Cấm vận dầu hỏa Bắc Hàn: Một chiến lược hiệu quả ?

Họp Hội Đồng Bảo An ngày 04/09/2017 sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn (Ảnh REUTERS)

Sau cấm vận du lịch và kiều hối của lao động ở ngoại quốc, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận dầu hỏa với Bắc Hàn. Giới chuyên gia nhận định đấy có lẽ sẽ là “một đòn chí mạng” nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, nhưng rất khó thuyết phục được Bắc Kinh.
Theo một dự thảo nghị quyết được công bố ngày 06/09/2017, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận nguồn nhập khẩu dầu hoả và tất cả các sản phẩm từ dầu hỏa và khí hóa lỏng. Nếu được áp dụng, đây sẽ là một “cú đánh đau” vào chế độ Kim Jong Un.
Trên thực tế, Bắc Hàn hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu. Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng EIA trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính Bình Nhưỡng nhập khẩu mỗi ngày khoảng 10000 thùng dầu, với mức giá là 50 đô la/thùng, tương đương với khoảng 180 triệu USD/năm. Phần lớn nguồn cung ứng dầu đến từ Trung Cộng, nhưng không ai biết chính xác khối lượng được giao, bởi vì kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã ngừng công bố các số liệu.

Còn theo Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế (ITC), trực thuộc Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Liên Hiệp Quốc, riêng trong năm 2016, Bắc Hàn đã nhập khẩu từ Trung Cộng 115 triệu đô la các sản phẩm từ dầu hỏa, bao gồm xăng dầu và nhiên liệu cho máy bay. Bên cạnh đó, còn phải tính đến lượng nhập khẩu đến từ Nga, trị giá khoảng 1,7 triệu đô la mỗi năm.

Nếu quốc tế thực thi nghiêm túc lệnh trừng phạt này, người dân Bắc Hàn sẽ là nạn nhân đầu tiên gánh lấy hậu quả, theo như đánh giá của Viện Nautilus. Với chiến lược “songun” (quân đội trước hết), chế độ Bình Nhưỡng sẽ siết chặt ngay lập tức nguồn nhiên liệu cung cấp cho người dân. Hệ quả là người dân sẽ phải đi bộ thay vì đi xe buýt; điện thắp sáng trong nhà sẽ ít hơn; và tệ hại nhất là tình trạng phá rừng để lấy than củi, dẫn đến hiện tượng “xói mòn, sạt lở đất, ngập lụt và nạn đói”.

Về phía quân đội, báo cáo của Viện Nautilus đánh giá, trước mắt, lệnh trừng phạt nhắm vào nguồn nhập khẩu dầu hỏa có lẽ sẽ chỉ có một “tác động gần như không hoặc hạn chế” lên quân đội Bắc Hàn và các chương trình phát triển hoả tiễn đạn đạo và nguyên tử. Bởi vì với kho dự trữ chiếm đến một phần ba nhập khẩu dầu hoả, quân đội nước này có đủ khả năng cầm cự chí ít trong vòng “một năm với mức tiêu thụ như dưới thời bình” và có thể chiến đấu trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, theo quan sát của các nhàgiới chuyên môn, đòn trừng phạt được cho là “chí mạng” này đối với chế độ Bình Nhưỡng khó có thể được Trung Cộng thông qua. Cắt nguồn cung dầu hỏa có nguy cơ làm sụp đổ chế độ Kim Jong Un. Một kịch bản khiến Bắc Kinh sợ “tái mặt”, như phân tích của ông Jean-Vincent Brisset, Viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược, được AFP trích dẫn.

Bình Nhưỡng sụp đổ, Bắc-Nam Hàn thống nhất, kéo theo dòng người di tản và sự hiện diện của lính Mỹ ngay sát biên giới Trung Cộng. Và Bắc Hàn không còn là quốc gia đệm nữa và như vậy “Trung Cộng sẽ mất mọi quyền lợi”.

Do đó, theo quan điểm của cựu thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc, Kim Sung Han, cách thức tốt nhất để thuyết phục Trung Cộng đồng ý thông qua lệnh cấm vận dầu hỏa là đe dọa các lợi ích riêng của nước này, thông qua việc trừng phạt các doanh nghiệp nào của Trung Cộng có làm ăn với Bắc Hàn như Hoa Kỳ đề xuất.

“Nói thì dễ, làm thì khó”. Năm 2016, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Cộng là 115,6 tỷ đô la. Liệu Hoa Kỳ có dám thực hiện ý tưởng của mình hay không khi mà Boeing hôm qua còn dự báo trong vòng 20 năm tới, thị trường hàng không Trung Cộng sẽ phải cần đến 2000 chiếc máy bay? Một thị trường béo bở mà hai hãng lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus đang cạnh tranh  gay gắt.

Minh Anh (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt