Biển Đông: Mỹ,Nhật và Úc đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết PCA -Trung Cộng phản đối

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Úc Julie Bishop – ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida – ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh tư liệu chụp ngày 04/10/2013.

Biển Đông: Mỹ, Nhật và Úc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết PCA

Trước việc ASEAN không ra được tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào hôm qua, 25/07/2016, đã công khai lên tiếng kêu gọi Trung Cộng và Philippines tôn trọng một phán quyết “chung cuộc và mang tính ràng buộc về pháp lý”. Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đồng thời yêu cầu Bắc Kinh không được xây dựng tiền đồn quân sự và bồi đắp đảo tại vùng Biển Đông đang tranh chấp.

Sau một cuộc gặp tay ba bên lề các hội nghị của khối ASEAN tại Vientiane (Lào), các ngoại trưởng John Kerry của Mỹ, Fumio Kishida của Nhật và Julie Bishop của Úc đã ra một bản tuyên bố chung, bày tỏ thái độ quan ngại sâu đậm của ba nước trước các tranh chấp trên Biển Đông và “cực lực phản đối mọi hành động đơn phương cưỡng chế có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng và khiến căng thẳng gia tăng”.

Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố chung của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc là một hậu thuẫn mạnh mẽ cho các nước Đông Nam Á đang bị Trung Cộng chèn ép trên Biển Đông, và bổ khuyết vào thiếu sót trong tuyên bố chung của khối ASEAN thông qua trước đó, vì chia rẽ trong nội bộ – đã không thể hiện được lập trường cứng rắn đối với Trung Cộng.

Thiếu sót đập mắt trong tuyên bố của toàn khối ASEAN là đã không hề đề cập đến phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye PCA, có ý nghĩa quan trọng cho khu vực và cho thế giới, nhưng lại bị Bắc Kinh phủ nhận vì bất lợi cho Trung Cộng.

Phán quyết PCA đã công nhận tính hợp lý của các khiếu nại của Philippines và cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng trên gần như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn bất hợp pháp. Ý nghĩa tiềm ẩn của phán quyết này là đòi hỏi của Trung Cộng đối với ba nước ASEAN khác là Việt Nam, Malaysia và Brunei, cũng không có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, thông qua Cam Bốt, và trong một chừng mực nào đó là Lào, Bắc Kinh đã thành công trong việc bịt miệng ASEAN trên vấn đề phán quyết.

Trong tuyên bố chung của mình, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đã lên tiếng “ủng hộ mạnh mẽ” việc tôn trọng luật pháp, kêu gọi Trung Cộng và Philippines tuân thủ phán quyết trọng tài vốn có tinh chất “chung cuộc và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên.”

Trong một lời cảnh báo Trung Cộng được hãng AP cho là mạnh nhất và chi tiết nhất, từ lúc Tòa Trọng Tài PCA ra phán quyết đến nay, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã nhấn mạnh rằng “Đây là một cơ hội quan trọng cho khu vực để duy trì trật tự quốc tế hiện có dựa trên luật pháp và chứng tỏ thái độ tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Dù không nêu đích danh thủ phạm là Trung Cộng, nhưng tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc rõ ràng là đã lên án Bắc Kinh về những “hành động đơn phương gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với môi trường biển … và những hoạt động như khai hoang đất trên quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn quân sự cũng như sử dụng các tiền đồn cho mục đích quân sự.”

Bắc Kinh đả kích tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc tại hội nghị ASEAN

Trung Cộng tiếp tục lớn tiếng đả kích tất cả các nước dám kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Trong một thông báo công bố hôm nay, 27/07/2016, ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi) đã đả kích bản tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc về Biển Đông vừa được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại thủ đô Lào.

Theo hãng tin Mỹ AP, ngoại trưởng Trung Cộng đã cho rằng bản tuyên bố nói trên chỉ có tác dụng “thổi bùng ngọn lửa” gây căng thẳng trong khu vực, vào lúc mà các nước có liên can đã đồng ý hạ nhiệt.

Ông Vương Nghị cho rằng hành động của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Úc không hợp thời, cũng như không mang tính chất xây dựng. Đối với Bắc Kinh, “Bây giờ là lúc trắc nghiệm” xem ba nước nói trên là những người “kiến tạo hòa binh” hay là kẻ “gây rối”.

Trong tình hình khối ASEAN – vì chia rẽ nội bộ – đã không ra được một tuyên bố mạnh mẽ phản đối các hành động quá đáng của Trung Cộng tại Biển Đông, đặc biệt là không nói gì đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Trường Trực La Haye được đánh giá là tối quan trọng cho an ninh khu vực, ba ngoại trưởng Kerry của Mỹ, Kishida của Nhật và Bishop của Úc đã họp lại với nhau tại Vientiane và thông qua một tuyên bố chung.

Văn kiện này đã thể hiện lập trường hậu thuẫn mạnh mẽ cho các quốc gia Đông Nam Á, như Philippines và Việt Nam đang bị Trung Cộng thúc ép trên vấn đề Biển Đông, khi kêu gọi Bắc Kinh không tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng tiền đồn quân sự tại vùng biển đang tranh chấp.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt