Bên Giòng Lịch Sử 1940 – 1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 15 & 16

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử.  Sau đây là Chương 15 & 16

[Bấm chuột vào đây để đọc chương trước]


Chương 15:
Cụ Hồ đến phòng ngủ Bộ trưởng Bộ Thuộc Địa Pháp
 

Những ngày cuối cùng của hội nghị Fontainebleau, tức là ngày đầu tháng 6, trong lúc phái đoàn Việt Nam vẫn còn tham dự hội nghị thì Hồ Chí Minh lúc bấy giờ đang ở trong nhà gia đình dân biểu cộng sản Raymond Aubrac, mỗi sáng khoảng 10 giờ, đi xe lên Hotel Royal Monceau, duyệt lại các tài liệu, phúc trình, hội nghị ngày hôm trước, rồi theo chương trình đã sắp xếp trước, cụ đến Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, tức là Bộ Thuộc Địa, hội đàm với ông Bộ trưởng Marius Moutet. Những cuộc họp riêng và kín này bắt đầu vào khoảng ngày 7 tháng 9, lúc hội nghị Fontainebleau không còn hy vọng gì đi đến một giải pháp mà cả Pháp lẫn Việt Minh có thể chấp nhận. Những gặp gỡ giữa cụ Hồ và ông Marius Moutet hình như do ông Jean Sainteny và một nhân vật cộng sản trong chính phủ Pháp thời bấy giờ là ông Tillon, Bộ trưởng Không Quân sắp xếp và khuyến khích, với mục đích vừa không làm mất lòng đồng chí cộng sản Hồ Chí Minh, tức Alias Nguyễn Ái Quốc, và từng là sáng lập viên đảng cộng sản Pháp, mà lại không đi ngược lại quyền lợi và chính sách của nước Pháp. Những người gặp cụ Hồ lên xe đến bộ Pháp Quốc Hải Ngoại thời bấy giờ đều kể lại với tôi rằng: mặt cụ đăm đăm, trán cau lại thành những vết nhăn không lúc nào phai được. Cụ lặng lẽ bước lên xe, người như gập đôi lại trên chiếc ghế sau. Người cận vệ duy nhất của cụ bước lên cạnh ghế tài xế, và lập tức người tài xế là một đảng viên cộng sản Pháp do ông Aubrac giới thiệu, rồ máy xe, từ từ chạy đến bộ Thuộc địa. Không một người nào khác tham dự những buổi họp kín này. Theo lời một vài người kể lại với tôi, thì có nhiều buổi sáng cụ Hồ như ngần ngại, lo sợ đến thẳng bộ Thuộc Địa, và khi gần đến, bỗng cụ ra hiệu cho tài xế đi lòng vòng trong thành phố Ba-Lê vài chục phút, rồi đột ngột cụ chép miệng, bảo tài xế thôi hãy đến bộ Thuộc địa. Vài ký giả chực trước cửa bộ Thuộc địa để xin phỏng vấn, đều bị từ chối đôi lúc một cách khéo léo, đôi lúc một cách cứng rắn. Những ai nhìn thấy mặt cụ Hồ lúc bấy giờ dù rất muốn săn tin, cũng không nỡ nài ép. Trong mấy ngày, trông cụ già thêm mười tuổi. Không ai biết rõ những điều được thảo luận giữa cụ Hồ và ông Marius Moutet. Lúc đó có ý định của Pháp trong vấn đề Việt Nam đã khá rõ rệt, Pháp muốn thành lập 3 vùng riêng biệt, nếu có thể thì biến thành ba quốc gia không liên hệ gì với nhau. Nam kỳ tự trị, gọi là Cộng hòa Nam kỳ, hoàn toàn do Pháp chi phối qua những bù nhìn kiểu Nguyễn Văn Thinh. Nước Việt Nam, mà trong mọi danh từ chính thức Pháp vẫn cố tình gọi là Annam, có thể gồm từ phía Bắc Phan Thiết ra đến biên giới Hoa-Việt, có thể giao cHồ Chính phủ Việt Minh, và một cao nguyên tự trị, và một cao nguyên tự trị, chạy đi từ vùng Đà Lạt, Tuyên Đức, lên đến Ban Mê Thuộc, Kontum. Lúc bấy giờ có nhiều tin đồn nói rằng Pháp đã tìm thấy trong vùng Cao Nguyên này, và phần Cao Nguyên thuộc lãnh thổ Lào tiếp giáp với vùng này những khoáng sản quí báu: than đá, dầu hỏa, Uranium v.v… Nhìn nét mặt cụ Hồ sau buổi họp kín với bộ trưởng Thuộc Địa Marius Moutet, người ta đoán được rằng cụ Hồ đã nhượng bộ thêm một chút. Lúc bấy giờ cũng có nhiều tin đồn trong giới Việt kiều ở Pháp, đồn rằng nước Pháp thấy không thể buộc cụ Hồ chấp nhận một giải pháp hoàn toàn có lợi cho Pháp, đang muôi ý định bắt cóc, hay giam lỏng cụ Hồ không cho về nước, nếu cụ không ký kết với Pháp một thỏa hiệp công nhận Cộng Hòa Nam Kỳ, và Cao Nguyên tự trị. Tất cả chỉ là những tin đồn bởi vì cho đến hôm nay lịch sử vẫn không cho biết rõ những cuộc thảo luận tại bộ Thuộc Địa Pháp đã diễn ra như thế nào, tranh luận về những vấn đề nào. Nhưng càng ngày người ta càng thấy cụ Hồ mất bình tĩnh, buồn thảm chán ngán hơn một chút. Sau buổi tiếp tân tại nhà Aubrac, chiều tối đó tôi đi xe lửa sang Louvain, Bỉ, dự một buổi thuyết trình của Hội Thừa Sai. Hai hôm sau tôi trở lại, và ngày nào cũng có một vài Việt kiều đến nói chuyện với tôi về số phận hội nghị Fontainebleau, và những cuộc gặp gỡ giữa cụ Hồ với ông Moutet. Nhờ đó, tuy không gặp lại cụ Hồ một lần nào trước khi cụ rời nước Pháp, tôi cũng biết được, như mọi người lúc bấy giờ có thể biết, những gì xảy ra quanh cụ Hồ. Nguyễn Mạnh Hà ở lại cho đến ngày cuối cùng, trong lúc một phần phái đoàn Việt Minh tham dự hội nghị Fontainebleau về, đã rời Pháp, đi tàu thủy từ Marseille về Sài Gòn, ghé Cap, rồi ra thẳng Hà Nội. Những cuộc hội đàm giữa cụ Hồ và Moutet không hề được văn kiện hóa. Cụ Hồ là người có trí nhớ phi thường, và để giữ bí mật hoàn toàn về nội dung những cuộc mật đàm này cụ không muốn lập một văn kiện gì về những cuộc mật đàm đó. Một lần gặp Nguễn Mạnh Hà, sau khi từ Louvain về Ba-Lê, tôi có hỏi về nội dung những cuộc họp ở bộ Thuộc Địa, Hà lắc đầu, nói rằng Hà cũng chỉ biết qua những tin đồn, qua nét mặt càng ngày càng buồn thảm của cụ Hồ, sau mỗi lần gặp ông Moutet. Và Hà đoán rằng những cuộc gặp gỡ mật đó không thể nào gọi là một thành công đối với cụ Hồ. Hà cùng tôi thảo luận về những giả thuyết, những tin đồn và hỏi nhau liệu người Pháp có dám bắt cóc hay giữ cụ Hồ lại không. Không ai có thể trả lời được. Một việc mà Hà cho tôi biết vào những ngày đầu tháng 9, là những điện tín theo mật mã hay ám ký, từ Hà Nội đánh sang. Đại loại thì những điện tín đó đều tỏ ra sốt ruột, lo lắng, thúc giục cụ Hồ mau trở về nước, vì hiện có nhiều biến chuyển trọng đại tại nước nhà đòi hỏi sự có mặt của cụ. Một điện tín đề cập đến tình trạng căng thẳng ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn. Vụ Bắc Ninh xảy ra đâu trong tháng Tám: một toán quân tự vệ Việt Minh phục kích một đoàn quân tải lương của Pháp, giết gần trọn đoàn quân này và cướp được lương thực, súng ống. Hình như vụ này do chính Võ Nguyên Giáp và Chu Văn Tấn bày ra khi hay tin Hội nghị Fontainebleau kể như bế tắc để làm áp lực với chính phủ Pháp. Tại Lạng Sơn, đồn binh Pháp sống trong tình trạng bị bao vây và cô lập. Quân Pháp không dám ra ngoài, sợ bị ám sát, bắt cóc, và sợ dân chúng đánh đập. Hải Phòng xảy ra vài vụ lộn xộn giữa lính Pháp và các thanh niên tự vệ thành. Tại Nam bộ, người Pháp than phiền rằng tướng Nguyễn Bình đang mộ quân, lập căn cứ, xây dựng hạ tầng cơ sở trái với thỏa ước tạm thời 8 tháng Ba giữa D’argenlieu, (Jean Sainteny ký thay) Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh. Nguyễn Bình không chịu tập trung quân vào khu chỉ định chờ một giải pháp chính thức, trái lại Nguyễn Bình mở đường sang Cao Miên và Lào, tìm cách liên kết với các nhóm cách mạng chống Pháp khác, như Hòa Hảo của Huỳnh Phú Sổ. Đối với những vụ này, cụ Hồ luôn luôn tìm cách trấn an người Pháp, và cụ có lúc dựa vào những điều đó, để yêu sách Pháp thêm một chút, nhưng hình như cụ không thành công. Có tin tướng Leclerc được thay thế bởi tướng Valluy. Cụ Hồ và các lãnh tụ Việt Minh rất tin tưởng vào tướng Leclerc, và lo sợ tinh thần thực dân quá khích của tướng Valluy và những bộ hạ của ông như đại tá Debès, đô đốc Battet. Tất cả những tin tức từ nước nhà làm cho cụ Hồ buồn phiền thêm, và linh cảm một sự đổ vỡ trầm trọng trong bang giao Pháp Việt. Cụ Hồ là người biết rõ một cuộc chiến tranh sẽ tai hại đối với dân tộc Việt Nam như thế nào. Cụ lại đặt nặng vấn đề thống nhất ba vùng lên trên cái danh từ độc lập, hay chủ quyền. Nhưng người Pháp đã quyết liệt không muốn cho Việt Nam thống nhất. Lúc bấy giờ Pháp lại đã thỏa thuận được với Lào và Cao Miên, để đặt lại một chế độ bảo hộ mới, trá hình dưới chiêu bài Liên Hiệp Pháp. Phe De Gaulle thì gần như bị loại ra hết khỏi chính phủ, và tướng De gaulle đã trở về trại mát Colombeydes Deus Eglises trí sĩ và viết hồi ký, không tham dự gì vào chính trị nước Pháp, do đó những lời hứa hẹn của ông trong diễn văn đọc ở Brazaville được coi như vô giá trị. Trong bầu không khí đó, cuộc họp buổi chiều kéo dài mãi đến 9 giờ tối, cụ Hồ mới rời bộ Thuộc Địa ra về. Trông cụ càng thiểu não hơn bao giờ. Vài phút sao thì Moutet cũng ra xe về tư dinh, và người ta thấy nét mặt ông Moutet cũng chẳng tươi tắn gì hơn. Ông Moutet theo tiết lộ một vài người thì tối đó đã không dùng bữa, vào ngay phòng ngủ, đóng kín cửa và lên giường liền. Về sau người ta được biết ông Moutet bị cảm và vì đó, trong cuộc họp chiều 14-9, cụ Hồ và ông ta đã trao đổi những lời xẵng giọng gần như là cãi lộn với nhau. Câu cuối cùng của ông Moutet hình như là một câu từ chối. Về đến Hotel Royal, cụ Hồ cũng về ngay phòng riêng nhưng người ngoài vẫn thấy cửa sổ phòng cụ Hồ sáng đèn, và cụ Hồ ngồi làm việc cho đến gần nửa đêm. Gần nửa đêm cụ Hồ đích thân gọi điện thoại cho ông Moutet. Ông Moutet đang ngủ, yêu cầu có chuyện gì dù khẩn cấp mấy cũng xin chờ cho đến sáng mai, ông mệt và bị cảm không thể nói chuyện gì được nữa. Cụ Hồ nài nỉ rằng cụ sẽ đến gặp ông tại nhà riêng ngay lập tức, chỉ 5 phút nữa thôi, và không để cho ông Moutet kịp từ chối, cụ Hồ cúp điện thoại. Theo người Pháp kể lại, thì ông Moutet cũng không ngờ là cụ Hồ sẽ đến gặp ông ngay, cho nên ông lên giường ngủ lại. Nhưng quả thực cụ Hồ đã rời Hotel Royal, cùng với một cận vệ và tài xế đến nhà ông Moutet ngay. Ông Moutet kể lại rằng ông vừa chợp mắt, thì gác cửa bảo là cụ Hồ đến, và đã đến, và đã lên thẳng phòng ông. Khi cụ Hồ vào thì ông Moutet còn nằm trên giường, tung chăn ngồi dậy bận áo ngủ, ngồi tr6en giường. Cụ Hồ và người cận vệ bước vào. Cụ Hồ đến ngồi vào chiếc ghế đầu giường ông Moutet, cố lấy nét mặt vui tươi cởi mở nói rằng cụ đến để ký kết những điều được thảo luận lúc chiều, chỉ xin thay đổi vài chi tiết nhỏ. Ông Moutet lại yêu cầu cụ Hồ ngày mai sẽ họp và ký cũng chẳng vội gì. Đại ý là cụ Hồ đã nói rằng cái gì đã xong hãy cho xong luôn, không nên chờ sáng ngày mai những việc có thể làm xong đêm nay. Ông Moutet khoác thêm chiếc áo choàng, gọi bồi đem cà phê đậm lên, rồi hai người cùng ra ngồi đối diện nơi chiếc bàn trong phòng ngủ. Ông Moutet gọi thơ ký riêng soạn lại văn kiện đã được dùng làm căn bản trong cuộc thảo luận lúc chiều, rút ra một bản đúc kết, đánh máy thành nhiều bản, và trao cho cụ Hồ. Cụ Hồ chỉ đọc qua, không sửa đổi gì đặt bút ký ngay. Ông Moutet ký vào bên cạnh, và đó là bản thỏa ước được gọi là Modus Vivendi ngày 14 tháng 9 với những điều khoản căn bản được công bố trên báo chí ngay sáng 15 tháng 9:

1) Chính phủ Việt Minh công nhận giá trị thỏa ước tạm thời 8 tháng 3 và thỏa hiệp Đalat, tức là công nhận Cộng Hòa Nam Kỳ cho đến lúc có một cuộc trưng cầu dân ý tại Nam bộ để quyết định sự thống nhất hay tách rời Nam bộ khỏi Việt Nam.

2) Mọi lực lượng Việt Minh tại Nam bộ được tập trung vào những khu chỉ định, được giải giới, chờ đợi trưng cầu dân ý. Chính phủ Việt Minh hứa không gởi thêm quân, cán bộ và Nam bộ.

3) Chính phủ Việt Minh công nhận người Pháp có quyền tiếp tục khai thác các cơ sở kinh tế có sẵn khắp Việt Nam.

4) Hai chính phủ cùng thỏa thuận coi người Pháp và người Việt Nam ngang hàng, tuy nhiên chính phủ Việt Minh phải dành một sốo độc quyền cho Pháp, cố vấn Pháp, nhân viên văn hóa Pháp.

5) Về vấn đề tiền tệ, hai chính phủ cam kết sử dụng một loại giấy bạc duy nhất, lấy đồng quan Pháp làm căn bản.

6) Chính phủ Việt Minh bằng lòng cứu xét việc gia nhập Liên Hiệp Pháp theo chiều hướng thuận, và đổi lại chính phủ Pháp bằng lòng giúp đỡ Việt Nam về kinh tế, văn hóa và quân sự.

7) Một hiệp ước chính thức và vĩnh viễn sẽ được thảo luận và ký kết trong một hội nghị mới sẽ được mở sau, do sự tham khảo giữa hai chính phủ.

Trên thực tế, thỏa ước 14-9 cũng như thỏa ước tạm thời 8 tháng 3, là những nhượng bộ lớn của Việt Minh đối với Pháp, nhưng trên nguyên tắc thì Việt Minh dành được một vài điều gọi là thắng lợi chẳng hạn như đã được chính phủ Pháp coi là một phe đối thoại có thẩm quyền, và hứa hẹn sẽ có một hội nghị chính thức quan trọng để thảo luận tiếp. Thỏa ước 14-9 đã được ký âm thầm, vào nửa đêm. Nguyên văn bản thỏa ước này đã không được phổ biến ngay trong những ngày sau đó. Cụ Hồ đã họp báo. Chính phủ Pháp đã không tổ chức tiếp tân hay tiệc đưa nào. Các báo Pháp thời bấy giờ chỉ đăng thành vài tin. Sau ngày 15 tháng 9 nhiều anh em Việt kiều tỏ vẻ buồn cụ Hồ. Vì bất đồng rõ rệt quá, tôi không có ý định, cũng chẳng muốn tìm cách gặp lại cụ Hồ. Cụ Hồ cũng từ chối tiếp bất cứ ai.

Chương 16:

Suốt hai ngày cuối cùng, cụ Hồ không ra khỏi phòng. Ông Moutet, bộ trưởng bộ Thuộc Địa có đến thăm cụ Hồ một lần cuối cùng, hình như do lời yêu cầu của cụ Hồ để thu xếp chuyện trở về Việt Nam của cụ. Ngày 17 tháng 9 cụ Hồ âm thầm rời Ba-Lê. Anh em Việt kiều có tính chuyện tiễn đưa cụ, cử vài đại diện đến gặp cụ trình bày việc đó. Vài đại diện khác tiếp xúc với ban Nghi lễ bộ Ngoại Giao và bộ Thuộc Địa nhưng được cho biết là ngày về của cụ Hồ chưa được tiết lộ. Họ hẹn lần nữa là lúc nào có việc gì, sẽ tin cho các Việt kiều.

Phái đoàn lên xin gặp cụ Hồ cũng không được tiếp, người thư ký nói cụ Hồ mệt không muốn tiếp khách. Chương trình đưa tiễn vì thế không thành. Ngày 18, anh em Việt kiều hay tin cụ Hồ đã rời Ba-Lê đi Toulou. Cụ Hồ rời Ba-Lê có vẻ âm thầm và vội vàng.

Về nước trên một tiểu đỉnh của Hải quân Pháp, chiếc Dumont d’Urville. Có người kể lại rằng lúc bước lên chiếc tàu Dumont d’Urville cụ Hồ lặng lẽ đi qua hàng thuỷ thủ dàn chào, lặng lẽ bắt tay các nhân viên bộ Ngoại Giao và bộ Thuộc Địa Pháp, không nói một tiếng. Các sĩ quan trên tàu Dumont d’Urville về sau kể lại rằng, lúc tàu ra khơi, nét mặt cụ Hồ trở lại bình thường, đôi lúc tươi vui, tuy lúc nào cũng có vẻ trầm ngâm, tư lự.

Thường những buổi sáng sớm, và chiều, cụ lên đứng trên boong tàu ngắm cảnh mây nước mênh mông, hệt như một thi sĩ tìm vần thơ trong cảnh trời đất vậy. Trong các bữa ăn, cụ Hồ ngồi chung với các sĩ quan của chiến hạm, trong số này có một vị linh mục tuyên uý. Bây giờ thì cụ linh hoạt, bui bẻ nói chuyện với mọi người. Cụ Hồ đem vấn đề hiện hữu của thiên Chúa ra tranh luận với linh mục tuyên uý.

Câu chuyện con gà và cái trứng được mang ra, và cụ Hồ nhất định không chấp nhận co một con gà hay một cái trứng đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng. Ý cụ Hồ không phải tranh luận để đi đến kết luận, mà chỉ tranh luận để cho vui câu chuyện trong bữa ăn. Có những lúc cụ Hồ đi hết mọi nơi trong tàu, ngồi lại nói chuyện với các thuỷ thủ. Cụ Hồ từng hiều lần làm bồi tù, cụ quen đi biểm, quen thuộc đời sống tr6n tàu biển, cho nên cụ nói chuyện với các thuỷ thủ như là một thuỷ thủ già kinh nghiệm vậy. Tôi và các anh em Việt kiều ở Pháp lúc đó, nếu được biết các điều này cũng qua những tin truyền miệng, những tin trên báo chí Pháp mà thôi. Dĩ nhiên là chúng tôi hết sức tò mò muốn biết mọi việc cụ Hồ làm hay mọi việc gì xảy ra cho cụ Hồ, vì đó nếu có một anh em nào có tin gì, hay đọc được việc gì trên báo liên quan đến cụ Hồ, thì lại đi nói với nhau, chuyền cho nhau xem. Những chuyện về sau đó thì báo chí Pháp có đăng lại, như chuyện cụ Hồ gặp cao uỷ Pháp là ông D’Argentlieu trên thiết giáp hạm Suffren, neo ngoài khơi vịnh Cam Ranh, ngày 18 tháng 10.

Sau cuộc gặp gỡ và vào buổi chiều, người Pháp mời một số ký giả Pháp và Việt Nam đến dự một cuộc họp báo trên chiến hạm Suffren. Lúc một chiếc tiểu đĩnh chở các ký giả từ Cam Ranh ra cặp vào chiến hạm Suffen, thì cụ Hồ đứng ngay trên boong tàu gần cầu thang, đưa tay vẫy chào. Trong cuộc họp báo, cụ Hồ và cao uỷ Pháp D’argenlieu ngồi bên nhau. Nét mặt D’argenlieu nghiêm nghị, mặt cau lại, mắt đăm đăm nhìn cụ Hồ. Trong lúc đó thì cụ Hồ cười cợt, đùa giỡn với các ký giả. Cụ quay qua người này, người nọ, hỏi han về xứ sở về nghề nghiệp của họ. Cụ Hồ có trí nhớ phi thường. Cụ ở Pháp lâu năm, thạo những thổ âm, hiểu rành những tập quán từng địa phương, những đặc điểm của từng vùng nước Pháp. Vì đó cuộc họp báo trở nên một cuộc phiếm luận rất vui vẻ. Sau một lúc nói chuyện phiếm vui với các ký giả, cụ Hồ chính thức vào vấn đề, nói rằng báo chí Việt Pháp đã tỏ ra quá khó tính, quá nghiêm khắc đặt nhiều đòi hỏi vào hội nghị Fontainebleau. Cụ mô tả sơ sài hội nghị Fontainebleau và nói sơ lược về những điểm chính của thoả ước 14 tháng 9, chưa phải là đã kết thúc được mọi vấn đề tranh luận mà chỉ mở đầu cho một cuộc thương thuyết lâu dài, thường xuyên. Cụ hứa sẽ mở một hội nghị mới vào tháng giêng năm 1947, và lúc đó những vấn đề chưa được giải quyết sẽ được đem ra thảo luận. Đề đốc D’argenlieu có vẻ không muốn cho cụ nói quá nhiều về hứa hẹn họp hội nghị sắp tới, cắt ngang lời cụ Hồ, trịnh trọng tuyên bố rằng những cuộc thương thuyết vừa qua là một bước quan trọng trên con đường đi đến sự thoả hiệp tốt đẹp giữa hai chính phủ, hai dân tộc. Một sự kiện quan trọng xảy ra vào cuối cuộc họp báo đó, được các báo Pháp chú ý đặc biệt, đăng lên thành tít lớn trang nhất.

Sau khi nghe D’argenlieu tuyên bố trịnh trọng như vậy xong, cụ Hồ đột ngột đứng lên, bước lại gần D’argenlieu và giữa lúc chưa ai biết chuyện gì xảy ra, thì cụ Hồ ôm chầm lấy D’argenlieu, như hai anh em thân thiết, hay như hai người bạn cố tri. Dĩ nhiên hình ảnh này được các nhiếp ảnh viên ghi lại trong phim của họ, và hôm sau được đăng rõ ràng trên báo. Nhìn bức ảnh, chúng tôi ở Ba-Lê cũng thấy rõ nét mặt ngơ ngác, hơi khó chịu đến là buồn cười của D’argenlieu. D’argenlieu không còn có thể làm nghiêm được nữa, cho nên ông tươi cười, đưa tay ôm cụ và cảnh này kéo dài có đến hơn một phút. Cụ Hồ theo chiến hạm Suffren ra Hải Phòng, trong lúc các ký giả Pháp ké trên máy bay của quan Cao uỷ D’argenlieu trở vào Sài Gòn. Tàu cặp bến Hải Phòng ngày 23 tháng 10. Quang cảnh đón tiếp cụ Hồ ở Hải Phòng thì dĩ nhiên là những người Việt Nam nào ở đó lúc bấy giờ đều còn nhớ. Tôi chỉ được biết qua những bài tường thuật của báo Pháp, và báo Cứu Quốc được gởi từ Hà Nội sang Pháp vài tuần sau đó. Sự cảm động thương xót và một chút ý thức hài hước làm tôi chú ý và thán phục cụ Hồ về cái tài lợi dụng cả được những sự thất bại để biến thành sự thành công. Trên thực tế, hội nghị Fontainebleau và thoả ước 14 tháng 9 là một thất bại ngoại giao lớn nhất, đau nhất cho cụ Hồ, và cho Việt Nam.

[Bấm chuột vào đây đọc chương kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt