Chân dung một người Việt Quốc

Cố đồng chí Lê Hưng

Cố đ/c VNQDĐ Lê Hưng

Khi đồng chí Lê Hưng qua đời, mặc dù một chiến sĩ cách mạng hoạt động thầm lặng, nhưng hữu xạ tự nhiên hương. Nhiều nhà báo, nhà văn, giới văn nghệ sĩ đã viết bài nói lên sự thương tiếc một chiến sĩ cách mạng. Bài dưới đây của nhà văn Hoàng Khởi Phong có cảm tưởng về cuộc đời hoạt động của cố đồng chí Lê Hưng…

1-               

Tôi vẫn tin là anh sẽ sống lâu trăm tuổi. Cả cuộc đời anh chưa hề bận bịu với gia đình, hiểu theo nghĩa một gia đình riêng với người vợ hiền và đàn con ngoan. Cả cuộc đời anh hình như chưa bao giờ làm chủ một mái nhà, hiểu theo nghĩa một địa chỉ cố định, một nơi chốn để ăn, ngủ, làm việc trong những lúc đêm về . Cả cuộc đời anh hình như cũng chưa bao giờ làm chủ một phương tiện di chuyển, một chiếc xe đạp khi còn hoạt động tại Việt Nam, hay một chiếc xe hơi cũ khi anh bôn ba trong lòng nước Mỹ mấy chục năm ròng rã. Và có lẽ hình như anh cũng chưa bao giờ có bảo hiểm sức khỏe, hiểu theo nghĩa được săn sóc thuốc thang mỗi khi trái gió trở trời. Tôi nghe danh anh từ hồi còn ở Việt Nam, nhưng mãi tới khi sang Mỹ mới được gặp anh lần đầu qua anh Trịnh Đình Thắng, vào những năm đầu thập niên 80, khi một nhóm người chúng tôi thành lập Nhân Chủ Học Xã, và mời anh đến thuyết trình một đề tài liên quan đến đảng phái, và đề tài của anh hôm đó tôi còn nhớ như in, đã đề cập tới những thất bại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, trong ba thập niên trước năm 1975 như là một bài học, cho những người đang nghiên cứu về lịch sử Việt Nam trong cận đại. 

               Anh hơn tôi 17 tuổi, nghĩa là khi anh tuyên thệ với đảng kỳ Sao Trắng vào năm 1946, tôi mới 3 tuổi đầu và rồi đời sống đưa đẩy chúng tôi biết nhau khi cả hai đã cùng mất nước tan nhà. Thật tình tôi không muốn dùng chữ mất nước khi đứng trước quan tài anh. Nhưng anh đã từng khuyên tôi hãy gọi mọi sự việc bằng đúng cái tên của nó. Tuy vậy, tôi hiểu trong thâm tâm anh, anh vẫn hằng tin trong đời anh, anh sẽ trở lại quê nhà, không phải để cầm quyền, mà để hít thở không khí tự do đang thổi dài trên đất nước, từ Bắc xuống Nam, từ đồng bằng cho tới phố thị, thậm chí tới những sơn thôn, những vạn chài heo hút trải dài khắp ba miền. Và cứ theo đà biến đổi tình hình chính trị thế giới hiện nay, cộng với những phản ứng, những biến động của quảng đại quần chúng nơi quê nhà, tôi tin rằng ngày về của anh không xa. Thế mà chỉ vì một phút lơ đãng, anh nỡ bỏ chúng tôi mà đi, khi đường về đã lấp ló phía chân trời.

               Tiểu sử của anh, tôi nghĩ đã có nhiều người nhắc đến trong tang lễ hôm nay, nơi bài viết này, tôi hy vọng sẽ gợi lại được cho những người thân, những đồng chí của anh những hình ảnh đích thực của con người anh: Một con người thuần lương, đôn hậu, chất phác, một người dân yêu nước nồng nàn, một đảng viên trung kiên với lời thề son sắt từ  khi tuyên thệ cho tới khi nhắm mắt, một người hoạt động không mệt mỏi suốt hơn nửa thế kỷ ròng rã… 

               2- 

Chân dung đ/c Lê Hưng

Chân dung đ/c Lê Hưng

              

Trong tang lễ hôm nay, tôi tin rằng có nhiều người đồng chí của anh, đã từng trải qua với anh hàng vạn, hàng ngàn ngày gian khổ, đã nhiều người từng thức trắng hàng trăm, hàng ngàn đêm bên ngọn đèn leo lét với anh. Với những người chưa từng hoạt động chung với anh, nhưng tề tựu nơi đây quanh quan tài anh hôm nay, tôi tin rằng trong cuộc sống của chúng ta ai nấy cũng đã hơn một lần nhìn thấy anh đâu đó trên đường đời, song có thể chưa từng biết đến tên anh và chắc hẳn không thể biết những gì anh đã làm suốt gần 80 năm trong cuộc sống. Nhưng nếu một hôm nào đó, tình cờ trên một con đường trong các khu thương mại của người Việt, chúng ta bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi đang lầm lũi đi trên lề. Người khách bộ hành có một mái tóc đã bạc phơ và thưa tới tận đỉnh đầu, nhưng lưng còn thẳng như cây trúc, cử chỉ  nhanh nhẹn và dứt khoát, ánh mắt và nụ cười hệt như trẻ thơ, lưng khoác một chiếc ba lô, mắt luôn nhìn thẳng về phía trước là có nhiều phần chúng ta đã gặp Lê Hưng, một đảng viên Việt Quốc lưu vong, đang cặm cụi trên con đường phục quốc. Thú thật tôi cũng không muốn dùng chữ lưu vong, nhưng thật tình tôi không còn một danh từ nào có thể cực tả đúng hoàn cảnh của anh và tôi trong hiện tại.

Tôi nhớ như in lần đầu tiên gặp anh, nơi căn phòng biến đổi từ garage thành nơi làm việc chung của một số anh em tại nhà Hoàng Chính Nghĩa, anh đã chinh phục mọi người bằng một phong thái đĩnh đạc mà giản dị, thân mật mà không xuồng xã. Anh yêu cầu mọi người gọi anh bằng anh, mặc dù lúc đó tóc anh đã bạc phơ, và vài người trong phòng tuổi vừa qua hai chục. Anh mở đầu bài thuyết trình của anh từ Đệ Tam Chiến Khu VNQDĐ, nơi cái nôi Yên Bái mà ở đó anh và các đồng chí của anh bị bủa vây bởi thực dân Pháp từ Lào Cai đánh xuống, và Cộng Sản thì tràn ngập ở phía nam.

Mặc dù Yên Bái là nơi thánh địa của VNQDĐ, và mặc dù anh và các đồng chí đã tựa lưng vào nhau để giữ vững thánh địa này, song quân số cũng như vũ khí không được bổ sung, cho dù có đổ máu tới người cuối cùng thì rốt cuộc thánh địa đó vẫn bị thất thủ. Năm 1947, anh cùng với các đồng chí khác còn sống sót sau một thời gian dài tử chiến, đành phải mở một đường máu, bôn tẩu sang Vân Nam Trung Hoa. Lúc đó anh còn trẻ, thật trẻ nên đã chọn cho mình con đường võ nghiệp, để sau này trở về gia nhập vào đoàn quân giải phóng quê hương. Anh bỏ Vân Nam, cùng vài đồng chí mò tới địa phận Tứ Xuyên, tỉnh Thành Đô để nhập học Khóa 22 Lục Quân Học Hiệu, tức là Trường Võ Bị Hoàng Phố. Sau khi tốt nghiệp khóa này, anh quay trở lại hoạt động cùng với các đồng chí tại mấy tỉnh phía Nam Trung Hoa, sát với biên giới Bắc Việt. Tưởng cũng nên nhắc lại trong thời gian này, Trung Hoa đang chìm sâu vào trong trận chiến giữa hai lực lượng Quốc và Cộng của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, mà nói cho đúng đó là một trận chiến tranh mù trời đất giữa những sứ quân, khiến cho thân phận người dân Trung Hoa không khác gì một con kiến.

Năm 1949, phe Cộng của Mao Trạch Đông dần dần chiến thắng trên khắp các mặt trận, phe Quốc của Tưởng Giới Thạch bị dồn ra biển và sau cùng phải dắt díu tàn quân thoát thân ra đảo Đài Loan. Chiến cuộc Trung Hoa kết thúc bất lợi cho những người Việt Nam Quốc Dân Đảng, đang dùng Trung Hoa như một địa bàn nuôi quân, chỉnh đốn hàng ngũ để chuẩn bị trở về. Đùng một cái chiến cuộc Trung Hoa kết thúc khiến cho không phải chỉ có các đảng viên VNQDĐ, mà là tất cả mọi đoàn thể đấu tranh không Cộng Sản hụt hẫng. Có điều ai nấy đều phải trở về, Trung Hoa giờ đây không phải là Trung Hoa trước đó vài năm, mà đã trở thành Trung Cộng, mảnh đất đó giờ đây không còn là một căn cứ địa an toàn, mà trái lại đã là nơi  hang hùm, nọc rắn. Về phía Trung Cộng, ngay sau khi chiến thắng chiếm toàn bộ Hoa Lục vào năm 1949, họ quay sang tham chiến tại Bắc Cao Ly, để rồi ba năm sau khi chiến cuộc Nam Bắc Cao ngã ngũ, Trung Cộng dồn nỗ lực xuống phía nam, và trực tiếp tham gia, chi phối  vào chiến tranh Việt Nam.

Đầu thập niên 50, VNQDĐ mà trong đó có Lê Hưng và các đồng chí  mới từ phương Bắc trở về, đã tiếp tục đấu tranh trên hai mặt trận chính. Một mặt họ phải tránh né các cuộc săn đuổi của người Pháp, đồng một lúc phải chiến đấu một mất, một còn với người Cộng Sản. Tuy người Pháp ý thức được sự nguy hiểm của chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng họ cũng lại không đủ sáng suốt để thấy cao trào đòi độc lập cho các quốc gia bị trị đã dâng cao trên toàn thế giới, chính vì đó mà những lá bài chính trị do người Pháp đưa ra không đáp ứng được lòng dân, chính vì vậy mà người Pháp chẳng những đã không hưởng ứng những nỗ lực của các đảng phái quốc gia như Quốc Dân Đảng, Duy Dân, Đại Việt… mà trái lại còn ruồng bắt những người ái quốc, đang tranh đấu cho nền độc lập của nước Việt. Chính vì vậy mà từ ngày về nước, và thậm chí cho tới bây giờ Lê Hưng luôn luôn sống trong tình trạng đề cao cảnh giác. Anh không bao giờ có một chỗ ở nhất định, anh không bao giờ tá túc nơi nào lâu. Khi ra đường lúc nào cũng có một ba lô to phồng trên người, trong ba lô này là toàn bộ gia sản của một người yêu nước đang trên đường hoạt động. Khi đi ngủ không bao giờ thay quần áo, và mọi vật đều kế cận bên mình, động dạng một cái là có thể quơ cái ba lô biến vào màn đêm. Mà trong ba lô đó nào có gì quý giá cho cam, ngoài hai bộ quần áo để thay đổi, một cái bàn chải đánh răng, một khăn mặt, vài tài liệu, vài cuốn sách anh đang đọc cùng vài dụng cụ cá nhân khác.

Đùng một cái quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ, một giải pháp cho Việt Nam trải qua những o ép, những mặc cả của các đại cường, đã đi tới giải pháp chia đôi quốc gia, để từ đó gần một triệu người phải rời bỏ quê hương miền Bắc, tìm đất sống nơi miền Nam. Lê Hưng cùng hàng ngàn đồng chí của anh đã có mặt trong những chuyến tầu chở người di cư xuôi Nam. Sau một thời gian ngắn quan sát tình hình, ngay lập tức anh lại bắt tay vào đại sự đã bị gián đoạn vì thời cuộc. Ở miền Nam, những biến chuyển chính trị nhanh như chong chóng, giải pháp Bảo Đại đã mau chóng trở thành một trái bóng sớm bị xì hơi. Trong một thời gian ngắn, tình hình chính trị tại miền Nam giống như cảnh trí của một chiếc đèn cù, để rút cục thu về một mối dưới sự lãnh đạo của ông Ngô Đình Diệm.  Công tâm mà nói chế độ Ngô Đình Diệm thu lượm được một số thành quả trong những năm đầu, nhưng chỉ sau ba năm những gia thần của nhà Ngô vô hình chung đã làm cho bộ mặt chính quyền càng ngày càng thêm dị dạng. Việt Nam Quốc Dân Đảng và một số đảng phái khác lại một lần nữa rút vào trong bí mật.

Năm 1960, Phật Giáo bắt đầu cảm thấy bị chính quyền đối xử không bình đẳng với Công giáo, trong quân đội hầu như có một quy luật bất thành văn là muốn lên cấp Tá thường phải là người Công Giáo, và mỗi khi một sĩ quan từ cấp Đại Úy được thăng lên Thiếu Tá, thông thường phải vào trình diện Tổng Thống để được xem mặt, tất nhiên người ta cũng trình lên hồ sơ của các sĩ quan này, và vấn đề tôn giáo được coi như  một trong những yếu tố  hàng đầu, để quyết định xem có được thăng cấp hay không. Thời gian đó Đảng Cần Lao hầu như là cửa ngõ tiến thân duy nhất cho các cấp chỉ huy quân đội cũng như hành chánh. Các phản ứng của dân chúng gia tăng, đặc biệt là Phật Giáo. Cũng trong năm 1960 này, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Tường Tam, những người hoạt động chính trị của miền Nam muốn thay đổi cơ cấu quốc gia, để có thể đối phó với âm mưu thôn tính miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt. Chẳng may biến cố đó thất bại, Lê Hưng, Xuân Tùng, Chu Tử Kỳ và một số đồng chí khác phải chạy sang Cao Miên, và bị cầm tù một thời gian tại xứ này. Một số các nhân vật đầu não của cuộc biến động này bị bắt đưa ra tòa, riêng ông Nguyễn Tường Tam  đã tự kết liễu đời mình, trước khi chết ông để lại một câu nói bất hủ: “Đời tôi để lịch sử xét”

Năm 1963, sau khi nhà Ngô bị lật đổ, các đảng viên VNQDĐ lục tục kéo về, giờ đây tuy tân chính phủ cho phép các đảng phái hoạt động công khai, song sau nhiều năm bị kềm hãm đà phát triển, hầu như tất cả mọi đảng phái đều cần có một thời gian để chỉnh đốn hàng ngũ. Bầu không khí chính trị tại miền Nam lúc đó thật là hỗn loạn. Từ năm 1963 cho tới năm 1965 các tướng lãnh của miền Nam đã làm cho bầu không khí này hỗn loạn thêm qua những cuộc đảo chánh, chỉnh lý. Một mặt khác Phật Giáo cũng chưa mấy hài lòng về những cải tổ của chính phủ, lại tiếp tục những cuộc tranh đấu mới qua các cuộc biểu tình, bãi thị, xuống đường.  Trong một thời gian ngắn, miền Nam thay đổi tới bốn chính phủ, thậm chí đã có lúc miền Trung muốn ly khai, tách rời hẳn ra khỏi miền Nam như một phần đất tự trị. Trong bối cảnh chính trị đó, hầu như mọi đảng phái, đoàn thể của miền Nam đều bị đối phương xâm nhập, hay tự phân hóa, thậm chí đi đến chỗ chia rẽ không thể hàn gắn. Sự suy yếu về chính trị của miền Nam, đã kích thích thêm tham vọng thống nhất đất nước bằng võ lực của Cộng Sản Bắc Việt. Chiến tranh càng lúc càng lớn. Chính trong thời gian này, VNQDĐ cũng chia thành nhiều hệ phái, Lê Hưng giờ đây bước vào tuổi 40, và trở thành một trong những khuôn mặt lãnh tụ trẻ của hệ phái Việt Nam Quốc Dân Đảng Chủ Lực, với chức vụ Tổng Bí  Thư Tổng Bộ hệ thống VNQDĐCL.

               Sau này mỗi khi nhắc tới giai đoạn đó, anh thường hay tiếc là chưa kịp chỉnh đốn, hàn gắn lại được nội bộ Đảng, thì năm 1975 đã ập đến. Vốn chưa bao giờ có một tiểu gia đình cho riêng mình, anh coi Đảng như gia đình anh, do đó năm khi biến cố 1975 phủ chụp bóng tối xuống  miền Nam, Lê Hưng đã thoát ngay ra hải ngoại, vì hơn ai hết anh tự hiểu trong nước dưới chế độ Cộng Sản, anh sẽ không bao giờ tái lập lại được gia đình. Sang Mỹ từ năm 1975 cho tới nay, hình như anh cũng chưa bao giờ có một sở làm nhất định. Tất nhiên anh là người tự trọng, không ỷ lại nên anh cũng làm một vài công việc nào đó đủ cho một người ít nhu cầu như anh. Từ khi anh đến tuổi về hưu, anh như là được rộng cẳng hơn, hầu như quanh năm anh có mặt trên đường thiên lý. Anh không ngừng đâu lâu, và cũng ít khi nào đi biền biệt, cứ ra khỏi miền Nam California một hai tháng, lại quay trở về một thời gian, trước khi làm một chuyến đi xa khác. Bất cứ nơi nào có vài đảng viên VNQDĐ cư ngụ, là người ta thấy không sớm thì muộn có anh lò dò tới. 

               3- 

               Thấm thoắt tôi giao tình với anh đã được gần hai chục năm, trong thời gian đó anh không bao giờ rủ tôi vào Đảng, và anh nói: Con người tôi nếu đã muốn sinh hoạt đảng phái, thì tôi đã có một đảng nào đó từ khi còn trẻ, không thể nào đợi đến khi ngũ thập mới tham gia một đoàn thể nào. Anh cũng nói tôi hãy cứ đứng ngoài mọi đảng phái, mà ở đó tôi có thể đóng góp cho mọi đảng phái . Mấy năm đầu vì không có những sinh hoạt chung, nên thỉnh thoảng tôi mới có dịp gặp anh trong những lần đặc biệt. Từ năm 1993, sau khi tôi hoàn tất cuốn một Người Trăm Năm Cũ, gửi biếu anh thì khoảng 10 ngày sau tôi nhận được một lá thư dài tám trang khổ lớn, viết bằng ba mầu mực xanh, đỏ và tím. Đó không phải là một lá thư, mà là một bài điểm sách không đăng báo, nên không úy kị.  Anh khích lệ tôi những phần anh tương đắc, và mạnh tay phê bình những phần anh cho là dở. Anh nhặt hộ tôi những hòn sạn tôi đã để vương lại trên những trang giấy, để sau này có dịp tái bản phải nhuận sắc lại. Lá thư tám trang này tôi vẫn còn giữ sau nhiều lần dọn nhà. Từ đó trở đi mỗi năm tôi đều có một cái thiệp chúc Tết. Có năm thiệp đến với con dấu bưu điện từ Philadelphia, có năm dấu bưu điện tại Phoenix, có năm anh viết trong lúc xe bus ngừng đâu đó trên lộ trình băng ngang nước Mỹ.

               Từ đó trở đi thỉnh thoảng anh ghé nhà tôi nghỉ đêm. Tôi biết không phải anh không có chỗ nghỉ đêm mà ghé vào, mà dụng ý của anh muốn cho tôi nghe chuyện, những mẩu chuyện đời của anh, cùng các đồng chí trong những năm long đong bên Tầu, trong những lần chiến đấu chống Pháp và chống Cộng. Anh sợ tôi không có những mẫu người thật, anh sợ tôi không có không khí của những con người dấn thân cho tổ quốc, để khi viết về những người chống Pháp bằng học thuật của người Pháp tôi không có một khuôn mẫu để theo, không có những dật sự làm đích.  Và nếu như thế có thể tác phẩm của tôi sẽ chứa đựng những điều hàm hồ  không thật. Anh hứa với tôi là anh sẽ mang đến cho tôi vài người bạn, có người giờ này sắp bước vào tuổi 90, và đã từng thực hiện những công việc tạm có thể coi như kinh thiên động địa, cốt cho tôi được dịp tiếp xúc với những mẫu người thật, những chiến công thật, những thất bại thật, những cái sống thật, những cái sống giả, những cái sống mà như thể đã chết….

Trước khi ghé nhà tôi nghỉ đêm, bao giờ anh cũng gọi điện thoại hẹn trước nhiều ngày. Không bao giờ anh tới tôi vào buổi sáng, thường là anh ăn cơm chiều ở đâu đó rồi mới tới. Có lần tôi hẹn với anh sáu giờ chiều, nhưng mới 5 giờ tôi đã xong việc về tới nhà, thì thấy anh đã ngồi lù lù trước hiên nhà đọc báo. Trong nhà tôi có khoảng 15 cuốn báo do anh thực hiện, anh luôn luôn viết vài dòng, ký tặng vào những bài nào anh viết. Anh ký nhiều bút hiệu, viết nhiều loại kể cả làm thơ, và lần nào đưa báo cho tôi cũng tắc lưỡi nói:

“Chúng tôi là dân đấu tranh bằng vũ lực, không phải dân cầm bút như anh, nếu viết dở anh đừng cười. Vả lại chúng tôi không bao giờ làm văn chương, chỉ thuật lại những câu chuyện thật của anh em chúng tôi, để các thế hệ sau này có chút kinh nghiệm khi lăn mình vào con đường tranh đấu”

               Lần cuối cùng tôi gặp anh là lúc tòa soạn Người Việt dọn về trụ sở chính thức, lần đó anh bắt đầu có triệu chứng của tuổi già khi anh không nhớ ra một người mà anh đã quen rất nhiều năm. Trước đó một tuần lễ, trong một dịp tình cờ hai vợ chồng Nguyễn Tường Quý gặp tôi, anh Quý  cũng đã phát giác và báo động cho tôi biết về những triệu chứng hay quên của anh. Chị Quý cứ áy náy mãi về điều này, vì lo cho anh hay bôn tẩu trên đường thiên lý, e có ngày gặp chuyện chẳng may. 

Linh tính của chị Quý nào ngờ đến với anh quá sớm. Ngày 11- 11 vừa qua, trong lúc anh băng ngang qua đường Euclid khúc gần xa lộ 22, và theo như báo cáo của Cảnh Sát, căn cứ vào lời khai của các nhân chứng thì tai nạn đã xẩy ra do sự bất cẩn của nạn nhân khi qua đường. Những ai đã từng quen biết anh trong đời đều biết, để có thể sống còn cho tới ngày nay, anh Lê Hưng không bao giờ cho phép sự bất cẩn xẩy ra, dù là một bất cẩn nhỏ tới đâu chăng nữa. Thế mà nó đã xẩy ra, và kỳ lạ thay nó xẩy ra đúng vào ngày 11 – 11. Ngày mà 42 năm trước anh đã cùng với vị lãnh tụ thân yêu của anh là Nguyễn Tường Tam, đã thất bại trong một cuộc vận động lịch sử, nhằm mục đích đem về cho miền Nam, một chính quyền dân chủ hơn, lành mạnh hơn, hữu hiệu hơn để có thể đối đầu với kẻ thù phương Bắc đang lăm le tràn xuống.

Hôm nay đứng trước quan tài anh, nhìn anh thản nhiên nằm ngủ, một giấc ngủ không bao giờ phải chập chờn, thấp thỏm lo âu, có ba lô kế cận bên mình. Tôi ngẫm lại cuộc đời anh, con người anh và nghiệm được một điều: Anh là một chàng trai hai mươi tuổi, cho dù anh có sống thêm cho tròn trăm tuổi, hay sống thêm vài trăm năm nữa nếu như y học cướp được quyền tạo hóa. Cuộc đời anh bắt đầu từ năm 1946, khi anh tuyên thệ gia nhập VNQDĐ, tại Đệ Tam Quân Khu Yên Bái, kể từ đó tới nay hoàn cảnh chiến đấu có thể thay đổi, địa bàn đấu tranh có thể chuyển động, thời có thể thay, thế có thể khác, nhưng con người anh thủy chung như nhất, lấy Đảng làm gia đình, lấy đồng chí làm anh em. Anh em thì ngàn vạn người, có người ngoan, có người hư, có người giỏi, có người dở, song với anh đã là anh em một ngày, sẽ là anh em trọn đời. Tôi nhìn lại anh thiêm thiếp trong áo quan, thế là anh đã có chốn  quay về, thế là sau cùng anh đã có một địa chỉ nhất định. Chỉ tiếc là khi có địa chỉ nhất định để ai cũng có thể đến thăm thì anh lại làm biếng không nói nữa.

Sau cùng tôi nghĩ, trong mỗi chúng ta ai nấy đều có hai hệ thống thời gian, một là thời gian vật lý thì đồng nhất và đã sắp bước sang năm 2003, nhưng thời gian tâm lý trong lòng mỗi con người mỗi khác. Với anh thời gian đã đứng lại  từ năm anh 20 tuổi, năm 1946 với  Đảng Kỳ trong tay, trước mặt là đoàn quân viễn chinh Pháp, sau lưng là hàng hàng lớp lớp cán binh Cộng Sản reo hò xung phong. Anh đã sống và chết với vùng thánh địa Yên Bái từ ngày đó. Hôm nay anh nằm xuống ở tuổi 76, nhưng thật ra anh chính là một chàng trai 20. Sao anh không nán lại với chúng tôi vài năm nữa, để trong một tương lai không xa, chúng ta cùng nắm tay nhau về viếng thánh địa Yên Bái của anh,  mà ở đó anh sẽ chỉ vào từng khóm cây, ngọn cỏ nói với chúng tôi về tiểu truyện của từng người. Suốt cuộc đời anh bao gồm rất nhiều thất bại chua cay, nhưng chưa bao giờ, và chưa một ai bắt gặp anh một phút ngã lòng. Ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào, anh chỉ bận tâm một điều duy nhất, là tìm đường quay lại thánh địa của anh. Tất nhiên không phải về như là một người áo gấm, mà về như một đứa con đã làm đầy đủ bổn phận của mình, với dân tộc, với tổ quốc, với gia đình, với anh em…

Trong cách nhìn đó tôi xin thành kính nghiêng mình trước anh linh anh, một chiến sĩ Việt Quốc đã tranh đấu cho tổ quốc suốt cả một cuộc đời. 

HOÀNG  KHỞI  PHONG

(Kính tặng hương hồn anh Lê Hưng)

Ngày 17/11/2002

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt