Bên kia bức tường đảng (Across the party wall)
Đảng ở đây là đảng cộng sản Trung Hoa và Việt Nam. Bài viết của Banyan nhà bình luận về kinh tế, chính trị và xã hội Châu Á của tạp chí Economic. Bài này, Banyan nói về hai hội nghị Trung Ương của hai đảng cộng sản còn sót lại trên trái đất này. Đặc biệt là Hội Nghị Trung Ương của csVN vừa qua chẳng có gì thay đổi đối với những ngày mà Quốc Hội CHXHCNVN đang nhóm họp về vấn đề sửa đối hiến pháp 1992. Trước đây, trong việc “lấy ý kiến sửa đổi hiến pháp 1992” rất rầm rộ – trang nhà https://vietquoc.org đã có bài nhận định: “Lấy ý kiến sửa đổi Hiến Pháp 1992 một âm mưu chíh trị” để người dân khỏi phải trông chờ… Bài “Across the party wall” phản ảnh trung thực sự lừa bịp, dối trá của nhà cầm quyền csVN mà trước đây nhận định của trang nhà VNQDĐ đã đưa ra.
Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang trong tình trạng hỗn độn nhưng Trung Quốc thì không thể dạy thêm cho Việt Nam điều gì mới mẻ
Nếu những vấn đề căng thẳng sau đây nhắc nhở bạn về tình trạng ở Trung Quốc thì bạn hãy suy nghĩ đến Việt Nam: các cuộc thảo luận về [sửa đổi] hiến pháp; nỗ lực kiềm chế những đặc quyền của các công ty quốc doanh; người dân ngày càng giận dữ hơn về tình trạng tham nhũng; đất đai bị nhà nước chiếm đoạt không được bồi thường thỏa đáng, nghị định mới về hạn chế xử dụng Internet; đòi hỏi về tiến trình cải cách kinh tế không chỉ còn là mong muốn mà là sự cần thiết; và trong chính trị, bằng chứng về các cuộc đấu đá tranh dành quyền lực phe nhóm đang diễn ra khốc tại thượng tầng lãnh đạo cao nhất (trong bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam).
Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số ít các Đảng Cộng sản vẫn còn nắm quyền trên thế giới, vì vậy hầu như không có gì ngạc nhiên khi họ phải đối diện với nhiều vấn nạn tương tự. Tuy nhiên, những báo động đối với cả hai đảng (cộng sản Việt Nam và Trung Hoa) là sự bế tắt các giải pháp để giải quyết vấn đề một cách nghiêm chỉnh. Cả hai hội nghị Ủy viên Trung ương của hai đảng diễn ra vào mùa Thu năm nay. Cả hai hội nghị được đoán trước sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và cải cách đất nước. Hội nghị trung ương của Đảng Cộng sản Trung Hoa sẽ diễn ra vào tháng tới. Còn Việt Nam đã xong tháng rồi, và đưa ra vài dấu hiệu có “suy nghĩ” (suy nghĩ thôi) đổi mới. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam dường như vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn.
Chương trình nghị sự của đảng csVN đề cao việc sửa đổi hiến pháp. Bản Hiến pháp hiện hành [CHXHCNVN] được thông qua năm 1992 và chỉnh sửa lần cuối cùng vào năm 2001, hiện không phản ánh đúng về nền kinh tế hội nhập cũng như tình trạng xã hội mà Việt Nam đã trải qua. Một dự thảo sửa đổi đã được phân phối để lấy ý kiến công khai [của người dân] từ hồi đầu năm nay. Kết quả thật làm cho mọi người giật mình: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhận hơn 26 triệu ý kiến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề ra yêu cầu sửa đổi hiến pháp lại là những điều mà đảng [csVN] không muốn nghe.
Việc sửa đổi hiến pháp gồm ba điều khoản đặc biệt thu hút sự chú ý dư luận. Người dân Việt bày tỏ sự hy vọng bản hiến pháp mới có thể bảo đảm một ngành tư pháp độc lập. Hiện nay hiến pháp hứa hẹn rằng nhà nước [csVN] “không ngừng tăng cường tính hợp pháp về Xã hội Chủ nghĩa”. Số người khác cũng hy vọng hủy bỏ Điều 4 hiến pháp, trong đó tự coi vai trò thiêng liêng của đảng csVN là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” trong một hệ thống độc đảng. Và điểm thứ ba mà dư luận phê phán và cho rằng đã lỗi thời gây tác dụng nguy hại đó là nội dung của Điều 19, trong đó cho rằng “khu vực kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia”. Việt Nam hiện đang bị ảnh hưởng mạnh từ cuộc khủng hoảng nợ nần một phần vì sự hoang phí [tham nhũng] đến từ các cơ sở kinh tế quốc doanh do nhà nước quản lý. Tăng trưởng kinh tế ở khoảng 5% vẫn còn quá thấp để cung cấp việc làm cho một quốc gia có lượng dân số trẻ khá cao, và nền kinh tế khó có thể đạt mức tăng trưởng tốt hơn trong những năm kế tiếp.
Để làm trong sạch khu vực kinh tế quốc doanh, có lẽ bằng cách tư nhân hóa các công ty quốc doanh và cắt các khoản đầu tư không mang về lợi nhuận là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam có mức tăng trưởng khá hơn trong thời gian tới. Nếu gia nhập thành công thỏa thuận thương mại tự do, tức Hiệp định Hợp tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương [Trans-Pacific Partnership gọi tắt là TPP], do Hoa Kỳ lãnh đạo thì sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam rất nhiều. Nhưng tháo gỡ “khu vực kinh tế quốc doanh” đang gây lo sợ cho nhiều người. Việc lo sợ không chỉ đối với các quan chức tham nhũng trong hệ thống quốc doanh. Nó còn đe dọa hệ thống chính trị độc đảng [của nhà nước CHXHCNVN].
Sau hội nghị trung ương, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp [2013] sẽ tiếp tục rị mọ các từ ngữ trong bản hiến pháp. Cho đến nay thì rõ ràng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục lắt léo để né tránh những điều mấu chốt cần sửa đổi nêu trên. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục giữ lại những đặc quyền dành cho một đảng và điều này không thể vận hành với chính sách “đổi mới” được đưa ra vào năm 1986, cho phép đất nước chuyển mình kinh tế và hội nhập quốc tế.
Những phương cách của cộng sản Trung Hoa hiện nay không thể giúp ích nhiều cho trường hợp ở Việt Nam, mặc dù chủ đề về hiến pháp cũng đã từng được đưa ra bàn thảo ở Trung Quốc. Sự khác biệt then chốt là ở Trung Quốc, các nhà phê bình đảng csTH đơn giản cho rằng [đảng csTH] chỉ muốn tiếp tục với hiến pháp hiện hành. Hiến pháp với những hứa hẹn bình đẳng, quyền tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo, và tư pháp độc lập – tất cả các điều mà các Đảng Cộng sản chẳng bao giờ quan tâm đến. Ngay cả vai trò lãnh đạo của đảng chỉ được nhắc đến trong lời mở đầu chứ không phải là trong phần nội dung chính. Vì vậy, trong những tháng gần đây truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chính thức đưa ra các bài báo để bảo vệ “chủ nghĩa hợp hiến” – một khái niệm thái quá cho rằng hiến pháp cần phải được tôn trọng – như cách mới nhất mà phương Tây đang thực hiện để làm suy yếu một quốc gia nào đó bằng cách đề cập đến những khái niệm tự do mà các nước độc tài cho là nguy hiểm.
Điều 4 trong Hiến pháp ở Việt Nam sẽ không phải là vấn đề nếu Đảng Cộng sản Việt Nam được người dân tôn trọng. Điều này một phần là hậu quả của sự quản lý kinh tế tồi dỡ trong những năm gần đây. Phần nữa hệ thống này [csVN] phản ánh sự ghê tởm nạn tham nhũng lan tràn trong mọi ngõ ngách của xã hội, đặc biệt ngay ở trong đầu não [bộ chính trị] của nhà nước. Đây là một trong những lý do tại sao mà trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi mùa xuân vừa qua gần 1/3 đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm thấp đối với “Thủ tướng” Nguyễn Tấn Dũng. Điều này rất khác so với tình trạng ở Trung Quốc.
Tức giận với nạn tham nhũng cũng là một trong nhiều lý do dẫn đến trường hợp giận dữ của ông Đoàn Văn Vươn, một người dân làm nghề nuôi cá ở phía Bắc Việt Nam bị nhà cầm quyền VN bỏ tù 5 năm hồi tháng Tư vừa qua, và dư luận trong quần chúng đã tôn ông anh hùng. Tội ác mà nhà cầm quyền VN cáo buộc ông Vươn rằng ông đã dùng súng tự chế để bảo vệ mảnh đất của mình khi các quan chức địa phương đến cưỡng chiếm. Nạn cưỡng chế đất đai trái phép là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc biểu tình tại Trung Quốc và việc cải cách hệ thống đất đai nuôi dưỡng những hành động vi phạm này có thể (hoặc, đúng hơn là cần phải) được đưa ra thảo luận tại hội nghị trung ương đảng lần này.
So sánh tranh dành quyền lực nội bộ giữa đảng csVN và csTH
Ở Trung Quốc cũng vậy, những người đứng lên thường liên lạc nhờ phương tiện truyền thông xã hội [phương tiện không thể kiểm soát qua Internet]. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, các cuộc đàn áp đã liên tục diễn ra trong năm nay nhắm đến các nhân vật bất đồng chính kiến trên hệ thống trực tuyến Internet, với hàng tá người bị bắt giam nhằm giới hạn thông tin truyền đi trên mạng. Tại Việt Nam, một nghị định mới nêu rằng chỉ có “thông tin về cá nhân” chứ không phải những tin tức được trao đổi trên Internet. Điều này là nỗ lực đen tối để giữ độc quyền truyền thông đại chúng mà đảng Cộng sản Việt Nam từng thực hiện trong thời kỳ cai trị khi người dân biết đến Internet. Ngay cả khi các cuộc đàn áp đã thực hiện thì quá muộn để dập tắt sự hoài nghi đang mỗi ngày một ầm ỉ về đảng và chính phủ tại Việt Nam cũng như ở Trung Quốc .
Sự hoài nghi được thúc đẩy bởi sự nhận thức [trong quần chúng] rằng các lãnh đạo cộng sản rất ít quan tâm đến lợi ích quốc gia và họ chỉ quan tâm bảo vệ quyền lực cá nhân trong cá cuộc đấu đá phe nhóm nội bộ. Tại Trung Quốc, sự sụp đổ của Bạc Hy Lai – một lãnh đạo đầy tham vọng – đã thu hút nhiều sự chú ý của quần chúng liên quan đến cuộc chiến nội bộ trong giới chính trị cao cấp của cộng sản Trung Hoa. Tại Việt Nam thì có các cuộc đấu đá giữa hai nhân vật cấp cao trong đảng csVN là Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng) và Trương Tấn Sang (chủ tịch nước). Sự khác biệt là các cuộc đấu đá giữa các phe nhóm ở Trung Quốc đã cho thấy Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, là người đang chiến thắng rất rõ ràng. Trong khi vấn đề ở Việt Nam thì dường như không ai biết chắc chắn người thực sự chịu trách nhiệm hay thắng thế là ai ?!
Hoàng Long chuyển ngữ
Across the party wall – Banyan, The Economist