Cám ơn Việt Khang
Việt Khang thành viên Tuổi Trẻ Yêu Nước chỉ có hai bản nhạc từ cái tâm hồn nhiên yêu nước trong sáng sẽ nằm trong lòng người Việt trong suốt giòng sinh mệnh dân tộc. Một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rên la nhạc phản chiến rồi cũng theo thời gian đi vào cát bụi, giòng nhạc cũng lụi tàn vì tính “phản chiến” vô ý thức của nó. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng thế, những tình yêu đôi lứa qua Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi cũng phôi phai theo thời gian nhất là cuối đời quay về tác hợp văn hóa với loại người cầm thú CSVN…thì giòng nhạc Phạm Duy lại sớm lụi tàn hơn nữa. Giờ đây ý nghĩa của một triết gia cao siêu nào đó: “Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả” thể hiện trọn vẹn trong cả văn hóa và văn nghệ. Việt Khang hai bản nhạc nói lên tất cả.
Cám ơn Việt Khang
Phạm Minh-Tâm – Cám ơn em, vì nhờ em mà tôi nhìn ra mình – theo một cách nào đó – đang đứng chung trong hàng ngũ mà em gọi là kẻ nhu-nhuợc. Cho dù tôi không có quyền ký văn-kiện này, công-hàm nọ nhưng thái-độ im lặng của tôi, cách sống vô cảm của tôi cũng chính là đồng lõa với tội-ác bán nước hại dân…
Chiến-dịch ký thỉnh-nguyện-thư hỗ-trợ công cuộc tranh-đấu cho nhân-quyền tại Việt-Nam nói chung và cách riêng cho nhạc-sĩ Việt Khang do nhạc-sĩ Trúc Hồ cùng bạn hữu của đài SBTN khởi xướng và phát-động đã tạm kết-thúc với con số tổng-kết trên 150 ngàn chữ ký của đồng bào và những cuộc tiếp-xúc giữa cộng-đồng người Việt với những nhân-sự hữu-trách của chính-giới Hoa-kỳ. Nếu chiến-dịch này đã tạo thành một sự-kiện có tầm ảnh-hưởng đáng kể thì dư-vang phức-tạp của nó cũng quan-trọng không kém. Chẳng hạn, từ những dư-luận đánh phá nhạc-sĩ Trúc Hồ vào những ngày trước khi chiến dịch khởi sự, rồi đến những thái-độ phấn-khởi khi con số chữ ký gia tăng mỗi ngày mà theo cách nói trong một bài viết của ông Tâm Việt là “lan như cháy rừng” và bây giờ là những lời khen tiếng chê… không loại trừ cả những lên tiếng kẻ vạch nọ kia cũng bốc mạnh như lửa khói… Tất cả đã làm nên giá-trị của một tấm gương trong vắt để mỗi người có thể soi mình trong đó mà nghiêm-túc nghiệm-duyệt lại cho riêng mình một số kinh-nghiệm nào đó rất thực-tế, rất chính-xác và cũng rất hữu-ích. Song đó là dư-luận chung kiểu chín người muời ý.
Ở đây, người viết chỉ muốn nói lên lời cám ơn chân-thành với Việt Khang, một người trẻ đã và đang là một hiện-tượng rất đặc-biệt. Bởi vì nhờ vào những lời hát đầy tâm-sự nước non qua hai nhạc-phẩm “Việt-Nam tôi đâu” và “Anh là ai” mà ít ra Việt Khang cũng đã thôi thúc được hàng trăm ngàn trái tim đập mạnh lên, đã làm rung động tuổi trẻ Việt-Nam hôm nay.
Vì vậy, theo tuổi đời, tôi muốn đuợc gọi Việt Khang bắng tiếng em để nhắc chừng tôi rằng thế-hệ đàn anh, đàn chị hay cha chú như tôi phải cám ơn em và đấm ngực mình.
Tôi đã ngậm-ngùi cúi đầu vì lời hát của em. Nó không phải là lời, là nhạc đuợc gạn lọc từng chữ, từng âm-hưởng theo cách làm nghệ-thuật mà là những giọt sầu được vắt ra từ não tuỷ, từ tâm can em.
Những câu em hỏi “Việt Nam tôi đâu?” và “Anh là ai ?” không phải là lời vặn-vẹo gây hấn mà là nỗi hốt-hoảng đến bàng-hoàng rất đơn giản và tự nhiên khi nhìn thấy một sự thật phũ-phàng mà nhiều, rất nhiều người Việt-Nam đã vì sao đó nên không mấy hiểu và âu-lo:
Giờ đây Việt-Nam còn hay đã mất
mà giặc Tầu ngang tàng trên quê hương ta.
Hoàng Trường sa đã bao người dân vô tội,
chết ngậm nguì vì tay súng giặc tầu
Em không phải là nhà đại-trí thức, không phải là những người mang trên mình nhiều tuớc vị, nhiều bằng sắc nhưng em và tôi cũng như tất cả họ đều đã được học chung một bài công-dân giáo-dục khai-tâm sơ-đẳng về lòng yêu nước trên ghế nhà trường. Có điều, tới lúc trưởng-thành, sau khi đuợc nhảy lên chức trọng quyền cao; được mang danh là các đấng làm thầy; đuợc sống trong cảnh phú-túc, thì tôi đã quên và họ đã chối bỏ. Còn em vẫn nhớ bài học căn-bản làm người dân của đất nước mình
Làm một người con dân Việt Nam, lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm.
Người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi.
Từng đoàn người đi chẳng nề chi.
Già trẻ gái trai giơ cao tay, chống quân xâm lược…
Em cần hãnh-diện và tự-hào về cái biệt-hiệu dài mà linh-mục Nguyễn Ngọc Tỉnh tặng em là “người nhạc sĩ trẻ miệt vườn tỉnh lẻ”. Chính vì em ở miệt vuờn, ở tỉnh lẻ chứ không phải từ các nước Anh, Pháp, Mỹ hay Rô-ma về nên em còn gắn liền với vườn ruộng, sông nước quê-hương; mới xót-xa với sự mất còn của từng tấc đất; mới thấy cần thiết phải đòi hỏi cái quyền được… “xuống đường để tỏ bày tình yêu quê hương này”; cảm thông được với “dân tộc này đã quá nhiều đắng cay” mà không chai sạn và vô-cảm như những người chỉ vì muốn được hưởng thêm các đặc-quyền, đặc-lợi mà đã huênh-hoang về sự hiểu biết của mình khi trâng-tráo giơ cao cái bánh vẽ làm việc theo khả năng còn nhu cầu có bao nhiêu là cứ việc xài.
Tôi hiểu sự ngạc nhiên của em khi nhìn cảnh những công-an nhân-dân cũng là người Việt-Nam, nói tiếng mẹ đẻ Việt-Nam lại thẳng tay đàn-áp những người dân yêu nước đi biểu tình:
Xin hỏi anh là ai, sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?
Xin hỏi anh là ai, sao đánh tôi chẳng một chút nương tay?
Xin hỏi anh là ai không cho tôi xuống đuờng để tỏ bày?
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay.
Nhưng em có nghĩ rằng những sự bắt-bớ, đánh đập kia chẳng qua chỉ là việc làm của những kẻ cấp nhỏ vì họ ăn lương thì phải thừa hành, không đáng trách nhiều nếu so với thái-độ làm ngơ của những bậc này vị kia chẳng những đã giả câm giả điếc hết năm này tháng nọ, chưa bao giờ mở miệng nói một lời công-đạo trước những bất-công và phi-lý của bao nhiêu trường hợp bị đàn-áp cách bạo ngược mà lại còn giả mù để làm chứng gian rằng xã hội cộng sản là một xã-hội hoàn hảo trong đó không còn cảnh người bóc lột người thì ai tàn-ác, ai vô-ý-thức và vô-lương-tâm hơn? Ai làm cho “Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời, người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giầu sang giối gian” hơn những kẻ đó?
Cám ơn em vì những lời em hỏi đã làm tôi thật sự biết nhức-nhối và bị dằn vặt trong ý-thức mình là kẻ chưa xứng để mang trên mình hai chữ Việt-Nam.
Xin hỏi anh ở đâu
ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm?
Xin hỏi anh ở đâu
sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi?
Việt Khang nhỉ, phải chi những hành-động thô-bạo đó đến từ những bàn tay lông lá của ngoại nhân khác máu tanh lòng cũng như những câu chửi bằng tiếng Tầu, tiếng Nhật hay tiếng Pháp của những thời Bắc-thuộc, Nhật-thuộc hay Pháp-thuộc… mà trong khu nhà tù Hoả-lò hiện nay vẫn còn những mô-hình trưng bày chứng tích dã-man đó, thì cũng cam đành trong thân-phận người dân một nước bị ngoại xâm và bị đô-hộ, phải không? Còn bây giờ… Tôi đã thật thấm thía câu hỏi của em “sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi”. Cái thứ tiếng đựợc đặt tên là tiếng mẹ đẻ mà một nhạc-sĩ đã tỏ bày tình-cảm trân quý rằng “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” ấy giờ này dùng để chửi nhau, đặt bản án, nguyền rủa nhau giữa những người yêu nước và yêu chủ-nghĩa làm em ngạc nhiên, đau xót đến sững-sờ. Nhờ đó tôi giật mình tỉnh thức ra khỏi nỗi u-mê, trì-trệ trên những trang lý-thuyết về chủ-nghĩa này, giáo-điều nọ bằng tiếng Nga, tiếng Đức…
Nhớ lúc nhỏ, mỗi khi làm điều gì hư đốn mà bị mẹ tôi cho là thái-độ phạm đến tình cảm gia-tộc thì bị chửi nặng lắm. Đó là “mày là cái thứ từ lỗ nẻ chui lên” ý nói tôi giống như là một loại con hoang không nguồn không cội. Những khi đó, tôi tủi thân lắm. Bây giờ nghe em hỏi đi hỏi lại “anh ở đâu, sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi” tôi mới giật mình nghĩ đến cái cội nguồn chung của chúng mình em ạ. Nhất là tôi nhìn ra đụợc, tình yêu Quê-hương, Đất Nước không phát sinh từ học-vị hay phẩm-trật mà phải là từ cái tâm dẫn đến ý-thức minh bạch về cội nguồn thì mới trả lời thật dứt khoát câu hỏi của em “Anh ở đâu”. Không phải ở Tầu mà cũng không phải ở Tây. Ở trên giải đất hình chữ S trải dài từ ải Nam-quan đến mũi Cà-mâu. Em hỏi bằng những cảm xúc tự nhiên dậy lên từ trái tim nóng trong người thanh-niên Việt-Nam và tôi cảm thấy tủi nhục lắm trong tâm-thức Việt-Nam của mình, em biết không? Nỗi nhục này là sợi dây oan từng thời đã trói buộc nhiều thế-hệ rồi mà tôi và nhiều đồng-bào mình đã quên. Để cám ơn em, tôi lần về trang sử trước.
Em còn nhớ đức Trần Hưng Đạo đã để lại gì cho chúng ta không? Đó là lời cảnh báo trong bài hịch các tướng sĩ từ thời nhà Trần rằng “…giặc Nguyên cùng ta là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên, không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù…”
Tôi tủi nhục vì lời ca tiếng hát của em đó, vì từ em tôi thấy mình đã là đứa hèn, bạc nhược; quanh năm suốt tháng chỉ biết chạy theo vui hưởng sự phồn vinh giả tạo của mình mà đành sống chui nhủi như thân lươn không quản lấm bùn.
Cám ơn em vì những lời hát như là tiếng thét thất thanh giúp tôi cất đầu lên đuợc để mở mắt ra mà xem, dù có chút muộn màng.
Cám ơn em vì em mới là con cháu đã không bỏ phí dòng sữa của mẹ Việt-Nam, đã xứng với sự hy-sinh của các anh-hùng liệt-nữ, hơn tôi. Em đã thuộc và nhớ bài học lịch-sử của Hưng Đạo Vương nên em bật khóc trước thực-tại hôm nay của Đất Nước, còn tôi thì đã thay thế nó bằng các triết-thuyết ngoại lai… “Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp buổi gian nan này, trông thấy những nguỵ sứ đi lại rầm-rập ngoài đuờng, uốn luỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể-phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân-nam Vương để vét bạc vàng. Của kho có hạn, lòng tham không cùng; khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau…” (Bài hịch các tướng sĩ)
Cám ơn em đã cất lên tiếng hát não-nuột ấy mà phần riêng tôi cũng cần phải nghĩ rằng em đang hỏi tôi. Anh là ai sao bấy lâu nay cứ hững-hờ, vô cảm vậy? Việt-Nam tôi đâu rồi, Việt-Nam của chúng ta đâu rồi, anh thấy không?
Cám ơn em đã chọc thẳng tim tôi, đã dội vào óc tôi bằng những khắc-khoải đó mà tôi ấm lên đuợc tấm lòng Việt-Nam.
Cám ơn em vì tâm-tình của em đã làm xúc động các con, cháu tôi. Những người trẻ trên cùng khắp mọi quốc-gia tạm dung này vì có khi trước đó họ cũng rất mơ hồ về Việt-Nam. Chỉ nguyên việc những ý tình yêu nuớc đắng cay của em đã được dịch sang nhiều ngôn-ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Phổ-thông chẳng hạn đủ chứng tỏ em đã được khắp nơi đồng cảm, đồng tình bởi một lý-do đơn giản là chẳng có ở đâu lại xẩy ra cái điều thô-bạo là ngay cả những nốt nhạc, những lời ca yêu nước bi-thương chỉ nức-nở khóc cho mình, cho anh em mình và với Quê-hương trước hiểm-hoạ ngoại xâm mà bị đàn-áp và bị bỏ tù.
Cám ơn em đã không bằng ngôn ngữ hận thù hay xách động mà chỉ bằng lòng tự-trọng đơn-thuần của người trai đất Việt, để thôi thúc những tấm lòng người trẻ… “từ khắp những phương trời và muôn lối đi trong đời gặp nhau trong tâm hồn Việt-Nam sáng ngời” (Phan Văn Hưng – Bài ca tuổi trẻ). Làm cho họ kết nối lại với cội nguồn dân-tộc mà hiểu dần ra bổn-phận mình:
Tôi không thể ngồi yên
khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng,
dân tộc tôi sắp phải đắm chìm
một ngàn năm hay triền miên tăm tối!
Tôi không thể ngồi yên
để đời sau cháu con tôi làm người
cội nguồn ở đâu
khi thế giới này đã không còn Việt Nam?
Em nhớ mà, phải không, trong Hiến pháp của nhà nuớc năm 1992, nơi chương I, điều (1) đã ghi rằng Nuớc Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời… Lại cũng trong chương này, điều 17 nói rõ thêm là …Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục điạ và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân…”
Vậy mà Việt Khang ơi, đau quá, oan khuất quá phải không em khi chúng ta cứ phải nhìn từng phần lãnh-thổ và lãnh hải mặc nhiên bị cắt dâng cho Tầu. Càng đau hơn khi em đã cùng những bạn hữu, anh em khác chỉ biết hốt-hoảng đưa đôi tay gầy mang những tấm biểu-ngữ đi biểu-tình để tỏ thái-độ với ngoại-bang, để hy-vọng góp chút lòng mong giằng lại cái mình đã mất mà bị đánh đập, bị chửi rủa là gây rối. Em và họ cũng vì đã nhìn thấy những bọn nguỵ sứ đi lại rầm-rập ngoài đuờng hay trên vùng khai-thác bauxite ở Tây-nguyên mà em không ngậm im cho đuợc, mắt em không thể nhắm lại cho xong khi em còn dòng máu Việt-Nam nguyên tuyền chảy trong cơ-thể:
Dân tộc anh ở đâu
sao đang tâm làm tay sai cho Tàu
để ngàn sau ghi dấu
bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào?
Cám ơn em vì em đã nhìn thấy và đã nói, nói cho em cho tôi và cho biết bao nhiêu người nữa.
Cám ơn em, vì nhờ em mà tôi nhìn ra mình – theo một cách nào đó – đang đứng chung trong hàng ngũ mà em gọi là kẻ nhu-nhuợc. Cho dù tôi không có quyền ký văn-kiện này, công-hàm nọ nhưng thái-độ im lặng của tôi, cách sống vô cảm của tôi cũng chính là đồng lõa với tội-ác bán nước hại dân. Cũng như lời của đức Hưng Đạo Vương ngày xưa đã nói “…trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn; thân làm tướng phải hầu giặc mà không biết tức; tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa; hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú về vườn ruộng; hoặc quyến luyến về vợ con; hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước; hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon; hoặc mê tiếng hát…” (Bài hịch các tướng sĩ) khi tôi ngày nay cũng đã và đang sống “vô tư” như vậy. Chỉ khác một điều là các thú vui hưởng thụ thời đức Trần Hưng Đạo xưa đã khác thời nay mà thôi. Các chuyến đi du-lịch Trung-quốc; các tiệc tùng liên-hoan; các cách hưởng thụ vô-ý-thức tại các khu “resort” năm sao; các vũ trường xa-hoa; các nơi giải trí rộn-ràng. Từng đêm và từng đêm, cả một thành-phố, một đất nước bừng lên rực-rỡ ánh đèn màu để những kẻ giầu sang dối gian mặc tình phóng túng làm nên bộ mặt phồn-vinh. Cứ như là một nơi nào khác mà không phải là nuớc Việt Nam của chúng ta vẫn còn bị xếp hạng cao trong những nước nghèo nhất thế-giới. Cũng ngay tại các thành-phố lớn như Sài-gòn, Hà-nội và trên khắp cả nước, tuyệt đại đa số đồng bào chúng ta vẫn còn là người lầm than đói khổ nghèo nàn và phải gánh chịu đủ thứ tệ-đoan, tham-nhũng, dân-sinh yếu kém, dân-quyền bị tước đoạt và nguy cơ mất nuớc gần kề.
Hai bài hát của em là hai lời tâm-niệm thiết-tha và tôi chỉ còn biết kết lại dòng tâm-tư mình bằng lời chân-thành thay cho tất cả…
Cám ơn em, Việt Khang.