Các đập thủy điện Trung Cộng giết hại dân 4 nước hạ nguồn
Trung Cộng xây đập thủy điện trên thượng nguồn sông Cửu Long và sông Hồng Hà….làm cho người dân sống dưới hạ nguồn như dân Việt Nam, Thái Lan, Cambodia và Lào đều bị khô cằn và đời sống bị nguy cơ trầm trọng….đã bao nhiêu lần thế giới lên tiếng nhưng đập Thủy Điện càng ngày Trung Cộng càng xây thêm…một thách thức sinh tử trước thời đại…
Hạn hán khiến mực nước sông Mêkông
xuống đến mức thấp nhất từ 20 năm qua
Mực nước ở sông Cửu Long (MêKông) khô cạn vì các đập Thủy Điện của Trung Cộng ngăn nước ở thượng nguồn |
Theo Ủy ban Sông Mêkông, tình trạng mực nước sông Mêkông xuống đến mức thấp kỷ lục, đang đe dọa vấn đề giao thông và cung cấp nước sinh họat cho hàng chục triệu con người mà cuộc sống tùy thuộc vào dòng sông này.
Trả lời hãng tin Pháp AFP hôm 26/02/2010, ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ủy Ban Sông Mêkông đã xác nhận : ”Mực nước sông Mêkông đã xuống tới mức thấp hơn rất nhiều so với mức thấp nhất kể từ ngày chúng tôi bắt đầu có dữ liệu thống kê từ cách nay 20 năm”. Ông nói tiếp : ”Điều chúng tôi ghi nhận là lưu lượng con sông đã giảm sút đáng kể”.
Là người đứng đầu định chế liên chính phủ, bao gồm các nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan, chuyên theo dõi các hoạt động liên quan đến sông Mêkông, trong đó có các vấn đề như đánh cá, nông nghiệp, xử lý lũ lụt, ông Bird đã không che giấu nỗi lo ngại cho đời sống của hàng chục triệu cư dân trong khu vực.
60 triệu người ở vùng hạ nguồn lệ thuộc vào sông Mêkông
Theo ước tính của Ủy ban Sông Mêkông, hiện có hơn 60 triệu người ở vùng hạ nguồn sông Mêkông mà cuộc sống hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào con sông. Dòng nước này là một tác nhân kinh tế quan trọng trong khu vực, vừa là nguồn cung cấp lương thực cho cư dân hai bên bờ, vừa là trục giao thông thiết yếu.
Tác hại của việc mực nước sông Mêkông bi hạ thấp đã có những biểu hiện rất cụ thể. Theo ông Jeremy Bird, gần đây, đã có ít nhất 21 chiếc tàu chở hàng bị mắc cạn ở vùng Vân Nam Trung Quốc do việc mực nước sông bị hạ thấp. Còn tại Lào và Thái Lan, các hãng tổ chức du lịch trên sông Mêkông đã phải hủy bỏ các chương trình đưa du khách từ cố đô Lào Luang Prabang đến Thành phố Huay Xai ở vùng biên giới với Thái Lan.
Vì sao mà mức nước Sông Mêkông bị cạn kiệt ? Theo Ủy Ban Sông Mêkông, thì lý do chủ yếu là tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong vùng. Theo ông Jeremy Bird, khó có thể nói một cách chính xác là hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, nhưng thực tế là lượng mưa tại Vientiane vào mùa mưa năm ngoái thuộc loại ít kỷ lục. Những cơn mưa đến sau đó vào cuối năm 2009 và đầu năm nay cũng nhỏ hơn mức bình quân thường thấy. Kết quả là lưu lượng sông Mêkông bị hạ thấp.
Đập Trung Quốc lưu giữ nước sông trên thượng nguồn?
Theo các tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan, thì sở dĩ mực nước sông Mêkông bị cạn kiệt bất thường, đó là vì nước sông bị các con đập do Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn lưu giữ. Hiện có đến tám đập thủy điện to lớn đã hay đang được Bắc Kinh xây dựng ở trên dòng chảy chính của sông Mêkông.
Những con đập đã đi vào hoạt động lẽ dĩ nhiên đã hút nước sông Mêkông vào các hồ chứa của mình, qua đó giảm bớt lượng nước thoát xuống phiá dưới. Nhật báo Thái Lan The Nation cho biết là chính quyền Bangkok sẽ yêu cầu Ủy ban Sông Mêkông đàm phán với Trung Quốc để nước này xả bớt nước trong hồ chứa các con đập, để giúp các nước hạ nguồn đối phó với tình trạng khô hạn.
Đối với ông Jeremy Bird, khó có thể gắn liền sự kiện mực nước sông Mêkông bị hạ thấp với các con đập trên thượng nguồn. Thế nhưng ông cho rằng : việc hút nước cho đầy các hồ chứa của các con đập trong mùa khô là một điều bất thường. Theo ông, nếu Thái Lan có yêu cầu chính thức, thì Ủy ban Sông Mêkông sẽ thương lượng với Trung Quốc về khả năng xả nước.
Trong khi chờ đợi, đời sống của cư dân vùng hạ nguồn sông Mêkông tiếp tục bị chi phối nặng nề. Theo nhật báo Lào Vientiane Times, mực nước sông Mekong chảy qua nhiều địa phương của Lào tiếp tục xuống thấp chưa từng thấy, giảm 10cm mỗi ngày, các trạm thuỷ lợi ở thủ đô Lào đã không đủ nước hoạt động, đe dọa nặng nề vụ mùa của năm huyện ven sông của Vientiane. Theo các chuyên gia thủy văn Lào, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn vào tháng 4 và 5.
Một bản thông cáo của Uỷ Ban Sông Mêkông xác định : Hạn hán nặng nề sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, an toàn lương thực, đến vấn đề nước uống cho cư dân, đến việc lưu thông trên sông. Điều này tác hại đến sự phát triển kinh tế của những người vốn đã phải đối phó với tình trạng nghèo khó.
Mực nước sông Hồng tại Miền Bắc Việt Nam
xuống thấp đến mức đáng ngại
Cảnh đất khô nức nẻ của bờ sông Hồng Hà (Ảnh Reuters 12/2009) |
Hạn hán trầm trọng ở Việt Nam khiến mực nước sông Hồng xuông thấp đáng kể. Trả lời RFI, ông Nguyễn Đức Ngữ, chuyên gia khí tượng thuỷ văn tại Hà Nội, giải thích nguyên nhân đầu tiên gây hạn hán là hiện tượng gọi là El Niño, phát triển từ cuối năm ngoái, và đạt đỉnh vào những tháng đầu năm nay. Với hiện tượng này thì lượng mưa thường rất ít. Nhưng nguyên khiến mực nước sông Hồng xuống thấp như hiện nay còn là ảnh hưởng từ việc nước bị giữ trên hồ của đập thuỷ điện Hòa Bình ở thượng nguồn.
Nước sông Mekong xuống thấp :
Nông dân Thái Lan biểu tình chống Trung Quốc
Ngư dân Thái Lan sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông Mê Kông |
Hiện nay, mức nước sông Mekong xuống tới mức thấp nhất kể từ 20 năm qua, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người trong khu vực hạ nguồn, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Các tổ chức bảo vệ môi trường quy trách nhiệm cho việc xây đập thủy điện trên phần sông chạy qua lãnh thổ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.
Hôm 07/03/2010, thủ tướng Thái Lan, Abhisit đã đề nghị Trung Quốc cho biết rõ tác động của đập thủy điện đối với mực nước sông Mekong.
Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus tường trình:
” Đối nông dân vùng phía bắc Thái Lan, điều chắn chắn là mực nước sông Mekong xuống rất thấp hiện nay là do các đập xây trên con sông này, phần chạy qua lãnh thổ Trung Quốc. Hiện nay, mực nước sông Mekong xuống tới mức thấp nhất kể từ 20 năm qua, tác động đến cuộc sống của khoảng 60 triệu người ở hạ nguồn, tại Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nông dân trồng lúa và những người làm nghề nông khác, phụ thuộc vào nguồn nước tưới đến từ con sông. Giao thông đường thủy cũng bị ảnh hưởng. Do mực nước thấp, tàu phà ở phía bắc Thái Lan ngừng hoạt động.
Nỗi lo ngại của nông dân miền bắc Thái Lan lớn đến nỗi họ dự kiến tổ chức biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Bangkok. Chỉ tính riêng Thái Lan, thiệt hại do hạn hán có thể lên tới 130 triệu euros. Do vậy, thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã đề nghị phía Trung Quốc giải thích. Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả rằng Bắc Kinh không chịu trách nhiệm về việc nước sông Mekong xuống thấp.
Một số chuyên gia tại Thái Lan cũng nghĩ như vậy. Lập luận của họ là các con đập nằm trên sông phần chạy qua lãnh thổ Trung Quốc là đập thủy điện và nước vẫn có thể thoát đi.
Nông dân phía Bắc Thái Lan và các tổ chức phi chính phủ thì không nghĩ như vậy.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit tỏ ra bi quan : Ông đã đề nghị Bắc Kinh triệu tập một cuộc họp của giới chuyên gia nhằm làm rõ tình hình. Trung Quốc dường như cũng được mời dự cuộc họp của Ủy Hội Sông Mekong, sẽ được tổ chức vào đầu tháng tư tới.”
Thái Lan đề nghị Trung Quốc giúp giải quyết vấn đề
nước sông Mekong xuống thấp
Hôm 07/03/2010, thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết là ông sẽ đề nghị phia Trung Quốc hợp tác giúp đỡ giải quyết vấn đề mực nước sông Mekong xuống rất thấp, đe dọa cuộc sống của khoảng 60 triệu dân cư sinh sống nhờ vào con sông này.
Theo Ủy Hội Sông Mekong, hiện nay, mực nước sông Mekong xuống tới mức thấp nhất kể từ 20 năm qua, tại vùng bắc Lào và Thái Lan cũng như khu vực phía nam Trung Quốc.
Trong bài phát biểu hàng tuần trên vô tuyến truyền hình, thủ tướng Abhisit nói rằng ông sẽ đề nghị bộ Ngoại giao Thái Lan tiến hành đàm phán với đại diện Trung Quốc về cơ chế hợp tác và quản lý trong khu vực.
Trong thời gian qua, các tổ chức bảo vệ môi trường Thái Lan đã liên tục kêu gọi chính quyền Bangkok đàm phán với Bắc Kinh về việc quản lý sông Mekong.
Theo tờ Bankok Post, Liên Minh Cứu Sông Mekong, bao gồm các tổ chức bảo vệ nhân quyền và các cộng đồng dân cư dọc bờ sông Mekong, cho rằng chính việc Trung Quốc xây các đập thủy điện đã làm giảm mực nước trên sông Mekong ở hạ nguồn.
Trong khi đó, ông Jeremy Bird, giám đốc điều hành ban thư ký Ủy Hội Sông Mekong, được AFP trích dẫn, thì lại nhấn mạnh đến việc Lào và Trung Quốc năm nay có rất ít mưa. Theo chuyên gia này, thì rất khó mà có thể nêu ra một cách rõ ràng mối liên hệ nhân quả giữa việc mực nước sông Mekong xuống thấp và sự hiện diện của 8 đập thủy điện trên đoạn sông chạy qua Trung Quốc.
Đại diện bộ Ngoại giao Thái Lan nói là Bangkok không tố cáo một nước nào cả và chỉ mong muốn hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề mực nước sông Mekong.
Theo Ủy Hội Sông Mekong, có khoảng 60 triệu người sinh sống tại hạ nguồn lưu vực con sông này. Việc thiếu nước trầm trọng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp, an toàn lương thực-thực phẩm, nguồn nước sạch và giao thông đường thủy, gây tác hại đến phát triển kinh tế và giảm tỷ lệ đói nghèo.
Báo chí Thái Lan đòi Trung Quốc trả lời về hiện tượng sông
Mêkong bị cạn nước
Cuối tuần qua Ủy ban Sông Mêkông, một tổ chức liên chính phủ, đã cảnh báo là tại nhiều nơi nước sông Mêkông xuống ở mức thấp nhất từ nhiều thập niên qua, và sự kiện này đe dọa việc cung cấp nước, hệ thống thủy lợi và việc đi lại trên sông của hơn 60 triệu người sống ở lưu vực sông Mékong tại Lào, Cambốt, Việt Nam và Thái Lan. Bên cạnh sự kiện là vừa qua đặc biệt mưa rất ít, một số tổ chức phi chính phủ Thái Lan nghĩ rằng nguyên nhân của cơn hạn hán hiện nay có thể là vì Trung Quốc đã xây nhiều đập ở thượng nguồn sông Mêkông khiến cho con sông này bị cạn nước. Bài xã luận của nhật báo Thái Lan, The Bangkok Post, hôm nay, 10/03/2010,kêu gọi Bắc Kinh phải trả lời trên vấn đề này.
Theo tờ báo, từ một thập niên qua, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của Trung Quốc trên sông Mékông và giờ đây với cuộc sống của hàng triệu người bị tác động, vấn đề trở nên khẩn trương.
Trung Quốc đã đơn phương quyết định xây tám đập thủy điện trên sông Mêkông và trong số này bốn đập đã đi vào hoạt động.
Hiện nay về mặt khoa học chưa có gì chứng minh các đập của Trung Quốc đã gây ra một cách trực tiếp hay gián tiếp sự kiện sông Mêkông bị cạn nước.
Tuy nhiên vấn đề chính đối với tờ The Bangkok Post là những lời đính chính thương xuyên rất yếu ớt từ phía các quan chức Trung Quốc.
Tờ báo nhắc lại là sông Mêkông bắt nguồn tại Trung Quốc, chảy qua sáu quốc gia và có tác động khá lớn đối với kinh tế, văn hóa và lối sống của người dân tại các quốc gia này.
Hoạt động trên sông Mêkông thay đổi từ khi Trung Quốc xây đập
Có thể nói là đời sống của nông dân, ngư dân và thương gia bị lệ thuộc vào con sông Mêkông. Nhưng hoạt động trên sông này đã thay đổi từ khi Trung Quốc bắt đầu xây đập thuỷ điện.
Đặc biệt là năm nay mực nước thấp đã gây ra nhiều khó khăn lớn cho người dân đúng vào năm mà mưa rất ít và người ta chờ đợi là hiện tượng thời tiết El Nino sẽ tăng cường cơn hạn hán.
Ủy ban sông Mêkông, được thành lập trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và bao gồm bốn nước Lào, Cambốt, Việt Nam và Thái Lan, có nhiệm vụ hỗ trợ trong việc sử dụng nguồn nước, và Ủy ban này không tin rằng các đập của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến mực nước sông Mêkông xuống thấp.
Trong khi đó thủ tưóng Thái Lan, Abhisit Vejjajiva, đặt biệt quan tâm đến hồ sơ này và ông tin chắc là thể nào Trung Quốc cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề.
Nhưng tác giả bài xã luận trên tờ The Bangkok Post hoài nghi là chính quyền Bắc Kinh sẽ có một câu trả lời rõ ràng về việc quản lý hệ thống thuỷ lợi. Cho đến nay phần lớn các yêu cầu cung cấp thông tin do Ủy ban sông Mêkông đưa ra đều bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ.
Các thị xã nằm ở thượng nguồn đập xây cất cách tỉnh Chiang Rai của Thái Lan 280 cây số, chuẩn bị đưa ra một loạt kiến nghị « yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đạt được bảo đảm của Trung Quốc về việc bảo vệ sự thăng bằng của lưu vực sông Mêkông », một trong những khu lưu trữ nước lớn nhất trên thế giới.
Kết luận của xã luận báo The Bangkok Post là các chính phủ Thái lan phải có hành động chứ không thể chỉ trông chờ vào những tổ chức của xã hội công dân và « Trung Quốc phải đi tiên phong trong nỗ lực tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra với sông Mêkông ».