Bên Giòng Lịch Sử 1940 – 1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Phần 5 Những bí ẩn từ “Lon” chuẩn uý đến “Lon” đại tá của ông vua cách mạng

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử.  Dưới đây là bài:  “Những bí ẩn từ lon chuẩn úy đến lon đại tá của ông vua cách mạng”.

[Bấm chuột vào đây đọc chương trước]

Phần 5: “Những bí ẩn từ “Lon” chuẩn uý đến “Lon” đại tá
của ông vua cách mạng”

Tôi kể chuyện lại với bạn Trần Hữu Phương, Trương Công Cừu và các anh em trong hội L’Amicale Des Annamites de France. Tất cả đồng ý tổ chức tại trụ sở của hội một buổi tiếp tân đơn giản chào mừng cựu hoàng Duy Tân. Việc thu xếp, chuẩn bị chẳng có gì đáng nói. Chúng tôi thông báo rỉ tai cho nhau, và đến ngày đó, khoảng 30 người có mặt tại trụ sở. Một một người được đề cử liên lạc với vua Duy Tân và hẹn giờ, ngày địa điể, đón ngài đến hội.
Khi hay tin vua Duy Tân đã đến Ba-Lê và muốn gặp anh em, nhiều người có vẻ hồi hộp, hy vọng, dựng lên khá nhiều giấc mộng. Nhưng cũng có một số nhún vai: cái gì đã qua nên cho nó qua luôn, kể cả những triều đại vua chúa. Nhưng tất cả cũng vui vẻ muốn gặp lại vua Duy Tân ít ra là vì cảm phục, tò mò, nếu không phải là vì hy vọng vào tương lai.
Tôi nghĩ rằng cần phải giúp cho mọi người một cơ hội, cho nên ngoài việc triệu tập cuộc họp mặt giới hạn tại trụ sở hội L’Amicale Des Annamites de France tôi còn loan truyền tin vua Duy Tân đến Ba-Lê trong giới Việt kiều ở Pháp. Tôi phải nhìn nhận là huyền thoại về vua Duy Tân vẫn còn đẹp lắm, vẫn còn được nhiều người say mê.

Trong câu chuyện, tôi thoáng nghe các Việt kiều kể lại với nhau cảm tưởng của họ, lòng kính phục của họ về cuộc khởi nghĩa thất bại, và sự thương xót của họ về số phận tù đày của nhà vua. Có lúc tôi cũng như một vài anh em lạc quan và mơ mộng, ước mong rằng cái tên vua Duy Tân, uy tín và danh tiếng của ngài có khả năng tập họp được những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, ở hải ngoại và tại nước nhà.
Lúc bấy giờ tôi đã phong phanh nghe tin về những hoạt động của đảng Cộng sản Đông Dương, về những tên tuổi vang rền như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Lương Bằng. Một chế độ quân chủ lập hiến tiến bộ sẽ bảo đảm cho Việt Nam không trôi vào một chế độ Cộng sản, mà với tư cách người Công giáo tôi không thể chấp nhận được. Tôi hy vọng thật mong manh. Mấy mươi năm tù đày, sống dưới sự kiềm tỏa của Pháp, không biết tâm tính của vua Duy Tân có thay đổi gì không. Không có gì bảo đảm rằng vị vua trẻ tuổi dám đề xướng cách mạng, dám hy sinh ngai vàng hồi còn là cậu thanh niên 16 tuổi, vẫn còn sống trong người đàn ông trên 40 tuổi, mang cấp bậc chuẩn úy trong quân đội Pháp.
Nhưng tôi không lúc nào hối hận hay do dự trong việc giúp đỡ vua Duy Tân, vì theo tôi sự giúp đỡ không có tính cách ràng buộc và dấn thân mà chỉ có giá trị đưa ra một cơ hội, với nhiều chọn lựa. Nếu sự chọn lựa về sau của nhà vua không phù hợp với ý hướng, mong ước của tôi, thì tôi vẫn có thể rút lui, và chỉ làm nhân chứng mà thôi.
Tôi thoáng hiểu rằng vua Duy Tân muốn dựa vào nước Pháp. Điều đó có thể là một cái thế bắt buộc đối với Việt Nam và Đông Pháp. Nước Pháp không thể nào để mất Đông Pháp. Việc thu xếp với nước Pháp cho Việt Nam có một chỗ đứng thích hợp, xứng đáng là điều cần thiết, miễn là chỗ đứng không quá thiệt thòi nhục nhã và giữ vẹn những khả năng, những cơ hội để tiến bộ, dành thêm những chủ quyền quốc gia.
Tôi suy nghĩ cũng khá nhiều về tương lại, về số phận đất nước và nhất là về những đe dọa đè nặng lên số phận đó trong lịch sử những phong trào khởi nghĩa. Khuôn mặt một minh chủ rất cần thiết, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng ai sẽ là minh chủ xứng đáng để qui tụ quần thần, tả hữu, toàn dân.
Trong giới khuynh tả, Cộng sản, hình như một thứ minh chủ đã bắt đầu xuất hiện, một cụ già thường được gọi là Bác, một con người bí mật mà mỗi khi nói đến nhiều người dù bất đồng chính kiến cũng phải cảm phục. Nhưng trong giới người Việt Nam yêu nước, khuynh hữu, bảo hoàng, thì chưa có một vóc dáng minh chủ nào hiện rõ. Có ba vị vua đôi lúc được nhắc đến Bảo Đại, Hàm Nghi, Duy Tân.
Đến buổi tiếp tân, anh em sinh viên và Việt kiều đến đủ trước giờ. Vua Duy Tân đến, tươi cười bắt tay mọi người. Một số như Phạm Huy Thông, Võ Văn Thái, Trần Hữu Chương, Trần Đức Thảo xúm lại hỏi về quá khứ.
Cựu Hoàng lắc đầu, vẻ mặt trầm ngâm, như thẹn thùng, như đau xót:
– Xin các anh em hãy cho những việc đã qua được đi qua luôn. Chúng ta nên nói những chuyện hiện tại. Bây giờ chúng ta nên làm gì?
Các anh em chờ đợi. Vua Duy Tân ngừng một phút, cho mọi người chăm chú hơn rồi nói tiếp:
– Quân Đồng Minh sẽ thắng ở Thái Bình Dương. Phát xít Nhật sẽ bại trận ở Á châu, cũng như Đức Ý đã bại trận ở Âu châu. Và nước Pháp với binh hùng tướng mạnh sẽ trở lại Việt Nam. Chúng ta cần phải chọn lựa một thái độ. Chống Pháp hay thân Pháp. Hiện nay tại nước nhà một phong trào Cộng sản đang nổi lên, liên kết với phong trào Cộng sản quốc tế. Chúng ta lại phải cần hợp tác với Pháp để chống lại phong trào Cộng sản. Chúng ta vẫn đòi độc lập, tuy nhiên cũng đành chấp nhận một số những điều kiện của người Pháp.
Một người thắc mắc hỏi thêm:
– Thưa ông…
Mọi người vẫn gọi vua Duy Tân là ông, và đó là ý muốn của ông, ông không muốn được gọi là Đức Vua hay Hoàng đế bệ hạ chi cả. Vậy một người hỏi:
– Thưa ông, hợp tác với Pháp cũng được, nhưng hợp tác như thế nào? Theo cương vị nào?
Vua Duy Tân do dự một lúc. Nét mặt ông có vẻ băn khoăn, rồi cuối cùng nhà vua trả lời:
– Người Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Pháp. Họ có thể chấp nhận cho ta thành một quốc gia tự trị trong liên hiệp Pháp.
Thiết tưởng điều đó cũng không trái với quyền lợi quốc gia. Dần dà chúng ta đòi thêm quyền hành về cho chúng ta. Trước binh lực hùng hậu của Pháp, và hậu thuẫn của đồng minh Tây phương. Chúng ta biết làm gì hơn? Chống Pháp. Chúng ta đã thấy những tấm gương chống Pháp, và tôi đây là nạn nhân của một lối chống Pháp nóng nảy vụng về. Rồi đất nước chúng ta sẽ phải chịu một cảnh chiến tranh tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại.
Nhiều người vẫn chưa hài lòng về những câu trả lời của vua Duy Tân; nhưng phần lớn e ngại không muốn bộc lộ. Bữa tiệc trà kết thúc, và có thể nói mọi người ra về với cả băn khoăn. Tôi có phần thất vọng. Ở vua Duy Tân, tôi không thấy tài năng hay đức độ. Tuy nhiên trước con người dày dạn, da sạm đen, tai rộng, mặt nở nang tôi thấy kính nể vài phần.
Trước khi chia tay, tất cả mọi người đứng chung chụp vài tấm hình kỷ niệm. Có lẽ ngày nay không còn ai có một bức hình này, vì có một lúc mọi người tự coi là ở cái thế bắt buộc phải chối mọi liên hệ với vua Duy Tân. Điều này tôi xin kể sau.
Khoảng hơn hai tuần, có lẽ vào cuối năm 1944, vua Duy Tân trở lại gặp tôi và các anh em Việt kiều, sinh viên. Lần này, tôi thấy ông thay đổi nhiều. Trước hết là y phục. Ông mặc quân phục sang trọng, đúng một thẳng nếp và lại là loại quân phục dạo phố. Ở cầu vai ông mang có cấp hiệu Đại tá bộ binh Pháp. Tôi linh cảm như có một sự thay đổi trọng đại hơn ở vua Duy Tân, trọng đại gấp mấy lần sự thay đổi hình thức y phục.
Vua Duy Tân cho biết rằng, ông được người Pháp giúp đỡ thành lập một đạo quân toàn người Việt Nam, với mục đích sẽ đi tiền phong trong cuộc hành quân tái chiếm Đông Pháp. Hiện nay đạo quân này do ông cầm đầu, và tuyển mộ được một tiểu đoàn. Tiểu đoàn này được đem sang đóng ở Constance, bên Đức.
Phần lớn quân số tiểu đoàn này là những lính thợ, lính khố đỏ, và một số ít người Việt Nam gia nhập kháng chiến ở Madagascar và các thuộc địa khác. Tôi bắt đầu thấy rõ mưu mô của người Pháp. Họ muốn dùng vua Duy Tân như một lá bài. Chính vua Duy Tân biết điều đó, nhưng lại chấp nhận hợp tác với người Pháp.
Pháp đã để lộ ý định chia Việt Nam làm ba quốc gia tự trị trá hình, riêng biệt: Nam Việt, hay Cochinchine, thành một vương quốc do vua Duy Tân cai trị. Trung Việt, hay Annam, sẽ trao cho Bảo Đại, và hình như miền Bắc, thì do áp lực của Mỹ, Pháp phải đành cho các đảng phái cách mạng. Tôi không được biết lúc bấy giờ người Pháp có nghĩ đến chuyện giao miền Bắc cho Hồ Chí Minh hay không.
Vua Duy Tân đề xướng ra phong trào cờ Tự Trị, dự định tổ chức các Việt kiều ở Pháp thiện cảm với ông thành một đảng. Tôi thấy quá rõ là nỗ lực của ông sẽ thất bại, se không qui tụ được bao nhiêu người. Những thành phần ưu tú thấy ông đã quá dễ dãi với Pháp, bắt đầu xa lánh ông.
Tuy nhiên cái huyền thoại ngày xưa của ông cũng lôi cuốn được một số nhỏ, phần lớn là lớp lính thợ, lính khố đỏ hay Việt kiều gốc lính thợ ở lại lập nghiệp trên đất Pháp.
Tôi cũng xin kể ra cái tình trạng của các Việt kiều ở Pháp trong thời gian này, để hiểu rõ hơn vì sau vua Duy Tân không qui tụ được đông đảo Việt kiều. Lúc bấy giờ Việt kiều tại các xưởng máy được đối xử thua thiệt vô cùng so với thợ thuyền Pháp đồng khả năng và nhiệim vụ. Lương của họ có thể chỉ bằng 1 phần 3. Muốn được đối xử và hưởng quyền lợi ngang hàng như thợ thuyền Pháp, thì người Việt Nam ở Pháp lúc bấy giờ có một cách gần như là duy nhất: gia nhập Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp (CGT). Lúc đó và cho đến bây giờ, Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp chi phối vào trong tổ chức này thì kể như đã trở thành cảm tình viên của đảng cộng sản Pháp.
Tôi và các cha hiểu rõ tình trạng này, riêng tôi cố gắng hoạt động trong giới thợ thuyền Việt kiều ở Pháp khuyên họ gia nhập Liên đoàn Công nhân Công giáo.
Về quyền lợi, nếu gia nhập Liên đoàn Công nhân Công giáo (CFTC), Việt kiều cũng sẽ được hưởng đồng đều như người Pháp, nhưng vì người Việt Nam thích a dua, và thấy đã có nhiều Việt kiều vào CGT, họ cũng gia nhập luôn cho tiện.
Tôi nghe nhiều người đồn rằng phong trào Cờ Tự Trị của vua Duy Tân gặp nhiều trở ngại từ một tổ chức chính trị Việt Nam ở Pháp, có lẽ chi nhánh đảng Cộng sản Đông Dương. Trong các trại lính Việt Nam ở Pháp, những đảng viên Cờ Tự Trị có thể bị thủ tiêu rồi chôn ngay trong trại lính. Nhiều trường hợp như vậy xảy ra mà các sĩ quan Pháp không có cách gì khám phá và trừng phạt thủ phạm, vì những người chung quanh quá sợ sự khủng bố, không bao giờ tố cáo.
Sau lần gặp gỡ vua Duy Tân nói trên, tôi không còn gặp gì ông nữa. Tôi có hay tin ông sắp về nước, và trước khi về được người Pháp cho mượn máy bay quân sự Pháp sang Algérie thăm vua Hàm Nghi đang bị giam lỏng ở đó. Một buổi sáng tôi đang đọc sách trước phòng thì một anh sinh viên Việt Nam đến gõ cửa, trao cho tôi một tờ báo Pháp. Tiếng anh run cảm xúc:
– Thưa cha, vua Duy Tân tử nạn rồi.
Tôi cũng giật mình hỏi lại:
– Tử nạn làm sao?
Anh sinh viên chỉ tờ báo. Tôi đứng lật tờ báo ra đọc. Chỉ là một tường thuật ngắn ngủi tai nạn máy bay trên đường từ Pháp sang Algérie. Nạn nhân được chú ý nhất trên máy bay là Vua Duy Tân. Tờ báo cũng đăng mấy dòng tiểu sử của nhà vua, và ca ngợi lòng trung thành với Pháp quốc của ông.
Tôi không hiểu rõ chuyện gì xảy ra. Trong thời kỳ nước Pháp vừa được giải phóng, những cuộc thủ tiêu, ám sát ngay trong hàng ngũ Pháp cũng là chuyện thường bữa. Nhiều tin đồn cho rằng máy bay không bị tai nạn kỹ thuật, mà bị phá hoại. Trong quân đội Pháp, ở mọi ngành, đều có những đảng viên Cộng sản và cũng có một số lính thợ, lính gác Việt Nam. Rất có thể một trái bom nổ chậm có đồng hồ đã được gài sẵn trong máy bay, và khi máy bay ra giữa Địa trung hải thì bom nổ.Từ Pháp sang Algérie, máy bay chỉ bay qua biển. Một chiếc máy bay bị nạn rơi trên mặt biển mênh mông thì còn dấu tích gì nữa. Giả thuyết thứ nhất được nhiều người nói đến là Cộng sản đã thủ tiêu vua Duy Tân, vì nhận thấy uy tín của ông sẽ gây trở ngại cho họ hơn là những nhân vật như Bảo Đại, Hàm Nghi. Vua Duy Tân là một yếu tố bất ngờ trong ván bài của Cộng sản. Họ không chắc hẳn vua Duy Tân ngoan ngoãn đầu hàng người Pháp, hay là vua Duy Tân còn có mưu mô nào.
Giả thuyết thứ hai được nhắc đến lúc bấy giờ thì do những người thiện cảm với vua Duy Tân, đưa ra. Giả thuyết này nói rằng chính Pháp hãm hại vua Duy Tân, vì nhận thấy ngài tuyên bố hợp tác ngoài mặt, nhưng thâm tâm đã cí dự tính lúc được lên ngôi, sẽ tuyên cáo với quốc dân một nền độc lập hoàn toàn, đặt người Pháp trước một việc đã rồi rất khó xử.
Cho đến nay bí mật về cái chết của vua Duy Tân vẫn còn hoàn toàn, và xem chừng lịch sử không còn chịu vén lên một lần nào nữa. Sau cái chết của vua Duy Tân, phong trào Cờ Tự Trị do ông sáng lập sống leo lét thêm vài tháng nữa rồi tan rã dần, không thấy ai nhắc lại nữa. Đất nước bắt đầu những biến chuyển lớn và câu chuyện vua Duy Tân bị quên lãng mau chóng. Thỉnh thoảng nhớ lại, tôi vẫn bùi ngùi, thắc mắc. Bao nhiêu năm tù đày đã không dạy khôn được cho vua Duy Tân hay sao? Sự hợp tác với Pháp mà vua Duy Tân chọn là thựa tâm hay chỉ là chiến thuật, là thủ đoạn, là một lối hoãn binh chi kế? Có lẽ vì nhận xét vội về vua Duy Tân cho nên trong những tháng cuối cùng đời ông, tôi đã không tìm dịp làm thân và gặp gỡ nhiều. Ông cũng không thân với một ai mà tôi được biết ở Ba-Lê. Lúc bấy giờ tôi lại chưa hề có ý nghĩ là những lời nói, những ý kiến của tôi có thể giúp ích gì cho vua Duy Tân. Tôi chưa có một dự tính nào về một vai trò cho mình trong lịch sử Việt Nam, hay cạnh những người có hy vọng làm lịch sử Việt Nam. Đôi lúc tôi tự hỏi nếu tôi giảng giải, khuyên ngăn, đưa ý kiến thì vua Duy Tân có thay đổi kế hoạch không, và lúc đó, lịch sử Việt Nam sẽ được viết lại như thế nào? Một triều đại Duy Tân có khá hơn một triều đại Bảo Đại không? Đôi lúc nghĩ tôi không khỏi cảm thấy ân hận đã bỏ lỡ cơ hội, có lẽ vì sự ân hận do việc này gây ra, mà sau này có đôi lúc tôi làm việc có phần hăng hái, đối với một vài người làm chính trị và làm lịch sử. Có lẽ vì vậy nên về sau tôi thẳng thắn và nhanh miệng hơn.

LM. Cao Văn Luận

[Bấm chuột vào đây đọc chương kế tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt