Biển Đông: Dự án bản đồ ‘‘đường 9 đoạn nối liền’’ của Trung Cộng
Báo chí Hồng Kông hôm qua, 22/04/2018, tiết lộ một dự án nghiên cứu hải dương của Trung Cộng, chủ trương vạch ra “đường ranh giới mới” trên Biển Đông, nhằm “tạo điều kiện cho nghiên cứu” về tài nguyên và “gia tăng sức nặng” cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, trước mắt, ít có khả năng Bắc Kinh chấp nhận “đường 9 đoạn nối liền”, vì Trung Cộng lo ngại các phản đối dữ dội của quốc tế.
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một nhà khoa học Trung Cộng tham gia vào dự án này cho biết “đường ranh giới mới”, cụ thể là việc nối liền đường “9 đoạn” (còn được gọi là đường chữ U hay “Lưỡi bò”), cho phép Trung Cộng xác định rõ hơn quyền lợi của mình tại khu vực vẫn được Bắc Kinh coi là có “các quyền lịch sử“.
“Ngay sau khi” ranh giới mới được xác nhận, các nhà nghiên cứu sẽ đo lường “tổng trữ lượng dầu khí”, “khoáng sản” và các nguồn tài nguyên dưới biển khác. Trong phạm vi “đường 9 đoạn nối liền” này, Bắc Kinh có toàn quyền đòi hỏi quyền khai thác hải sản, hay các tài nguyên dưới lòng biển.
Bộ Ngoại Giao Trung Cộng không trả lời báo Hồng Kông về vấn đề này.
Các dữ liệu đã sẵn sàng
Nhà khoa học xin ẩn danh nói trên cho biết thêm là hiện tại “các dữ liệu GPS đã sẵn sàng”. Về mặt kỹ thuật, có nhiều phương án xác định ranh giới, “với độ chính xác từ một kilomet đến vài centimet”. Dự án nghiên cứu được chính quyền trung ương và tỉnh Quảng Đông tài trợ. Theo South China Morning Post, có thể tham khảo dự án “đường 9 đoạn nối liền” trên trang nhà của tạp chí khoa học China Science Bulletin (của Viện Nghiên cứu Hải dương và Ranh giới trên biển ở Vũ Hán [Wuhan]).
South China Morning Post cũng chú ý đến một nhận định của giáo sư Dư Mẫn Hữu (Yu Minyou), giám đốc Viện Nghiên cứu Hải dương và Ranh giới trên biển ở Vũ Hán, theo đó, chính quyền Trung Cộng cần đến một tấm bản đồ 9 đoạn nối liền, ít nhất về mặt khoa học, để ước lượng được cụ thể các nguồn tài nguyên, và có các số liệu cụ thể để thương lượng với các nước láng giềng. Theo ông, quan điểm của Trung Cộng là “các tranh chấp (tại Biển Đông) sẽ được giải quyết trong tương lai”, trước mắt cần đàm phán “chia sẻ tài nguyên với các láng giềng”, quan điểm của Bắc Kinh là “mở và rõ ràng”.
Yêu sách 9 đoạn đã bị tòa quốc tế bác bỏ
Trên thực tế, yêu sách “9 đoạn” của Trung Cộng, được chính quyền Quốc Dân Đảng và tiếp theo đó là chính quyền cộng sản Trung Cộng đưa ra cuối thập niên 1940 – đầu thập niên 1950, đã bị Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ hồi tháng 7/2016, trong vụ kiện nổi tiếng mà nguyên đơn là Philippines.
Đường 9 đoạn khởi đầu từ vùng cửa vịnh Bắc Bộ, kết thúc ở vùng biển nam Đài Loan, lan rộng xuống phía nam Biển Đông, ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và một số quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough, mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền.
Theo chuyên gia về an ninh biển quốc tế, tiến sĩ Ian J. Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore, nếu Bắc Kinh chính thức tuyên bố chủ quyền với “đường 9 đoạn nối liền”, thì đây sẽ là hành động “phủ nhận hoàn toàn” quyết định của tòa án quốc tế, và sẽ bị các nước Đông Nam Á cũng như quốc tế phản đối mạnh, trong khi một số người cho rằng, sở dĩ Trung Cộng thua kiện tại Tòa Trọng Tài Thường Trực là do đường 9 đoạn không phải là một vùng lãnh thổ được xác định rõ.
Về phần mình, một chuyên gia chính phủ Trung Cộng làm việc tại Viện Nghiên Cứu Nam Hải (tức Biển Đông), có trụ sở tại Hải Nam, thừa nhận là có rất ít khả năng Bắc Kinh chính thức sử dụng bản đồ đường 9 vạch nối liền, vì quan điểm này sẽ bị “rất nhiều nhà ngoại giao và giới chuyên gia về luật biển phản đối”.
Chuyên gia này cho rằng các đàm phán về tranh chấp Biển Đông đang “đi theo hướng đúng” và “giờ đây không phải là lúc áp đặt một đường ranh giới mới”.
Trọng Thành (RFI)