Bên Giòng Lịch Sử 1940 – 1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 11 & 12

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử.  Sau đây là Chương 11 & 12…

[Bấm chuột vào đây đọc chương trước]


Chương 11:
 
Những hoạt động của Hồ Chí Minh trong ba tháng rưỡi ở Pháp 

Một giai thoại được giới Việt kiều thời bấy giờ nhắc đến hoài, làm cho tôi phải nhớ lại. tạp chí Le Paria là một tạp chí cộng sản cực đoan do chính cụ Hồ sáng lập và làm chủ nhiệm, chủ bút, kiêm nhiếp ảnh viên kiêm bình luận gia, trong những năm sau đệ nhất thế chiến, cùng với cụ Nguyễn Thế Truyền. Sau khi cụ Hồ rời nước Pháp, nó chuyển giao cho một đảng viên cộng sản Pháp và Đông Dương. Nó không sóng gió như ngày xưa, nhưng vẫn sống lây lất, và trong những ngày cụ Hồ sang Pháp lần này tạp chí Le Paria đăng một bức thư ngỏ lời cụ Hồ, nói là của những đồng chí do cụ đào tạo, nhưng thấy cụ phản bội nên nhất định chửi cụ, chống cụ. Thư ngỏ như vầy: “Chúng tôi là nhóm đồng chí ít ỏi còn lại do đồng chí (Hồ) đào tạo năm 1925. Những tư tưởng của đồng chí đã thấm sâu vào chúng tôi. Chúng tôi xem đồng chí như biểu tượng cho tất cả những tầng lớp thợ thuyền Việt Nam trẻ. “Chúng tôi không ngờ lại phải mất hết mọi hy vọng sau thỏa ước ngày 8 tháng 3 (giữa cụ Hồ và D’Argenlieu, để Pháp thao túng Nam bộ). Đồng chí đã ký kết một thỏa ước chấp nhận tự trị mà không phải độc lập. Sức mạnh của lòng tin tưởng của chúng tôi đặt vào nơi cụ là lãnh tụ phong trào cách mạng phản đế ngày nay cũng ngang ngửa với lòng căm phẫn của chúng tôi. Chúng tôi lấy làm xấu hổ là ngày xưa đã chọn lầm lãnh tụ. “Nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ tuyệt vọng… Họ sẽ tiếp tục con đường cụ đã vạch nhưng đã không noi theo cho đến cùng”. Số báo Le Paria này đã gây nên một vụ tạm gọi là xì căng đan. Cụ Hồ phản đối chính phủ Pháp, cho rằng chính phủ Pháp cố tình làm rắc rối cho cụ, hạ nhục cụ, chế nhạo cụ. Cụ đòi gặp đại diện nhóm chủ trương tờ Le Paria. Trong một lần gặp gỡ với đại diện bộ ngoại giao Pháp, cụ Hồ đã làm mặt nổi giận, chua cay, trách móc chính phủ Pháp. Đại diện bộ ngoại giao Pháp, chính phủ Pháp đã mắc bẫy, xin lỗi cụ Hồ bao nhiêu lần về vụ này, và những mật vụ Pháp, cán bộ thông tin mật của Pháp sau đó đã phải đi căn dặn các báo cần dè dặt trong mọi bài bình luận, chỉ trích gì đề cập đến cụ Hồ và vấn đề Việt Nam. Trong lúc cụ Hồ ở Pháp, các bào Pháp tuy gọi là tự do, nhưng thông cảm với chính phủ, nên riêng các đề tài Việt Nam, thì coi như có kiểm duyệt. Nhưng mà ý cụ Hồ khi làm mặt giận vì bài báo Le Paria không phải chỉ có như vậy đâu. Cụ muốn lấy cái lập trường quá khích ở Le Paria để làm một tiêu chuẩn so sánh với lập trường thật là ôn hòa, mềm dẻo của cụ, và như thế chứng minh với người Pháp rằng ngày nay cụ và dân tộc Việt Nam đã chọn nước Pháp làm một đồng minh đàn anh, nghĩa là cụ chịu nhượng bộ nhiều lắm, nhưng Pháp cũng nên hiểu cho cụ, đừng bắt cụ nhượng bộ hơn nữa, bởi vì sau lưng cụ, còn những thành phần quá khích không thể nào cho phép cụ lùi thêm bước nữa. Mấy tháng liền, nghĩa là từ ngày 22 tháng 6 đến 13 tháng 9, hội nghị Fontainebleau vẫn tiếp tục. Cụ Hồ bất mãn và thất vọng. Sau mấy phiên nhóm đầu, cụ hoàn toàn giao phó cho các đại diện. Nguyễn Mạnh Hà thường đi dự với nhiều nhiệm vụ, một trong các nhiệm vụ đó là thông ngôn, vì Hà giỏi tiếng Pháp, mà cũng giỏi tiếng Việt. Đôi lúc Hà trở lại gặp tôi và kể cho nghe những chuyện xảy ra trong hội nghị. Cụ Hồ có vẻ không gấp gáp ký bất cứ một hiệp ước gì với Pháp. Người ta có cảm tưởng cụ Hồ cố tình kéo dài hội nghị. Người Pháp thì cũng muốn kéo dài tình trạng nhập nhằng này, có lẽ để cho sự phân chia Nam bộ trở thành vững chắc và tự nhiên hơn. Bên Sài-gòn, chính phủ Nguyễn Văn Thinh trở thành bù nhìn thực sự của Pháp. Cả những cơ quan hành chánh cũng do người Pháp làm trưởng sở. Người Pháp có cảm tình với cụ Hồ nhiều lắm. Nhưng có một điều bất ngờ cụ Hồ lúc sang Pháp không tính đến: những lãnh tụ cộng sản ngày nay ít ai biết đến và thân thiết với đảng viên cộng sản kỳ cựu trong những đảng viên sáng lập đảng cộng sản Pháp, sau đệ nhị thế chiến là Nguyễn Ái Quốc, nay là Hồ Chí Minh. Vì vậy sự hỗ trợ, hay thiện cảm của đảng cộng sản Pháp mà cụ Hồ đã mong mỏi không xảy ra. Trong một buổi tiếp tân vào ngày 25 tháng 6, tức là trước ngày chúng tôi dự tiệc trưa lần thứ nhất với cụ Hồ tổ chức tại khách sạn Royal một cuộc tiếp tân long trọng mời rất đông quan khách. Đảng cộng sản Đông Dương ở Pháp, và cán bộ Việt Minh đi lôi kéo số Việt kiều, khoảng vài trăm người kéo đến quanh Hotel Royal biểu tình hoan hô tình thân thiện Pháp Việt, lúc cụ Hồ tiếp các chính khách, trí thức, nâhn sĩ, báo giới Pháp bên trong khách sạn. Trong buổi tiếp tân này một đảng viên cộng sản Pháp, thuộc hệ phái Trotsky, tức là đệ tứ quốc tế, có hỏi trường hợp cái chết của Tạ Thu Thâu. Cụ Hồ làm mặt buồn rầu, thiểu não, đã trả lời rằng: Ông Thâu là một nhà ái quốc lớn, và chúng tôi rất buồn lòng khi hay tin ông mất. Bị hỏi dồn, ai là thủ phạm thủ tiêu ông Thâu, cụ Hồ đã trả lời gắng gượng: Tất cả những ai đi sai con đường tôi đã vạch, đều phải bị tiêu diệt. Con người cộng sản giáo điều ở cụ Hồ hiện rõ trong câu nói đó, và câu nói tàn bạo đó giải thích được những hành động sau này của chính phủ Việt Minh ở vùng gọi là giải phóng. Có lẽ nhờ tuổi tác, cho nên cụ Hồ nói chuyện thân mật với các thiếu phụ Pháp, đàn bà Pháp rất tự nhiên. Trong cuộc tiếp tân này, tổ chức trong vườn hoa Hotel Royal, cụ Hồ đã tự hái những bông hồng đẹp nhất cài lên áo, lên tóc những bà mệnh phụ tham dự, kèm theo những lời khen áo đẹp, những câu ca tụng nước Pháp. Ngày 13 tháng 7, cụ Hồ mở cuộc họp báo, và các bài tường thuật được đăng trên một vài báo Pháp. Lúc đó báo chí quốc tế chưa chú ý mấy đến vấn đề Việt Nam, vì họ xem đây là một vấn đề nội bộ của nước Pháp. Bộ ngoại giao Pháp cũng đang vận động với các Tòa đại sứ đồng minh, nhất là với Mỹ và Anh, để thu hẹp tầm quan trọng của vấn đề này thành chuyện nội bộ của Pháp. Cuộc họp báo ngày 13-7 đã không có tiếng vang như cụ Hồ mong ước. Trong cuộc họp báo này, cụ Hồ đã xác nhận cụ là Nguyễn Ái Quốc. Cụ trả lời báo Le Monde, đã hỏi cụ về lai lịch của cụ, trong câu hỏi có nêu thắc mắc cụ Hồ có phải là Alias Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc hay không? Cụ Hồ mỉm cười, trả lời một cách mập mờ, nước đôi: “Tôi đã phải sống lén lút, chui rúc, cho nên cái việc đội tên này tên nọ không có gì đáng ngạc nhiên. Và tôi chỉ thực hiện công khai kể từ ngày 20 tháng 8 năm 1945” (ngày tuyên cáo độc lập). Cụ Hồ lên Ba-Lê ngày 22 tháng 6, nhưng mãi đến ngày 2 tháng 7, tức 10 ngày sau, cụ mới gặp thủ tướng Pháp Beorbed Bidault. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và Bidault có vẻ khinh thường cụ Hồ. Trong thông cáo chung cụ Hồ đã hết sức nhún nhường, mềm dẻo: Chúng ta sẽ thành tâm hợp tác với nhau theo tinh thần nhân bản mà các triết gia Khổng giáo cùng các triết gia Tây phương đều chia sẻ, để thiết lập một mối liên hệ mới giữa những con người cùng tự do, và cùng tương quan với nhau. Như chúng ta thấy, bản thông cáo đã cố tình bỏ sót cái ý: giữa hai quốc gia tự do độc lập, tương quan.

Chương 12:
Ngày Cát-To-Duy-Ê ( 14/ 7) 1946: Cụ Hồ thành Quốc Khách của Pháp

Nhờ những cuộc vận động khôn khéo, dần dà cụ Hồ trở thành thượng khách của chính phủ Pháp, của nước Pháp. Chúng ta thấy cụ đã đi từ chỗ ở kín đáo tại thành phố Biarritz, đến Ba-Lê, và vào ngày 14 tháng 7 tức là ngày quốc khánh Pháp, cụ Hồ đã được xếp chỗ ngồi trên hàng ghế danh dự, ngang hàng thủ tướng Bidault. Trong cuộc lễ hôm đó, cụ Hồ đã nhân danh quốc trưởng Việt Nam đặt vòng hoa tưởng niệm lên mồ chiến sĩ vô danh. Từ đây cụ có tư thế một quốc khách của Pháp rồi. Như nói trên ông Bidault là một người có tinh thần thực dân và khinh miệt người Việt Nam lộ liễu. Trong việc sắp xếp chỗ ngồi trong ngày quốc khánh Pháp, cụ Hồ đòi ngồi ngang hàng với ông Bidault, nhưng ông Bidault nhất định không chịu như vậy. Cuối cùng ban nghi lễ phải sắp nhiều khán đài gần nhau, nhưng cái cao cái thấp, hơn kém nhau vài phân. Cụ Hồ được sắp ngồi cũng tạm gọi là ngang hàng với ông Bidault trên khán đài riêng, thấp hơn khán đài ông Bidault vài phân, nhưng ở xa thì thấy ngang nhau. Cụ Hồ được xếp ngồi chung với các lãnh tụ cộng sản như Thorez và các bộ trưởng cộng sản như Tillon (bộ trưởng không quân). Những ngày ở Ba-Lê kéo dài mà không ích lợi gì. Hội nghị Fontainebleau, theo lời kể của Nguyễn Mạnh Hà, thì chỉ là một phiên họp để Pháp ra điều kiện và phái đoàn Việt Minh từ chối cách nào cho khéo léo, để không tan vỡ ngay là được rồi. Cụ Hồ chán nản, và nhân một hôm gặp lại một người bạn Pháp quen thân lâu năm, vợ chồng ông Raymond Aubrac, hiện sống trong một biệt thự rộng rãi ở vùng quê phụ cận Ba-Lê, cụ Hồ để phái đoàn của ông lại Hotel Royal, trong lúc cụ và vài thơ ký dời đến ở nhà ông Aubrac. Vợ ông này là bà Lucie Aubrac, là dân biểu cộng sản trong quốc hội Pháp. Cụ Hồ dời về nhà gia đình Aubrac từ ngày 12 tháng 8 và ở lại đó cho đến ngày 15 tháng 9 tức là ngày cụ rời Pháp trở về Việt Nam. Chính phủ Pháp dành cho cụ Hồ và phái đoàn Việt Minh vài chiếc xe du lịch, tôi nhớ hình như là mấy chiếc Citroen, loại ba hàng ghế, với tài xế và cận vệ cùng một đội cảnh sát. Lúc dời về nhà Aubrac, cụ Hồ đem theo chiếc xe, nhưng yêu cầu khỏi có cảnh sát. Mỗi sáng cụ dậy sớm, duyệt qua các báo Pháp, các bản tường thuật phiên họp hôm trước, rồi dùng sáng với gia đình Aubrac và lên Ba-Lê. Càng kéo dài, hội nghị Fontainebleau càng lâm vào tình trạng bế tắc, đổ vỡ. Fontainebleau là một nơi tuy chẳng xa Ba-Lê lắm, nhưng khí hậu lại lạnh, và phòng họp thì thiếu tiện nghi. Những người Việt Nam tham dự hội nghị có lẽ vì cái rét lạnh không quen ở Pháp, đâm ra lầm lì. Phía phái đoàn Pháp chỉ gồm những chuyên viên cề vấn đề thuộc địa, mà không có một nhân vật chính trị có hạng nào cả. Vì vậy vấn đề được đặt ra đều không thể giải quyết tại chỗ, mà phải chờ phúc trình lên. Điểm bất đồng lớn nhất giữa hai phái đoàn, hai quốc gia, là phía Việt Minh thì muốn đứng trên lập trường một quốc gia độc lập, chủ quyền, để thương thuyết về mối liên hệ theo pháp lý quốc tế, với một quốc gia bạn. Trong lúc phía Pháp muốn coi hội nghị này như một cuộc họp nội bộ giữa chủ và tớ, mà chủ dĩ nhiên là nước Pháp. Họ chỉ muốn phái đoàn Việt Minh chấp thuận những ân huệ của Pháp, nếu có sửa đổi thì chỉ sửa đổi đôi chút thôi. Điểm bất đồng quan trọng thứ hai, là phái đoàn Việt Minh quan niệm nước Việt Nam thống nhất từ Cà Mau đến Nam Quan, do một chính phủ và dĩ nhiên là chính phủ Việt Minh cai trị. Phái đoàn Pháp theo chỉ thị của chính phủ và dựa theo thỏa ước tháng 3, thì coi vấn đề lãnh thổ Việt Nam chưa được giải quyết: Nam bộ đã có chính phủ tự trị dưới nhãn hiệu giả Nguyễn Văn Thinh, nhưng được hứa là sẽ có tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định sát nhập hay tách riêng. Trung và Bắc kỳ thì có thể trao cHồ Chính phủ Việt Minh, nhưng chính phủ này phải công nhận tính cách chuyển tiếp, lâm thời và phải chờ sau cuộc trưng cầu dân ý toàn cõi Việt Nam mới dứt khoát. Tuy nhiên có một điều mà chính phủ Pháp không biết và nếu biết thì có lẽ hội nghị Fontainebleau không tan vỡ, chính phủ Việt Minh coi việc thống nhất ba miền quan trọng hơn vấn đề độc lập. Do đó nếu Pháp chịu để cho ba miền thống nhất, thì Việt Nam có thể chấp nhận qui chế tự trị trong liên hiệp Pháp. Nhưng lúc bấy giờ Pháp theo chủ trương và mưu kế của D’Argenlieu, đã tách Nam bộ thành cộng hòa Nam bộ tự trị, cho nên bây giờ nhượng bộ điểm này ngay, khi chưa có trưng cầu dân ý thì có vẻ Pháp chịu thua sao. Cho nên Pháp không nhượng bộ về vấn đề thống nhất lãnh thổ. Đến ngày 12 tháng 9, hội nghị Fontainebleau kể như tan vỡ. Một phần phái đoàn Việt Minh đã rời nước Pháp trở về Hà Nội. Một thông cáo của phái đoàn Việt Minh được phổ biến, cố che dấu sự thất bại, cố mở rộng cửa thương thuyết. Thông cáo không có nói đến những điều gì đã thỏa thuận được, mà chỉ nói rằng hai chính phủ “mong ước” sẽ tiếp tục nói chuyện nhau ở những cấp bộ địa phương về những thỏa ước giới hạn. Tại Hà Nội những phần tử quá khích rục rịch nổi lên chống lại Việt Minh. Khi hay tin hội nghị Fontainebleau thất bại, các đảng phái cách mạng đã công khai chỉ trích chính phủ Việt Minh và cụ Hồ. Vì vậy cụ Hồ muốn mang về nước ít ra một thỏa ước nào minh bạch hơn là một bản thông cáo không có giá trị gì hết. Cụ chỉ còn trông cậy vào một con đường: ký với Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, tức là bộ Thuộc Địa Pháp, một thỏa ước kiểu đó. Dĩ nhiên đây là một thiệt thòi nhục nhã cHồ Chính phủ Việt Minh: quốc trưởng một quốc gia, dù nhỏ bé không thể nào hạ mình ký kết với một bộ trưởng, lại là bộ trưởng bộ Thuộc Địa. Làm như vậy đương nhiên cụ Hồ nhận chịu cho Việt Nam làm xứ thuộc địa, chấp nhận uy quyền của thực dân Pháp và riêng cụ trở thành bề dưới của Marius Moutet, bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp.

[Bấm Vào Đọc Chương Tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt