Cộng hòa xã hội chủ nghĩa NÚP

Núp không phải là ông Đinh Núp người dân tộc thiểu số, nguyên ĐBQH khóa VI. Núp là các “đồng chí” công an chuyên nghề rình núp sau gốc cây, sau bụi rậm để chụp cổ nhân dân.

Chuyện Núp này nhân dân mình đã lôi từ trong bụi lôi ra nhiều năm qua nhưng các “đồng chí” đảng ta vẫn cứ “làm gì có”. Tuần trước, 30.3.2011 VnEpress đưa tin: Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt ra quy định Cảnh sát giao thông không được rình nấp sau gốc cây, phải chào chủ phương tiện trước khi xử lý; tuyệt đối không được giằng, lôi kéo phương tiện, người vi phạm…

Một quy định ngắn gọn chính thức xác nhận một điều mà bấy lâu nay đảng ta cứ… núp: chính thức xác nhận có sự hiện hữu của các “đồng chí”NÚP bụi. Thêm một điều khác nữa cũng được… ừ luôn (trong khi đối với nhân dân đã trở thành chuyện thường tình dưới huyện): có hiện tượng vô văn hóa, tự tung tự tác như Kế hoạch số 20 của Công an Hà Nội về tổ chức thực hiện cuộc vận động xác định: “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” trong lực lượng cảnh sát giao thông.

Nhưng chuyện các “đồng chí”công an ta đóng vai anh hùng Núp bụi chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Dùng nó mở đề cho có chút tính thời sự. Chuyện Núp của nước ta từ lâu đã được các lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ loài người biến thành văn hóa đảng. Theo thời gian dài toàn trị đã truyền nhiễm ra khắp nước để có thể gọi luôn mảnh đất này một tên gọi cho hợp – đó là CHXHN Núp.

Khởi đầu là… bác. Ngày ấy, bác núp bóng ông nhà báo Trần Dân Tiên vừa “đi đường vừa kể chuyện” để hoàn tất tác phẩm vĩ đại “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Nhà báo Trần Dân Tiên rất sung sướng viết: “Nhiều nhà văn, nhà báo Việt nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công. Nguyên nhân rất giản đơn: chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình. Ngày 2-9-45, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày thứ hai tôi viết thơ xin phép được gặp Hồ chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôirất sung sướng tiếp được thư trả lời của Hồ chủ tịch viết như thế này…”.

Điều độc đáo và cũng cực kỳ vĩ đại là ông Hồ không cần núp bóng ai khác. Ông là chủ tịch nước, là “cha già dân tộc”, ông tự xưng Bác (viết hoa) với toàn dân già trẻ lớn bé, dưới ông biết bao nhiêu nhà thơ, nhà văn vĩ đại với thiên tài đánh bóng lãnh tụ – cứ chụp một câu của “đồng chí” thi sĩ Tố Hữu bốc “đồng chí”Statin tận bên Nga là thấy ngay thiên tài trước mắt:

“Thuở Anh chưa ra đời
Trái đất còn nức nở
Nhân loại chửa thành người
Đêm ngàn năm man rợ.”

Stalin mà đọc được đảm bảo phải sướng rêm. Nhưng không! Ông Hồ không cần núp bóng đại văn hào, đại thi sĩ, đại nhà báo nào tất. Ông núp bóng của chính ông và tự gửi thư trả lời chính mình, tự viết lên những dòng chữ “chủ tịch Hồ chí Minh không muốn nhắc lại thân thế của mình” và cho ra đời tác phẩm có một không hai ký tên Trần Dân Tiên.

Từ cái thuở ban đầu lưu luyến núp bóng nhau đó, các “đồng chí”đảng ta mỗi ngày một hoàn chỉnh nghệ thuật núp, cho đến ngày hôm nay đã trở nên thần kỳ. Câu chuyện núp bóng chính mình của ông Hồ ngày xưa tưởng đã thuộc hàng cao cấp, bây giờ con cháu ông cho lọt xuống tầm sơ đẳng.

Trong suốt một thời gian, bắt đầu lúc “đồng chí” Tố Hữu chửa thành người cho đến khi từ khi Anh đứng dậy, trái đất bắt đầu cười, và loài người, từ đấy, ca bài ca Tháng Mười… cả đảng ta núp bóng thế giới Vô sản Đại đồng và Chủ nghĩa Cộng sản lẫn tư tưởng Mác xít Lê nin nít. Ngày 25.12.1991 thành trì XHCN Liên Xô sụp đổ, hưởng thọ 74 tuổi, kéo theo toàn bộ các nước Đông Âu xuống hố. Đảng ta hụt hẫng không còn nơi để núp. Kết quả của công cuộc kiếm tìm bụi rậm mới đã ra đời: tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu ông Hồ thần kỳ với anh hùng núp Trần Dân Tiên thì các “đồng chí” hậu duệ gọi ông bằng Bác đã thần kỳ gấp bội trong việc này. Một hệ tư tưởng được sáng tác và ra đời trong khi “tác giả”, từ lâu, đã là một xác ướp trong lăng. Không đồng ý với tư tưởng chỉ đạo của đảng ta đồng nghĩa với chống lại tư tưởng vĩ đại của cha già dân tộc, của Bác vô vàn kính yêu. Thế mới trên cả tuyệt vời.

Chính sách Núp thứ hai được thể hiện qua chiến dịch trường kỳ gọi là “sống chiến đấu học tập theo gương bác Hồ vĩ đại“. Mọi sự tha hóa, đồi trụy, vô văn hóa được che đậy trong cái vỏ bọc đạo đức bác Hồ này. Đạo đức của cán bộ, hay phình to hơn là phẩm chất đạo đức của toàn đảng, đã không được (không nên) đo lường bởi hành vi của từng đảng viên nhưng thay vào đó là khẩu hiệu “sống, chiến đấu, học tập…”. Những chiến dịch áo rách vì mặc quá lâu được lập đi lập lại, được hà hơi tiếp sức bởi bộ máy truyền thông và các pano tả tơi khắp phố phường. Tất cả chỉ nhằm để quẹt lên, tạo được ấn tượng về hình ảnh đạo đức của khối đảng viên đang ngày đêm phấn đấu theo gương đạo đức của lãnh tụ Hồ Chí Minh/ Trần Dân Tiên.

Cả hai chính sách “Núp” này tạo ra một vấn nạn cho… bác Hồ của các “đồng chí” CS. Chính đảng CS vì nhu cầu núp bóng Bác nên đã không để Bác chết. Cố chủ tịch Hồ Chí Minh của đảng CS vẫn đang là một phần của bộ máy cai trị hiện nay. Tất cả mọi điều, từ quan điểm chính trị cho đến hành vi cư xử đảng viên, đều nhân danh và núp bóng của ông. Mọi nhà đều có sự hiện diện của ông. Mọi diễn văn đều có ông dự phần. Dân Oan biểu tình chống cường hào ác bá đảng viên CS đeo hình của ông trước ngực. Cán bộ về hưu, lão thành cách mạng phê bình đảng cũng rủ rê ông đi cùng để làm hộ pháp phòng thân. Ông Hồ không ở nằm yên giấc nghìn thu trong lăng. Ông hiện diện ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng lên từng hơi thở, nhịp sống, vận mạng, tương lai của mọi người dân bởi chính sách núp của các “đồng chí”con cháu ông. Ông Hồ chưa chết và không chết.

Chính vì thế mà nhu cầu tìm hiểu, phân tích, khen ngợi hay phê phán về ông vẫn cứ tiếp diễn cho mục tiêu phê phán, phê bình, góp ý hay ngay cả xây dựng hệ thống chính trị đương thời. Ngày nào đảng CSVN còn núp bóng ông Hồ Chí Minh để cai trị, ngày đó người ta vẫn còn tiếp tục viết về ông Hồ Chí Minh như là một thực thể của hiện tại, một phần không thể tách rời ra khỏi thể chế và bộ máy cai trị ngày hôm nay. Mọi nhân vật của quá khứ đóng vai trò quan trọng đối với đất nước đều được lịch sử phán xét. Theo dòng thời gian dân tộc sẽ tiến gần đến những kết luận khách quan và trung thực về ông. Tuy nhiên, đảng CSVN đã không cho phép ông Hồ trở thành một nhân vật lịch sử quá khứ. Ông phải tiếp tục “sống” và buộc phải đóng vai một tấm bình phong cho đảng núp.

Chính sách núp bóng khác, vĩ đại không kém còn có một tên gọi là “ăn mày dĩ vãng”. Đảng cộng sản ngày hôm nay đã biện minh cho vai trò độc quyền lãnh đạo của họ bằng những thành quả của quá khứ. Những người lãnh đạo ngày hôm nay không phải là những anh hùng Điện Biên ngày xưa trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ chỉ là một anh y tá quèn, một cán bộ cấp thấp, một bộ đội cấp trung trong cuộc chiến tranh Nam Bắc, một anh công an chuyên trị thâu vàng của dân vượt biên sau ngày giải phóng. Bỏ qua việc tranh cãi về công lao giải phóng đất nước thực sự thuộc về ai, đảng CSVN ngày hôm nay không phải là đảng CSVN ngày xưa.

Ngược dòng lịch sử, không ai có thể chấp nhận vai trò chính thống của Việt gian Lê Chiêu Thống chỉ vì ông ta là hậu duệ của đức Lê Thái Tổ, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh dành lại độc lập cho dân tộc. Ngay trong thời đại phong kiến, cha truyền con nối nhưng Lê Chiêu Thống đã không thể ăn bám hào quang quá khứ dòng họ nhà Lê và không thoát khỏi nhãn hiệu lịch sử gán cho là “cõng rắn cắn gà nhà”. Hào quang và công lao của vua ông Thái Tổ không bảo chứng được cho tư thế cầm quyền của đứa cháu bán nước đời sau. Những Lê Chiêu Thống ngày hôm nay cũng không khác. Tất cả mọi nỗ lực tuyên truyền về đảng lãnh đạo quang vinh, cách mạng thần thánh đều chẳng khác gì Lê Chiêu Thống đi ăn mày quá khứ thời Lam Sơn oanh liệt của tổ tiên.

Tương tự như việc núp bóng của ông Hồ, hành động núp bóng và ăn mày dĩ vãng của đảng CS đã biến quá khứ thành một phần không thể tách rời với guồng máy cai trị hiện tại. Từ đó dẫn đến nhu cầu tiếp tục tìm hiểu sự thật của giai đoạn quá khứ ấy. Bởi vì không có gì đảm bảo rằng cái quá khứ khởi đi từ 1945 với nhiều bi hận, oan khiên của Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm và… Trần Dân Tiên sẽ mang nét hào hùng của thời đại người anh hùng áo vải đất Lam Sơn.

Những chính sách Núp này đã hình thành văn hóa Núp, truyền thống Núp, hành xử Núp. Núp từ cơ cấu tổ chức đến thái độ cầm quyền đến hành vi trong cư xử. Đảng núp bóng của “tư tưởng”, “đạo đức” bác Hồ lẫn hào quang quá khứ để dựng nên vai trò chính thống. Đảng tạo ra những Trần Dân Tiên thời đại và đặt tên cho nó là Quốc Hội, Nhà Nước, Mặt Trận Tổ Quốc, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Tòa Án Nhân Dân, núp bóng “Nhân Dân” trong mọi ngôn từ, văn kiện trừ Ngân Hàng để thu tóm mọi quyền lực, cai trị 87 triệu người như bạo chúa, phá hoại tài nguyên môi trường quốc gia, dâng đất dâng biển, tham nhũng, tham ô, hủ hóa, tiêu diệt dân phong dân khí và coi mạng sống, tự do của con người như cỏ rác…

Nhìn toàn cảnh Núp như vậy mới thấy chuyện một anh công an núp bụi núp bờ rình bắt dân chỉ là chuyện nhỏ. Núp không những là đại chính sách, đại thủ đoạn. Núp cũng không còn là thói quen, truyền thống. Nó đã trở thành bản chất ăn sâu vào máu vào tủy, chiếm cứ mọi phần não trạng của những người cộng sản.

Chính vì thế, mà với 3 triệu đảng viên, hàng triệu cây súng, hàng ngàn chánh thẩm luật sư, hàng trăm tờ báo và một rừng luật trong tay, Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật đầu sỏ của đảng ngày hôm nay cũng phải núp sâu vào cuối đáy của 2 bao cao su đã sử dụng để đối đầu với ông Cù Huy Hà Vũ.

Vũ Đông Hà

Source: danlambao

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt