Biển Đông : Mỹ hậu thuẫn Indonesia đối đầu với Trung Cộng

Bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu (T) đón đồng nhiệm Mỹ Jim Matti tại Jakarta ngày 23/01/2018. (hình: REUTERS/Darren Whiteside)

Nhân chuyến đi của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, hôm qua, 23/01/2018, Hoa Kỳ và Indonesia đã quyết định tăng cường hợp tác quốc phòng. Chuyến công du châu Á lần này của ông Mattis không chỉ nhằm đáp lại sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Cộng trong khu vực, mà còn để cụ thể hóa chiến lược an ninh mới của Mỹ, vừa được công bố tuần trước. Chiến lược này tập trung vào việc xây dựng các đối tác và thắt chặt các liên minh để đối phó với hai quốc gia bị xem là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ là Trung Cộng và Nga.
Hoa Kỳ nay lại càng có lý do để tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia, vì đất nước có vô số hòn đảo này nằm ở một ví trí chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, mà Washington đang cố thúc đẩy thành một vùng tự do và rộng mở, tức là một vùng mà quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế được tôn trọng nghiêm chỉnh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Với sự hậu thuẫn mới của Washington về quốc phòng, liệu Jakarta có sẽ tỏ ra cứng rắn hơn nữa đối với Bắc Kinh trên vấn đề chủ quyền Biển Đông ?

Indonesia không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và cho tới gần đây vẫn có quan hệ khá là thân thiện với Trung Cộng. Thế nhưng, vào năm 2016, Bắc Kinh lại tuyên bố một phần vùng biển chung quanh quần đảo Natuna của Indonesia là “ngư trường truyền thống” của Trung Cộng, khiến quan hệ hai nước trở nên khá căng thẳng.

Mức độ căng thẳng đã tăng thêm một nấc sau khi vào tháng 7 năm ngoái, Jakarta đặt tên vùng đặc quyền kinh tế phía bắc quần đảo Natuna là Biển Bắc Natuna ( trong khi trước đây vùng này được xem là thuộc Biển Đông ), đồng thời tăng cường bảo vệ an ninh cho vùng này.

Đây rõ ràng là một hành động thách thức tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Chính vì vậy mà ngay lập tức, Trung Cộng đã ra tuyên bố phản đối, cho rằng việc đổi “một tên đã được quốc tế công nhận” sẽ làm tranh chấp Biển Đông “phức tạp hơn và mở rộng hơn”.

Bất chấp phản đối của Bắc Kinh, trong cuộc họp báo hôm qua (23/01) với đồng nhiệm Indonesia Ryamizard Ryacudu, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã tuyên bố Washington sẵn sàng công nhận tên mới mà Jakarta đặt cho vùng biển chung quanh quần đảo Natuna.

Tuyên bố như trên của ông Mattis chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức tối, trong bối cảnh mà vấn đề Biển Đông tiếp tục làm xáo trộn quan hệ Mỹ – Trung. Diễn biến mới nhất là vào tuần trước, chiếc khu trục hạm trang bị tên lửa của Mỹ, USS Hopper đã đi vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh bãi cạn Scarborough mà Trung Cộng chiếm của Philippines năm 2012.

Hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng Sản Trung Cộng cảnh cáo là Hoa Kỳ sẽ bị làm cho “nhục nhã tột cùng” nếu khu trục hạm Mỹ không rút khỏi vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Bắc Kinh chắc chắn cũng sẽ theo dõi sát chuyến đi của bộ trưởng Quốc Phòng Mattis đến Việt Nam hôm nay, vì trong chuyến đi này, Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm mà hai bên thảo luận.

Tin RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt