Các nước Đông Nam Á đua nhau sắm tàu ngầm

 Ngày 31/12/2013, báo chí Việt Nam đưa tin là chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên mà Việt Nam đặt mua của Nga, được chuyên chở từ cảng Saint Petersburg đã về tới cảng Cam Ranh. Lễ bàn giao tàu ngầm này, có số hiệu là HQ 182 Hà Nội, sẽ được tiến hành vào ngày 10/01/2014. Trong năm 2016, Nga sẽ bàn giao nốt 5 chiếc tàu ngầm còn lại trong đơn đặt hàng của Việt Nam. 

Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga (Ảnh : naval-technology.com)

Trong tháng 11, nhân chuyến công du Ấn Độ của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người ta được biết là hải quân Ấn Độ sẽ huấn luyện khoảng 500 thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam. Đây là một trong những nội dung hợp tác quốc phòng song phương. Ấn Độ đã sử dụng tàu ngầm lớp Kilo của Nga từ những năm 1980.

Sự kiện tàu ngầm HQ182 Hà Nội về đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nhiều nước Đông Nam Á đang tiến hành các chương trình hiện đại hóa hải quân, trong đó có việc trang bị tàu ngầm quy ước.

Ngay từ năm 1967, Indonesia là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á quan tâm đến việc sử dụng tàu ngầm qua việc mua một số tàu của Liên Xô cũ. Đến năm 1978, Jakarta mua hai tàu ngầm chạy diesel của Tây Đức để thay thế cho tàu của Liên Xô.

Năm 2012, Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo vào năm 2020, nước này sẽ có một đội tàu ngầm bao gồm 12 chiếc. Đây là số lượng tàu ngầm tối thiểu để có thể kiểm soát được các điểm chiến lược và các tuyến ra vào quần đảo này.

Hiện nay, hải quân Indonesia đã đặt mua 3 tàu ngầm U-209 của Hàn Quốc và số tàu này sẽ được trao cho Jakarta trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2016. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang xem xét hai khả năng. Hoặc là mua lại các tàu ngầm cũ, lớp Kilo và tân trang lại, hoặc mua tàu mới của Hàn Quốc.

Vào cuối tháng 11/2013, Singapore đặt mua hai tàu ngầm 218 SG của Đức, thay thế cho số tàu ngầm lớp Challenger.

Năm 2002, Malayasia đã ký hợp đồng mua hai tầm ngầm lớp Scorpène của Pháp. Hai tàu này được đưa vào hoạt động năm 2007 và 2009. Tháng 05/2012, Kuala Lumpur tuyên bố là việc mua thêm tàu ngầm tùy thuộc vào khả năng huy động được nguồn tài chính. Năm 2013, Malaysia đã ký hợp đồng mua một tàu ngầm cứu hộ, được đóng tại Singapore.

Tháng 06/2013, Miến Điện đã thảo luận với Nga về dự án mua hai tàu ngầm lớp Kilo. Cùng tháng đó, khoảng 20 sĩ quan hải quân Miến Điện đã được huấn luyện và làm quen với tàu ngầm tại một căn cứ hải quân của Pakistan. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Miến Điện muốn phát triển đội tàu ngầm từ nay đến năm 2015.

Hải quân Hoàng gia Thái, vào tháng 10/2013, thông báo sẽ mua 3 tàu ngầm trong 10 năm tới. Trước đó, do mâu thuẫn nội bộ, kế hoạch mua lại từ 2 đến 6 tàu ngầm cũ loại 206 A của Đức đã không thành.

Trong những năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino, chính quyền Philippines có ý định mua tàu ngầm để hiện đại hóa hải quân. Tuy nhiên, từ một hai năm nay, dự án này đã bị gạt sang mọt bên.

Theo nhận định của chuyên gia Carld Thayer, trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, vùng biển Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông, sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ các đội tàu ngầm quy ước của các nước trong khu vực. Sức mạnh quân sự, tiến hành chiến tranh hay phòng thủ, của các nước được thể hiện không chỉ trên đất liền, trên không, trên mặt biển mà cả dưới đáy biển. Tàu ngầm có thể được sử dụng để do thám, thu thập thông tin, rải mìn, chống tàu ngầm của đối phương và tấn công từ xa.

Điều đáng chú ý là cho đến nay, hầu như không có các cuộc thảo luận giữa chỉ huy hải quân các nước trong hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN – trước sự phát triển của lực lượng tàu ngầm. Rất ít nước trong khu vực có phương tiện cứu hộ khi tàu ngầm bị nạn, ngoại trừ Singapore, còn Malaysia thì đang đặt đóng tàu cứu hộ. Trong thời gian qua, Singapore đã đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác cứu hộ tàu ngầm giữa hải quân các nước trong khu vực, và đã ký các thỏa thuận hợp tác với Úc, Indonesia, Việt Nam.

Tin RFA (Đức Tâm)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt