Biến cố đòi lại cơ sở Tôn Giáo
Một biến cố rất quan trọng, liên quan đến vấn đề tôn giáo và chính trị, đã xẩy ra trong nước: Đó là sự lên tiếng của tòa Tổng Giám mục Hà-Nội, đòi lại tòa Khâm sứ của giáo hội Công giáo.
Biến cố đòi lại cơ sở tôn giáo
Hoàng Đạo Thế Kiệt
Một biến cố rất quan trọng, liên quan đến vấn đề tôn giáo và chính trị, đã xẩy ra trong nước: Đó là sự lên tiếng của tòa Tổng Giám mục Hà-Nội, đòi lại tòa Khâm sứ của giáo hội Công giáo.
Theo lời yêu cầu của vị Tổng Giám mục địa phận (Hà Nội, TGM Ngô Quang Kiệt), nhiều ngàn tín đồ đã tập trung cầu nguyện để hỗ trợ cho đòi hỏi này. Sau đó cũng đã có mấy giáo phận ở khắp nơi trong nước cùng hiệp thông ủng hộ. Ngoài ra còn có nhiều nơi, như Thái Hà, Hà đông, Saigon v.v. đã nối tiếp lên tiếng đòi lại đất đai, cơ sở của giáo hội mà nhà nước Việt cộng tịch thu bất hợp pháp từ cả nửa thế kỷ nay.
Một điểm đặc biệt đã xảy ra trong dịp này là sự xuất hiện bất ngờ của thủ tướng Việt cộng Nguyễn tấn Dũng. Ngay sau khi có vụ đông đảo tín đồ Thiên Chúa giáo cầu nguyện để đòi lại tòa Khâm sứ tại Hà-nội, Dũng đã đến thăm khu đang có sự tranh chấp, và đã gặp và thảo luận với Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt, người lên tiếng kêu gọi nhà nước Việt cộng trao trả toà Khâm sứ cho giáo hội. Sau đó ít ngày Dũng lại mời vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục cùng Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt đến phủ Thủ tướng để bàn thảo về việc này.
Trước sự kiện nói trên, người ta tự hỏi tại sao bỗng nhiên lại có việc đòi lại tòa Khâm sứ một cách khác thường đó ? Nó có ý nghĩa gì, và vụ này rồi sẽ đi đến đâu ?
Về nguyên do của sự kiện, đã có mấy giả thuyết sau đây:
Một là: Vì bị chỉ trích quá nặng nề nên giáo hội công giáo quốc doanh trong nước buộc lòng phải làm một cái gì để đỡ bị mang tiếng, đồng thời để lấy lại niềm tin của tín đồ.
Hai là: Ðây là một việc làm có kế hoạch, và bây giờ mới là lúc để thi hành kế hoạch đó.Giả thuyết này hàm ý bênh vực sự im lặng bấy lâu của giáo hội quốc doanh (vì có kế hoạch).
Ba là: Ðây là một vụ đấu đá nội bộ, phe Nguyễn tấn Dũng, với sự ủng hộ của La-Mã và Hoa-thịnh-đốn, bật đèn xanh cho vụ này để đẩy mạnh tiến trình tự do tôn giáo.
Bốn là: Ðây chỉ là một việc làm có tính cách “đột xuất”, do thời cơ đưa đến.
Về ý nghiã của sự kiện trên, tự nó mang nhiều ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, sau một quá khứ rất lâu dài hoàn toàn im lặng, nay lại bất ngờ công khai lên tiếng thì đây hẳn phải là một sự « bừng tỉnh » của giáo hội quốc doanh.
Khác với thường lệ, việc đòi lại các cơ sở của giáo hội từ trước chỉ có tính cách xin/cho, lần này là một sự yêu cầu hẳn hoi, đặc biệt lại có sự hỗ trợ công khai của nhiều ngàn giáo dân, nên đây rõ ràng là một sự thách thức đối với nhà nước Việt cộng.
Vụ đòi hỏi này mau chóng được sự ủng hộ của hai giáo phận khác, do hai Giám mục đã từng bị chỉ trích là « quốc doanh » hàng đầu nên tầm quan trọng của biến cố lại càng gia tăng, hoặc theo chiều lợi hoặc theo chiều hại.
Tiềm ẩn đằng sau ý nghĩa tôn giáo còn có ý nghĩa chính trị của sự kiện, một phần do sự uất ức của quần chúng, một phần do tình hình dồn dập xẩy tới, đặc biệt là vụ Hoàng-sa và Trường-sa.
Có lẽ vì thấy rõ sự nghiêm trọng của vấn đề, thủ tướng Việt cộng đã phải vội vã đích thân tìm phương giải quyết.
Hiện tình cuộc tranh chấp
Vì không có nhiều tin tức về nội vụ, nhất là về cuộc viếng thăm và thảo luận của Nguyễn tấn Dũng với các giới chức Công giáo, nên còn quá sớm để biết vụ này sẽ được gỉải quyết ra sao.
Tuy nhiên đã có 4 chỉ dâú rất quan trọng cho thấy chiều hướng mà Việt cộng muốn làm.
– Chỉ dấu thứ nhất là, ngay sau khi có lời yêu cầu của Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt đòi trả lại tòa Khâm sứ thì Việt cộng đã cho người viết một bài dài để moi móc, bôi nhọ ông. Ðây hiển nhiên không phải là cách để giải quyết vấn đề một cách êm đẹp mà là để dằn mặt đối thủ.
– Chỉ dấu thứ hai là, liền sau cuộc thăm viếng của Dũng tại khu tranh chấp để tỏ thái độ hòa hoãn, là cuộc phỏng vấn viên Trưởng ban Tôn giáo nhà nước Việt cộng, do đài RFA thực hiện.
Viên chức này đã nói thẳng là không làm gì có việc “trả lại” tòa Khâm sứ cũ, vì theo đúng luật thì đất đai là của nhà nước, ai cần thì xin, chính phủ sẽ cứu xét. Toà Khâm sứ cũng vậy, khi đã có liên lạc ngoại giao với Vatican và cần có cơ sở để làm việc thì nhà nước sẽ cấp đất cho xây.
– Chỉ dấu thứ ba là, lá thư ngày 11-1-08 của Ủy ban Nhân dân Hà-nội gửi cho Hội đồng Giám mục và Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt. Ðây là lập trường chính thức của nhà nước Việt cộng trước đòi hỏi của tòa Tổng giám mục. Nội dung thư vừa qui trách mọi điều cho toà Tổng giám mục vừa đe dọa sẽ dùng vũ lực.
Chỉ có một lối thoát nhỏ là, Uỷ ban nhân dân Hà-nội nói sẽ trình chính phủ để giải quyết vấn đề một cách có lý, có tình, và đúng luật!
– Chỉ dấu thứ tư là, ngày 14-1-08 Dũng lại mời Giám mục Chủ tịch HÐGM và Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt đến phủ thủ tướng để bàn về nội vụ. Theo Giám mục Nguyễn văn Sang thuật lại thì Nguyễn tấn Dũng đã hứa sẽ trả lại tòa Khâm sứ và vài cơ sở quan trọng khác nữa, với điều kiện Giáo hội phải ra lệnh ngưng ngay các buổi cầu nguyện và các vụ đòi hỏi đất đai cơ sở khác, để đợi chính phủ lập Ủy ban cứu xét.
Các chỉ dấu trên cho thấy rõ ràng là bạo quyền đã dùng chiến thuật muôn đời của cộng sản là vừa đánh vừa đàm, vừa vuốt ve vừa đe dọa. Một mặt thì Dũng làm ra vẻ hòa hoãn, một mặt thì Uỷ ban Tôn giáo và thành phố lại tỏ ra cứng rắn, làm cho đối phương bị hỏa mù, không thể đẩy mạnh nỗ lực của mình. Vậy là kế lừa địch cuả Việt cộng đã đạt được mục tiêu cấp thời là làm hạ cơn sốt cầu nguyện để mua thời gian giải quyết vấn đề theo chiều hướng có lợi cho chúng.
Kết quả là vụ tranh chấp chưa ngã ngũ ra sao và không có triển vọng sớm được giải quyết.
Sự thảo luận chắc chắn sẽ còn gay go, kéo dài, và không biết có sẽ đưa đến kết quả êm thắm hay không ?
Tình hình sẽ đi tới đâu
Vụ đòi lại tòa Khâm sứ có thể coi như một mũi tên đã bắn ra. Phía bắn không thể lấy lại được mũi tên đã lao đi. Còn phiá bị bắn không thể không tìm cách chống đỡ.
Vì đây là một vấn đề có tính cách căn bản, đã tồn đọng từ hàng nửa thế kỷ nay, nên dù muốn dù không nay cũng đã đến lúc phải giải quyết.
Cách đưa vấn đề của Tổng Giám mục Ngô quang Kiệt (hay của cả phiá giáo hội Công giáo) đã chứng tỏ giáo hội có quyết tâm đẩy vấn đề tới cùng. Họ biết rõ lần này nếu không giành được thắng lợi thì sẽ là một thất bại quá lớn lao, không những chỉ để mất cái thế đấu tranh vô cùng thuận lợi, mất cả một cơ hội tốt hiếm có, mà còn làm mất luôn cái uy tín đã sứt mẻ quá nhiều của giáo hội.
Chính vì bối cảnh vừa nói, hiện hai bên đều đang ở cái thế rất găng, tiến toái lưỡng nan, tuy bên phía giáo hội giữ phần chủ động và có lợi thế hơn.
Việt cộng ở trong thế tiến thoái lưỡng nan, vì những lý do chính sau đây:
Nếu không trả lại tòa Khâm sứ cho GHCG thì sự phản đối sẽ tiếp tục và ngày càng mạnh hơn. Như thế chắc chắn sẽ dẫn đến những tranh chấp lớn hơn, có thể đưa đến các cuộc xung đột giữa hai bên. Ðiều này, trong hiện tình, sẽ rất bất lợi cho bạo quyền.
Nếu chịu trả lại toà Khâm sứ cũ và mấy cơ sở quan trọng khác thì sẽ gây ra một tiền lệ rất
bất lợi. Các nơi khác, không phải chỉ có Thiên Chúa giáo mà cả Phật giáo, Tin lành, Hòa hảo, Cao đài, Dân Oan v.v.đều sẽ đồng loạt đứng lên đòi lại những gì đã bị Việt cộng chiếm. Ðiều này sẽ là một mối nguy cho bạo quyền.
Ngoài các khó khăn nói trên còn phải kể đến những yếu tố bất lợi khác cho Việt cộng, như vụ Tàu cộng đang làm chúng bị mất uy tín nặng nề. Nỗi uất hận của người dân trước bọn cầm quyền bán nước, có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Thế lưỡng nan của giáo hội Thiên Chúa giáo nằm trong những khó khăn sau đây:
Nếu Việt cộng cứ hưá hẹn rồi tìm cách kéo dài không giải quyết dứt khoát các yêu cầu của giáo hội thì giáo hội phải đáp ứng ra sao? Nếu cứ chờ đợi thì cuộc đấu tranh sẽ mất khí thế, còn nếu không chờ thì sẽ bị xuyên tạc là cố tình gây rối.
Nếu Việt cộng chỉ thỏa mãn một phần các đòi hỏi của tòa Tổng Giám mục Hà-Nội và của cả giáo hội thì giáo hội có chấp nhận không hay tiếp tục đòi lại hết những gì đã bị tịch thu bất hợp pháp? Nếu chấp nhận thì rõ ràng là giáo hội đã bỏ dở phần lớn cuộc đấu tranh cho công lý, còn không thì Việt cộng sẽ gán cho tội ngoan cố, có mưu đồ.
Nếu Việt cộng vừa thỏa mãn một phần các đòi hỏi của Giáo hội vừa yêu cầu ra lệnh cho các giáo phận Công giáo chấm dứt các buổi cầu nguyện và các vụ đòi đất đai cơ sở bị chiếm hữu thì Giáo hội có chấp nhận không ? Nếu chấp nhận thì có nghĩa là giáo hội sẽ bỏ rơi các giáo phận địa phương, còn không thì cũng sẽ lại bị xuyên tạc là cố tình để cho cấp dưới gây rối, và nại lý do đó để dùng vũ lực.
Ngoài thế cờ của hai bên như đã trình bày sơ qua ở trên, còn có nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng mạnh đến sự tính toán của hai bên. Yếu tố Trung cộng với vụ xáp nhập Hoàng-sa và Trường-sa sẽ bất lợi cho phía bảo thủ thân Trung cộng, là phe đối nghịch với Giáo hội. Ngược lại, yếu tố La-mã và Hoa-kỳ sẽ tạo thêm thế mạnh cho phe cấp tiến, có lợi cho cuộc tranh đấu của Giáo hội. Một yếu tố đáng kể khác nữa là áp lực quốc tế sau khi Việt cộng đã gia nhập Tổ chức Mậu dịch Quốc tế (WTO), khiến chúng sẽ phải e dè khi định dùng võ lực để đàn áp.
Nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu, sẽ quyết định sự thắng bại của phía đấu tranh trong cuộc tranh đấu gay go này chính là sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ của Hội đồng Giám mục cũng như trong hàng ngũ giáo dân. Nếu tất cả, hay đa số, quyết tâm tiến tới thì sẽ có nhiều triển vọng thành công.
Cũng ở điểm này người viết muốn nhấn mạnh đến chiến thuật chia để trị của cộng sản. Chúng luôn luôn tìm cách gây chia rẽ trong hàng ngũ đối phương, nhất là khi gặp khó khăn, bằng cách cho phe này hay phiá kia một ít đặc quyền đặc lợi để đi theo chúng.
Vì thế điều tối quan trọng ở đây là tất cả các thành phần đang thực sự đấu tranh chống bạo quyền: dân oan nhân quyền, dân chủ, bảo vệ Tổ quốc, nhất là các tôn giáo, đừng vì lợi ích nhỏ nhen, phe phái mà bị mua chuộc. Hy vọng là mọi người đều biết rõ điều này và sẽ nhất loạt đứng lên nắm lấy cơ hội để đòi Việt cộng phải nhượng bộ.
Trên hết cả, phải nói việc làm của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt là một biến cố cực kỳ quan trọng, tạo một ánh sáng trong đường hầm Việt-Nam, một tin mừng lớn lao cho đồng bào ta.
Mong rằng Giáo hội Công giáo Việt-Nam lần này sẽ thực sự đứng lên nhận lãnh vai trò tranh đấu cho công lý của mình.
Mong rằng Giáo hội Phật giáo Việt-Nam Thống nhất quốc nội cũng như hải ngoại, cùng với tất cả các tôn giáo khác, cùng đồng bào cả nước, nhất là thanh niên sinh viên, sẽ nhân dịp này cùng hỗ trợ nhau góp phần giải thoát quê hương khỏi nạn vô nhân vô thần, bán nước hại dân Việt cộng.
Ngày 18 tháng 01 năm 2008