CÁC CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VÀ BẠO CHÚA BỊ LOẠI BỎ BỞI Ý LỰC TOÀN DÂN
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Lại thêm một tên bạo chúa ở xứ Bắc Phi nữa bị lật đổ. Ngày 11 tháng 04 năm 2011, tổng thống thất cử Laurent Gbagbo của nước Côte d’Ivoire – Bờ Biển Ngà- bị bắt giữ ngay nơi trú ẩn trong dinh của ông ta. Sau khi ông này thất cử chức tổng thống mà không chịu trao quyền cho người đắc cử là tân tổng thống Alassane Ouattara kể từ tháng 11/2010, đã bị toàn dân và quốc tế lên án là phá hoại một cuộc bầu cử tự do minh bạch, cố duy trì quyền lực một cách phi pháp. Lực lượng của Liên Hiệp Quốc phải bảo vệ cho tổng thống Ouattara để tử thủ ở khách sạn Golf, và thường xuyên cáo buộc lực lượng Gbagbo gây nguy hiễm cho thường dân, đồng thời yêu cầu quân đội Pháp ở Bờ Biển Ngà hành động chống lại với vũ khí hạng nặng của lực lượng đó. Kể từ cuối tháng 03/11. Lực luợng trung thành với tổng thống đắc cử Ouattara ở Miền Bắc đã mở các cuộc tấn công khắp nước, cuối cùng bao vây cơ sở quyền lực của Gbagbo ở Abidjan, bắt sống được Gbagbo và vợ, đang được giữ tại một phòng của khách sạn Golf.
Tư lệnh Lực Lượng Gìn Giữ Hòa Bình của Liên Hiệp Quốc, Alain Le Roy nói với các nhà báo ở trụ sở LHQ tại New York: “Công việc chính hiện nay là tái lập luật pháp và trật tự tại Abidjan, cũng như tại các thành phố khác, kế tiếp là giai đoạn thực hiện các bước hoà giải, và phải đối phó với cuộc khủng hoảng to lớn về mặt nhân đạo”. Ông cho biết: “Ông Gbagbo đã đầu hàng với lực lượng của tổng thống Ouattara. Chính lực lượng của ông Ouattara đã tiến vào bên trong dinh của ông Gbagbo chứ không phải lực lượng LHQ, hoặc Pháp”. Tại Pháp, tổng thống Nicolas Sarkozy đã nói chuyện qua điện thoại với TT Ouattara rất lâu. Tại Anh, ngoại trưởng William Hague nói: “Trong mấy tháng qua, ông Gbagbo đã hành động trái với các nguyên tắc dân chủ và liên tiếp phạm luật”. “Tuy nhiên, ông Gbagbo cần được đối xử công bằng và tôn trọng, nếu có áp dụng bất cứ thủ tục pháp lý nào”.Phát biểu tại Washington hôm thứ Hai, ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton nói rằng: “Việc cựu tổng thống Laurent Gbagbo của Côte d’Ivoire bị bắt giữ cho thấy các nhà độc tài và bạo chúa sẽ lãnh hậu quả, nếu cứ bám víu vào quyền lực”. “Các nhà lãnh đạo quốc gia không nên làm ngơ trước tiếng nói của nhân dân, muốn có bầu cử tự do và công bằng”. Bà kêu gọi: “Nhân dân Côte d’Ivoire bình tĩnh và Hoa Kỳ mong được làm việc với tổng thống đắc cử Alassane Ouattara trong một kế hoạch hòa giải và tái thiết”. Tin từ Abidjan, Tư lệnh quân sự của ông Gbagbo, tướng Bruno Dogbo Ble đã tiếp xúc với LHQ để xin ra hàng và hạ vũ khí. Đến nay có hơn 200 tay súng của Gbagbo đã đầu hàng và nộp khí giới; tuy nhiên vẫn còn những tổ chức chưa chịu đầu hàng.
Vì tham quyền cố vị, nên, dù Gbagbo đã thấy nhà độc tài Tunisia, tổng thống Ben Ali bị phong trào cách mạnh tự phát của dân chúng tống cổ ra khỏi nước, thấy bạo chúa Aicập, tổng thống Mubarak đã phải từ chức, và khắp Bắc Phi, Trung Đông rực lửa cách mạng chống độc tài tham nhũng bất công, đòi tự do dân chủ công bằng, mà vẫn ngoan cố bám víu quyền lực, dù đa số dân chúng đã không bỏ phiếu tín nhiệm mình trong một cuộc bầu cử dưới triều đại của chính mình. Ngay đến khi bạo chúa Gadhafi bị cả thế giới cáo buộc tàn sát dân chúng Libya, phạm tội ác chống nhân loại. Ngày 27/02/11 Hội Đồng Bảo An LHQ thông qua Nghị Quyết 1973 cho phép quốc tế “dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân”, thì Gbagbo vẫn còn say mê quyền lực. Nhưng với Lực Lượng Gìn Giữ Hoà Bình của LHQ, có nhiệm vụ là bảo vệ cho tổng thống đắc cử Ouattara thì đã nắm luôn lấy cơ hội của Hội Đồng Bảo An cho phép ‘bảo vệ thường dân’, để yêu cầu quân đội Pháp tại Côte d’Ivoire chống lại với vũ khí hạng nặng của Gbagbo, giúp cho quân trung thành với tân tổng thống Ouattara bắt sống được ông Gbagbo, kết thúc một chế độ độc tài và tên bạo chúa tham quyền cố vị ở Bờ Biển Ngà.
Xem ra từ lúc khởi phát ‘cuộc cách mạng hoa lài’ tại Bắc Phi và Trung Đông, nữ ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton là nhân vật quyết liệt dứt khoát bênh vực cho phong trào này nhất trong chính quyền Mỹ, bà đã dùng mọi nơi, mọi lúc để tích cực yểm trợ, ra sức vận động quốc tế và công khai khích lệ đối với dân chúng ở những nước còn bị áp bức bởi chế độ độc tài và các tên bạo chúa. Trong phúc trình hàng năm về nhân quyền của bộ ngoại giao, Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc Trung Quốc, Kampuchia, Miến Điện và Việt Nam là những quốc gia có thành tích nhân quyền u ám nhất trong năm 2010. Riêng phần nói về Việt Nam, bản báo cáo cho là: “Trong năm vừa qua, chính quyền Hà Nội tiếp tục đàn áp đối lập, gia tăng kiểm soát báo chí và hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do tập họp, di chuyển và lập hội”. “Công dân còn bị giam giữ một cách tùy tiện vì những hành động chính trị và không được xét xử một cách công bằng”. “Quyền tự do tôn giáo tiếp tục được diễn giải và bảo vệ một cách không đồng đều”. “Quyền tự do trên Internet thì bị hạn chế hơn nữa…chính quyền tiếp tục bắt giữ và cầm tù những nhà bất đồng chính kiến sử dụng Internet để chỉ trích chế độ, hoặc quảng bá những tư tưởng về nhân quyền và đa nguyên chính trị”. Bản báo cáo còn đặc biệt lưu ý đến nạn bạo hành của lực lượng công an Việt Nam, với 9 trường hợp tử vong trong lúc bị tạm giam.
Về mặt quốc phòng, tướng Phùng Quang Thanh bộ trưởng quốc phòng Việt Cộng lên tiếng khi tiếp phó đô đốc Mỹ, Ann Elizabeth Rondeau, giám đốc Học Viện Quốc Phòng Hoa Kỳ chiều 03/04/11, rằng: “Mong muốn Việt Nam và Hoa Kỳ xúc tiến hợp tác quốc phòng, ngày càng thông hiểu nhau hơn, qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc”. Hai bên thoả thuận xúc tiến hợp tác trong lãnh vực đào tạo quốc phòng, và phía Việt Nam sẵn sàng cho chiến hạm Mỹ vào sửa chữa kỹ thuật. Phó đô đốc Rondeau bày tỏ tin tưởng và cam kết thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương. Có lẽ Việt Cộng đã tìm được chỗ dựa quốc phòng nơi Siêu cường Hoa Kỳ, nên phát ngôn viên ngoại giao Việt Cộng đã dám mạnh miệng chống lại với Trung cộng về vấn đề Hoàng sa và Trường sa. Nhưng về mặt an ninh thì Việt Cộng lại vẫn bị cột chặt vào với Trungcộng. Giới chức Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành hội đàm tại Bắc kinh ngày 11/04/11 để cam kết thúc đẩy hợp tác về lãnh vực thi hành công lực giữa 2 nước. Bộ trưởng Công An Trung cộng, Mạnh Kiến Trụ nói: “Việc hợp tác thi hành công lực là một phần quan trọng trong công cuộc hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Bộ trưởng Công An Việt Cộng, Lê Hồng Anh khẳng định: “Việt Nam sẽ tham gia cùng Trung Quốc trong nỗ lực tăng cường cơ chế hợp tác để chống tội phạm và duy trì trật tự xã hội”. Xem vậy, Việt Cộng và Trung cộng đang ra sức hợp tác về mặt an ninh để phòng chống lại cuộc ‘cách mạng hoa lài’ đang đổ sang Á châu. Nhưng với nền kinh tế của Việt Nam đang đâm đầu xuống hố, kẻ có quyền thế đang hăm hở gom đôla và vàng bỏ chạy, Trung cộng lo thân chưa xong, liệu chế độ độc tài Việt Cộng có thể trông cậy gì được ở sự chống đỡ của bọn Công An đã ‘côn đồ hóa’ này, trước sức mạnh đi lên của toàn dân, có sự hậu thuẫn của quốc tế nữa hay không?
LÝ ĐẠI NGUYÊN – Little Saigon ngày 12/04/2011.