Biển Đông: Trung Quốc sẽ sợ búa rìu dư luận hơn đe dọa quân sự

Biểu tình tại Phillipine chống Trung Cộng xâm lược

Trước các hành vi càng lúc càng thái quá của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là ý đồ quân sự hóa ngày càng rõ nét các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại vùng Trường Sa, Hoa Kỳ cho đến nay chủ yếu đối phó bằng những tuyên bố răn đe. Ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, đòi Washington phải có hành động cụ thể hơn. Trên báo Anh Quốc The Guardian số ra hôm nay, 29/08/2015, có một ý kiến cho rằng Mỹ nên chuyển hướng hành động, tăng cường tố cáo Trung Quốc phạm luật trên trường quốc tế, thay vì chỉ đưa ra những lời đe dọa quân sự suông.

Theo ông Ashley Townshend, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Hoa Kỳ tại Đại học Sydney ở Úc, những lời cảnh cáo của Mỹ, dù đến từ cấp nào chăng nữa, như không hề làm Trung Quốc động tâm. 

Lý do, theo chuyên gia này, đó là vì Bắc Kinh cho rằng Mỹ sẽ không dám lao vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc chỉ vì một số hòn đảo tí hon tại Biển Đông, do đó Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai các tuyên bố đe dọa của Washington về mặt quân sự, chẳng hạn như lời khẳng định sẽ không dung thứ cho các hành vi hạn chế quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực. Washington cũng từng nói là sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, nhưng lại không nói được là Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc vẫn cứ tiến hành. 

Do đó, bí quyết để răn đe Trung Quốc, ngăn chặn việc nước này quân sự hóa các tiền đồn của họ trên Biển Đông là xác định rõ đâu là điều mà Bắc Kinh sợ nhất, tấn công vào lãnh vực đó và phối hợp hành động giữa các quốc gia quan tâm đến Biển Đông để Bắc Kinh thấy rõ cái giá phải trả nêu tiếp tục ngoan cố. 

Đối với chuyên gia Townshend, đầu tiên hết là phải đánh vào uy tín quốc tế của Trung Quốc, vì không như nhiều người lầm tưởng, Bắc Kinh thực sự hết sức quan tâm đến việc duy trì một hình ảnh tích cực trên thế giới. 

Trung Quốc dư biết là nếu bị xem là một côn đồ coi thường luật lệ quốc tế, trọng lượng chiến lược, chính trị và kinh tế của họ có thể bị giảm sụt, và điều đó sẽ gây hại cho quan hệ béo bở giữa Bắc Kinh với châu Âu, châu Mỹ và nhiều tổ chức quốc tế. 

Theo nhà nghiên cứu Úc, vào lúc này, Mỹ có vẻ là một trong những nước hiếm hoi trực tiếp chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế nhất thiết phải nhập cuộc, và các định chế quan trọng như Liên Hiệp Châu Âu, Nhóm G7, và một tập hợp của các tác nhân khu vực, trong đó có Úc, New Zealand hay Singpapore, phải lên tiếng nới rõ với Trung Quốc rằng việc quân sự hóa đảo nhân tạo tại Biển Đông là hành vi phi pháp và gây bất ổn định. 

Sự lên tiếng đó sẽ là tín hiệu cảnh cáo gởi đến Trung Quốc, cho biết là một cái ngưỡng trong sự khoan dung của thế giới đối với Trung Quốc đã bị vượt qua. Tính chất trung lập và uy tín không chối cãi của các quốc gia và định chế nói trên sẽ giúp cho những lời chỉ trích của Mỹ nhắm vào Trung Quốc thêm phần chính đáng, khiến cho Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tránh bị mất uy tín. 

Vấn đề đặt ra tuy nhiên là giữa Mỹ với khu vực, và giữa các nước trong khu vực với nhau, cần phải có một sự đoàn kết nhất định. 

Chuyên gia Townshend nêu bật ví dụ về việc Mỹ và khu vực bất đồng về quyền tự do đi lại của chiến hạm trên biển. Các nước như Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan chẳng hạn, đã có cùng quan điểm với Trung Quốc, cho rằng các hoạt động quân sự của nước ngoài có thể bị ngăn chặn trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của một nước, chứ không phải chỉ trong ở trong vùng lãnh hải 12 hải lý như quan điểm của Hoa Kỳ. 

Bất đồng quan điểm trên đây đã cho phép Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc theo đó các hành động trên Biển Đông của họ lệch pha với khu vực, đồng thời gây khó khăn trong việc đoàn kết dư luận thế giới lên án hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc.

Trong Nghĩa (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt