BỘ QUÂN PHỤC CŨ

Người Lính VNCH

Người Lính VNCH

Tôi gặp và quen anh trong một trường hợp khá bất ngờ, có thể nói là hơi kỳ cục. Vợ chồng tôi đến thăm và ở lại nhà cô con gái út hai tuần. Cháu vừa mua được căn condo trong một khu nhà mới xây ở thành phố Anaheim, cách Khu Disneyland chỉ một con đường. Đêm nào, bọn tôi cũng ra balcon ngắm pháo hoa được liên tục bắn lên từ khu giải trí nổi danh này. Căn nhà nhỏ khá xinh và ở trong một khu an toàn, cô con gái út rất thích. Nhưng chỉ sau vài hôm, cứ đến một hai giờ khuya thì cả nhà phải thức giấc, bởi tiếng lục đục ở căn nhà tầng trên. Âm thanh của một vật cứng nào đó gõ xuống nền nhà. Không đều đặn, năm ba phút một lần, dù nhẹ nhưng cũng đủ làm buốt trong đầu.

Sáng hôm sau, cô con gái nhờ tôi lên nói chuyện với chủ nhà, yêu cầu chấm dứt các tiếng gõ khó chịu vào giữa khuya ấy, để chúng tôi không bị mất ngủ, đặc biệt cô con gái phải đi làm khá sớm.

Sau hai lần bấm chuông, một người đàn ông mở hé cửa, gật đầu chào. Rất may, lại là một đồng hương. Chưa nói chuyện với chủ nhà, nhưng tôi đã thoáng hiểu được nguyên nhân gây ra tiếng động. Ông ta chống hai cây nạng gỗ. Mọi bực tức trong tôi bỗng dưng biến mất, những lời “cảnh cáo” tôi dự định sẽ nghiêm mặt nói với ông cũng tan biến theo. Tôi lễ phép chào ông, bảo là tôi ở tầng dưới, muốn đến thăm và làm quen với người đồng hương láng giềng. Ông nở nụ cười, làm rạng rỡ phần nào khuôn mặt khắc khổ, đã có nhiều vết nhăn, một phần được che phủ bới mái tóc dài bạc trắng.  Ông mở rộng cửa mời tôi vào nhà. Tôi hơi khó chịu với mùi khói thuốc lá và cả mùi rượu.
– Anh ở đây một mình? Câu đầu tiên tôi hỏi.
– Vâng, thỉnh thoảng có cô con gái đến thăm.  Cháu ở trên Riverside, cách đây khoảng gần một giờ lái xe.

Căn nhà nhỏ một phòng ngủ, phòng khách chưng bày đơn giản. Điều làm tôi chú ý là hai tấm ảnh treo trên vách, phía sau bàn ăn. Một tấm là chân dung của một người lính, tấm kia là ảnh gia đình. Thấy tôi chăm chú nhìn, anh cười, bảo là ảnh của anh và vợ con anh lúc xưa. Anh chống nạng đứng lên, như có ý mời tôi đến xem.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên, tấm ảnh chân dung là một sĩ quan trẻ, mang cấp bậc thiếu tá, trông khá đẹp trai, phảng phất nét hào hùng. Trên ngực mang khá nhiều huy chương. Tấm ảnh kia anh chụp với người vợ xinh đẹp và hai đứa con kháu khỉnh.  Lòng tôi bỗng chùng xuống, như vừa chạm vào một vết thương cũ. Tôi bất giác quay người lại, đứng nghiêm đưa tay chào:

– Xin chào niên trưởng

Anh tròn mắt bất ngờ, rồi đưa tay ra bắt tay tôi. Sau này, tôi được biết tấm ảnh chân dung này anh chụp sau khi được thăng cấp thiếu tá tại măt trận Quảng Trị tháng 10 năm 1971, khi anh đang là tiểu đoàn phó, thay vị tiểu đoàn trưởng bị trọng thương, chỉ huy đơn vị phá vòng vây địch,  tạo một chiến thắng lẫy lừng.

Chúng tôi trở nên đôi bạn thân thiết kể từ hôm ấy. Hình như giữa chúng tôi có điều gì đó cùng “tần số” với nhau. Trước đây anh sống rất âm thầm, khép kín, không muốn gặp gỡ tiếp xúc một ai, kể cả những người quen biết cũ. Sau này, cứ mỗi lần đến nhà cô con gái tôi đều ghé thăm anh, mang theo cho anh một ít nem chua Ninh Hòa mà anh rất thích. Anh say sưa kể cho tôi nghe một thời hào hùng trong binh nghiệp. Anh nức nở khi nhắc tới những vị đàn anh, những đồng đội hào hùng đã phải hy sinh oan khiên tức tưởi, đặc biệt trong trận chiến Hạ Lào- Lam Sơn 719. Người được anh nhắc đến nhiều nhất, ngưỡng phục và thương tiếc nhất là Cố Đại Tá Lê Huấn, một vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi nổi danh, tốt nghiệp Khóa 18 trường Võ Bị Đà Lạt mà có một thời anh được phục vụ dưới quyền.

Anh bảo tôi vào phòng ngủ để anh cho xem một kỷ vật. Anh bật đèn lên tôi ngạc nhiên khi thấy một bộ quân phục. Nhìn kỹ, tôi nhận ra đây là một bộ quân phục tác chiến đã cũ, có những vết sờn rách, được giặt ủi cẩn thận và treo trong một cái tủ kính nhỏ. Loại tủ để chưng bày. Anh mở cửa tủ và cẩn thận lấy bộ quân phục, ôm vào người một cách trang trọng. Đôi mắt mơ màng như đang tìm về một quá khứ xa xăm nào đó. Anh thốt ra môt giọng trầm buồn. Dường như là để nói với chính anh hơn là với tôi, người đang đứng ngay trước mặt anh:

 –  Đây là bộ đồ trận của anh ấy, anh Lê Huấn.

 Sau chiến thắng lẫy lừng tại Căn Cứ O’Relly, khi tiểu đoàn anh dưới tài chỉ huy tài ba của Trung Tá Lê Huấn đã đánh tan một lực lượng địch cấp trung đoàn của Sư Đoàn 304 BV, tháng 8/1970 tiểu đoàn lại đánh một trận khốc liệt với một đại đơn vị khác cũng của Sư Đoàn 304 BV này tại Hải Lăng, Quảng Trị. Khi ấy anh đang là đại đội trưởng thâm niên nhất của tiểu đoàn. Cả hơn một trung đoàn địch, sau nhiều đợt tiền pháo kinh hoàng đã đồng loạt xung phong nhằm tràn ngập vị trí đóng quân của tiểu đoàn 4/1. Trung Tá Lê Huấn rời khỏi hầm chỉ huy, đích thân điều động đơn vị quyết chiến trước một cuộc thư hùng sinh tử. Từng đợt địch quân bị đốn ngã ngay trước giao thông hào, nhưng bọn chúng như là những con thiêu thân lao vào lửa, lớp này ngã lớp khác lại xông tới. Nhờ sự chiến đấu kiên cường của đơn vị anh, và đặc biệt dưới sự chỉ huy tài tình và gan dạ của vị tiểu đoàn trưởng lừng danh, đã ngăn chặn, tiêu hao và cầm chân địch trước khi được những phi vụ không yểm, đánh trên đầu địch. Những trận không kích gây thiệt hại nặng nề cho địch nhưng cũng làm bị thương một số binh sĩ của đơn vị, vì khoảng cách giữa ta và địch quá gần. Anh là một trong những người bị trọng thương hôm ấy. Trời tối và mưa lớn, lưới phòng không dày đặc, không tản thương được, Anh Lê Huấn ra lệnh ban quân y mang anh vào nằm trong hầm chiến đấu của anh Huấn để được tương đối an toàn và  băng bó chữa trị cấp thời. Thấy máu và bụi bặm thắm đầy bộ chiến y ướt đẫm nước mưa của anh, vị tiểu đoàn trưởng bảo người lính cận vệ lấy bộ áo quần trong ba-lô của mình mang đến thay cho anh. Khi tản thương về Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, nhiều bác sĩ cứ tưởng anh là Trung tá Lê Huấn, bởi bảng tên và cả cái lon trung tá còn nguyên trên ngực và cổ áo.

Vết thương chưa lành, nằm trong Quân Y Viện mà lòng anh rất nôn nao khi biết tin đơn vị tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719. Một kế hoạch qui mô với sự tham chiến của hầu hết các đơn vị chiến đấu thuộc Vùng I:  Sư Đoàn 1BB, các đơn vị Thiết Giáp, Biệt Động Quân, cùng với các Lữ Đoàn Nhảy Dù và TQLC. Anh khao khát được có mặt cùng đơn vị trong trận chiến đặc biệt này, nhưng vết thương ở chân phải là trở ngại chính để bắt anh phải nằm lại ở đây.

     Anh theo dõi từng ngày từ khi cuộc hành quân bắt đầu. Các tin tức không vui từ chiến trường, những tổn thất nặng nề của quân ta sau khi các căn cứ 31, 30 lần lượt thất thủ. Đại Tá Thọ, Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù cùng nhiều cấp chỉ huy của ta bị lọt vào tay giặc. Một số đã tự sát để giữ tròn khí tiết.Từ các kế hoạch hành quân tồi tệ mà địch quân gần như biết trước để chuẩn bị trận địa đến việc thiếu thống nhất ở các cấp chỉ huy đã góp phần cho sự thảm bại. Điều đau đớn nhất đã làm tim anh thắt lại khi nghe tin Tiểu Đoàn 4/1 của anh nhận lãnh trách nhiệm nặng nề, làm lực lượng chặn hậu để cho Trung Đoàn rút lui khỏi căn cứ Lolo trong tình trạng bị bao vây nguy khốn. Anh bật khóc khi nghe tin Trung Tá Lê Huấn, vị tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi tài năng đã lẫm liệt hy sinh, và cả tiểu đoàn chỉ còn 32 binh sĩ sống sót trở về! Anh nghĩ từ nay sẽ vĩnh viễn không còn gặp lại người chỉ huy mà anh ngưỡng phục và hằng mong được tiếp tục phục vụ dưới quyền. Anh nhớ tới bộ quân phục mà Trung Tá Lê Huấn đã đưa cho anh thay khi anh bị trọng thương cách đây vài tháng, anh còn chưa kịp trả lại, và bây giờ thì không còn có cơ hội để trở về khổ chủ. Anh quyết định giữ lấy bộ quân phục này như một kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời mình. Và sau đó dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, khốn khổ, nhất là sau ngày nước mất nhà tan, anh vẫn luôn trân trọng bộ quân phục mà anh nghĩ có mang hồn thiêng của anh Lê Huấn và của cả những đồng đội đã hy sinh.

     Sau khi xuất viện, anh được bổ sung đến một trung đoàn khác giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Tháng 10/ 1971 anh thăng cấp Thiếu tá tại mặt trận. Cuối năm anh lên nắm tiểu đoàn thay thế vị tiểu đoàn trưởng bị thương, sau đó được theo học khóa quân chánh. Một thời gian sau, vết thương cũ ở chân phải tái phát. Sau khi chữa trị anh đi khập khiễng. Hội Đồng Giám Định Y Khoa xếp anh vào loại 2, không chiến đấu được. Được đề nghị bổ sung về Phòng 3 Quân Đoàn, nhưng anh xin đi làm chi khu phó cho anh tiểu đoàn trưởng cũ, bây giờ là quận trưởng của một quận miền núi. Quận lỵ là một tiền đồn chiến lược, nằm tại một vị trí trọng yếu khống chế cả con đường tiếp liệu của Cộng quân, nên bọn chúng tìm mọi cách để san bằng. Gần cuối năm 1974, Cộng quân mở nhiều đợt tấn công biển người nhằm chiếm quận lỵ, vị quận trưởng bị thương nặng. Anh đã phối hợp với các đơn vị bạn tăng cường, trực tiếp chỉ huy điều động cuộc phản công rất oanh liệt giữ vững được phòng tuyến qua nhiều cuộc tấn công qui mô của địch. Nhưng tổn thất của ta khá nặng và đạn dược dần dà cạn kiệt, trong lúc Cộng quân luôn được tăng cường, cuối cùng anh phải mở đường máu, rút lui trước khi căn cứ bị địch quân tràn ngập. Anh bị thương nặng ở chân, điều kỳ lạ là ngay tại vết thương cũ. Nhờ kinh nghiệm chiến trường và hai người lính nghĩa quân rất trung thành và khôn ngoan giúp đỡ, thay phiên cõng anh thoát khỏi vòng vây truy lùng của địch. Anh được đề nghị thăng cấp đặc cách lên trung tá, nhưng sau đó bị cưa mất chân phải. Nỗi đau đớn vì phải mất đi một phần thân thể chưa nguôi, thì cái đau đớn tột cùng cũng vừa ập đến: Tháng 3/75, cả Vùng I bỗng chốc lọt vào tay Cộng sản, Sư Đoàn 1BB, đơn vị nổi danh mà anh luôn hãnh diện phục vụ trong gần cả một đời binh nghiệp cũng tan tành, rồi cả miền Nam mất vào tay giặc. Những đồng đội từng chiến đấu, một thời sống chết cùng anh bỗng dưng tan tác như chỉ sau một cơn ác mộng.

    Mất một cái chân, nhưng anh vẫn bị tù đày nghiệt ngã trên bảy năm trong nhiều trại tù của bọn Cộng sản man rợ. Ra khỏi tù anh lại mất cả gia đình. Người vợ xinh đẹp ngày nào đã gởi đứa con gái lớn, năm tuổi, cho bà nội già, bồng theo đứa con trai ba tuổi, lẳng lặng sang sông về một nơi nào đó. Gia tài một đời binh nghiệp của anh giờ chỉ còn mỗi một bộ đồ trận, chiến y của người chỉ huy mà anh từng kính yêu đã hy sinh. Trước khi vào tù, anh căn dặn mẹ anh phải giữ kỹ bộ quân phục này cho anh với bất cứ giá nào, bởi đó là một kỷ vật quý giá nhất còn lại của đời anh. Theo đề nghị của mẹ, anh đồng ý cho bà tháo ra và đốt đi cái bảng tên và cấp bậc may trên áo.

    Có lẽ từ lâu lắm mới có người chăm chú ngồi nghe, nên anh say sưa kể cuộc đời mình. Đôi lúc sụt sùi, nước mắt tưởng đã khô cằn, bỗng ràn rụa trên khuôn mặt khắc khổ già nua, và từng giọt rơi xuống bộ quân phục anh đang ôm ấp trong lòng mình.

– Sau này anh có dịp nào gặp lại chị nhà và đứa con trai? Tôi hỏi.

– Bà đã có chồng khác từ lâu rồi, đang sống ở Âu Châu. Tôi buồn nhưng không trách. Ngại đụng chạm tới hạnh phúc riêng của bà, và cả vết đau trong lòng mình nên không muốn liên lạc. Còn đứa con trai có sang thăm tôi hai lần, nhưng cháu vẫn nhìn tôi xa lạ lắm. Cũng phải thôi, vì khi tôi vào tù thì cháu chỉ mới lên ba, trong ký ức của cháu có lưu lại một chút hình ảnh gì của tôi đâu. Riêng con gái tôi có sang thăm mẹ và em cháu vài lần.

Nói dứt câu, anh cúi xuống như muốn giấu riêng nỗi xúc động.

– Anh có thường cảm thấy cô đơn và tiếc nuối những ngày xưa?

– Cũng có chứ, nhưng lâu rồi thành quen và gần như không còn muốn nhớ tới nhiều chuyện cũ.

Tôi đưa tay nắm chặt bàn tay anh thay cho một lời an ủi khó nói thành lời. Bỗng anh ngước lên, mở to đôi mắt:

– Điều buồn của tôi bây giờ là thấy một số trong đám anh em mình mất đi khá nhiều sĩ khí, có thằng còn khốn kiếp đã vì chút lợi lộc nhỏ nhen mà chạy hùa theo giặc, nịnh bợ thô bỉ, quên mình từng hãnh diện là sĩ quan của những binh chủng hào hùng.  Nhìn bọn chúng múa may khóc lóc làm trò trước mặt bọn cộng sản mà tôi muốn buồn nôn!

Tôi cười:

– Anh bận tâm tới những kẻ ấy làm gì. Trong tập thể nào lại không có những  con sâu, tồi tệ, bán rẻ linh hồn. Cũng có thể là những thăng điên. Nhưng đó cũng chỉ là vài trường hợp cá biệt. Cũng như nước Mỹ vừa có tên phản quốc Edward Snowden, đang trốn ở Nga-Sô. Theo tôi, đại đa số anh em mình vẫn còn giữ được tấm lòng, tình huynh đệ và trách nhiệm với quê hương đất nước chứ!

Bỗng đôi mắt anh sáng lên:

– Điều vui và an ủi tôi nhiều nhất là các tổ chức gây quỹ giúp anh em thương phế binh sống khốn khổ ở quê nhà. Đặc biệt là các buổi Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh thành công tốt đẹp. Thấy anh em nhà binh mình cùng bà con tham gia hưởng ứng nhiệt tình, tôi mừng và cảm động lắm. Ở bên nhà các cha thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn cũng đã can đảm, hết lòng an ủi và làm sống dậy niềm tự hào của những anh em thương binh bất hạnh, tôi cảm phục vô cùng. Có bao nhiêu tiền dành dụm tôi đều nhờ cô con gái gởi về phụ với các cha.

Tôi cười, biểu lộ sự đồng tình. Định nói thêm đôi điều để khoe về những đóng góp phần mình, bỗng nghe anh hỏi:

– Bạn ở Âu Châu, sang Mỹ một thời gian, chắc đã thấy trong đám anh em mình bây giờ cũng nhiều người bon chen danh lợi. Mà tội nghiệp thay toàn chỉ là danh hão! Thấy mà phát ngượng!  Nhiều ông tướng ông tá có danh thời trước, sang đây lại đầu quân làm tướng phường tuồng cho mấy cái chính phủ tự xưng tự diễn.  Trong đó có cả những ông ngày xưa từng là cấp chỉ huy của mình.  Ngán ngẫm thật. Giấy rách mà cũng chẳng còn cái lề nào để mà giữ nữa!

Tôi cười. Chưa kịp nói một lời an ủi, bỗng thấy anh sa sầm nét mặt:

– Điều buồn nhất là thiên hạ lạm dụng bộ quân phục một cách đến lố bịch.Đám cưới, sinh nhật, tiệc tùng nhảy nhót mà cũng có người mặc quân phục. Có lần tôi thấy có ông mặc quân phục, mang cả lon lá và đầy huy chương lên truyền hình để quảng cáo thuốc cho một ông thầy thuốc Nam tự nhận mình là bác sĩ! Tôi xấu hổ và giận đến tím cả mặt. Tối hôm ấy, tôi ôm bộ quân phục này của anh Lê Huấn mà thấy lòng xót xa vô hạn.

Nhớ lại một câu chuyện liên quan tới bộ quân phục đã xảy ra tại đất nước Na-Uy, nơi gia đình tôi đang định cư, tôi kể cho anh nghe: 

– Tháng 11 năm 2004, bà Kristin Krohn Devold, Bộ Trưởng Quốc Phòng Na-Uy, đến viếng thăm binh sĩ thuộc các đơn vị quân đội Na-Uy tham chiến tại Afghanistan trong lực lượng NATO. Bà được ca ngợi là một nữ bộ trưởng can đảm đã đến thăm binh sĩ khi chiến trường đang ác liệt nhất. Nhưng sau khi tin tức và hình ảnh về chuyến viếng thăm này được chiếu trên đài truyền hình quốc gia Na- Uy (NRK), bà bị nhiều sĩ quan và binh sĩ Na-Uy phàn nàn, phản đối khi thấy bà mặc quân phục từ một chiếc trực thăng bước xuống thăm một đơn vị tác chiến Na- Uy, và cả khi được Thủ Tướng Afghanistan, Hamid Kazai tiếp đón tại thủ phủ Kabul.  Báo chí cũng góp phần tranh luận và tỏ ra bất bình về sự kiện này. Hầu hết cho rằng bà chưa hề ở trong quân đội, nên không được phép sử dụng quân phục, dù trong bất cứ chức vụ hay hoàn cảnh nào. Những quân nhân cho rằng bộ quân phục còn có tính thiêng liêng, bởi nhiều chiến binh đã hy sinh trong bộ quân phục này. Mặc dù bà và một số cơ quan chính phủ lên tiếng biện minh, viện lý do vì sự an toàn cho bà trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng vẫn không được chấp nhận.  Cuối cùng bà phải bắt buộc lên tiếng chính thức xin lỗi quân đội và cả dân chúng Na-Uy về điều này.

Nghe tôi kể xong, anh đưa bộ quân phục đang cầm trong tay lên như để khẳng định một điều gì.

– Đúng như thế, bộ quân phục đối với tôi luôn là một kỷ niệm thiêng liêng. Có biết bao đồng đội của tôi hy sinh đã được liệm với bộ quân phục thấm đẫm máu đào của họ. Xin đừng lạm dụng và làm đau lòng họ.

     Sau lần gặp gỡ đầu tiên này, tôi còn đến thăm anh một vài lần nữa, và bảo cô con gái, “bác ấy là người tốt, một sĩ quan đáng kính, con nên thường thăm nom và giúp đỡ bác những điều cần thiết”. Hôm đến chào từ giã anh để trở về lại Na-Uy, tôi mang biếu anh hai chai rượu đỏ loại tốt. Tôi khuyên anh, khi nào buồn thì uống vài cốc cho nguôi ngoai, không nên uống nhiều rượu mạnh và hút thuốc lá, có hại cho sức khỏe. Anh nở nụ cười, nhưng bỗng trở nên buồn bã:

– Anh đi rồi, tôi lại cô đơn, chẳng còn ai tâm sự.

Hôm đó, tôi ở lại với anh tới hơn một giờ khuya. Chống nạng tiễn tôi ra cửa, anh bắt tay từ giã nhưng giữ khá lâu, không muốn tôi đi. Tôi cười, bảo nhỏ:

– Anh cố dỗ giấc ngủ, đừng thức dậy nửa đêm, uống rượu chống nạn đi quanh nhà. Bọn tôi ở tầng dưới cũng mất ngủ với anh luôn.

Anh gật đầu, cười thông cảm.

Sáu tháng sau, khi trở lại Mỹ, tôi liền đến thăm anh. Bấm chuông mấy lần không ai mở. Tôi không còn nghe tiếng động của đôi nạng gỗ gõ xuống nền nhà như mọi khi. Buổi chiều, cô con gái đi làm về, cho tôi biết là anh ấy bị ung thư gan ở thời kỳ cuối. Con gái của anh đã đưa anh vào bệnh viện Fountain Valley từ tuần trước. Tôi lái xe xuống ngay bệnh viện. Anh nằm bất động. Khi tay tôi chạm vào anh, anh mở hé mắt nhìn tôi và miệng cố nở nụ cười, méo mó. Thấy anh cười mà tôi muốn khóc.  Trông anh tiều tụy và hốc hác quá. Nhưng anh rất bình tĩnh, như ngày xưa khi đối diện trước quân thù. Anh muốn ngồi dậy, nhưng không còn đủ sức. Tôi ngồi bên cạnh, đưa tay xoa trên ngực anh, bảo anh cứ nằm nghỉ. 

– Bác sĩ bảo tôi không còn nhiều thời gian nữa, ngày mai phải xuất viện về nhà để gia đình lo hậu sự – Anh nói bằng một giọng thì thào, yếu ớt.

Khi nhắc đến hai chữ gia đình, anh lại cười, chua chát:
– Lại gia đình…!

Hiểu ý anh, tôi nói đùa cho anh vui:
– Phải nói là đại gia đình, vì ngoài cô con gái ra, anh còn có chúng tôi nữa. Cứ yên tâm mà đi. Nhớ dọn sẵn một bãi đáp cho ngon lành, chờ tôi đáp xuống sau anh nghe.

Chiều hôm sau anh được xe bệnh viện đưa về nhà. Cô con gái túc trực bên anh. Tôi cũng luôn có mặt. Anh ngỏ ý muốn uống với tôi một ly rượu đỏ. Cô con gái ngần ngừ, nhưng thấy tôi ra dấu gật đầu, cô rót hai ly rượu, một ly mời tôi và một ly cô cầm đưa vào miệng cha cô. Cuối cùng chúng tôi cũng cạn ly. Không ngờ đó là ly rượu từ biệt. Tôi bỗng nhớ tới lời của một bài ca cũ : “bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã… đã đi xa rồi…”

Khuya hôm đó anh trút hơi thở cuối cùng. Cô con gái cho biết anh ra đi rất yên ả. Không trăng trối một lời gì. Chỉ để lại một mảnh giấy nhỏ với vài chữ ngoằn nghèo:  “Nhớ liệm ba bằng bộ quân phục trong tủ kính, nghe con”.

    Đám tang thật đơn giản theo ý muốn của anh. Mấy lần anh dặn dò cô con gái không được đăng cáo phó hay báo tin cho ai biết. Tại nhà quàn, ngoài cô con gái của anh và cậu bạn trai người Mỹ, chỉ có vợ chồng tôi cùng cô con gái út. Một nhà sư già tụng một thời kinh trước khi đậy nắp quan tài. Tôi đứng nghiêm đưa tay lên chào anh. Anh nằm uy nghiêm trong bộ quân phục, khuôn mặt ánh lên nét hào hùng. Tôi có cảm giác như anh vừa chết tại chiến trường. Không có bất cứ một nghi lễ nào, nhưng tai tôi như đang văng vẳng tiếng kèn truy điệu và khúc nhạc Chiêu Hồn Tử Sĩ.

    Đứng nghiêm chào anh một lần nữa, khi quan tài đưa vào lò thiêu. Mọi thứ đều trở về với cát bụi. Lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui bất chợt, khi nghĩ anh sắp được gặp lại anh Lê Huấn và những đồng đội cũ, những chiến sĩ đích thực đã rất xứng đáng với bộ quân phục oai phong của QLVNCH. Họ đã tạo cho bộ chiến y một điều gì đó rất thiêng liêng.

Phạm Tín An Ninh

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt