Cảm nghĩ về lão đồng chí Hoàng Tích Thông vĩnh viễn ra đi…
Bấm vào lời: Phân Ưu Đồng Chí Hoàng Tích Thông Tạ Thế
Cảm nghĩ về lão đồng chí Hoàng Tích Thông vĩnh viễn ra đi.
Những ngày đại dịch virus Vũ Hán biến thể Delta đang lan rộng, nghe hung tin lão đồng chí Hoàng Tích Thông đã từ biệt cõi đời, lòng tôi buồn vô hạn! Biết rằng cuộc đời là vô thường “sinh, lão, bệnh, tử” không thể tránh khỏi. Nhưng tình đồng chí gắn bó lâu nay, thúc dục tôi viết lên những lời thay cho điếu văn bái biệt.
Người ta thường nói “chết là hết chuyện”. Không hẳn vậy! Thế gian cũng có câu tục ngữ “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Con người khi sống có tư cách, hành xử nhân bản, có nhiều cống hiến cho tha nhân và tổ quốc, được nhiều người biết đến và quý trọng, khi mất đi dù thân xác đã trở thành cát bụi, vẫn còn để lại tiếng tốt cho đời sau. Xin gửi cảm nghĩ của người ở lại đến đồng chí Hoàng Tích Thông bên kia thế giới!
Đồng chí Hoàng Tích Thông sinh năm 1926 tại làng Đông Ngạc ở ngoại ô thành phố Hà Nội, trút hơi thở cuối cùng lúc 6:10 giờ chiều 26 tháng 8 năm 2021 tại thành phố Santa Ana, California Hoa Kỳ. Lễ di quan tại Nhà Quàn Peek Funeral Home thành phố Westminster, California lúc 2:30 giờ chiều ngày 19 tháng 9 năm 2021. Đóng lại một kiếp người!
Sống trên đời 95 năm, đồng chí đã trải qua những chặng đường tang thương của đất nước, đã để lại nhiều kỷ niệm với bạn bè, chiến hữu, đóng góp nhiều công lao cho Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) và chế độ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).
Là con út trong một gia đình khoa bảng, thuở thiếu thời đồng chí Hoàng Tích Thông được cha mẹ yêu thương, cưng chiều. Vào năm 1945, mới 19 tuổi, đồng chí rời mái ấm và tình thương gia đình hướng về tình yêu tổ quốc. Tuổi thanh xuân, đồng chí xếp bút nghiên băng mình vào sương gió, theo lý tưởng cách mạng VNQDĐ, nối chí anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học với ước vọng đánh Pháp dành độc lập, đánh Cộng Sản vì tự do. Từ đó, đồng chí lấy bí danh Hoàng Quý Minh để dễ dàng cho những bước đường hoạt động cách mạng cứu nước.
Vì tình yêu quê hương bùng cháy trong tim, đồng chí Hoàng Tích Thông không sờn nguy khổ, đầu đội trời chân đạp đất băng ngàn trong các chiến khu. Khi thì đánh Pháp dành độc lập, khi thì đánh Việt Minh Cộng Sản vì tự do.
Những ngày tháng của những năm 1945 là thời khắc mà số phận Việt Nam rơi vào hoàn cảnh bi thảm nhất. Thân phận Việt Nam nhược tiểu phải đối đầu với hai thế lực ngoại xâm to lớn và hung ác. Một bên là Thực dân Pháp đô hộ, bên kia Cộng Sản độc tài đang âm thầm dùng tay sai Hồ Chí Minh núp dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc” để thực hiện tham vọng Cộng Sản Mác-Lê nhuộm đỏ thế giới. Người Việt quốc gia chân chính chỉ có một con đường duy nhất là phải đổ máu chiến đấu cho tổ quốc tồn sinh. Đồng chí Hoàng Tích Thông đã có mặt trong Đệ Tam Chiến Khu VNQDĐ từ những ngày đầu thành lập, nguyện cùng anh em Việt Quốc đem thân mình bảo vệ tổ quốc.
Từng ngọn đồi, từng góc núi của vùng Đệ Tam Chiến khu VNQDĐ mà đồng chí đi qua đều thấm máu của những chiến sĩ yêu nước. Bao thanh niên yêu nước đã ngã gục trước họng súng quân thù Thực Dân Pháp và Việt Minh Cộng Sản! Đến lúc binh tàn, lực kiệt vẫn không đầu hàng quân giặc, vượt biên giới sang Trung Hoa tạm lánh nạn để tiếp tục chiến đấu cho nền độc lập dân tộc.
Trong cuốn “Cuộc Đời Tôi” của đồng chí Hoàng Tích Thông. Thật xúc động khi đọc những trang hồi ký sống động của những chiến sĩ yêu nước lưu vong tại Trung Hoa. Bao nỗi nhọc nhằn khó khăn trả giá bằng mồ hôi nước mắt của đồng chí Hoàng tích Thông và những lão thành cách mạng VNQDĐ, làm đủ mọi công việc lo cơm áo cho cuộc sống hằng ngày và duy trì sinh hoạt của Đảng. Điều đáng trân quý, dù khó khăn gian khổ đến mấy, những chiến sĩ VNQDĐ không lùi bước, không ngừng sinh hoạt, không quên lời thề phải chiến đấu cho lý tưởng Việt Quốc.
Đệ II Thế Chiến kết thúc, Đức-Ý-Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, âm mưu xâm lược Cộng Sản nổi lên như một đại hoạ cho nhân loại. Năm 1949, toàn cõi Hoa Lục bị quân Cộng Sản Mao Trạch Đông đánh chiếm. Những chiến sĩ cách mạng Việt Nam lưu vong sang Tàu không còn đất dung thân. đồng chí Hoàng Tích Thông phải vượt ngàn dặm đến Hồng Kông để tìm đường về quê hương.
Trở về Việt Nam vào năm 1950, thì Cộng Sản Hồ Chí Minh đã cướp chính quyền. Chiến khu VNQDĐ nay không còn nữa, những anh em đồng chí mỗi người một ngã, chiến tranh đã cướp mất người mẹ già thân yêu từ lúc đồng chí chia tay không bao giờ gặp lại! Trước những vòng xoáy của cuộc đời, trước những oái ăm của thời cuộc, đồng chí đi tìm con đường để tiếp tục chiến đấu.
Tháng 4 năm 1953, đồng chí Hoàng Tích Thông tình nguyện gia nhập khoá 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Từ đây cuộc đời đi vào một ngã rẽ mới – trở thành sĩ quan trong quân đội Quốc Gia Việt Nam trực diện chiến đấu với quân thù Cộng Sản…
Đời binh nghiệp của đồng chí trải dài từ những đơn vị bộ binh miền Bắc, đến Sư Đoàn 2, rồi Sư Đoàn 1 địa đầu giới tuyến. Những sư đoàn bộ binh này không đủ để thoả chí tang bồng, nên đồng chí Hoàng Tích Thông đã tình nguyện chuyển sang binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến, sư đoàn Tổng Trừ Bị của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà.
Tại sư đoàn thiện chiến này, đồng chí Hoàng Tích thông đã ghi những chiến công hiển hách, đặc biệt là vào tháng 4 năm 1965, với chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến, đồng chí Hoàng Tích Thông đã đem tài năng chỉ huy Tiểu Đoàn 2 TQLC đánh tan một Trung đoàn CSVN của Sư đoàn 3 Sao Vàng mới xâm nhập vào Nam tại ấp Phụng Dư, xã Tam Quan, Bồng Sơn. Chiến thắng vang dội này làm cho quân CSBV kinh hồn bạt vía, và Việt Cộng đồn tiểu đoàn này đánh như trâu điên. Từ đó Tiểu đoàn 2 Thuỷ Quân Lục Chiến có biệt danh Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên, một tiểu đoàn lừng danh trong Quân Đội VNCH, khi Cộng quân nghe tên là khiếp sợ.
Với 22 Năm (1953-1975) đồng chí Hoàng Tích thông phục vụ trong quân đội VNCH thì 13 năm (1958-1971) ở trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Từ Trung uý đại đội trưởng lên Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng, bước chân đồng chí hành quân từ cực Nam rừng U Minh tỉnh Cà Mâu đến Cửa Việt tỉnh Quảng Trị ở địa đầu giới tuyến. Đồng chí Hoàng Tích Thông đã tham dự những trận đánh có tên trong quân sử VNCH như Bình Giả, Bồng Sơn, Tân Cảnh, Campuchia, Hạ Lào, Mậu Thân Huế và Sài Gòn, Khe Sanh, Quảng Trị… Những cấp bậc từ Đại Uý đến Đại Tá và hai Huy Chương cao quý Đệ Ngủ và Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương đều do những chiến công ngoài mặt trận.
Năm 1971, đồng chí Hoàng Tích thông rời binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến đi học Tham Mưu Cao Cấp. Sau đó nhận chức Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 2. Đơn vị mà cách đây 20 năm đồng chí đã từng chỉ huy một đại đội. Giờ đây, như một vòng tròn định mệnh khép lại cuộc đời binh nghiệp của đồng chí vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản.
Như bao nhiêu sĩ quan cao cấp của quân đội VNCH đồng chí vào trại tù cải tạo Cộng Sản từ Nam ra Bắc gần 13 năm.
Năm 1991, một lần nữa, đồng chí Hoàng Tích Thông phải rời quê hương theo chương trình HO đến định cư tại thành phố Santa Ana tiểu bang California Hoa Hỳ.
Đếm Hoa Kỳ, đồng chí Hoàng Tích Thông đã 65 tuổi. Ở tuổi về hưu, đáng ra đồng chí nghỉ ngơi sau những năm tháng chiến đấu ngoài chiến trường với nhiều thương tích và trải qua những năm dài thân xác bị hành hạ trong trại tù Cộng Sản nơi chốn rừng sâu nước độc. Nhưng đồng Chí Hoàng Tích Thông thấy quê nhà vẫn bị chìm đắm trong sự cai trị độc tài của chế độ Cộng Sản. Đồng chí quyết đi cho trọn lý tưởng của mình, tham gia sinh hoạt với Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Hải Ngoại. Trong sinh hoạt Đảng, đồng chí Hoàng Tích Thông không từ chối một trách nhiệm nào của Đảng giao phó. Chưa bao giờ nghĩ rằng trước đây trong quân đội từng chỉ huy lữ đoàn, sư đoàn mà hôm nay lãnh trách nhiệm nhỏ nhoi của Đảng. Có lúc đồng chí nhận đảng vụ Bí Thư Khu Bộ Nam California tại Quận Cam (Orange County) để hướng dẫn anh em Việt Quốc thế hệ trẻ. Trong sinh hoạt, đồng chí cũng tỏ tinh thần dân chủ và luôn đi đúng với chủ trương của Đảng. Trong phát biểu, đồng chí Hoàng Tích Thông luôn soạn sẵn với những lời đắn đo suy nghĩ rút từ kinh nghiệm lãnh đạo của mình trong quá khứ để xây dựng VNQDĐ.
Đồng chí Hoàng Tích Thông đã để lại một gương hy sinh cao quý của người chiến sĩ VNQDĐ. Những ngày cuối đời anh em vẫn quý trọng và bầu anh vào vị trí Chủ Tịch Hội Đồng Pháp Quy Việt Nam Quốc Dân Đảng, như chủ tịch quốc hội trong một thể chế Tam Quyền Phân Lập.
Do lòng quý mến, các đồng chí lãnh đạo VNQDĐ thường thăm viếng sức khoẻ của lão đồng chí Hoàng tích thông trong những ngày ở tuổi 90. Đồng chí Hoàng Tích thông là hiện thân của bậc trí nhân: “khi con người đã mất hết thì chỉ ngồi buồn nuối tiếc, nhưng với đồng chí Hoàng Tích Thông thì quan niệm đời người còn cả tương lai trước mặt”. Do đó khi đồng chí không còn chức vụ, huy chương, và tất cả những gì của chính thể VNCH thì đồng chí còn lý tưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng trước mặt để đi tới.
Những ngày còn lại với tuổi 90, sức mòn lực kiệt, mỗi lần ghé thăm thấy hiền nội của đồng chí là chị Nguyễn Thị Oanh chăm sóc tận tình từng bửa ăn, giấc ngủ… và giây phút trút hơi thở cuối cùng đồng chí cũng ra đi một cách thanh thản.
95 năm cuộc đời trải qua nhiều sóng gió. Đồng chí ra đi đã để lại cho thế hệ mai sau một tấm gương sáng của người chiến sĩ Việt Quốc và thể hiện trong danh ngôn “Thành công không phải là lúc cuối cùng, thất bại không phải là lúc chết, lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng”.
Xin cầu nguyện đồng chí Hoàng Tích Thông được an nghỉ nơi miền tiên cảnh!
Texas ngày 8 tháng 9 năm 2021
Lê Thành Nhân
Chủ Tịch Hội Đồng hấp Hành Trung ương Việt Nam Quốc dân Đảng