bắc Kinh lại rất khéo léo trong việc thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa nhằm làm át đi những tiếng thét phản đối của dân chúng. Cho nên đừng lấy làm ngạc nhiên nếu câu nước Đức của Wilhelm lại xuất hiện trên các tờ xã luận.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang tập trung vào những vấn đề đối nội – đất nước này đang phải đối mặt với những áp lực cực kỳ lớn nhằm giữ vững được tốc độ phát triển như vũ bão của họ, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và đáp ứng được những lời kêu gọi về cởi mở chính trị hơn nữa. Chính sách đối ngoại cứng rắn có thể trở thành cái van xả bớt tình trạng căng thẳng ở trong nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, đăng trên số ra tuần tước của tờ Time, ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore và cũng là một chính khách lão luyện của châu Á, đã nói tới “cảm thức về sứ mệnh đã thức dậy” trong những người dân Trung Quốc – mà ông Lý cho rằng sẽ là “lực lượng không gì cưỡng lại được”. Ông còn nói thêm:

Liệu nước Trung Quốc đã công nghiệp hóa và mạnh mẽ có tử tế với Đông Nam Á như Mỹ kể từ năm 1945 hay không? Singapore không tin… [Các lân bang] tỏ ra lo lắng về sự kiện là Trung Quốc có thể muốn xác lập lại vị thế đế quốc mà họ từng có trong những thế kỷ trước đây.

Và đấy là giai đoạn lịch sử mà không có lân bang nào của Trung Quốc muốn lặp lại.

I.T.


(*) Ishaan Tharoor là cây viết của tạp chí TIME (Mỹ) và đồng biên tập tạp chí TIME World, có trụ sở ở thành phố New York.

Nguồn bản gốc: A Sea of Troubles: Asia Today Compared to Europe Before World War I

http://world.time.com/2013/02/01/a-sea-of-troubles-asia-today-compared-to-europe-before-world-war-i/

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt