Bình là ông mà chuột cũng ông.

Một lần nữa báo trong báo ngoài, lề này lề kia dậy lên tiếng chì tiếng bấc qua câu nói của Nguyễn Phú Trọng trong buổi “họp bạn” tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi về tham nhũng, người bạn chí thân của dân trong phòng lạnh mang tên “tiếp xúc cử tri” đã thủ thỉ những điều đáng thương lạ lùng. Ông nói ném chuột phải tránh chiếc bình quý. Ông cho biết “xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”.

Ông trân trọng chiếc bình quý và bảo đừng ném chuột. Bình mà vỡ thì phải làm sao? Hãy tìm cách khác mà đánh con chuột phá hại căn nhà Việt Nam. “Bác Hồ” dạy rồi, đánh chuột phải xem chừng chiếc bình. Làm sao diệt chuột mà vẫn giữ được bình hoa. Tức là phải giữ cho cái ổn định.

Hầy! ông nói hay và lời vàng ý ngọc đáng cho nhân dân tâm niệm.

Trước tiên, hãy nói về chiếc bình.

Ngày 6 tháng 1 năm 1930 chiếc bình mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam được bảy người hùn lại để mua tại Hương Cảng. Đó là các ông Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Người đứng tên chiếc bình đầu tiên là Trịnh Đình Cửu, sở hữu vào ngày 31 tháng 10 năm 1930, Sau đó chiếc bình được chế tác lại nhiều lần vì phẩm chất ban đầu xem ra thô sơ, khó bắt mắt người xem. Tên chiếc bình từ Đảng Cộng sản Việt Nam đổi lại thành Đảng Cộng sản Đông dương và tờ giấy chứng nhận người sở hữu chiếc bình “quý” được sang tên cho Trần Phú.

Sau nhiều lần nung lên nấu xuống, năm 1951 bình thay tên thành Đảng Lao động Việt Nam và cuối cùng sửa lại thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12 năm 1976.

Sau Trần Phú là Hà Huy Tập, Trường Chinh, Lê Duẩn rồi Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng . . . thay nhau đứng tên làm chủ chiếc bình ấy cho tới ngày nay.

Thay vì nói “chủ” người cộng sản thấy khó giải thích với dân bởi “chủ” là một danh từ nhơ bẩn, bóc lột nhân công, không lao động nhưng ăn trên ngồi trốc đè đầu cưỡi cổ đám bần nông. Để cho dịu tai và được mùi quyền bính, ba tiếng “tbt” được ưu ái đặt lên vai người chủ chiếc bình quý giá ấy cho xứng với tầm cao của một ông vua trên tập thể ba triệu con người.

Chiếc bình qua nhiều đời tbt ngày càng sáng bóng lên bởi những khẩu hiệu viết lời tự sướng. Nét họa tiết trên bình ngày một thẫm màu cờ đỏ mà nhiều đứa ganh ghét, xấu mồm nói là màu máu nhân dân. Bình được đặt trang trọng cho người dân thờ lạy thay vì cắm hoa vào đó. Bình được hiến pháp bảo vệ, chỉ một chiếc duy nhất không có cái thứ hai. Duy nhất luôn luôn là của quý. Ý của “Bác Hồ” nói khi xưa là thế.

Nói tới bình người dân nghĩ tới người chủ của nó là tbt. Nói tới tbt thì sự liên tưởng tự động vòng sang chiếc bình. tbt không cho ném bình do sự thật này. Ông sợ chiếc bình vỡ toang cũng có nghĩa là ông sợ cho chính bản thân ông trước tiên và sau đó kéo theo cận thần chung quanh. Giống như người dân nghèo sợ cháy nhà, bồ lúa không nói làm chi, cái quần đùi cũng không còn mà mặc. Chiếc bình cần được bảo vệ bằng hai từ ổn định. Ổn định là y như cũ, là không thay không đổi gì cả miễn sao cuộc sống ngắt ngứ của người dân đừng tuột xuống nữa là ổn thôi.

Bình là ông chính ở sự thật này.

Nhưng một sự thật khác khiến người ta có lý khi nghĩ rằng chuột cũng là ông nốt.

Ông không tham nhũng để bị gọi là chuột nhưng bất cứ điều gì có hại cho căn nhà Việt Nam đều quy ra… chuột tất.

Chuột là nhũng nhiễu dân lành là làm luật sai trái cho một thành phần nào đó. Chuột được biết tới như bằng cấp giả mà tiền lương thì thật. Chuột thập thò ở các ban bệ đục khoét công quỹ, gậm nhấm tài nguyên quốc gia. Chuột đi đêm với kẻ thù, chuột nhắm mắt nói lời dối trá. Chuột cắn xé đất đai tổ quốc và không cho người dân biết sự thật phía sau bức màn đen tối mang tên Thành Đô. Chuột phá nát văn hóa, chuột biến thành sư thầy mang nón cối cười hỉ hả, ngồm ngoàm nhậu nhẹt coi nhân gian như đám lên đồng. Chuột nhốt người vô cớ, giết hại lương dân và còn hàng tá điều ám muội.

Xem ra các thứ chuột này vận vào ông nguy hiểm hơn tham nhũng vạn lần. Tham nhũng tới hồi no thì ngừng nhưng quyền bính và sự u mê không bao giờ có giới hạn. Chiếc bình cũng là con chuột lớn nhất trong hàng trăm ngàn con chuột lúc nhúc trong hang.

Ban ngày là bình, ban đêm là chuột.

Chiếc bình quý biến hình như truyện liêu trai. Bình và chuột trước sau như một che chở cho nhau. Bình có đời bình, chuột có đời chuột nhưng nếu bình không có chuột bình chẳng thể sáng màu. Chuột không có bình che thân thì dân đã phang cho một phát.

Vậy thì có gì lạ khi chính bình bảo dân đừng ném chuột?

Và chuột không nhúc nhích vì biết có ai lại ngu si đi giết chính mình?

Cánh Cò

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt