Bên Giòng Lịch Sử 1940 – 1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận. Phần 6: Trung thành với mẫu quốc…

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử. Sau đây là phần 6: “Trung Thành với mẫu quốc….”

[Bấm chuột vào đây đọc chương trước]

Trung thành với mẫu quốc…

Sang năm 1945, nước Pháp sau những niềm hân hoan chính trị thù nghịch bắt đầu mâu thuẫn. Tướng De Gaulle thấy khó làm được việc gì, đã tự ý rút lui, và ông Bidault thuộc đảng MRP lên làm thủ tướng. Chủ trương của ông Bidault cũng như của đảng này, và có thể nói là của tất cả các đảng chính trị Pháp, là phải giữ các thuộc địa, vì có thuộc địa thì nước Pháp mới được liệt vào hàng cường quốc trên thế giới.
Trong số các thuộc địa của Đông Pháp được coi là quan trọng nhất vì những lý do dễ hiểu: vị trí chiến lược của Đông Pháp, cách riêng Việt Nam trên thế giới, quyền lợi của Pháp ở Đông Pháp rất nhiều và rất lớn, vốn liếng Pháp bỏ ra ở Việt Nam kể ra khá lớn, và Pháp muốn có thì giờ nhiều hơn để thu lời về gấp trăm ngàn lần vốn.
Trong thời gian này tôi có tiếp xúc với một vài nhân vật chính trị Pháp, hoặc là những lãnh tụ trong các chánh đảng, hoặc là các dân biểu. Ở ai, tôi cũng nghe họ nói đến quyền lợi nước Pháp là trên hết, và không thể nào suy suyển cái quyền lợi tối thượng đó, vì những sự đấu tranh gành độc lập dù rất chính đáng của các nhược tiểu.
Bài diễn văn của tướng De Gaulle tuy chẳng hứa hẹn gì nhiều cho các xứ thuộc địa; vậy mà các đảng phái chính trị cũng lo ngại là đã hứa hẹn quá nhiều, và họ không muốn nhắc lại nữa. Họ coi những hứa hẹn đó chỉ là thủ đoạn trong lúc hoạn nạn, để tranh thủ dân thuộc địa khỏi nổi lên phản lại Pháp, nay Pháp đã mạnh, không cần giữ lời hứa. Hơn nữa tướng De Gaulle đã ra đi.
Một lãnh tụ trong đảng MRP của ông Bidault đã nói chuyện với tôi khá lâu và thành thật. Ông biết tôi đang chú ý đến những phong trào đấu tranh ở nước nhà. Người Pháp có sự thành thật rất dễ thương. Họ có thể tách rời những thiện cảm riêng tư với lòng ái quốc của người Pháp.
Kẻ mà tôi nói trên đây, tỏ ra rất thông cảm những lo âu, những mong muốn của tôi, và có lẽ vì thế, vì không muốn cho tôi rơi vào những tính toán ngây thơ, đã không cho tôi biết về những kế hoạch của Pháp đối với Đông Pháp và các thuộc địa.
Cách riêng đối với Đông Pháp, thì chủ trương của đảng MRP và hầu hết các đảng chính trị Pháp lúc bấy giờ, là phải chiếm lại bằng mọi giá. Những cuộc thương thuyết với Anh, Mỹ, Trung Hoa hiện đang diễn ra trong hậu trường để chuẩn bị cho cuộc tái chiếm Đông Pháp. Những quan toàn quyền, những lực lượng tái chiếm đã được chỉ định.
Phương lược tiếp thu Đông Pháp cũng đã được thỏa thuận với Anh, Mỹ và Trung Hoa. Tuy nhiên người Pháp cũng hiểu rằng chẳng có gì bất biến, vì vậy rất có thể vì áp lực từ phía Mỹ, Trung Hoa, và vì những cuộc tranh đấu của dân chúng Đông Pháp, Pháp có thể bằng lòng cho Việt Nam một nền tự trị rất hạn chế, nhưng trước khi cho tự trị, Pháp đã mưu mô chia Việt Nam ra làm ba hay bốn quốc gia riêng biệt, tình trạng Lào, Cao Miên, thì Pháp cho là không cần thay đổi. Họ quan niệm rằng một khi giải quyết được vấn đề Việt Nam, tức là giải quyết được cả Đông Pháp. Lào là một dân tộc dễ dãi, tinh thần quốc gia còn non yếu, ý thức chính trị không được vững vàng, dân số thưa thớt, đất đai thì rộng quá. Chẳng những họ không nghĩ đến chuyện chống Pháp đòi độc lập, mà không chừng họ còn mời Pháp ở lại lâu hơn, nếu họ hiểu rằng không có Pháp thì đe dọa lớn nhất đối với họ là khối dân Việt Nam bên kia dãy Trường Sơn.
Tôi nói cho vị lãnh tụ đảng MRP biết rằng những tính toán của nước Pháp chưa chắc gì đã tốt đẹp và có lợi cho nước Pháp. Rất có thể vì ham hố, muốn giữ cả, mà rồi theo như tục ngữ Việt Nam, lại phải “ngã về không”.
Ông ta cũng có những lo ngại như vậy, nhưng ông ta cho biết vì tự ái dân tộc, nước Pháp không thể để uy thế của mình suy suyển một chút gì, nhất là mới sau chiến thắng.
Bất cứ chánh phủ nào không giải quyết vấn đề thuộc địa một cách khôn khéo, thích hợp, sẽ bị đổ lập tức. Nếu trả độc lập ngay cho các thuộc địa, thì dễ dàng quá, nhưng sẽ làm cho nhiều đảng đối lập vịn vào cớ đó chê chính phủ yếu, đầu hàng, phản quốc, và lật đổ chính phủ này trong 24 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian đầu năm 1945, nhiều biến cố dồn dập. Các sinh viên và Việt kiều linh cảm được sẽ có những biến cố trọng đại xảy đến cho dân tộc Việt Nam đều nao nức muốn làm một cái gì, nhưng cái gì phải làm thì họ chưa hiểu rõ. Việc đầu tiên mà tôi khuyên họ nên làm là tập họp các Việt kiều sinh viên lại trong một đoàn thể có tổ chức, có sinh hoạt. Công việc này đang được xúc tiến thì chúng tôi hay tin hai sinh viên Việt Nam được Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, tức là Bộ Thuộc Địa gọi lên, và ít hôm sau trên đài phát thanh Pháp, trên đài phát thanh Viễn Đông, trên một số báo chí Pháp, một tuyên ngôn mệnh danh là của những Việt kiều, sinh viên Việt Nam du học ở Pháp được phổ biến.
Tuyên ngôn này, nhân danh những Việt kiều ở Pháp, những sinh viên Việt Nam du học ở Pháp, nhận thấy rằng những người Việt Nam ở Pháp, cũng như cả dân tộc Việt Nam rất lấy làm hân hoan thấy nước Pháp trở lại địa vị cường quốc trên thế giới, chúc tụng nước Pháp chiến tháng Quốc xã Đức, cầu mong cho nước Pháp và đồng minh đánh đuổi phát xít Nhật khỏi Việt Nam và Đông Pháp. Vậy nhân danh những Việt Nam sinh viên Việt Nam ở Pháp, và thay cho dân tộc Việt Nam, tuyên bố trung thành với nước Pháp, sẵn sàng đem Việt Nam vào Liên Hiệp Pháp.
Khi bản tuyên ngôn này được phổ biến, mọi giới Việt kiều sinh viên đều phẫn nộ và muốn phải hành động, phải lên tiếng. Lập tức hội Federation Des Indochinois De France được thành lập, với một ban chấp hành gồm 12 ủy viên. Bửu Hội làm chủ tịch, Trần Hữu Phương tổng thư ký, các ủy viên khác thì cũng toàn là những sinh viên mà tôi quen thân, như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Mãn.
Công việc đầu tiên, là ra một tuyên ngôn bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh, phủ nhận tuyên ngôn của hai sinh viên kia, và không chấp nhận trở lại tình trạng thuộc địa của Pháp, đòi cho Việt Nam phải được độc lập trật tự. Tuyên ngôn này lời lẽ rắn rỏi, lập luận vững chắc, và đọc lên người Việt Nam nào cũng phải cảm động, vì từng tiếng, từng dòng hàm chứa cả linh hồn yêu nước của anh em sinh viên, Việt kiều. Sau khi bàn luận, Trần Đức Thảo có nhiệm vụ soạn tuyên ngôn, tuyên ngôn được in ra, nhân danh hội Federation Des Indochinois, và được gửi đi các sứ quán ngoại quốc, các tòa lãnh sự, đại diện cơ quan báo chí khắp nước. Nó làm cho chính phủ Pháp có vẻ bối rối, và tức giận. Chỉ mấy hôm sau thì chúng tôi hiểu rõ phản ứng của chính phủ Pháp: Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Mãn, Phạm Huy Thông bị bắt giam vào nhà lao Prison De La Santé.
Tôi được tòa Tổng Giám Mục Ba-Lê can thiệp nên không bị bắt giam. Nagy vài hôm sau, tôi có tìm cách vào thăm Trần Đức Thảo và mang quần áo, thức ăn cho các anh em trong nhà lao Prison De La Santé. Đây cũng là nơi trước kia có lần đã giam giữ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh.
Sau vụ bắt bớ này hội Federation Des Indochinois không hoạt động công khai được nữa. Tôi lại tập hợp các Việt kiều Công giáo thành một hội mới là Association Des Catholiques Vietnamiens De France, gọi tắt là ACVNF, sẽ là nguồn gốc của giáo xứ Việt Nam tại Ba-Lê sau này.
Tôi không nhớ rõ là vào tháng nào, nhưng khoảng mùa thu năm 1945, có thể đầu tháng 9, Bộ Thông Tin Pháp trao cho chúng tôi một bản thông điệp của 5 vị Giám mục Việt Nam (có các đức cha Nguyễn Bá Tòng, Lê Hữu Từ…) đòi nước Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam, và kêu gọi những thành phần dân chúng Pháp tiến bộ hãy ủng hộ sự đòi hỏi chính đáng này, để tránh cho hai nước cái cảnh trở nên thù nghịch nhau.

[Bấm chuột vào đọc chương kế tiếp] 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt