Biển Đông: Một trong những sự kiện nóng bỏng tại Châu Á năm 2019

Ảnh minh họa: Phi đội trên tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động tuần tra thường lệ trong vùng Biển Đông hôm 14/02/2018. (AYEE MACARAIG / AFP)

Theo thông lệ, nhân dịp đầu năm mới, giới phân tích luôn đưa ra những đoán định, dự báo về những gì có thể xẩy ra trong năm ở từng quốc gia, trong từng khu vực hay trên toàn thế giới. Năm nay 2019, từ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, hãng tin Anh Reuters cho đến tạp chí Mỹ Foreign Affairs, tất cả đều dự báo rằng Biển Đông sẽ trở lại vị trí điểm nóng ở châu Á, bên cạnh hai hồ sơ: tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Biển Đông dĩ nhiên đã được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post xem là một trong số 9 vấn đề nổi cộm ở châu Á trong năm 2019 này. Trong bài dự báo đăng ngày 30/12/2018 mang tựa khá dài “Bắc Triều Tiên, hợp pháp hóa cần sa và Biển Đông – Đây là 9 vấn đề lớn cho châu Á năm 2019”, tác giả bài viết, Charles McDermid, đã nêu bật các vấn đề cần theo dõi trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến văn hóa, xã hội.

Biển Đông: đối đầu gay gắt thêm giữa Mỹ và Trung Cộng

Cùng với Bắc Triều Tiên, Biển Đông được nhật báo Hồng Kông nêu bật thành một trong hai vấn đề quan trọng về an ninh cần theo dõi trong năm 2019. Trong hai vấn đề này, vai trò của Mỹ được cho là rất quan trọng, với một ẩn số chưa có lời giải đáp: chính sách an ninh châu Á của Washington sẽ ra sao, sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis bị bãi chức đột ngột vào cuối năm 2018.

Tình hình Biển Đông năm 2019 vẫn được South China Morning Post lồng vào trong tình hình cuộc đối đầu có thể gay gắt thêm giữa Mỹ và Trung Cộng. Washington sẽ tiếp tục chỉ trích Trung Cộng quân sự hóa Biển Đông, nơi mà Trung Cộng tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia và một vài nước khác.

Nhật báo Hồng Kông trích lời chuyên gia Carl O. Schuster, một sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ đã về hưu, hiện làm việc tại Đại Học Hawaii Pacific University, nhận định: “Ngoài việc phô trương hệ thống vũ khí và tàu sân bay mới của họ, Trung Cộng sẽ mở rộng quy mô các cuộc tập trận trên Biển Đông, gia tăng các hành vi sách nhiễu chiến hạm Mỹ thực hiện các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trong vùng”.

Theo South China Morning Post, các hoạt động quân sự của Trung Cộng không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Trong năm 2019, Nhật Bản và Đài Loan sẽ chứng kiến cảnh Trung Cộng gia tăng hoạt động dọc vùng nhận dạng phòng không của họ. Cả Tokyo lẫn Đài Bắc cũng sẽ phải chịu sức ép kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, đang tức tối về chính sách tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản và Đài Loan.

Theo tờ báo Hồng Kông, cách đáp trả của Mỹ và các nước trong khu vực trước các hành động của Trung Cộng sẽ định hình tình hình chiến lược của toàn khu vực.

Reuters: Biển Đông, một trong ‘những mối đe dọa lớn nhất về an ninh trên thế giới năm 2019’

Hãng tin Anh Reuters ngày 31/12/2018 cũng đã đăng một bài dự báo tình hình 2019 của Peter Apps, lãnh đạo trung tâm tham vấn PS21, liệt Biển Đông vào diện “Những mối đe dọa lớn nhất về an ninh trên thế giới năm 2019”.

Theo Reuters, cho dù tranh chấp giữa Trung Cộng và phương Tây chủ yếu là trong lãnh vực thương mại và những vấn đề liên quan, nhưng tham vọng của Bắc Kinh được thấy rõ nhất ở Biển Đông.

Bất chấp phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, Trung Cộng tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự và trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp trên Biển Đông, trong lúc Mỹ và các đồng minh khu vực tiếp tục thách thức Bắc Kinh với những hoạt động gọi là “Chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải”.

Một điểm nóng đặc biệt cần chú ý là tình hình bãi cạn Scarborough, nơi tranh chấp giữa Philippines và Trung Cộng. Hải quân Trung Cộng luôn hiện diện tại đấy và ngư dân Philippines than phiền là họ bị tàu Trung Cộng sách nhiễu.

Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục phô trương lực chung quanh khu vực eo biển Đài Loan, và Washington có thể đưa một hay hai hàng không mẫu hạm đến nơi, điều chưa từng xẩy ra từ những năm 1990.

Theo Reuters, những loại tàu trên mặt nước hay tàu ngầm không người lái sẽ ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trong những vụ đối đầu nói trên. Ngày 27/12 vừa qua, Bắc Kinh chẳng hạn đã thông báo sự kiện một chiếc “tàu lướt ngầm không người lái” đã đạt kỷ lục hoạt động liên tục trong vòng 141 ngày trong vùng biển khu vực.

Foreign Affairs: Biển Đông, một vùng tranh chấp tiềm tàng có nguy cơ bùng nổ vào năm 2019

Biển Đông cũng được nêu lên thành một vùng tranh chấp tiềm tàng có nguy cơ bùng nổ vào năm 2019 trong bảng dự báo “10 tranh chấp cần theo dõi trong năm 2019” được tạp chí Mỹ Foreign Affairs nêu bật trong số cuối năm ra ngày 28/12/2018.

Vấn đề Biển Đông được tạp chí Mỹ xem là một yếu tố của cuộc đọ sức Mỹ-Trung đang diễn ra, với nhận thức thống nhất ở Hoa Kỳ theo đó Trung Cộng là một đối thủ đã lạm dụng các định chế quốc tế để đạt mục tiêu riêng. Trung Cộng đã tham gia Tổ Chức Thương Mại Thế Giới hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhưng lại hành động không theo tinh thần của cả hai cơ chế này. Đối với nhiều người ở Mỹ, những chủ trương của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Cộng đã rẽ sang một khúc quanh nguy hiểm.

Đối với Foreign Affairs, trước mắt, Trung Cộng có vẻ như là chưa muốn làm đảo lộn về căn bản trật tự của thế giới. Vả lại Bắc Kinh chưa có đủ sức vươn ra toàn cầu như Washington… Nhưng riêng tại châu Á, họ đang tìm cách xây dựng một vùng ảnh hưởng của Trung Cộng, với các nước láng giềng có chủ quyền nhưng phải thần phục Bắc Kinh, điều mà giới hoach định chính sách tại Washington cho là đi ngược lại quyền lợi của Mỹ…

Rất ít có khả năng bùng lên xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Trung Cộng, nhưng Biển Đông là một điểm nóng đáng lo ngại. Hai thập kỷ qua đã chứng kiến một số những vụ va chạm giữa máy bay Mỹ và lực lượng Trung Cộng. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông, áp sát vùng bờ biển Việt Nam, Malaysia và Philippines, đồng thời hung hăng xây dựng căn cứ trên các đảo chiến lược.

Theo Bắc Kinh, đó chỉ là những hoạt động bình thường của một “nước lớn”. Trung Cộng muốn những gì mà Hoa Kỳ đang có: các láng giềng tốt, ảnh hưởng tại khu vực xung quanh mình và khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải và ngõ vào từ biển khơi. Những nước khác, tất nhiên, không cùng quan điểm, và các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn vẫn phản đối, với một số nước tìm kiếm sự bảo vệ từ Washington.

Theo Mai Vân (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt