Câu chuyện Biển Đông sẽ ra sao khi Tướng Mỹ tới Việt Nam?

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, James Mattis và người đồng cấp Việt Nam, Ngô Xuân Lịch. (Ảnh: US Embassy & Consulate in Vietnam)

Tuần qua đánh dấu chuyến thăm lần thứ hai trong chưa đầy một năm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Jame Mattis, tới Việt Nam. Sự kiện này được xem như cú đánh tiếp theo của chính quyền Trump vào tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tàu Cộng, quốc gia mà theo European Communism, là cái “nôi” sản xuất hàng giả, gần như đều có xung đột và tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng. Tàu Cộng tranh chấp đảo Senkaku với Nhật, lãnh thổ với Nga và Ấn Độ, và tuyên bố 90% diện tích Biển Đông thuộc về họ từ thời tiền sử.

Khoảng thời gian cựu Tổng thống Obama cầm quyền, dường như là quãng thời gian Tàu Cộng có nhiều cơ hội nhất để củng cố tham vọng của mình ở Biển Đông. Trong nhiệm kỳ thứ hai của vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, Tàu Cộng đã hoàn thành việc xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa, bên cạnh việc Bắc Kinh cho gia tăng các hoạt động khiêu khích, quấy nhiễu, ngăn cấm đối với các lực lượng quân sự và dân sự của các nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Philippines.

Nhưng mọi chuyện đã khó khăn hơn đối với Bắc Kinh dưới thời của Tổng thống Trump, bằng chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông Trump muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong việc thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Với chính sách này, Hoa Kỳ đã gia tăng nhiều hơn sự hiện diện của mình trên Biển Đông để gây áp lực chống lại âm mưu biến vùng biển này thành “ao nhà” của Tàu Cộng.

Một Tàu Cộng tham vọng và bành trướng

Bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và dư luận quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ, Tàu Cộng liên tiếp thực hiện các hành động để cố gắng xác lập chỗ đứng trên Biển Đông thông qua chiến thuật “tằm ăn dâu” và “việc đã rồi”.

Năm 2014, Tàu Cộng chính thức cho cải tạo các bãi đá ngầm và san hô, mà nước này chiếm đóng trái phép, ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, với tổng diện tích sau cơi nới lên tới gần 15km2.

Năm 2015, DigitalGlobe cho hay, Tàu Cộng đã cho mở rộng hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa của quần đảo Hoàng Sa, quần đảo mà Bắc Kinh đã cưỡng chiếm vào năm 1956 và 1974.

Năm 2016, Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Tàu Cộng đã đưa vũ khí, nghi ngờ có cả hỏa tiễn, lên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Vào tháng Năm, theo CNBC, Tàu Cộng đã khai triển hỏa tiễn hành trình chống hạm YJ-12 và hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9B trên các đảo Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Một đảo nhân tạo được Tàu Cộng tự ý xây dựng ở Biển Đông. (Ảnh: EPA)

Trước hành động này của Bắc Kinh, bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh của CSIS, cho rằng việc Tàu Cộng đưa hỏa tiễn ra Trường Sa là giai đoạn cuối của quá trình quân sự hóa. Và bước tiếp theo, nước này sẽ điều các chiến đấu cơ ra Biển Đông, và khi thời gian chín muồi, họ sẽ vạch các đường ranh giới và tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Một chuyên gia khác của CSIS, ông Bonnie Glaser, cũng có nhận định tương tự: “Đây chính xác là điều chúng tôi dự đoán, Tàu Cộng sẽ làm như vậy. Tiếp theo chúng ta sẽ thấy Tàu Cộng khai triển máy bay chiến đấu, có thể là luân phiên, rồi họ sẽ bắt đầu tập trận gần các đảo này”.

Đúng như dự đoán của ông Glaser, chỉ ít ngày sau khi chia sẻ nhận định của ông với báo chí, Tàu Cộng đã cho các máy bay ném bom H-6 tập cất và hạ cánh trên các phi đạo ở các đảo nhân tạo vừa mới “khánh thành” của mình. Họ cho rằng hành động đó là để “giúp lực lượng không quân tăng cường khả năng chiến đấu nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh biển”, một nhà nghiên cứu quân sự Tàu Cộng nói với tờ China Daily, hay “thúc đẩy lòng can đảm và tăng cường khả năng của chúng tôi trong một cuộc chiến thực sự”, theo lời một phi công tham gia cuộc tập trận.

Người ta lo ngại rằng đến một lúc nào đó ngay cả việc tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông sẽ gặp khó khăn vì phải thông qua Tàu Cộng, theo tướng Carlito Galvez Jr., Tư lệnh lực lượng vũ trang Philippines, thì đã từ lâu “Tàu Cộng phát cảnh báo [đe dọa] đối với máy bay của Phillipines hằng ngày trên Biển Đông”.

Không chỉ “dọa nạt” máy bay hay tàu của các nước trong khu vực, ngay cả với các phương tiện hàng không và hàng hải của các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ nếu đi qua Biển Đông cũng đều nhận được các cảnh báo với lời lẽ thiếu lịch sự được phát đi từ các tiền đồn của Tàu Cộng, như chia sẻ của một phóng viên CNN có mặt trên một máy bay dân sự bay qua Biển Đông.

Tham vọng ôm trọn Biển Đông của Tàu Cộng càng được bộc lộ rõ ràng hơn trong việc nước này đã dành ra một khoản ngân sách khổng lồ để phát triển các hàng không mẫu hạm, và máy bay hiện đại. Hiện Bắc Kinh đã đưa vào sử dụng hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, được cho là đã tham gia vào các cuộc tập trận trên Biển Đông. Tàu Cộng cũng đang cho phát triển thêm một hàng không mẫu hạm nữa. Ngoài ra, theo Business Insider, gần đây, vệ tinh đã ghi nhận hình ảnh các máy bay tàng hình mang đầu đạn nguyên tử H-20, một vũ khí bí mật được Bắc Kinh âm thầm cho phát triển trong 2 thập kỷ qua. Các chuyên gia quân sự cho hay, với H-20, Tàu Cộng chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự nhằm củng cố chủ quyền trên Biển Đông.

Hình ảnh máy bay H-20 được truyền hình Tàu Cộng “quảng cáo”. (Ảnh: CCTV7)

Sự hiện diện quân sự không ngừng của Tàu Cộng trên Biển Đông và việc Trung Nam Hải đầu tư mạnh cho nền công nghiệp quốc phòng khiến một số nhà phân tích đưa ra những nhận định có phần e sợ sức mạnh của Bắc Kinh, “bước tiến chậm rãi nhưng chắc chắn của Tàu Cộng trong việc mở rộng kiểm soát trên Biển Đông đã khiến họ ngày càng có lợi thế hơn so với Mỹ”, ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện American Enterprise Institute, Hoa Kỳ, nói.

Nhưng Tàu Cộng không thể “một tay che cả bầu trời”, vũ trụ có lý “tương sinh, tương khắc”, có một quốc gia như Tàu Cộng tất sẽ có một quốc gia như Hoa Kỳ làm đối trọng.

Một Hoa Kỳ mạnh mẽ và cứng rắn

Tàu Cộng ra sức xây dựng các đảo trên Biển Đông trong những năm đương nhiệm của chính quyền Obama, đặc biệt trong giai đoạn 2012-2015 khi ông Obama không cho phép Hải quân Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong khu vực. Sau khi Bắc Kinh đã cho tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa gần một năm, mãi tới tháng 5/2015, tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khi đó là Ashton Carter, mới phản ứng một cách “điềm đạm” khi phát biểu rằng hoạt động xây dựng đảo của Tàu Cộng trên Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các quan chức chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có cách phản ứng mạnh mẽ, dữ dội và trực diện hơn đối với các hành động quân sự hóa của Tàu Cộng trên Biển Đông, Trung tướng Kenneth McKenzie, khi trả lời phỏng vấn CNN, không ngần ngại nói thẳng rằng Hoa Kỳ đã diễn tập rất nhiều các bài đổ bộ lên các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương và úp mở rằng đó là “công tác chuẩn bị” cho việc “thổi bay” các đảo nhân tạo mà Tàu Cộng tự ý xây dựng ở Trường Sa.

Một chuyên gia về châu Á của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông Michael Collins, thì mô tả việc Tàu Cộng xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo ở Biển Đông không khác gì chuyện Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis đã chỉ mặt tham vọng của Tàu Cộng trong một bài phát biểu ở lễ khai giảng của một trường quân sự, ông nói Bắc Kinh có lòng tham còn lớn hơn triều Minh và muốn các nước khác phải triều cống. Trên chuyến bay tới Việt Nam trong tuần qua, ông Mattis cũng bày tỏ mối quan ngại về tình trạng quân sự hóa của Tàu Cộng trên Biển Đông. Ông nói: “Chúng tôi vẫn rất quan ngại đến hoạt động quân sự hoá liên tiếp các thực thể ở Biển Đông. Hơn nữa, chúng tôi đang xem xét những hành vi mà chúng tôi nhìn nhận rằng gần như là cướp bóc, trong một số trường hợp rõ ràng chúng mang tính cướp bóc”.

Với nhưng gì đã diễn ra, có thể thấy chính quyền Trump không chỉ dừng lại ở lời nói, mà các hành động trên thực địa ở Biển Đông đã được khai triển nhiều hơn và gây ra áp lực lớn hơn đối với Tàu Cộng.

Lần đầu tiên, Hoa Kỳ đã cử 2 tàu chiến có trang bị hỏa tiễn hành trình tới Biển Đông vào tháng Năm, các tàu này, theo Reuters, đã tiến sát đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tàu Cộng đã phản ứng gay gắt trước hành động của Mỹ, nhưng Washington không đưa ra bình luận nào và chỉ nói rằng đó là hoạt động bình thường vì các tàu chiến Hoa Kỳ đơn giản là đang đi lại trên vùng biển quốc tế.

Trước và sau sự kiện Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa hai tàu chiến tới Biển Đông, thì gần như theo định kỳ, Mỹ luôn cho các tàu chiến đi lại trên vùng biển này để truyền đi thông điệp rằng đây là vùng biển không thuộc về bất kỳ thế lực nào.

Vào tháng Ba, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, một trong 10 siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử lớp Nimitz của Hải quân Mỹ, đã ghé cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Vào tháng Sáu, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, có trọng tải 97.000 tấn, chở hơn 70 máy bay đã ghé thăm Philippines.

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson đậu ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, Việt Nam, hôm thứ Hai ngày 5/3/2018. (Ảnh: AP/Hậu Đình)

Vào tháng Năm, Mỹ đã làm Tàu Cộng thất vọng khi không cho Bắc Kinh tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), vì “Tàu Cộng tiếp tục các hoạt động quân sự hóa Biển Đông gây thêm rắc rối và làm mất ổn định khu vực”, theo lời của ông Christopher Logan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngoài các hành động hàng hải, chính quyền Trump cũng thường xuyên cho các máy bay dân sự và quân sự bay qua lại trên Biển Đông để nhắc nhở Bắc Kinh rằng hãy cất ước mơ xây dựng ADIZ trên vùng biển này đi.

Các máy bay ném bom B-52 đã được Hoa Kỳ nhiều lần đưa ra Biển Đông như một phần của “các hoạt động được lên lịch thường xuyên và được thiết kế để nâng cao khả năng phối hợp qua lại với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trong khu vực”, theo lời Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc.

Ngay trong thời gian ông Mattis bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, Hoa Kỳ đã tiếp tục cho pháo đài bay B-52 tiếp cận khu vực gần các đảo nhân tạo mà Tàu Cộng đang chiếm giữ ở Trường Sa. Một hành động, mà theo Nikkei, là tín hiệu mạnh mẽ của Chính quyền Trump gửi tới Tàu Cộng, và thể hiện sự ủng hộ dành cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Một máy bay B-52 của Không lực Hoa Kỳ. (Ảnh: Dnaindia)

Quan điểm đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi sai trái của Tàu Cộng trên Biển Đông đã được thể hiện rõ trong những phát biểu của những người đứng đầu chính phủ Mỹ.

Hôm 4/10, phản ứng trước hành động Tàu Cộng cho tàu chiến “cắt mũi” tàu chiến Mỹ đang di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Mike Pence tuyên bố: “Bất chấp hành động quấy rối liều lĩnh đó, Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, cũng như vì lợi ích quốc gia của chúng ta. Chúng ta sẽ không bị đe dọa. Chúng ta sẽ không chùn bước”.

Mục tiêu kiềm chế Tàu Cộng trên Biển Đông cũng được thể hiện rõ ràng trong phát biểu của tổng thống Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm ngoái, “Chúng ta phải bảo vệ các quốc gia có cùng lợi ích, và tương lai của mình. Chúng ta phải loại bỏ mối đe dọa về chủ quyền từ Ukraine cho đến Biển Đông”. Ông Trump cũng cho thấy sự quyết tâm của mình trong việc xử lý vấn đề Biển Đông khi thẳng thắn chê chính quyền Obama “bất lực” trước các hành động càn lướt của Tàu Cộng trên vùng biển này.

Một cộng đồng quốc tế bênh vực lẽ phải

Hành động ngang ngược bất chấp công lý và công luận của Tàu Cộng trên Biển Đông khiến nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới bất bình, nhiều nước đã tự nguyện chung tay cùng “cảnh sát quốc tế” Hoa Kỳ kiềm chế tham vọng của Tàu Cộng, nhằm giữ gìn hòa bình và trật tự trong khu vực.

Trong thời gian Tàu Cộng ngang nhiên cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa để “khoan dầu”, trên một khu vực mà theo khảo sát của các nhà khoa học từ mấy chục năm trước đã kết luận là không có nhiều thứ nhiên liệu mà Bắc Kinh cần tìm, thì Nhật đã chủ động cho tàu hàng mang tên SITC LINE di chuyển vào khu vực này.

Nhật Bản cũng đã nhiều lần cho tàu chiến và máy bay tuần hành trên Biển Đông, gần đây nhất, vào tháng Chín, Nhật đã điều 3 tàu chiến trong đó có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Kaga nhằm “phản ứng đối với hành động hung hăng ngày càng gia tăng của Tàu Cộng trên Biển Đông”, như bình luận của Japan Times.

Hàng không mẫu hạm Kaga của Nhật. (Ảnh: Naval Today)

Ngoài Nhật, các nước Anh, Pháp, Úc hay Ấn Độ cũng tích cực chung tay với Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện của mình trên Biển Đông. Trong chuyến hải hành của các tàu chiến Nhật tới Biển Đông vào tháng trước, Anh đã cử tàu hộ vệ HMS Argyll tham gia tập trận chung với các tàu chiến Nhật.

Trước đó, Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã cho tàu tấn công đổ bộ HMS Albion di chuyển vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Bên cạnh Anh, Pháp cũng là quốc gia rất tích cực ủng hộ việc tự do hàng không và hàng hải trên Biển Đông. Vào cuối tháng Năm, tàu chiến Pháp có tên Dixmude, và một tàu khu trục, đã tiến vào khu vực gần các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa mà Tàu Cộng tự ý bồi đắp.

Trước đó, Pháp cũng đã liên tục đưa tàu chiến tới Biển Đông, tàu trinh sát Vendémiaire được cử tới vùng biển này vào các năm 2014-15 và 2018, tàu trinh sát Prairial vào năm 2017 và hai tàu FREMM Provence, Auvergne lần lượt vào các năm 2016 và 2018.

Ấn Độ và Úc cũng từng nhiều lần cử tàu chiến tới Biển Đông và có những cuộc thăm viếng trao đổi kinh nghiệm quân sự với Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tương lai nào cho Biển Đông sau chuyến thăm của Mattis tới Việt Nam?

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis, tới Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16-17/10 được AP đánh giá là bất thường ở hai điểm: thứ nhất, chưa từng có một bộ trưởng quốc phòng nào của Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam 2 lần trong một năm, thứ hai, ông Mattis lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến cho chuyến thăm lần này, một địa điểm ít được lựa chọn bởi những người tiền nhiệm và cũng khác với địa điểm trong chuyến thăm lần đầu của ông tới Việt Nam.

Trong hai ngày làm việc ở Việt Nam, sau khi có cuộc gặp với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Mattis đã có chuyến thăm sân bay Biên Hoà để tìm hiểu về công tác tẩy độc Dioxin, và cuối cùng là cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Qua các cuộc gặp của ông Mattis với các quan chức cấp cao của Việt Nam, giới truyền thông không được chứng kiến các phát biểu có liên quan tới Biển Đông, nhưng dường như đây là một chiến thuật của hai bên nhằm gìn giữ “đại cục”, không “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đã căng như dây đàn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trả lời các phóng viên trên chuyến bay tới Việt Nam hôm 16/10, ông Mattis cũng đã “khéo léo” bày tỏ mối quan ngại đối với việc bồi đắp các đảo và hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Tàu Cộng.

Án ngữ ngay trên đường tiến về phía Nam của Tàu Cộng, đồng thời cũng là một bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam đang nằm trong “cuộc chơi” với người hàng xóm khổng lồ. Vì thế quốc gia hình chữ S giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông, điều mà giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á của Úc, đánh giá. Ông Thayer cũng cho rằng tầm quan trọng của Việt Nam sẽ còn tăng lên khi nước này trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và có cơ hội lớn trở thành một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ở chiều ngược lại, rõ ràng với thực lực hiện tại, Việt Nam khó lòng đương đầu với gã hàng xóm khổng lồ và khó lường. Quốc gia từng có nhiều duyên nợ với Tàu Cộng trong lịch sử rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là sự ủng hộ của cường quốc số một thế giới, để đối phó với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thủy thủ đoàn của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson được đón tiếp khi cập cảng Đà Nẵng. (Ảnh: Stars and Stripes)

Vì thế, về phía Mỹ, Việt Nam là “một đối tác tự nhiên” của Hoa Kỳ, như đánh giá của ông Josh Kurlantzick, nhà báo và chuyên gia về châu Á của Mỹ. Còn về phía Việt Nam, ông Kurlantzick nhận định, “Việt Nam ủng hộ một số chính sách của Tổng thống Trump”, điều này là dễ hiểu vì chính quyền Trump luôn có quan điểm cứng rắn hơn chính quyền tiền nhiệm trong việc xử lý các vấn đề có “yếu tố Tàu Cộng”, điều đã được chứng minh qua các biện pháp thẳng tay của ông chủ tòa Bạch Ốc trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh thời gian qua.

Một câu hỏi được đặt ra là, vậy sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Việt Nam thì câu chuyện Biển Đông sẽ diễn tiến theo hướng nào? Câu hỏi này có thể được giải đáp phần nào thông qua phần trả lời cho một câu hỏi tương tự của nhà báo chính trị Tom Rogan và những hành động mới nhất của các bên, ngay sau chuyến viếng thăm lần thứ hai của ông Mattis tới Việt Nam.

Trong một bài viết đăng trên tờ Washington Examiner vào đầu tháng này, sau sự kiện Tàu Cộng cho tàu chiến đối đầu tàu chiến Mỹ ở Hoàng Sa, nhà báo Rogan đã đưa ra câu hỏi “tu từ”: Chính quyền Mỹ cần làm gì trước hành động “càn quấy” của Tàu Cộng ?
Ông Rogan cho rằng, Mỹ cần thực hiện những việc sau để hạn chế tối đa tham vọng của Tàu Cộng.

Thứ nhất, chính quyền Trump cần huy động sự can thiệp của các đồng minh. Theo đó, Mỹ nên yêu cầu Australia, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam, mỗi nước cử ít nhất một tàu chiến để tham gia tuần tra chung tại quần đảo Trường Sa.

Thứ hai, Tổng thống Trump cần gia tăng áp lực trên nhiều lĩnh vực đối với Tàu Cộng, và thuyết phục nghị viện cho chi tiêu nhiều hơn nữa để tăng cường năng lực trong chiến tranh mạng, và phát triển các loại vũ khí phục vụ cho lực lượng hải quân.

Hai ngày sau khi rời Việt Nam để tham dự Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN, theo The Hill, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mattis trong cuộc gặp với Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đã kêu gọi hai nước này chung tay với Mỹ ngăn chặn thế lực muốn độc chiếm các vùng biển.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tại Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, đứng sau ông là người đồng cấp Việt Nam, Ngô Xuân Lịch. (Ảnh: Reuters)

Dễ nhận thấy ông Mattis ám chỉ Tàu Cộng là thế lực muốn kiểm soát các vùng biển vì Bắc Kinh cùng lúc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật trên Biển Hoa Đông và với nhiều nước ASEAN trên Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta hãy cùng chung tay, các đồng minh và đối tác ASEAN, chắc chắn rằng khi chúng ta đoàn kết lại thì sẽ không có một quốc gia nào có thể viết lại các quy tắc quốc tế rồi yêu cầu tất cả các quốc gia lớn và nhỏ khác [phải] tuân theo”, ông Mattis nói.

Ông Mattis cũng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục điều “máy bay, tàu chiến đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, theo nhu cầu lợi ích quốc gia của chúng tôi”, và nói rằng “không thể chấp nhận hành động quân sự hóa [của Tàu Cộng] trên Biển Đông hay bất kỳ hành động nào nhằm o ép [các nước] trong khu vực”.

Trong một diễn biến có liên quan, trong cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và Mỹ, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã đồng ý cùng Hoa Kỳ tổ chức tập trận chung trên Biển Đông vào năm 2019.

Thực tế cho thấy các biện pháp mạnh tay mà ông Trump đã áp dụng trong vấn đề thương mại với Tàu Cộng đang phát huy tác dụng, như đánh giá của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Inhofe. Phó Tổng thống Pence nói: “Đã đến lúc Mỹ không cần phải lịch sự với Tàu Cộng”, phát biểu này cho thấy chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ còn áp dụng những chính sách cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh.

Mỹ cứng rắn, đồng minh ủng hộ, Việt Nam là “đối tác tự nhiên” của Mỹ, như đánh giá của ông Josh Kurlantzick, đó sẽ là những nhân tố dẫn dắt câu chuyện Biển Đông sắp tới?

Lục Du

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt