Blogger Nguyễn Ngọc Già kể chuyện đi tù

Nguyễn Ngọc Già

“Tôi luôn chọn đứng về công lý và sự thật để bênh vực cho người dân oan, tù oan, cũng như cố gắng đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết những bất công trong xã hội và ứng phó với nhà cầm quyền Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Đảng Cộng sản Việt Nam nên cám ơn tôi thay vì bỏ tù tôi.” – Đó là tâm sự của blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật Nguyễn Đình Ngọc, người vừa mãn hạn tù hôm 27 tháng 12 năm 2017.
Blogger Nguyễn Ngọc Già bị chính phủ Hà Nội kết án tù 3 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam trong một phiên tòa vào cuối tháng 3 năm 2016. Ông là một blogger rất ‘kín tiếng’ như chính điều ông thừa nhận về mình là một người chọn cô đơn trong tự do tư tưởng để đi”. Kể từ khi mãn hạn tù, blogger Nguyễn Ngọc Già cũng không lên tiếng với báo chí nên có lẽ không có mấy người biết được những gì ông đã trải qua, đã chứng kiến trong tù.

Tuy nhiên, vào sáng ngày 18 tháng Một năm 2018, ông đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc nói chuyện kể lại một số điểm đáng chú ý trong thời gian phải thụ án tù mà ông cho là oan ức.

Cuộc nói chuyện với tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già do Gia Minh thực hiện.

Gia Minh: Ông dùng từ “tù nhân nhân quyền” cho bản thân, vậy xin ông cho biết lý do?

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già: Kính chào anh Gia Minh và kính chào quý khán thính giả đài RFA. Trước tiên cho tôi xin được nhắc lại là tôi là tù nhân nhân quyền bởi lẽ tôi chỉ thực hiện quyền con người của mình và vì thế tôi bị bắt phi pháp với án tù 3 năm tù giam và 3 năm quản chế. Tù nhân lương tâm là một khái niệm có từ cách đây khoảng 60 năm. Hiện nay thì tù nhân lương tâm vẫn đúng nhưng theo thiển ý của tôi tù nhân lương tâm chỉ có phạm vi hẹp bởi vì không chỉ những người bị bắt bởi điều 88, 258 hay 79, mà chúng ta biết được trong xã hội Việt Nam hiện nay rất nhiều người bị bắt vì quyền con người. Ví dụ trước đây có nông dân Đoàn Văn Vươn. Anh ấy chỉ đòi quyền đất đai mà bị kết án tù. Và mới đây thương tâm hơn đó là nông dân Đặng Văn Hiến cũng vì quyền đất đai mà nhận bản án tử hình trong phiên sơ thẩm vừa rồi.

Tôi nghĩ tất cả những người đó đều đang đòi quyền con người của họ và họ cũng nên được gọi là tù nhân nhân quyền. Thứ hai là những người đấu tranh khác họ cũng đòi quyền con người mà thôi. Có những người bị vu cho là trốn thuế, chống người thi hành công vụ, vu cho gây rối trật tự công cộng nhưng trên thực tế thì dư luận quốc tế và trong nước đều biết là họ chỉ thực hiện quyền con người. Và như vậy tôi nghĩ quyền con người mà gọi theo tiếng Hán Việt là nhân quyền, là một cái phổ quát, cái căn bản nhất mà tất cả người Việt Nam hiện nay đều đang thiếu trầm trọng. Và vì vậy tôi đề nghị hãy gọi chúng tôi là tù nhân nhân quyền.

Tôi muốn khẳng định một lần nữa là tôi không hề chống nhà nước. Tôi chỉ thực hiện quyền con người theo đúng hiến pháp, pháp luật và tất cả các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký cam kết.

Gia Minh: Từ khi ông bị bắt, bị kết án đến lúc mãn án tù; không có thông tin gì về trường hợp của ông được đưa ra ngoài; vậy ông có thể chia sẻ những điều gì đáng nêu ra về thời gian ở trong các trại giam giữ?

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già: Vì tôi chọn con đường “cô đơn trong tự do tư tưởng để đi”, cho nên việc tôi bị bắt mà dư luận không hay biết cũng là bình thường. Tôi biết trước tôi bị bắt, bởi vì 3 bài viết “Tôi biết ơn Việt Nam Cộng Hòa”, “Bàn về câu chuyện lá cờ” và “Hội nhà báo Việt Nam độc lập mất đoàn kết?”, tôi đã cố tình cung cấp thông tin cho nhà cầm quyền Việt Nam. Có thể nói, tôi cung cấp đến 90% lai lịch của tôi, nên họ tìm ra không có gì là khó khăn. Tôi cam đoan cho đến nay, cả Sài Gòn chỉ có duy nhất gia cảnh của tôi là như vậy.

Việc tôi bị bắt không liên quan đến bất kỳ báo đài hay cá nhân nào cả. Tôi khẳng định để tránh những thông tin thất thiệt, nhằm nhiều mục đích, trong đó có mục đích làm ảnh hưởng đến báo, đài và ảnh hưởng đến danh dự của người khác.

Mặc dù tôi bị bắt đột ngột đối với mọi người, nhưng tôi tin rất nhiều người và các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm đến tôi, dù không biết rõ tôi là ai vào lúc bấy giờ. Khi tôi về nhà đọc tin tức, đúng như tôi dự đoán. Đó cũng là niềm an ủi rất lớn đối với tôi, bởi lẽ nhiều năm viết báo lặng thầm, tôi viết bằng lương tri dựa trên 3 căn cứ: sự thật, pháp luật và sự bền bỉ.

Lẽ ra, nhà cầm quyền VN đã trả tự do cho tôi sau khoảng 4 tháng tạm giam, như đã thả ông Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập. Điều này do chính thiếu tá Nguyễn Đình Tứ (trưởng nhà tạm giam số 4PĐL nói với tôi, vào một hôm tôi rất buồn, đề nghị gặp ông ta để nói chuyện (trước khi chuẩn bị ra tòa sơ thẩm), nhưng vì tôi không nhận tội, nên họ quyết giam tôi luôn cho đến ngày ra tòa.Tôi luôn chọn đứng về công lý và sự thật để bênh vực cho người dân oan, tù oan, cũng như cố gắng đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết những bất công trong xã hội và ứng phó với nhà cầm quyền Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Đảng Cộng sản Việt Nam nên cám ơn tôi thay vì bỏ tù tôi.

Có lần (tôi nhớ khoảng cuối tháng 1 hay đầu tháng 2/2015) họ dẫn ông Lập đi ngang qua, ngang lại mấy lần trước phòng “đi cung” mà tôi ngồi nhìn ra phía cửa. Ông Lập có nhìn vào, tất nhiên, tôi biết ông Lập nhưng ông Lập không biết mặt tôi.

Ngày ông Lập được trả tự do, tôi biết (vì ở đó họ để tôi mua báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ). Ngay lúc sáng vừa mua báo đọc xong (tôi nhớ khoảng hơn 9 giờ, vì họ giao báo trễ lắm), họ gọi tôi ra và hỏi tôi có ý kiến gì không (tôi nghĩ họ gợi ý tôi nhận tội một cách khéo léo chứ không thẳng thừng, vì trong bài báo tuổi trẻ, ông Lê Đông Phong Giám đốc Công an TPHCM trả lời báo giới là ông Lập nhận tội rồi, nên được thả). Tôi trả lời, tôi vừa đọc báo thấy ông Lập được thả. Mừng cho ổng vì ổng không lành lặn, nên ở tù tội lắm Họ ngồi nói với tôi vài ba câu chuyện và sau đó để tôi đi vào.

Với nhiều biểu hiện lúc bấy giờ ở số 4 PĐL (như kể trên) cũng như đọc báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và họ còn cho một người “nhảy sô” tên Hiệp (nhưng cậu ta nói với tôi là tên Tùng) vào ở với tôi (Lúc đó ở trong xà lim (có từ thời Pháp) sau 2 lớp cửa, chỉ khoảng 4m2/2 người, trong 7 tuần lễ, không nắng, không gió, không ánh sáng tự nhiên, nước xài rất ít), qua nhiều lần nói chuyện với cậu Hiệp, với đại úy Nguyễn Lương Y, thiếu tá Nguyễn Đình Tứ v.v… tôi biết nếu ông Nguyễn Tấn Dũng còn ở lại sau đại hội XII, có lẽ họ sẽ thả tôi. Nhưng chính trị vốn khó lường, cho tới khi có kết quả Bộ Chính trị mới thì tôi cảm nhận là… “xong rồi”!

Một lần vào cuối tháng 4/2015, họ gọi tôi ra trong một phòng tươm tất hơn, có cả trà mời tôi uống và có cả camera chĩa vào tôi (tôi nghĩ để phòng bên cạnh theo dõi buổi nói chuyện, tất nhiên là những người mà tôi nghĩ họ quyết định thả hay nhốt tôi tiếp). Tôi đã nói với đại úy Long, đại úy Y và ông Vinh (bên Viện Kiểm sát thành phố) rất nhiều lần, tôi không chống nhà nước gì cả; hãy trả tự do tôi, bắt thêm một người như tôi cũng chẳng giải quyết được gì; điều 88 là điều luật chống lại nhân dân (lúc đó đại úy Trần Thanh Long còn hỏi tôi có chứng minh được không, tôi nói, nếu vậy tôi phải viết một bài) v.v…

Một hôm “đi cung” (khoảng tháng 5 hay tháng 6/2015), đại úy Trần Thanh Long nói với tôi: “Anh bị bắt không phải vì những bài viết của anh mà vì lý do khác”. Tôi im lặng, chờ xem cậu ta nói gì nữa. Khoảng 10 giây sau, không thấy tôi nói gì, cậu ta nhăn mặt và thốt lên, nghe rất ta thán: “Chính trị nhức đầu quá!”. Theo đánh giá của tôi, Trần Thanh Long là một người công an có lương tâm nhất ở số 4 PĐL. Tôi nói điều này để chuyển thông điệp đến nhà cầm quyền VN trong bối cảnh hiện nay, lúc mà Đảng cộng sản Việt Nam đang ngổn ngang “xây dựng và chỉnh đốn đảng”, những người như Trần Thanh Long đáng để cất nhắc ở cương vị cao hơn và quan trọng hơn. Bởi sau đó, tôi nói lại với đại úy Nguyễn Lương Y (cũng là một người hỏi cung tôi) về câu nói của Trần Thanh Long, cậu Long không còn tiếp tục “hỏi cung” tôi nữa mà chuyển về làm “phó nhà tạm giam”, phụ việc lặt vặt, thậm chí đẩy xe cơm tù. Bộ Công an nên xem lại điều này, chính những người như cậu Long mới góp phần khôi phục hình ảnh của giới Công an mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất cần hiện nay.

Lần khác, khoảng đầu tháng 8/2015, cũng trong một lần “đi cung”, đại úy Nguyễn Lương Y bỗng nhiên đề cập đến con tôi theo cách: hãy nghĩ đến gia đình v.v… Tôi bình thản nói, trách nhiệm làm cha, tôi đã khá tròn bổn phận, tôi sống dân chủ, không áp đặt con cái v.v… Cho đến ngày 20/8/2015, giấy nhận hàng thăm nuôi đưa vào, qua lỗ nhỏ phòng giam, tôi giật mình khi nhìn thấy chữ viết và chữ ký của con trai út tôi. Tôi vừa vui mừng vừa lo âu đến trào nước mắt. Đó là lần đầu tiên và là lần cuối cùng sau 8 tháng tù, tôi nhìn thấy chữ viết và chữ ký của nó. Sau đó, con tôi qua đời ngày 28/8/2015. Ngày 25/9/2015 PA92 báo tin cho tôi là con tôi mất. Tôi không thể nào quên được cái ngày khủng khiếp đó, với cách báo tin mà tôi thấy thật tàn nhẫn vô nhân đạo, từ thượng tá Hoàng Văn Dũng, thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, cho đến đại úy Nguyễn Lương Y và 2 người phụ trách về kỹ thuật internet mà tôi không biết tên.

Sau đó, tôi có làm “đơn xin nhận tội”, để mong về cúng 100 ngày cho thằng nhỏ rồi vào lại, nhưng họ cũng khước từ. Thượng tá Hoàng văn Dũng nói với tôi là: “Anh làm thì làm chứ tụi tui không cần”. Tuy thế, tôi vẫn làm mặc dù biết là không được. Lúc kết thúc điều tra rồi, ngày 31/12/2015, họ cũng không cho tôi gặp gia đình. Khoảng đâu 10 ngày sau, tôi giả bộ xin ra làm đơn, lừa lúc họ không chú ý, tôi chạy lên khoảng chục bậc thang gác, rồi nhảy xuống. May là không sao, chỉ đau lưng ê ẩm khoảng 1 tuần. Sau đó, họ mới cho gia đình tôi vào thăm gặp. Từ đó, đổ đi mỗi tháng tôi được gặp gia đình 1 lần. Nhận đồ thăm nuôi thì 2 tuần 1 lần (như từ lúc tôi vừa bị bắt).

Qua Chí Hòa (ngày 20/4/2016), tôi gặp được thượng úy Lê Minh Phùng, cũng là người rất tốt, nhờ cậu Phùng mà 12 lời nhắn và 8 lời nhờ cậy của tôi được tạo điều kiện cho người bạn tù học thuộc lòng và mang ra bên ngoài, nên Dân Làm Báo và các báo đài v.v… mới biết mà lên tiếng cho tôi. 12 lời nhắn và 8 lời nhờ cậy, tôi cũng nhờ gởi cho báo Nhân Dân và Sài Gòn Giải phóng. Tôi nghĩ đó là những sự thật mà “các báo nhà nước” phải biết, dù tôi không tin họ lên tiếng, nhưng tôi chọn báo Nhân Dân và Sài gòn Giải phóng để gởi bởi vì đó là cách hay nhất bảo vệ cậu Lê Minh Phùng, trong thời cuộc ngày hôm nay. Công khai rộng rãi đúng thời điểm, đúng sự việc là cách tôi nghĩ phù hợp với bản thân mình.

Cũng vì 12 lời nhắn và 8 lời nhờ cậy và vì giúp bạn tù viết bài bào chữa, viết lời nói cuối cùng, đồng thời tôi tố cáo (bằng văn bản viết tay) thiếu tá Lê Văn Yên phó khu F dung dưỡng nạn đại bàng, vi phạm Luật thi hành án hình sự và có dấu hiệu ăn hối lộ, nên tôi bị trả thù bằng 2 lần đi cùm do thượng tá Nguyễn Văn Em và thượng tá Nguyễn Quang Quế, ký lịnh, nhưng họ không chịu đưa tôi quyết định cùm, mặc dù tôi có đòi, họ chỉ đưa tôi coi rồi lấy lại. Tôi còn bị đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn – giám thị Chí Hòa làm công văn gởi Tòa án nhân dân cấp cao vu khống tôi “chống phá nhà nước”, nhằm mục đích tăng nặng tội tôi thêm. Công văn này, tôi biết được là nhờ Luật sư Hà Huy Sơn vào với tư cách luật sư của tôi đưa tập hồ sơ tôi xem, khi anh Sơn vào gặp tôi trước ngày ra tòa phúc thẩm. Khu F Chí Hòa còn vi phạm nội quy trại tạm giam, giam lẫn lộn người đã thi hành án và người đang chờ kháng cáo kháng nghị, tạo điều kiện cho đại bàng là Đỗ Viết Quế (đã có án chính thức là 2 năm về tội “cố ý gây thương tích”, nhưng lo tiền để nằm lại trong phòng khỏi phải đi lao động) được thiếu tá Yên giao làm “đại diện buồng”, hắn bắt bạn tù phục dịch, chửi bới và hành hạ bạn tù rất nhiều. Đỗ Viết Quế còn khoe sẽ ra tù vào 2/9/2016 vì lo tiền. Và đúng y như vậy. Khi tôi tố cáo Đỗ Viết Quế, Chí Hòa mới lo sợ, họ vừa cùm tôi vừa chuyển tên này xuống ở khu của những người chuẩn bị tự do và sau đó, ra tù đúng dịp 2/9.

Gia Minh:Thực tế nhà tù Việt Nam từng được một số cựu tù nhân lương tâm/tù chính trị cho biết trước đây. Ông có thể đối chiếu và so sánh gì?

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già: Tôi nhớ anh Điếu Cày từng nói, khi đã qua Mỹ: Nhà tù nào ở Việt Nam cũng ác, nhưng ở Cái Tàu – Cà Mau đúng là “trại súc vật”. Riêng tôi, tôi phải nói rằng “Mỗi nhà tù một kiểu, ác thì ngang nhau”. Lao động khổ sai, như tại Chí Hòa, tận mắt tôi chứng kiến, rất khổ và nguy hiểm, khi người tù phải khiêng “nước đá cây” mỗi ngày leo lên 4 tầng lầu, có khi nước đá rớt dập chân, làm hư và thúi móng chân. Người tù lao động bị đánh như cơm bữa. Không những thế còn bị đánh hội đồng rất dã man. Gắn camera ngoài hành lang chỉ là hình thức, công an lôi người tù vào góc khuất để đánh. Tôi nhớ, chiều ngày 22/5/2016, một nhóm công an khoảng 5 – 6 người cầm dùi cui và thay phiên nhau đánh một cậu bé (trong tù gọi là “cô nhi”, ám chỉ những người dưới 18 tuổi) rất dã man, ở tầng trệt khu BC. Tôi nhớ rõ như in, bởi ngày đó là ngày bầu cử quốc hội. Còn nhiều trận đòn khác nữa mà chính tôi chứng kiến ngay trong phòng 13 khu F tôi ở, khi người tù lén hút thuộc lào. Phải nói là bị đánh tơi tả. Rồi bị cắt thăm nuôi 1 tháng.

Còn ở trại Xuân Lộc, họ vi phạm quy trình, nội dung pháp lý và pháp luật. Khi nói với họ về luật, họ cứ trơ ra. Ngay cả thông tư 27 mới nhất của Bộ Công an có hiệu lực từ 6/10/2017, tôi nhắc nhưng họ vẫn coi như không. Đó là điều mà Bộ Chính trị, ông Tô Lâm, ông Nguyễn Ngọc Bằng (Tổng cục trưởng TC8) nên xem lại, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế, mà Việt Nam là nước vừa nhỏ vừa yếu, chứ không phải lớn và mạnh như Trung Quốc.

Trại Xuân Lộc cũng không phổ biến pháp luật cho tù nhân. Mà đây lại là trách nhiệm của các trại tù.

Về luật Thi hành án hình sự, các cơ quan hành pháp và tư pháp đều vi phạm nghiêm trọng. Ví dụ như, không giao bản án phúc thẩm và quyết định thi hành án cho tôi. Tôi đã gửi thư đòi tòa giao cho tôi từ tháng 8/2017 sau hơn nửa năm trời yêu cầu giấy viết từ trại Xuân Lộc, mới viết được. Ban đầu họ làm lơ, khi tôi đòi quá, thì thiếu tá Nguyễn Thế Thung nói đó là nhiệm vụ của Tòa, nên mới đưa giấy viết cho tôi. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bên tòa cũng không hồi đáp gì cả. Hoặc cũng có thể trại Xuân Lộc không gởi thư của tôi đi. Tuy nhiên, tôi đã sử dụng “bản kiểm điểm” theo quy định pháp luật (nhằm để bình bầu cho việc giảm án) 6 tháng đầu và cuối năm để trình bày đầy đủ mọi việc rồi. Các bản kiểm điểm này là văn bản quy phạm pháp luật, nên tôi tin trại Xuân Lộc còn lưu.

Có một số bạn tù lại thực hiện tẩy chay, không viết bản kiểm điểm. Tôi nghĩ, quan trọng là chúng ta viết nội dung gì và có viết sự thật hay không trong bản kiểm điểm.

Đa số bạn tù của tôi đều giống nhau suy nghĩ, viết bản kiểm điểm chỉ là việc “nhận tội” hay “không nhận tội”, một vài người thì nghĩ không nhận tội thì khỏi viết luôn. Tôi hay nói với anh em tù: “Đòi thì chưa chắc được, nhưng không đòi thì không bao giờ được”. Tuy nhiên, bạn tù tôi lại có quan điểm khác: Đòi hay xin phải được mới đòi, mới xin. Nhưng biết có đòi, có xin không bao giờ được nên khỏi đòi, khỏi xin luôn. Đó thuộc về nhân sinh quan, nên rất khó thuyết phục.

Tôi đòi phổ biến luật thì họ đưa ra cho coi… bảng “nội quy trại giam”. Đòi kiên trì, họ mới đưa ra thông tư (số ngày gì đó, tôi không tài nào nhớ nổi), trong đó, tôi thấy có việc “nhận tội” mới được giảm án. Nhưng, về nhà, tôi tìm trên mạng thấy thông tư liên tịch 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC “HƯỚNG DẪN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ ĐỐI VỚI PHẠM NHÂN” ban hành ngày 15/5/2013, có hiệu lực từ 01/7/2013, trong đó tại điều 6 chương 2 không hề quy định tiêu chuẩn để được giảm án là phải “nhận tội”. Ở điều 18, chương 5 nói rằng “Các văn bản trước đây của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trái với Thông tư liên tịch này đều bãi bỏ”. Tôi không nhớ rõ cái văn bản kia (chắc là văn bản hết hiệu lực).

Trên thực tế, các trại tù luôn đòi người tù (thường gọi là TNLT) phải nhận tội như là tiêu chuẩn số một để giảm án. Việc này vi phạm thông tư liên tịch 02, không những vậy nó còn phản khoa học, vì “nhận tội” hay “không nhận tội” đó là “công đoạn” của quá trình điều tra và xử án, không phải của “công đoạn” thi hành án. Ngay cả những người đã ra tù, có lẽ cũng không để ý đến điều này.

Người ta cũng biết, Bộ luật tố tụng hình sự (mới) có điều 13 “Suy đoán vô tội”, nên việc “nhận tội” để được giảm án trở nên mâu thuẫn với luật mới này. Tôi nghĩ các luật liên quan nên đồng bộ với nhau.

Về quy trình bình bầu để được xét giảm án, trại tù Xuân Lộc cũng không hề phổ biến. Ngay cả những bạn tù của tôi ở 18 – 21 năm cũng không hề biết và không hề quan tâm đến quy trình, khi tôi hỏi mấy anh em “quy trình xét bình bầu”, họ còn nhầm lẫn là “tiêu chuẩn xét bình bầu”. Không ai biết “quy trình bình bầu” và cũng không ai hiểu rõ “tiêu chuẩn bình bầu”. Tất cả “tiêu chuẩn” hay “quy trình” chỉ là truyền miệng giữa người tù cũ và mới.

Trong quy trình xét bình bầu để được giảm án hay không, luôn phải có chữ ký “đội trưởng” (lẽ ra do anh em tù trong đội bầu lên) trong việc tổ chức họp bình bầu, bởi vì mẫu bản kiểm điểm (là văn bản quy phạm pháp luật, do Bộ Công an ban hành) có chữ ký đội trưởng trong đó và đội trưởng là khâu đầu tiên phải trải qua trong việc bình bầu.

Tôi ở Xuân Lộc 1 năm, nhưng Xuân Lộc không bao giờ tổ chức họp theo quy định, họ chỉ phát bản kiểm điểm, ai viết thì viết, ai không viết thì thôi. Viết xong, họ thu về. Tôi đòi nhiều lần họp đội để “đội trưởng” trình diện cho anh em biết. Họ phớt lờ cho đến lúc tôi kiên trì đòi, thiếu tá Nguyễn Thế Thung mới vội vã đưa ra quyết định giao ông Phan Thanh Liêm (bạn tù của chúng tôi) làm đội trưởng cho tôi coi, nhưng tôi hỏi ông Liêm, ông ấy nói không hề làm đội trưởng. Tôi nghĩ họ ngụy tạo vì QĐ ban hành vào tháng 6/2017, trước đó chẳng có ai làm đội trưởng cả.

Vấn đề “nhận tội” hay “không nhận tội” lại là một đề tài khá tế nhị, bởi từ đó mà bạn tù rất dễ chia rẽ, kỳ thị lẫn nhau và cả dư luận bên ngoài cũng xét nét vấn đề này nhiều lắm. Mặt khác, trại tù cũng vin vào đó là “căn cứ số 1” để muốn cho ai giảm án, giảm bao nhiêu thì giảm, nên những người nhận tội hầu như sống lặng lẽ, như một cái bóng, không hề dám mở miệng dù là việc rất nhỏ, vì sợ mất lòng cai tù, rồi bị “múa bút” phết vào “kém” là coi như năm đó không được giảm án tháng nào.

Mặc dù, tôi không nhận tội, nhưng tôi thấy rất thương những người nhận tội. Họ như những chú mèo, luôn sợ hãi mọi thứ chung quanh. Sợ cả bạn tù, sợ cả công an cai tù, sợ ngay cả những tù thường phạm lao động. Nói chung họ sống với nỗi sợ hãi thường trực cùng tâm trạng phập phồng, nơm nớp. Nói đúng hơn là họ tồn tại như những “xác sống biết đi”, chứ không phải con người bình thường.

Tất cả những việc muốn giảm bao nhiêu tháng, giảm hay không giảm hoàn toàn tùy thuộc vào giám thị, phó giám thị và các trưởng phân khu. Có thể hình dung, các giám thị như là một lãnh chúa cai quản một “lãnh địa”. Giám thị muốn gì làm nấy, như một thứ “luật bất thành văn”.

Tôi thấy trại Xuân Lộc làm việc mờ ám và vi phạm luật nhiều lắm. Ví dụ như: tôi ở đội 32 chỉ có mười mấy người, họ nhốt cách ly chúng tôi sau 3 lớp cửa, cứ 2 người 1 phòng, cứ 4 người có 1 sân chung nhỏ chừng vài bước chân cho mỗi bề ngang và bề dọc, cứ 2 người thì có một ô đất nhỏ chừng 2,5 mét vuông để ai muốn trồng gì thì trồng, có một góc bếp để tự nấu ăn. Chúng tôi bị nhốt như thế suốt ngày đêm như trong sở thú. Sáng khoảng 5h30 đến 6 giờ họ mở lớp cửa thứ 2 và thứ 3, cho chúng tôi ra khoảng sân nhỏ như thế, đến 11 giờ trưa họ khóa lớp cửa thứ 2, đến 1 giờ rưỡi mở ra, rồi đến 5 giờ chiều thì chúng tôi vào trong phòng cho đến sáng hôm sau. Cứ mỗi lớp cửa họ gắn 1 camera để giám sát chúng tôi, một cái ở cửa 1 (cửa 1 chỉ được bước ra lúc lấy cơm), một cái ở cửa 2 (cửa 2 trưa đóng lại) và 1 cái ở cửa 3 (tức ngay phòng ngủ). Camera ở cửa 3 chĩa vào ngay chỗ ngủ rất trơ trẽn, anh em tù phản đối nhưng họ cứ phớt lờ, riêng tôi viết một lá thư gởi cho giám thị – đại tá Thái Duy Hồng nói thẳng là phải xức thuốc ghẻ ở chỗ kín, các ông gắn camera vậy, tui thấy kỳ quá! Chúng tôi đâu phải con thú. Tất nhiên, đáp lại là sự im lặng.

Có 1 cái TV chỉ cho coi VTV1 và VTV3. Từ chỗ ở ra đến chỗ thăm nuôi, tôi phải qua 5 lớp cửa tù (3 lớp như kể trên, sau đó đi qua 1 khoảng sân dài chừng 50 mét) tới lớp cửa thứ 4, sau đó khi một khoảng sân nữa cũng chừng 50 mét là lớp cuối cùng. Từ lớp cuối này đi khoảng 20 mét ra phòng thăm nuôi. Vấn đề thăm nuôi cũng lắm gian nan…

Trại Xuân Lộc muốn người tù sống lặng lẽ như thế; không đòi hỏi, không mong muốn, không thắc mắc, không khát khao, không cần suy nghĩ gì cả, đến giờ ăn thì ăn, đến giờ ngủ thì ngủ, ai muốn tập thể dục thì tập; TV có đó, cứ coi; ngồi chờ đến ngày về, đừng “cự cãi”, “đừng xin xỏ”, “đừng thắc mắc” gì hết v.v…. Và tất cả đều câm lặng, lầm lũi sống như vậy. Tôi nghĩ hầu hết mọi bạn tù của tôi như là những “cái xác sống di động”! Tôi nói thật, không hề có ý mỉa mai gì cả, trại Xuân Lộc hoàn toàn thành công khi biến những con người bình thường trở thành những “phế nhân tinh thần” (kể cả những người không nhận tội cũng đầy sợ hãi và nghi kỵ lẫn nhau).

Tất cả bạn tù ở chung với tôi, đa số đều ở tù rất lâu, hầu như không ai hiểu biết về pháp luật, nên trại tù “múa” kiểu gì họ theo kiểu đó. Cũng bởi 2 hội chứng “stockholm và tự kiểm duyệt”, nên ngay cả những người “không nhận tội” cũng lạc hậu hoàn toàn và hầu như không quan tâm gì khác ngoài việc trông đến ngày về.

Ở tù rồi mới thấy 2 loại hội chứng nói trên rất đáng sợ. Hai hội chứng này phát triển nhanh và đúng về tâm lý. Hai hội chứng này không chỉ diễn ra ở tù thường phạm mà ngay cả những người bạn tù ở chung với tôi (về tội 84, 79, 88) cũng bị rất nhiều. Trong khuôn viên rộng lớn như K2 Xuân Lộc, nhưng nó giống như một nghĩa trang đìu hiu và vô cùng vắng lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng kinh vọng vang từ xa xa (tôi nghĩ đó là dành cho những người vừa mới chết) và nhiều chi tiết khác, chính những điều này luôn tạo cho người tù sống trong bất an, một cái thở mạnh cũng không dám, một tiếng cười giòn tan, sảng khoái cũng không có, một câu chuyện tiếu lâm kể cho nhau cũng không. Hậu quả của những tháng năm trầm uất khiến người tù bị rất nhiều chứng bệnh, trong đó đặt biệt là đau dạ dày. Còn nhiều loại bịnh lắm: thận, tim, mắt, rụng răng, đau đầu kinh niên, viêm đa khớp v.v…

Có anh Phạm Xuân Thân (án chung thân vì ám sát đoàn tiền trạm của Giang Trạch Dân từ hồi những năm cuối 90 thế kỷ trước, nghe ảnh nói nếu ảnh nhận tội thì đã về từ lâu, vì gia đình ảnh cũng hầu hết là công an), anh ấy bị viêm xoang rất nặng. Xin đi chữa, họ cứ làm ngơ. Bởi vì, đưa người tù ra chữa bịnh viện đời, rất khó khăn vì họ rất sợ trách nhiệm nếu tù nhân bỏ trốn. Tất cả công an ở tất cả trại tù vô cùng sợ trách nhiệm. Đây cũng là “bệnh chung” của cả bộ máy nhà nước bấy lâu nay, không chỉ riêng “lãnh vực ở tù”. Tôi có đòi đưa anh Thân đi chữa viêm xoang vì nặng lắm, đứng gần ảnh nghe cả mùi hôi khi nói chuyện, nhưng tuyệt nhiên họ không đưa đi. Nói cho ngay, cũng vì trách nhiệm họ sợ quá, chứ cũng không phải họ không muốn. Bởi vì đi như thế, luôn luôn phải có công an đi cùng 24/24. Các sinh hoạt đều phải chịu sự giám sát. Ví dụ, đi toilet xong, ra là phải còng tay liền, đi chích thuốc, đi xét nghiệm v.v… cũng y như vậy. Nhiêu khê lắm, nên CA sợ lắm. Hãy nhớ lại thầy giáo Đinh Đăng Định là việc điển hình cho tính sợ trách nhiệm.

Nói chung, trại tù Xuân Lộc coi tất cả như thế là chẳng hề vi phạm quyền con người gì cả (!). Chắc họ nghĩ chỉ khi nào đánh đập, cùm chân, chửi bới, bỏ đói mới là… vi phạm Quyền Con Người (!). Ngay cả vấn đề giám sát hầu như không có. Tổng cục 8 xuống như “cưỡi ngựa xem hoa” (tôi gặp hai lần, 1 lần vào ngày 1/4/2017, thiếu tướng Phan Xuân Sơn, tôi chất vấn thì trả lời cách giam tù như vậy không có gì vi phạm quyền con người).

Trong tù, có câu ngạn ngữ: “Tù chỉ cần mình gục chứ không cần mình phục”! Tôi nghĩ, giới công an nói chung, không phải không biết, nhưng chắc họ nghĩ mình là tù, nên họ không muốn tạo thành tiền lệ (dù những đòi hỏi của tôi đều đúng theo pháp luật) để rồi kiểu như gọi là “được voi đòi tiên”.

Tóm lại, trại Xuân Lộc hành xử rất tùy tiện, khi thi hành công vụ, mặc dù tôi đã nhắc họ rằng ông Tô Lâm yêu cầu giới công an không được đứng trên và đứng ngoài pháp luật mà tôi đọc từ báo Nhân dân. Cũng có lẽ vì vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc phải than “trên nóng dưới lạnh” hay trước đây ông Phan Văn Khải nói “trên bảo dưới không nghe”. Chính tình trạng này làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam dễ “sa lầy” trong mọi vấn đề, không riêng “vấn đề ở tù”. Điều này thì ai cũng thấy và biết rõ.

Hoàn cảnh xã hội VN hiện nay, bi đát và tan nát về mọi mặt, nhất là về “nhân tâm”, Bộ Chính trị nên suy ngẫm và thay đổi cung cách quản lý và tuân thủ pháp luật ở các trại tù, chứ cứ như hiện nay góp phần rất nhiều trong việc bôi nhọ “danh dự uy tín” của Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh vấn đề tham nhũng, mà giám thị và phó giám thị trại Thạnh Hòa bị kỷ luật tháng 7/2017 là một ví dụ về chính sách “nhân đạo và khoan hồng” của nhà cầm quyền VN bị trại tù làm hoen ố.

Tôi nghĩ, đe dọa sự tồn vong của chế độ này, không chỉ từ tham nhũng – như ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận – mà còn từ tình trạng bắt người phi pháp và thi hành án vô nhân đạo – tức là một trong các Quyền Con Người bị chà đạp (tình trạng này nói chung cho cả tù thường phạm chứ không chỉ riêng những người bất đồng chính kiến hay hoạt động XHDS), sau đó mới đến vấn đề Biển Đông. Đây là trách nhiệm của ĐCSVN, cụ thể là của Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương đảng bởi điều 4 hiến pháp quy định “… Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về mọi quyết định của mình” mà trong điều 4 hiến pháp cũ không có.

Gia Minh: Từ sau đại hội đảng cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2016 và sang những tháng đầu năm 2017, cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành chiến dịch đàn áp mạnh tay đối với giới bất đồng chính kiến, các tiếng nói đối lập, các nhà hoạt động vì dân chủ- nhân quyền. Một số đã bị tuyên án nặng với các cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN’ và ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’; ông có nhận định gì về các biện pháp đó?

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già: Trước tiên, tôi xin phép chia sẻ suy nghĩ về các loại xử án, tôi nghĩ có 5 loại: Xử theo thành kiến, xử theo thái độ, xử theo dư luận, xử theo thời cuộc và loại thứ năm là loại hỗn hợp của hai đến ba hoặc bốn loại trên. Ông Đinh La Thăng và các ông khác hiện đang bị xử loại năm (với sự pha trộn giữa loại 3 và loại 4). Hoặc như chị Mẹ Nấm (là loại 1 + loại 2 + loại 3 + loại 4), chị Trần Thị Nga cũng giống vậy, hoặc như trước đây là Đoàn Văn Vươn là loại 3 + loại 4. Tôi muốn nói rõ để tránh hiểu lầm. Khi xử theo loại 2, loại 3 và loại 4, có cả 2 chiều, có thể tốt lên hoặc cũng có thể xấu đi, ví dụ vụ Đoàn Văn Vươn là tốt lên hay Huỳnh Văn Nén được minh oan và đền bù, đó là tốt lên

Cũng như nhiều người đã nói, tăng cường bỏ tù phản ánh câu nói của Marx “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Càng đấu tranh nhiều thì bị bỏ tù càng nhiều. Đó là đúng theo quy luật. Tất nhiên chẳng ai muốn ở tù. Nhưng ngoài biện pháp bỏ tù, sách nhiễu, đàn áp nhiều cách khác nhau, có lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam không tìm ra được biện pháp nào tốt hơn. Nếu chúng ta đặt mình vào vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam, phải nói thật là cũng rất khó, vì tình hình bấy lâu nay, giống như căn bịnh trầm kha mà “lờn thuốc” rồi. Do đó, ngoài chữ “bế tắc chính trị”, tôi không biết còn có từ nào phù hợp hơn không.

Gia Minh: Theo ông sự lên tiếng can thiệp của các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc cho các trường hợp tù nhân lương tâm có tác dụng đến đâu và nên tiến hành thế nào?

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già: Nói về Liên Hợp Quốc, thì đó là tổ chức lớn nhất hành tinh, với sự tham gia tự nguyện của hàng trăm quốc gia. Chính vì tự nguyện tham gia nên tất cả các công ước đều theo “cơ chế tự nguyện”. Các quốc gia ký cam kết và nếu tự nguyện thực thi thì tốt, nếu không cũng không có gì ràng buộc.

Hồi tôi ở Xuân Lộc, đâu khoảng tháng 3/2017, coi VTV sáng có tin Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố “Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nếu tổ chức này không tiến hành cải cách lớn” và sau đó khoảng đâu tháng 9 hay 10 gì đó, VTV có đưa tin Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói là (hình như) thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện để tăng cường hiệu quả của Liên Hợp Quốc. Không biết bây giờ ra sao rồi nữa.

Các tổ chức phi chính phủ thì chức năng của họ như là người quan sát, dõi theo và lên tiếng cho chúng tôi. Có lẽ cũng chỉ dừng lại đó, dù rất là biết ơn các tổ chức này, nhưng tôi hiểu giới hạn của họ là chừng mực.

Gia Minh: Nhân câu chuyện đầu năm 2018 này, ông có điều gì muốn tâm tình cùng quí khán, thính giả của Đài Á Châu Tự Do?

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già: Tôi viết bằng lương tri dựa trên 3 căn cứ: sự thật + pháp luật + sự bền bỉ. Có lẽ vì thế mà tôi được độc giả thương mến. Chúng ta có thể “lừa” độc giả qua vài bài viết, chứ lên đến cả trăm bài, không “lừa” được độc giả đâu. Nói điều này để nhắn với các nhà báo, blogger, facebooker rằng: “Văn là Người”, nếu quý vị nào còn nghĩ rằng, có thể “lừa” được độc giả thì lầm to. Độc giả có thể không viết được như chúng ta, nhưng họ hiểu hết và cảm nhận được hết.

Thông tin, theo tôi biết, người ta chỉ phân loại tin giả mạo hay tin trung thực. Còn các bài bình luận, phân tích thì để độc giả người ta đánh giá. Tôi chỉ viết với 3 căn cứ nêu trên và không bao giờ gieo rắc hận thù, bạo lực hay bóp méo, xuyên tạc.

Tôi chân thành cám ơn RFA đã dành cuộc phỏng vấn này cho tôi và kính chúc quý độc giả xa gần năm mới nhiều sức khỏe.

Gia Minh: Một lần nữa xin thay mặt quí thính giả Đài Á Châu Tự Do, chân thành cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt