Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis thăm Việt Nam và chiến lược an ninh mới của Mỹ

BTQP Mỹ James Mattis (P) và Ngô Xuân Lịch (T) ngày 08/08/2017 tại Ngũ Giác Đài, Washington, DC (Ảnh: PAUL J. RICHARDS / AFP)

Sau khi đi thăm Indonesia, hôm nay, 24/01/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội, chỉ vài ngày trước dịp kỷ niệm 50 cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, một trong những sự kiện chính yếu trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tuyên bố với các phóng viên tại Hà Nội, ông Mattis tỏ ý hy vọng mặc dù hai nước đã từng có chiến tranh, Washington và Hà Nội có thể tăng cường hơn nữa các mối quan hệ quốc phòng. Ông nhấn mạnh, chiến tranh Việt Nam đã thuộc về quá khứ và sẽ không có ảnh hưởng gì đến quan hệ song phương hiện nay.
Cũng theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Việt Nam là một bên quan trọng trong tranh chấp Biển Đông và đây là một lý do thúc đẩy việc thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt.

Nhân chuyến đi Việt Nam, ông Mattis đã gặp các đại diện của Cơ quan Kiểm kê tù binh và lính Mỹ mất tích (PWO-MIA), hiện vẫn tìm kiếm những quân nhân Mỹ còn được xem là mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Ngoài quan hệ song phương, ông Jim Mattis hôm nay còn cám ơn Việt Nam đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Sau Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bay sang Hawai để thảo luận với các tư lệnh Hoa Kỳ và sau đó là gặp bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc để bàn về mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Chiến lược an ninh mới của Mỹ: Việt Nam có thể là vị trí tốt.

Hạ tuần tháng 12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới của Hoa Kỳ bao gồm 4 chủ đề chính: Bảo vệ lãnh thổ và lối sống Mỹ, phát huy sự trù phú của Mỹ, thể hiện hòa bình qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong một thế giới cạnh tranh dữ dội hơn bao giờ hết. Trong một phân tích dưới dạng hỏi đáp ngày 22/12/2017, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc đã phân tích thêm về các chủ đề nói trên để xem vị trí của Việt Nam và Biển Đông có thể ra sao trong chiến lược an ninh mới của Mỹ.

Vấn đề đầu tiên được giáo sư Thayer quan tâm là khái niệm “Thể hiện hòa bình qua sức mạnh – Demonstrating peace through strength” có thể mang ý nghĩa như thế nào đối với vai trò của Mỹ trong tranh chấp ở Biển Đông, và khi cần thiết thì Hoa Kỳ sẽ phô trương loại “sức mạnh” nào trong vùng.

“Khẩu hiệu “Hòa bình qua sức mạnh” trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump, đã được đưa vào Chiến Lược An Ninh Quốc Gia mới trong một mục nêu bật nhân tố quân sự của sức mạnh quốc gia, ngay trước một mục nhỏ hơn về ngoại giao.

Ý nghĩa của khái niệm này là tăng gia ngân sách cho Lầu Năm Góc. Mỹ sẽ ưu tiên cho việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, và các phương tiện sử dụng để phóng các loại vũ khí đó đến mục tiêu, phát triển các công nghệ quốc phòng mới để đối phó với mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên cũng như Nga và Trung Cộng.

“Hòa bình qua sức mạnh” cũng có nghĩa là mở rộng dần dần đia bàn hoạt động cũng như hiện đại hóa lực lượng Mỹ ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, trước tiên để đối phó với những sự cố bất ngờ ở bán đảo Triều Tiên, trấn an các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, và làm đối trọng với Trung Cộng ở Biển Đông.

Chiến Lược An Ninh buộc Mỹ là phải ưu tiên duy trì “một lực lượng quân sự ở tiền phương, có năng lực răn đe và nếu cần thiết, đánh bại mọi đối thủ”. Chính quyền Trump có phần dũng cảm hơn khi tuyên bố sẽ đeo đuổi chính sách lợi ích quốc gia Mỹ trước tiên. Việt Nam từ lâu đã hiểu được là các cường quốc luôn theo đuổi quyền lợi của riêng họ. Trên một số vấn đề thì điều đó có lợi cho Việt Nam, nhưng trên một số vấn đề khác thì có thể là không.”

Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ

Theo giáo sư Thayer, khái niệm thứ hai: “Tăng cường ảnh hưởng của Mỹ – Advancing American influence” trên thế giới có vẻ như mâu thuẫn với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump, nhưng đó chỉ là đối nghịch bề ngoài mà thôi.

“Chiến Lược An Ninh Quốc Gia nêu lên rằng các quốc gia hướng về Mỹ vì những giá trị và vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông Trump còn khẳng định là thế giới bây giờ tôn trọng nước Mỹ nhiều hơn. Thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ không phải không tương hợp với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” vì ông Trump cho rằng sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ sẽ khuất phục được các nước khác, buộc các nước đó làm những gì mà Mỹ muốn. Đây là quan điểm về “ảnh hưởng” mang tính chất giao dịch con buôn. Ông Trump sẽ luôn luôn tính toán là “Mỹ sẽ được gì trong bất kỳ thương lượng nào với một nước khác?”

Trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, phần lớn những lời nhắc đến các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế, đều nhằm thúc đẩy quyền lợi hạn hẹp của Mỹ. Ví dụ như Chiến Lược An Ninh chủ trương cải sửa hệ thống giải quyết tranh chấp ở Tổ Chức Thương Mại Thế giới WTO, khẳng định rằng điều đó sẽ dẫn đến thương mại công bằng hơn theo quan điểm của Mỹ.

Vấn đề là Chiến Lược An Ninh có những mâu thuẫn. Ví dụ như nó cổ vũ cho những giá trị của Mỹ trong lúc lại sẵn sàng hỗ trợ cho Duterte ở Philippines. Chiến Lược chủ trương một trật tự toàn cầu dựa trên các quốc gia chủ quyền, bảo vệ quyền lợi riêng của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhưng đồng thời lại duy trì quyền của nước Mỹ được hành động đơn phương bất cứ lúc nào mà tổng thống Trump muốn”.

Tác động trên Biển Đông

Đối với giáo sư Thayer, chủ trương tăng cường ảnh hưởng của Mỹ nêu lên trong Chiến Lược An Ninh Quốc Gia sẽ có tác động nhất định trên các tranh chấp ở Biển Đông.

“Có thể suy ra từ Chiến Lược là Biển Đông được xem như một đấu trường cạnh tranh tiềm tàng, nhưng ở vị trí thấp trong danh sách ưu tiên so với tình hình phổ biến hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và khủng bố quốc tế đang nằm ở các vị trí đầu.

Tình hình Biển Đông nhìn chung sẽ tiếp tục ổn định trong tình hình Trung Cộng và các quốc gia ASEAN theo đuổi việc đàm phán về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử. Hoa Kỳ có lẽ sẽ không phản ứng trước hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo vì đồng minh chính của Mỹ là Philippines sẽ không hỗ trợ cho một hành động mạnh mẽ chống lại Trung Cộng.

Tuy nhiên Chiến Lược An Ninh đã đặt ưu tiên cho việc tăng cường cam kết của Mỹ bảo vệ quyền “tự do đi lại trên biển và giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ, biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế”. Chiến lược cũng ghi nhận là các tiền đồn quân sự của Trung Cộng ở Biển Đông “đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại sự ổn định của vùng”.

Chiến lược An ninh Quốc Gia cũng ghi nhận là “Trung Cộng sử dụng kinh tế để khích lệ và trừng phạt, cũng như các chiến dịch gây ảnh hưởng, hù dọa quân sự để các quốc gia khác chấp nhận lịch trình chính trị và an ninh của Trung Cộng”, đồng thời nêu lên việc các quốc gia trong vùng “ kêu gọi một sự lãnh đạo bền vững của Mỹ trong một phản ứng tập thể để duy trì một trật tự dựa trên việc tôn trọng chủ quyền và độc lập” của mỗi nước.

Tóm lại theo Chiến Lược An Ninh thì Hoa Kỳ sẵn sàng nắm giữ vai trò dẫn dắt một phản ứng tập thể nhằm gìn giữ trật tự trong vùng dựa trên sự tôn trọng “chủ quyền và độc lập”. Đây là một cam kết có thể làm Việt Nam yên lòng”.

Trường hợp Việt Nam

Đề cập cụ thể đến trường hợp của Việt Nam, giáo sư Thayer cho rằng Hà Nội là một đối tác quan trọng ở Đông Nam Á trong Chiến Lược An Ninh Quốc gia của Mỹ.

“Căn cứ vào kết quả của hai thông cáo chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời chính quyền Trump (tháng 5 và 11/2017), Việt Nam rõ ràng là được xem như một đối tác mà Mỹ có thể làm việc cùng trên các vấn đề an ninh khu vực.

Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Mỹ nêu rõ là ưu tiên số một của Hoa Kỳ tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là gia tăng gấp đôi mức độ dấn thân bên cạnh các đồng minh và thiết lập các quan hệ đối tác. Chiến Lược còn nêu Việt Nam cùng với Indonesia, Malaysia và Singapore (và theo thứ tự đó) là “những đối tác an ninh và kinh tế đang lên của Hoa Kỳ”. Do việc tổng thống Trump nâng cấp các vấn đề quốc phòng và an ninh, Việt Nam sẽ vừa có cơ hội (mua trang thiết bị quốc phòng và công nghệ học của Mỹ) vừa gặp thách thức (sức ép đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ).

Vấn đề thương mại không cân bằng giữa Việt Nam và Mỹ đã được giải quyết trước lúc Chiến Lược An Ninh được công bố, với việc Việt Nam chấp nhận thương lượng một hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ. Việt Nam cũng đã thông báo sẽ mua hàng tỷ đô la sản phẩm từ Mỹ, như máy bay và để cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường và đầu tư tốt hơn. Chiến Lược An Ninh ưu tiên cho các “ Thỏa thuận thương mại song phương trên cơ sở công bằng, có đi có lại…, và cho xuất khẩu Mỹ quyền tiếp cận thị trường một cách công bằng và khả tín”.

Việt Nam không xa lạ gì với các cuộc đàm phán với Mỹ và sẽ có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình trong bất kỳ thỏa thuận mới nào.

Theo RFI và Reuters

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt