Biden cho phép Ukraine xử dụng hỏa tiễn tầm xa có ý nghĩa gì?

Hỏa tiễn chiến thuật tầm xa ATACMS

Tin AP (Associated Press): Nga cho biết Ukraine đã bắn hỏa tiễn tầm xa ATACMS do Mỹ viện trợ vào lãnh thổ của Nga sau khi Hoa Kỳ cho phép chính phủ Ukraine xử dụng hỏa tiễn tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, một yêu cầu mà từ lâu Ukraine rất mong đợi và Nga phản đối dữ dội.

Vẫn chưa rõ liệu có giới hạn nào đối với việc Ukraine xử dụng hệ thống hỏa tiễn chiến thuật tầm xa ATACMS, như đã từng áp dụng đối với các hệ thống hỏa tiễn khác của Hoa Kỳ hay không. Việc xử dụng vũ khí Mỹ và Tây phương từ trước đến nay chỉ giới hạn trong phạm vi phòng thủ.

Ukraine vừa bắn 6 hỏa tiễn ATACMS (Army Tactical Missile System) do Hoa Kỳ viện trợ vào khu vực Bryansk gần biên giới tỉnh Kursk của Nga, đó là một trung tâm công nghiệp lớn biến chế vật liệu xây dựng, xi măng và những hàng tiêu dùng đa dạng, có 6 tuyến đường sắt dẫn đến Moscow, Vyazma, Smolensk, Gomel, Kiev và Oryol chạy qua các thị trấn công nghiệp nhỏ. Nga cho biết đây lần đầu tiên Ukraine xử dụng hỏa tiễn ATACMS vào bên trong nước Nga.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine không xác nhận là có hay không, nhưng cho biết lực lượng vũ trang của họ đã tấn công một kho đạn dược ở khu vực Bryansk, giáp với tỉnh Kursk, tại đó có khả năng cung cấp đạn dược cho quân đội Nga đang chiến đấu chiếm lại tỉnh Kursk.

Kể từ năm đầu tiên 2022 của cuộc chiến, Ukraine đã vận động các đồng minh Tây phương cho phép họ xử dụng vũ khí tối tân tầm xa để tấn công các mục tiêu quan trọng bên trong nước Nga, với hy vọng sẽ làm yếu năng lực của Nga trước khi quân đội của họ tiến vào Ukraine. Điều này có thể khiến quân lực Nga khó tấn công lãnh thổ Ukraine hơn. Hỏa tiễn tầm xa cũng có thể đóng vai trò răn đe trong trường hợp các cuộc đàm phán ngừng bắn trong tương lai.

Washington đã từ lâu đã không chấp nhận yêu cầu của Ukraine và Tổng Thống Joe Biden từng quyết định để tránh leo thang có thể kéo Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga đang thủ đắc vũ khí nguyên tử. Nay, vào ngày 17 tháng 11, 2024 Joe Biden đi ngược lại với quyết định của mình trước đây trong những (63) ngày còn lại tại Tòa Bạch Ốc và Nga đã cảnh báo vào thứ Hai (18/11) rằng quyết định của Joe Biden chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Quyết định này được đưa ra vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của Biden, trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/01/2025. Ông Trump đã tuyên bố rằng ông sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, điều mà nhiều người lo ngại có thể buộc Ukraine có những nhượng bộ khó chấp nhận.

ATACMS là gì?

Các hỏa tiễn đạn đạo, do công ty Hoa Kỳ Lockheed Martin chế tạo, có độ bắn xa gần gấp đôi, lên đến 300 km (190 miles) so với hầu hết các loại hỏa tiễn mà Ukraine đang có. Chúng trọng lượng lớn hơn và có khả năng nhắm mục tiêu chính xác hơn để tấn công trúng đích vào các sân bay, kho đạn và các cơ sở hạ tầng chiến lược.

Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine hàng chục ATACMS và chúng đã được xử dụng để phá hủy các mục tiêu quân sự ở các khu vực do Nga chiếm đóng của Ukraine như Crimea, nhưng không phải trên đất Nga.

Tại sao Ukraine cần vũ khí tầm xa hơn?

Ukraine đã yêu cầu các đồng minh Tây phương cung cấp vũ khí tầm xa hơn để thay đổi cán cân quân sự trong một cuộc chiến mà Nga có nhiều nguồn lực hơn thường tấn công chính xác vào các căn cứ không quân, kho tiếp liệu và trung tâm liên lạc trong lãnh thổ Ukraine cách biên giới hàng trăm cây số (km).

Ukraine hy vọng các loại vũ khí này sẽ giúp làm suy yếu sức mạnh không quân của Nga và làm gián đoạn đường tiếp tế mà Nga cần để duy trì các cuộc tấn công hàng ngày chống lại Ukraine.

Nếu được xử dụng ở tỉnh Kursk, các loại vũ khí này có thể tiêu hủy các thiết bị và nhân lực tham chiến ở chiến trường Kursk.

Ukraine thường xuyên tấn công Nga bằng vũ khí sản xuất trong nước, một số loại máy bay không người lái có khả năng bay xa tới 1,000 km (620 dặm), nhưng vẫn thiếu vũ khí mạnh để đủ gây ra thiệt hại lớn mong muốn như ATACMS.

Quyết định Joe Biden có thay đổi cuộc chiến không?

Các nhà lãnh đạo Ukraine đang thận trọng về tuyên bố này, các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự cao cấp của Hoa Kỳ liên tục lập luận rằng nó sẽ không phải là một yếu tố thay đổi cuộc chiến. Họ cũng lưu ý rằng Nga đã di chuyển nhiều khí tài quan trọng ra khỏi tầm bắn của ATACMS. Họ cho rằng “Tôi không tin rằng một khả năng nào đó sẽ mang tính quyết định và tôi vẫn giữ nguyên bình luận đó”, như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã nói, lưu ý rằng người Ukraine có các phương tiện khác để tấn công các mục tiêu tầm xa. Các nhà phân tích cũng cho rằng ATACMS tác động có thể bị hạn chế.

“Hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông đang nói về thực tế là chúng tôi đã được phép thực hiện các hành động thích hợp. Nhưng đòn giáng không phải là lời nói. Những điều như vậy không được công bố. Các hỏa tiễn sẽ tự nói lên điều đó”, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết về thông báo này.

Tác động của quyết định này phụ thuộc vào các quy tắc được đặt ra cho việc xử dụng hỏa tiễn ATACMS.

Nếu các cuộc tấn công được phép trên toàn nước Nga, chúng có thể làm phức tạp đáng kể khả năng đáp ứng các yêu cầu trên chiến trường của Nga.

Nếu các cuộc tấn công chỉ giới hạn ở khu vực Kursk, Nga có thể di chuyển các trung tâm chỉ huy và đơn vị không quân của mình đến các khu vực lân cận. Như vậy ATACMS không còn tác dụng. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều mục tiêu có giá trị Ukraine mong muốn tấn công vẫn có thể nằm ngoài tầm với.

Dù bằng cách nào, người phát ngôn Ngũ Giác Đài Trung tá Charlie Dietz đã lưu ý rằng ATACMS sẽ không phải là câu trả lời cho mối đe dọa chính mà Ukraine phải đối diện từ bom lượn do Nga thả với khoảng cách hơn 300 km (180 miles), xa hơn hỏa tiễn ATACMS.

Ngoài ra, nguồn cung cấp ATACMS của Mỹ nói chung là có hạn, vì vậy các giới chức Hoa Kỳ trong quá khứ đã đặt câu hỏi liệu họ có thể cung cấp đầy đủ cho Ukraine để tạo ra sự khác biệt hay không? Mặc dù một số người ủng hộ cho rằng ngay cả một vài cuộc không kích sâu hơn bên trong nước Nga cũng sẽ buộc quân đội của nước này phải thay đổi cách điều động và tốn nhiều nguồn lực hơn.

Bà Jennifer Kavanagh, giám đốc phân tích quân sự tại Defense Priorities, cho biết “quyết định của Hoa Kỳ sẽ không thay đổi tiến trình của cuộc chiến”.

“Để thực sự gây tổn thất cho Nga, Ukraine sẽ cần kho dự trữ ATACMS lớn, thứ mà họ không có và sẽ không nhận được vì nguồn cung cấp của Hoa Kỳ có hạn”.

“Hơn nữa, trở ngại lớn nhất mà Ukraine phải đối mặt là thiếu nhân sự được đào tạo và sẵn sàng, một thách thức mà cả Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu của họ đều không thể giải quyết và tất cả các loại vũ khí trên thế giới cung cấp cho Ukraine”, bà nói thêm.

Những câu hỏi chính còn lại là gì?

Ngoài việc không rõ Hoa Kỳ sẽ áp đặt những hạn chế dùng hỏa tiễn nào, nếu có, đối với việc xử dụng vũ khí, người ta cũng không biết Hoa Kỳ sẽ cung cấp bao nhiêu cho Ukraine.

Mặc dù Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine trong nhiều viện trợ quân sự khác nhau, Bộ Quốc Phòng Mỹ không tiết lộ có bao nhiêu hỏa tiễn đã được gửi hoặc Ngũ Giác Đài có bao nhiêu hỏa tiễn trong số đó. Theo ước tính, Hoa Kỳ có một con số thấp chỉ là hàng nghìn mà thôi.

Ngoài ra, kết quả của cuộc bầu cử gần đây của Hoa Kỳ đặt ra câu hỏi về thời gian bao lâu chính sách này sẽ được áp dụng. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc chính quyền Biden chi tiêu để hỗ trợ Ukraine, viện trợ hỏa tiễn tầm xa ATACMS có thể sẽ chấm dứt khi ông Trump nhậm chức chăng?

Quyết định của Hoa Kỳ khuyến khích Anh và Pháp cho phép Ukraine xử dụng hỏa tiễn Storm Shadow, còn được gọi là hỏa tiễn SCALP, có tầm bắn 250 km (155 dặm).

Report được viết bởi các nhà báo của Associated Press (AP): Aanna Arhirova tại Ukraine; Aamer Madhani ở Manaus, Brazil; Colleen Long, Zeke Miller, Matthew Lee, Ellen Knickmeyer tại Mỹ.

Hoàng Long chuyển dịch

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt