Bên Giòng Lịch Sử 1940–1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 42 & 43
Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử. Sau đây là Chương 42 & 43: “Cuộc đảo chánh và cái chết của TT Ngô Đình Diệm & Tôi trở lại Huế”
[Bấm chuột vào đây để đọc chương trước]
Chương 42:
Cuộc đảo chánh và cái chết của Tổng thống Diệm
Theo một tài liệu được tiết lộ tại Quốc hội, thì từ khi trở lại chức vụ giám đốc Việt Nam vụ, ông Kettenburg chủ xướng một phong trào chống ông Diệm, gây ác cảm với ông Diệm trong hàng ngũ chính khách và Bộ ngoại giao Mỹ. Ông đã thành công ngoài sức tưởng tượng, nhờ những sự vụng về của ông Diệm trong vụ Phật giáo. Báo chí Mỹ khi nghe nói đến đàn áp tôn giáo thì lập tức có thiện cảm với kẻ bị đàn áp và chống lại chính quyền chủ trương đàn áp.
Một bằng chứng khác về thái độ ác cảm của Mỹ lúc bấy giờ đối với ông Diệm, là trước ngày đảo chính vài tháng Mỹ ngưng tài trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB), do đại tá Lê Quang Tung chỉ huy, chỉ vì một lý do duy nhất là đơn vị thiện chiến này ủng hộ ông Diệm.
Mặc khác, Mỹ cũng ngưng viện trợ mười hai triệu Mỹ kim cho Việt Nam để mua thực phẩm và máy móc. Những hành động có tính cách áp lực của Mỹ lập tức gây ra những hậu quả trông thấy. Trước hết một số tướng lãnh, quân nhân cao cấp nhận thấy Mỹ đã bật đèn xanh cho họ tổ chức đảo chánh. Ngoài dân chúng, vật giá vọt tăng lên gây bất mãn nặng nề đối với chế độ hiện thời. Giá Mỹ kim đang ở khoảng 75 đồng Việt Nam tăng vọt giá gấp đôi, một Mỹ kim đổi được 170 mươi đồng Việt Nam.
Ông Diệm và ông Nhu biết những tin đồn về một cuộc đảo chánh, nhưng vẫn không tin rằng Mỹ chủ động.
Tuy nhiên hai ông cũng biết rằng ông đại sứ Henre Cabot Lodge lúc mới đến Sài Gòn, trước khi vào trình uỷ nhiệm thư đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo phong trào Phật giáo đấu tranh chống ông Diệm. Trong một cuộc tiếp xúc với ông Lodge, ông Diệm nêu lên những tin đồn về một cuộc đảo chánh và hỏi thái độ của Mỹ, của Toà đại sứ Mỹ trong trường hợp đó như thế nào. Ông Lodge đã trả lời cách mỉa mai rằng Toà đại sứ Mỹ lúc nào cũng sẵn sàng giúp ông bảo toàn tánh mạng và ra khỏi nước yên lành.
Đêm hai mươi bốn tháng tám, một điện tín khẩn của Bộ ngoại giao Mỹ theo lối ám hiệu phổ biến trên đài tiếng nói Hoa Kỳ: Nhờ bạn mua dùm một chai Whisky tại P.X, đó là ám hiện nói rằng ngày giờ hành động (đảo chánh) đã rất gần, hãy chuẩn bị gấp. Cũng trong chương trình phát thanh đó, đài tiếng nói Hoa Kỳ công khai xúi giục các đơn vị quân đội chống lại ông Diệm.
Hôm sau, ông Diệm điện mật cho các chỉ huy trưởng gởi kiến nghị và điện văn để chống lại lời xúi giục của Mỹ và lên tiếng ủng hộ ông.
Tôi vừa buồn phiền, vừa lo lắng khi nghe những tin tức trên đây, và mong muốn được hiểu rõ tình trạng trong nước hơn, nhưng như đã nói lúc này ông Diệm cho người canh chừng tôi, báo cáo lên ông Nhu và ông Diệm mọi sự đi lại của tôi nên tôi không thể đến gặp bất cứ ai, nhiều khi tôi muốn viết một bản điều trần thứ hai, cảnh giác ông Diệm một lần chót.
Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã làm hết sức mình. Ông Diệm đã nghe ý kiến tôi, bây giờ có nhắc lại những khuyến cáo chân thành trước, thì chỉ làm cho ông Diệm khó chịu mà chẳng ích lợi gì. Tôi cũng hết sức thất vọng từ khi nghe Đức khâm sứ nói chuyện với tôi và cho biết ông Diệm đã có thái độ và đường lối chủ trương cứng rắn, sau cuộc họp Hội đồng gia tộc thu hẹp.
Tôi chẳng còn biết làm gì hơn là ngồi nhà mở radio nghe đủ các đài và càng nhận thấy rõ ràng hơn là người Mỹ đã thực hiện lời đe doạ trước đây, nhắn nhủ qua tôi: cuối năm 1963 phải thanh toán ông Diệm thực sự.
Một sự nhầm lẫn tai hại khác của ông Diệm là đã chọn một vị tướng lãnh làm Tổng trấn Sài Gòn, lúc bấy giờ, vì tin tưởng vị tướng ấy trung thành tuyệt đối với ông, với chế độ. Quả thực lúc đầu tướng Đ. lên nắm quyền Tổng trấn chưa có ý nghĩ lật đổ ông Diệm.
Nhưng vào giữa tháng 10 khi tướng Đ. tìm cách đưa các đơn vị LLĐB của đại tá Lê Quang Tung đi xa Sài Gòn lấy cớ rằng các mặt trận khác cần đến LLĐB hơn là Sài Gòn vì tại Sài Gòn, ông đủ quân số thiện chiến và trung thành phòng ngừa mọi bất trắc, thì người ta thấy ngay sự thay đổi lập trường của tướng Đ.
Tôi nghe một nhà báo Mỹ nói rằng Mỹ và những kẻ chủ mưu đã tốn rất nhiều công khó và cơ mưu để thu phục tướng Đ về phe đảo chánh.
Tôi nghe một nhà báo Mỹ nói rằng, Mỹ và những kẻ chủ mưu một nhân viên C.I.A Mỹ đã tiếp xúc với một thầy tướng số mà tướng Đ rất tin nghe để ông thầy tướng này dùng tướng số bói toán lung lạc lập trường của tướng Đ. Người Mỹ đã nghiên cứu kỹ tính tình, tâm lý và gần như là một cuộc phân tâm học kỹ lưỡng cho tất cả các tướng lãnh Việt Nam có chức quyền thời bấy giờ, và đã dựa vào những hiểu biết tâm lý đó để xúi giục họ chống lại ông Diệm. Đại loại thì lúc bấy giờ ông tướng này cũng thấy mình nhỏ bé trước mặt ông Diệm, Đức cha Thục và cả bà Nhu và họ đã dùng những người thân cận để nịnh bợ, đề cao, xúi giục.
Một người Mỹ, sau ngày đảo chánh đã kể lại rằng những tướng lãnh Việt Nam rất tin tướng số. Người Mỹ biết điều đó đã khổ công mua chuộc các thầy tướng số được các tướng lãnh tin nghe để các ông thầy tướng nói cho họ rằng còn ông Diệm thì sự nghiệp quân sự và chính trị của họ khó mà thành công được.
Các thầy tướng thường thạo chữ nho, dùng lối chiết tự tên tuổi của các tướng lãnh, nói tên của những người trong gia đình họ Ngô, để chứng minh rằng trên cuộc đời của họ có một chướng ngại vật to lớn mà theo lối chiết tự, thì chướng ngại vật đó không ai khác hơn anh em ông Diệm. Từ chỗ đó gợi cho họ có ý phải loại trừ ông Diệm, quả thật chẳng khó khăn chi lắm. Người Mỹ cũng đã hết ủng hộ ông Diệm và bất cứ hành động chống đối ông Diệm nào cũng được Mỹ thuận tình.
Sau ngày Quốc khánh năm 63, tức là ngày 26-10, những tin đồn về các cuộc đảo chánh lại càng được loan truyền khắp nơi. Tôi chẳng đi đâu cũng được nghe đầy đủ những tin đồn đó. Hình như ngày 30 hay 31-10 tôi được một người quen cho biết các đơn vị LLĐB của đại tá Tung đã được lệnh của Tổng thống rời Sài Gòn gấp. Ngày 31-10 ông Diệm tuyên bố trả tự do cho tất cả những tăng ni Phật tử bị bắt trong các cuộc biểu tình và khám xét chùa chiền trước đây.
Điều kỳ cục là chính tin này đã làm cho cuộc đảo chánh xảy ra ngày hôm sau, 1-1. Điều đó nghĩ lại cũng dễ hiểu. Phe chủ trương đảo chánh có một số người Mỹ trong đó, lo sợ biện pháp hoà dịu của ông Diệm sẽ làm cho Phật giáo hết chống đối chế độ, và như thế đã gỡ được một cái ngòi chống đối, cho nên họ phải hành động gấp trước khi những kẻ bị bắt giam thật sự được phóng thích. Trước hành động này của ông Diệm hình như một số người Mỹ trong đó có đại sứ Lodge có vẻ bớt quyết liệt trong chủ mưu hạ ông Diệm.
Trong cuộc tiếp xúc cùng ngày 1-11-1963 giữa ông Diệm và ông Lodge và Đô đốc Marry Felt, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Viễn đông ở dinh Gia Long, ông Lodge đã nói rằng ông hy vọng tình hình chính trị sẽ được cải thiện. Đô đốc Felt rời Sài Gòn ngay sáng hôm đó, và hình như những người Mỹ tổ chức chương trình thăm viếng Đô đốc Felt muốn tránh cho ông trường hợp khó xử trên nếu ông ở lại thêm vài giờ. Điều này đủ chứng tỏ người Mỹ biết rõ cuộc đảo chánh sắp xảy ra trong ngày này.
Cuộc đảo chánh đã được quyết định vào ngày 1-11, thứ sáu nhằm lễ các Thánh giờ khởi sự định vào lúc 1 giờ 30 chiều. Trong sáng thứ sáu 1-11, dân chúng thấy nhiều đoàn xe nhà binh chở đầy lính tráng có súng ống chạy qua lại nhiều đường phố Sài Gòn.
Những việc tôi kể sau đây, đúc kết những tin tức, hiểu biết thu lượm về sau, về sự chính xác khó được hoàn toàn. Sáng 1-11, khoảng chín giờ, Đô đốc Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh hải quân Việt Nam tiếp hai sĩ quan thân cận đến chúc mừng ngày sinh nhật của ông.
Mở đầu câu chuyện hai người này yêu cầu ông Quyền theo phe Cách mạng, nhưng ông Quyền từ chối và đã bị bắt lên xe hơi đem ra ngoại ô thủ tiêu ngay lập tức. Tuy vậy Hải quân vẫn trung thành với ông Diệm.
Vào trưa ngày thứ sáu, các đơn vị tham gia cuộc đảo chánh đã chiếm giữ các vị trí then chốt trong và quanh đô thành bao vây dinh Gia Long, thành Cộng Hoà, tức là căn cứ của Liên binh phòng vệ phủ Tổng thống, tiếng súng đầu tiên nổ khoảng 1 giờ 30. Chỉ có hai nơi chống trả thật sự là Bộ Tư lệnh hải quân ở bến Bạch Đằng và thành Cộng Hoà.
Vào lúc gần 5 giờ chiều, đài phát thanh Sài Gòn loan tin cuộc đảo chánh và đọc đi đọc lại nhiều lần tuyên ngôn của phe đảo chánh. Lúc đó ông Diệm điện thoại cho đại sứ Lodge báo tin rằng một vài đơn vị quân đội nổi loạn và hỏi thăm thái độ của Mỹ đối với vụ này ra sao. Ông Lodge trả lời lạnh lùng rằng: ông đang nghe một vài tiếng súng ngoài đường phố, và nếu ông Diệm cần được bảo đảm sự an toàn sinh mạng thì ông có thể cho một trực thăng đến chở hai anh em ông đến Toà đại sứ, lên Tân Sơn Nhất đi ngoại quốc. Nghe đâu ông Diệm và ông Nhu đã giận dữ nói rằng: ông sẽ dẹp tan đám quân nổi loạn hôm nay như đã làm lần trước 11-11-1960. Ông Lodge nhắc lại rằng nếu ông Diệm và ông Nhu cần giúp đỡ để bảo vệ sinh mạng và ra ngoại quốc thì lúc nào ông cũng sẵn sàng.
Vào sẫm tối khoảng 8 giờ chiều anh em ông Diệm thoát ra ngõ sau dinh Gia Long, nghe nói theo một đường hầm từ dinh trổ ra một căn nhà ở đường Lê Thánh Tôn, rồi dùng xe hơi mang bảng số đến nhà Mã Tuyên. Tại đây ông Diệm và ông Nhu vẫn chưa hiểu rõ tình hình, tin tưởng rằng tướng Đ. vẫn còn trung thành và gọi điện thoại cho tướng Đ. nhiều lần.
Lần cuối tướng Đ. đã xẵng giọng trả lời ông đã cứu thoát ông Diệm nhiều lần, nhưng lần này thì không thể được. Có lẽ chính những lần gọi điện thoại đã giúp cho phe đảo chánh biết được nơi ẩn nấp của ông Diệm và ông Nhu. Sáng ngày thứ bảy 2-11, ông Diệm và ông Nhu vừa từ nhà Mã Tuyên đến nhà thờ Thánh Phan-Xi-Cô Xa Vi Ê còn được gọi là nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn được vài phút thì ba xe thiết giáp đến bao vây nhà thờ.
Tướng Mai Hữu Xuân đích thân chỉ huy cánh quân này cùng với thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, tuỳ viên của tướng Dương Văn Minh.
Quân đảo chánh ập vào nhà thờ, bắt trói anh em ông Diệm kéo lên xe thiết giáp. Những chuyện xảy ra sau đó được kể lại tuỳ theo từng nhân chứng, có nhiều chi tiết mâu thuẫn.
Trong ngày thứ bảy 2-11, đài phát thanh loan tin anh em ông Diệm tự tử sau khi bị bắt. Sau đó lại có bản tin nói rằng ông Nhu đã chống cự, xỉ vả quân cách mạng gây một cuộc xô xát nên bị bắn chết và cái chết xảy ra như một tai nạn vô tình.
Khi xác chết anh em ông Diệm được đưa vào nhà thương Saint-Paul thì dây trói quặt cánh khuỷu hai người vẫn còn nguyên.
Trên ngực ông Nhu có nhiều vế thương sâu do dao đâm vào và một vết đạn súng lục trên đầu. Trên thân thể ông Diệm, chỉ có một vết thương ở đầu.
Một người lính thiết giáp kể rằng ông Nhung (thiếu tá) vốn có một người bà con theo đảng Đại Việt bị bắt và xử tử hay thủ tiêu trong thời kỳ cực thịnh của chế độ họ Ngô, đã cãi vả mắng chửi ông Nhu.
Ông Nhu nhìn ông Nhung cách lạnh lùng, khinh bỉ, và nói vài tiếng tỏ ý khinh miệt.
Ông Nhung đã giật súng có gắn lưỡi lê của một người lính thiết giáp đâm ông Nhu nhiều lát sau lưng, rồi ông Nhu ngã gục nhưng vẫn chưa chết ngay, thì ông Nhung bắn một phát đạn súng lục vào đầu. Các cuộc khám nghiệm sau đó và các phóng ảnh cho thấy ông Nhu bị nhiều vết thương do vật bén nhọn đâm từ lưng trổ ra bụng, và một vết đạn ở đầu.
Sau khi ông Nhu bị đâm nhiều lát, ông Nhung đã bắn một phát súng lục vào đầu ông Diệm, và phát đạn này kết liễu cuộc đời ông Diệm ngay lập tức.
Một người khác kể thêm rằng, khi bắt được hai anh em ông Diệm trói quặt cánh khuỷu, dẫn từ trong nhà thờ ra xe thiết giáp, tướng Mai Hữu Xuân đã đánh điện về các tướng lãnh tại Bộ Tổng tham mưu chỉ huy cuộc đảo chánh xin chỉ thị, sau một lúc bàn cãi, các tướng lãnh đã bỏ phiếu với đa số quyết định phải thủ tiêu ông Diệm gấp, vì lo sợ nếu để ông Diệm sống sót, thì một số đơn vị quân đội có thể ủng hộ ông chống lại phe đảo chánh.
Hiện nay về cái chết của anh em ông Diệm, nhiều người trong cuộc biết rõ, nhưng phần lớn đang sống nên không ai chịu nói ra, vì vậy nhiều bí mật vẫn còn bao trùm xung quanh. Một điều làm tôi chua xót là chuyện ông Cẩn.
Ông Cẩn khi hay tin hai ông Diệm và Nhu bị giết, đã liên lạc với Toà lãnh sự Mỹ tại Huế xin được tị nạn trong Toà lãnh sự Mỹ nhưng đã bị từ chối và hình như chỉ thị từ chối từ Toà Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gởi ra.
Lúc bấy giờ ông Cẩn đã đến ẩn núp tại dòng Chúa cứu thế ở Huế, và các Cha dòng Chúa cứu thế muốn cho ông Cẩn được an toàn tính mạng đã xin cho ông Cẩn được tị nạn trong Toà lãnh sự Mỹ.
Toà lãnh sự Mỹ điện cho Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, và một máy bay Mỹ ra Huế chở ông Cẩn vô Sài Gòn tưởng là để cho ông Cẩn tị nạn tại Toà Đại sứ, chờ cơ hội ra khỏi nước nhưng sự kiện đau đớn là Toà Đại sứ Mỹ đã giao ông Cẩn cho phe đảo chánh. Về trách nhiệm của Mỹ trong vụ đảo chánh này tôi xin ghi lại một đoạn trong những lời tiết lộ của ông Nhu với nữ ký giả Sugan Lebin:
“Ông Lodge luôn luôn hành động chống lại chúng tôi, với một thành kiến bất di bất dịch mà quan thái thú tại một xứ bảo hộ có thể có được, trước đây ba mươi năm đối với một xứ bảo hộ. Mặc dù Tổng thống Ngô Đình Diệm cố gắng hết sức để chứng minh rằng mỗi cái trò chơi của ông Lodge chắc chỉ có thể làm lợi cho Cộng sản, và đang rơi vào bẫy của Cộng sản nhưng càng cố gắng chứng minh sự thật, thì ông Lodge lại càng hiểu ngược ý chúng tôi.
Ông Lodge đã có gan buộc tôi và vợ tôi rời khỏi Việt Nam. Cô thử tưởng tượng nếu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn lên tiếng buộc Tổng thống Kennedy phải ra lệnh cho bào đệ của ông là TNS Robert Kennedy và em dâu phải rời Mỹ, thì phản ứng của gia đình Kennedy sẽ như thế nào?
Theo những gì chúng tôi được nghe, được thấy, thì ông Đại sứ Lodge không hề làm phận sự một Đại sứ tại quốc gia độc lập đồng minh, là nâng cao tinh thần chiến đấu và hợp tác của quân đội Mỹ được gởi đến đây giúp chúng tôi chống Cộng sản mà ông ta chỉ lo việc âm mưu chống lại chính phủ hợp pháp mà ông đã đến trình uỷ nhiệm thơ…”
Nhìn lại tấn tuồng đảo chánh những việc trước và sau đó chúng ta không khỏi bùi ngùi cho số phận một dân tộc nhược tiểu, mang tiếng độc lập, nhưng mối dây cai trị đều trong tay một thế lực ngoại quốc.
Sau ngày lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, những xáo trộn và hỗn loạn chính trị, xã hội đã xảy ra đúng như sự lo sợ của tôi. Một vài người biết sự bạc đãi của ông Diệm đối với tôi trong ngày cùng của chế độ, đã đến gặp tôi gần như để chia mừng. Có người nói với tôi: Những điều Cha cảnh cáo cụ Ngô bây giờ xảy ra đúng như tiên tri, có lẽ Cha hài lòng lắm. Tôi đã cau mặt xin người đó đừng nói vậy, vì dù sao thì ông Diệm đối với Tôi cũng có mối tình tri ngộ, tình bằng hữu.
Tôi không hề mong cho ông Diệm và các chế độ của ông sụp đổ mà chỉ mong sao cho ông và chế độ của ông tránh được những lầm lỗi để tồn tại, hướng dẫn dân tộc Việt Nam qua đại nạn. Tôi đau xót nhiều hơn là hài lòng vì mình biết rằng những điều phải xảy ra.
Vài ngày sau khi hay tin ông Diệm mất, tôi được biết những đứa con của ông Nhu còn được phe cách mạng giam giữ.
Chính thức tôi không có tư cách gì để can thiệp nhưng tôi đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Công giáo trong đó có Đức Khâm sứ Toà thánh, để ngỏ ý nhờ ngài can thiệp cho những đứa con của ông Nhu được gởi sang La Mã gặp bà Nhu. Hình như lúc bấy giờ phe cách mạng đang gặp những phản ứng bất lợi của giới ngoại giao tại Sài Gòn, và dư luận thế giới cho nên muốn có cơ hội xoa dịu sự phẫn nộ của giới ngoại giao và dư luận thế giới bằng hành động nhân đạo.
Việc cho phép các con ông Nhu đi ngoại quốc đã được coi như cơ hội chuộc tội và phe cách mạng đã cho các con ông Nhu ra ngoại quốc một cách dễ dàng.
Những ngày đầu tháng 11 thỉnh thoảng tôi ra đường nhìn cảnh tượng sinh viên dân chúng hân hoan chào mừng những đơn vị tham dự đảo chánh, hò reo ủng hộ các tướng lãnh đảo chánh, tôi thấy lo hơn mừng. tôi biết phản ứng của đám đông, nhiều khi chân thành nhưng sai lầm, thiếu thận trọng và đắn đo. Sự bồng bột của đám đông là sức mạnh lớn, đáng sợ nhưng khó bền bỉ nếu không được nuôi dưỡng và sẽ rất nguy hiểm, nếu bị hướng dẫn sai lầm. Tôi lo sợ những phản ứng quá khích của dân chúng và phe cách mạng sẽ đạp đổ mọi công trình xây dựng của ông Diệm, kể cả những việc làm chính đáng hữu ích cho dân tộc.
Tôi nghe kể những màn cướp giựt, hôi của dinh Gia Long, những cảnh đốt phá đối với vài cơ sở được coi là của chế độ cũ hay thân chế độ cũ mà ngao ngán.
Tôi lại nghe một tướng lãnh cầm đầu phe cách mạng tuyên bố rằng ấp chiến lược không cần thiết, không ích lợi, những hàng rào quanh ấp chiến lược là hàng rào nhà tù.
Không cần ông phải ký sắc lệnh cho phép dân chúng phá các hàng rào ấp chiến lược thì các cán bộ nằm vùng của Cộng sản cũng dựa lời tuyên bố vội vàng hớ hênh đó, giải thích sai lạc thêm lời tuyên bố đó, để mở ra một phong trào phá bỏ ấp chiến lược, gỡ rào, san bằng hào luỹ giải giới thanh niên chiến đấu. Nhiều ấp chiến lược trước đây lập được những thành tích ngăn chận Cộng sản hữu hiệu, nay thanh niên chiến đấu và cán bộ công dân lo sợ bị tân chế độ đàn áp bắt bớ, vứt súng bỏ trốn, bỏ ngỏ các ấp chiến lược lại cho du kích Việt cộng và các cán bộ nằm vùng. Việt cộng xúi dân nổi lên phá hàng rào, san luỹ, giải giới thanh niên chiến đấu, mở ngỏ đón bọn Cộng sản nằm vùng. Nhiều ấp chiến lược kiểu mẫu, qui tụ phần lớn giáo dân trở thành nạn nhân đầu tiên của phong trào sai lầm này.
Tại thành phố Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế một vài hành động kỳ thị tôn giáo được khai thác, thổi phồng. Những đám đông Phật giáo quá khích suy luận sai lầm, qui tội lỗi cho Công giáo rục rịch kéo đến xóm đạo mở đầu những cảnh đốt phá hành hạ đàn áp giáo dân.
Rất may uy tín và uy quyền của Mỹ tại Việt Nam còn rất mạnh, và các tướng lãnh thuộc phe đảo chánh cũng rất sợ dư luận Mỹ cho nên đã kịp thời ngăn chận những vụ kỳ thị tôn giáo vừa phát khởi, như vụ lộn xộn ở khu trường Nguyễn Bá Tòng, Thanh Bồ, Đức Lợi. Tuy vậy một bàn tay bí mật nào đó có thể là Cộng sản đã cố tình thổi phồng sự kỳ thị tôn giáo, gây thêm hiềm khích và chia rẽ giữa người Công giáo Việt Nam và dân chúng Việt Nam không Công giáo.
Cũng rất may các lãnh tụ Phật giáo nhiều lần chính thức lên tiếng khuyên ngăn những vụ kỳ thị do các đám đông quá khích gây ra ở một vài nơi. Nhờ những điều đó mà nạn kỳ thị tôn giáo, bắt bớ người công giáo đã không xảy ra quy mô và toàn diện như lo sợ của tôi.
Cũng vài hôm sau tôi hay tin ông Cẩn trước trốn vào dòng Chúa cứu thế rồi đến tị nạn tại Toà lãnh sự Mỹ tại Huế và được một máy bay riêng của Toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn ra đón vào Sài Gòn.
Tôi đã biết vị Đức Khâm mạng Toà thánh can thiệp với ông Đại sứ Mỹ, xin cho ông Cẩn thoát chết, và được ông Lodge cam đoan sẽ bảo đảm sinh mạng cho ông Cẩn, nên tôi đinh ninh ông Cẩn vào Sài Gòn rồi sẽ được giam trong ít lâu và sẽ được phép lưu vong.
Vì nhân đạo cũng như vì thân thiện giữa tôi và ông Cẩn, tôi rất lo lắng cho tánh mạng của ông. Nhưng lúc này tôi không biết làm cách nào để giúp đỡ ông. Tôi chỉ còn biết tìm gặp một vài người trong tân chế độ trình bày cho họ hiểu ông Cẩn không có tội lỗi và trách nhiệm gì lớn lao nào trong vụ đàn áp Phật giáo miền Trung, trái lại như tôi đã trình bày trước, ông Cẩn đã hết sức can thiệp với chánh quyền địa phương cũng như Đức cha Thục để ngăn ngừa những hành động sai lầm của chánh quyền địa phương và Trung ương đối với Phật giáo.
Tôi nhận thấy ông Cẩn là một người không đến nỗi xấu xa gì hơn ai, và dù sao thì với hai cái chết của ông Diệm và ông Nhu, những người của tân chế độ không nên mang thêm một cái chết thứ ba của ông Cẩn vào lương tâm. Tôi trình bày những sự lợi hại đó với một vài người của tân chế độ để yêu cầu họ suy xét kỹ lưỡng trước khi có quyết định nào đối với tánh mạng ông Cẩn.
Chương 43
Tôi trở lại Huế
Sự việc đang ở chỗ đó thì tôi được tin một Ủy ban đại diện các sinh viên và giáo sư Đại học Huế vào Sài Gòn gặp tôi. Trước hết họ trình bày sự kính mến của họ đối với tôi, và yêu cầu tôi trở lại giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Huế.
Tôi cũng hơi vui mừng vì nhận thấy những việc làm của mình suốt thời gian làm Viện trưởng Đại học Huế ít ra còn để lại một số tình cảm tốt đẹp cho sinh viên và giáo sư Huế.
Nhưng thật tình tôi đã mệt mỏi lắm, và cũng không muốn mang tiếng là một người phục vụ chế độ ông Diệm, nay ông Diệm mới khuất, chế độ mới đổ mà tôi đã vội vàng nhận sự ưu đãi của tân chế độ, của những người lật đổ ông Diệm.
Dĩ nhiên là những ưu tư này tôi không thể trình bày thẳng với phái đoàn đại diện Viện Đại học Huế được, tôi tìm cách từ chối khéo và nói với họ:
-Các anh em có lòng tốt tưởng nhớ đến tôi, làm tôi rất cảm động và ghi nhớ tấm lòng đó của anh em. Nhưng quyền làm Viện trưởng hay không, thì không ở trong tay tôi. Tôi là một công dân Việt Nam. Trước đây ông Diệm với tư cách Tổng thống Việt Nam yêu cầu tôi giữ chức Viện trưởng thì tôi nhận và hết lòng làm việc cho Viện Đại học Huế lớn mạnh. Nay quốc gia chúng ta có một chính quyền mới, thì sự quyết định cử tôi làm Viện trưởng hay cử ai khác thay thế ông Viện trưởng Trần Hữu Thế là quyền của chính quyền đó. Anh em đến thăm tôi thì tôi xin cám ơn và gửi lời cám ơn tất cả anh em sinh viên, khoa trưởng, giáo sư Viện Đại học Huế, nhưng việc nhận chức Viện trưởng như lời yêu cầu anh em thì không thuộc quyền tôi, vậy các anh em nên nói với những người hữu trách trong tân chế độ thì hơn.
Tôi hiểu một vài người bạn, hoặc quen biết nghĩ rằng tôi đã được ông Diệm tin dùng thì nên giữ tiết tháo, đóng cửa nằm nhà đọc sách lo việc đạo thì hơn là trở ra làm việc với chính quyền mới. Một vài người theo quan niệm ấy đã gửi nhắn lời đến can gián tôi, khi hay tin có một phái đoàn đại diện Đại học Huế vào tiếp xúc với tôi. Những lời can gián đó cũng làm tôi suy nghĩ khá nhiều và quả thực tôi do dự. Nhưng tôi đinh ninh rằng tân chính phủ không hề nghĩ đến việc cử tôi làm Viện trưởng Viện Đại học Huế lần thứ hai.
Tuy nhiên tôi cũng lo lắng đến những xáo trộn ở Huế, những kỳ thị tôn giáo có thể xảy ra ở vùng miền Trung nơi mà tâm lý dân chúng có những phản ứng quá khích. Tôi nghĩ rằng nếu trở lại chức vụ Viện trưởng Đại học tôi có thể chứng minh được rằng trước cũng như bây giờ, đạo công giáo không hề có chủ trương kỳ thị tôn giáo.
Tôi cũng hy vọng với những cảm tình mà sinh viên Đại học Huế dành cho tôi, tôi có thể ngăn chận được phần nào cái hoạ kỳ thị tôn giáo. Tôi biết ở Huế sinh viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong sinh hoạt xã hội và chính trị, cho nên nếu sinh viên Huế không gia nhập vào các hoạt động kỳ thị tôn giáo thì quần chúng Huế sẽ khó gây ra những vụ kỳ thị đáng kể nào.
Những điều này tôi chưa nói ra, mặc dầu đến nay vẫn còn nhiều người trách tôi đã nhận chức Viện trưởng Viện Đại học Huế lần thứ hai, do chính quyền cách mạng bổ nhiệm. Bây giờ chúng tôi nói ra không phải để biện hộ cho mình, nhưng chỉ để nói lên một nỗi ưu tư của tôi.
Sau khi nghe tôi trình bày như vậy, phái đoàn Đại học Viện Đại học Huế lên gặp các tướng lãnh phe cách mạng và tân Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ. Ít hôm sau tôi được ông Nguyễn Ngọc Thơ mời lên gặp và chính thức yêu cầu tôi trở ra Huế giữ chức Viện trưởng Viện Đại học Huế.
Trong những câu chuyện ông Thơ cũng tỏ ý lo lắng rằng, nếu sinh viên Huế không có một vị Viện trưởng có uy tín hướng dẫn, thì có thể tham gia vào những phong trào kỳ thị tôn giáo gây ra không biết bao nhiêu tang thương cho đất nước và khó khăn cho chính phủ. Đại tướng Dương Văn Minh cũng mời tôi vào gặp riêng và ông cũng tỏ ý lo sợ tương tự như ông Thơ. Những lời nói của hai vị này làm tôi suy nghĩ thêm và ảnh hưởng đến quyết định và nhận lời yêu cầu của họ.
Tôi chưa ra Huế liền, mặc dầu ít hôm sau khi tiếp xúc với ông Thơ và tướng Minh đã có sắc lệnh bổ nhiệm tôi làm Viện trưởng Viện Đại học Huế. Tôi đi gặp các Đại sứ ngoại quốc tại Sài Gòn và ông Giám đốc phái bộ viện trợ Mỹ.
Trước hết tôi đến gặp Đại sứ Đức là ông Von Wenland. Ông này phàn nàn về cái chết của ông Diệm và ông Nhu. Tuy nhiên ông biết ông Diệm và chế độ của ông không tránh khỏi một vài tiếng khiếm khuyết nhưng không ai có thể phủ nhận những thiện chí của ông Diệm đối với quốc gia.
Cái chết của ông Diệm làm cho tương lai Việt Nam trở nên đen tối hơn. Tôi còn nhớ một đoạn trong câu chuyện của ông Đại sứ Đức:
– Tôi không theo tôn giáo nào cả, nhưng tôi tin rằng giờ đây linh hồn ông Diệm sẽ phảng phất nơi đây và sẽ gieo nhiều tai hoạ cho xứ sở mình. Mặt ông đượm buồn và giọng ông hết sức chua chát. Ông cho biết ông đã đệ đơn từ chức và sẽ rời Việt Nam trong ít lâu. Nghe vậy tôi không còn đề cập đến việc yêu cầu nước Đức giúp đỡ cho Viện Đại học Huế nữa.
Người thứ hai mà tôi gặp là Giám đốc viện trợ Hoa Kỳ. Ông hỏi tôi về cảm tưởng đối với cuộc cách mạng vừa qua, và những nhận định của tôi đối với tương lai đất nước tôi. Lúc bấy giờ báo chí Mỹ bắt đầu phân chia làm hai khuynh hướng chớ không thuần nhứt một chiều chỉ trích ông Diệm như trước. Cái chết của ông Diệm và ông Nhu đã làm cho một số người Mỹ xúc động và quay trở lại có cảm tình với ông Diệm hơn trước. Bộ mặt của những người thay thế ông Diệm cũng dần dần hiện rõ và người Mỹ thấy bộ mặt thật đó chẳng đẹp đẽ gì hơn.
Những người Mỹ trong đó có cựu Đại sứ Nolting, tướng Harkine, ông Richardson giám đốc Trung ương tình báo Mỹ (CIA) tại Việt Nam lên tiếng cảnh cáo rằng cuộc cách mạng 1-11 chẳng những sẽ không cải thiện được tình hình quân sự và chính trị tại Việt Nam như nhiều người Mỹ mong cầu, mà trái lại sẽ làm cho tình hình chung tồi tệ hơn. Những hỗn loạn chính trị đã bắt đầu diễn ra và về mặt quân sự Quân đội Việt Nam mải lo canh gác Sài Gòn và các đô thị lớn để đề phòng phe ông Diệm đã gần như bỏ trống các vùng nông thôn cho Việt cộng.
Lúc bấy giờ có thể nói rằng chính quyền Việt Nam chỉ kiểm soát được vài thành phố lớn. Và cũng chỉ kiểm soát được một cách lỏng lẻo. Các đảng phái vận động tìm chỗ đứng trong tân chế độ và chỉ vận động bằng cách liên kết với các tướng lãnh cách mạng mà không nghĩ đến việc tổ chức quân chủng. Sau cuộc cách mạng, Phật giáo bắt đầu bất mãn vì nghĩ rằng họ có công nhiều mà không được trọng vọng xứng đáng. Tổ chức Phật giáo còn quá mới mẻ, thời kỳ tranh đấu quá ngắn ngủi chưa kịp ra ánh sáng, chưa có một số lãnh tụ chính trị đáng giá nào cho nên giả sử lúc bấy giờ chính quyền được giao cho Phật giáo thì tình hình Việt Nam, có lẽ còn bi đát gấp mấy lần giao cho tướng lãnh.
Dựa trên những điều quan sát được kể đó, các chính khách Mỹ và dư luận báo chí Mỹ đã bắt đầu hối hận đã hạ bệ ông Diệm. Ít lâu sau cách mạng Đại sứ Nolting có trả lời một cuộc phỏng vấn và viết một tờ báo nhận định rằng rồi đây sẽ không có một nhân vật chính trị nào có khả năng thay ông Diệm để lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống Cộng.
Ông nhận định rằng người Mỹ đã phạm vào một lầm lỗi rất nặng khi hạ bệ ông Diệm, hoặc ít ra để cho chuyện hạ bệ này xảy ra trước mắt mình, và nhìn hành động này với đôi mắt đồng loã.
Những báo chí Mỹ trước đây chỉ trích ông Diệm nặng lời bao nhiêu bây giờ sự thật đã hiện rõ cũng bắt đầu chỉ trích tân chế độ bấy nhiêu. Lúc ông Giám đốc viện trợ Mỹ hỏi tôi về cuộc cách mạng ông đã biểu lộ sự lúng túng, lo sợ của số người Mỹ trước những bất ngờ sắp đến.
Tôi hỏi lại ông, thế thì người Mỹ nghĩ như thế nào, tiên liệu như thế nào, dự đoán như thế nào. Nhưng tôi biết có hỏi cũng vô ích, vì ông sẽ trả lời mập mờ, nước đôi, đưa ra những nhận định tổng quát của báo chí Mỹ.
Điều đó, như tôi đã trình bày trên, chia làm hai khuynh hướng, một khuynh hướng đông đảo tỏ ra hối hận vì đã xảy ra cuộc cách mạng, và một khuynh hướng khác tiếp tục ca tụng cách mạng một cách dè dặt, ngượng ngùng, gượng gạo.
Nghe ông hỏi tôi về cảm tưởng nhận định của tôi đối với cuộc cách mạng tôi mỉm cười chua chát:
– Tôi không có cảm tưởng gì đặc biệt, hay nhận định gì lạ lùng hết, vì tôi đã đoán trước những gì xảy ra và cũng đoán được những thế lực nào ở đằng sau gây ra. Tôi cũng làm hết mọi cách để ngăn chận những tai nạn cho ông Diệm, đưa những đề nghị chân thành lên ông Diệm nhưng tất cả nỗ lực của tôi vô ích. Ngày xưa, lúc mới về nước, ông Diệm tin cậy và sáng suốt nghe lời khuyên của tôi bao nhiêu, thì về sau này có vẻ không muốn nghe lời khuyên của tôi bấy nhiêu. Tôi sợ rằng chỉ trong một tương lai gần tình hình Việt Nam sẽ hỗn loạn. Dân chúng sau thời gian ngắn say sưa vì thành công, náo nức vì mới lạ, hứng khởi vì hy vọng, sẽ bắt đầu thất vọng, quay lại khiển trách tân chế độ và tiếc đã mất ông Diệm. Hẳn là ông nhớ câu chuyện cổ Hy Lạp: Một người dân dưới một chế độ độc tài vào đền thờ thần Jupiter cầu nguyện cho nhà độc tài sống lâu, làm một triết gia ngạc nhiên hỏi lý do. Người dân trả lời: tôi đã lớn tuổi, và đã sống dưới quyền ba nhà độc tài liên tiếp. Kinh nghiệm cho tôi biết kẻ đến sau bao giờ cũng bạo ngược hơn người trước, cho nên tôi lo sợ nếu nhà độc tài ngày nay mà chết thì kẻ thay thế ông ta sẽ còn độc tài hơn ông này vài phần, và khi đó không ai sống nổi với ông. Vì đó trí thức không mong ông chết để có ông mới…
Hai chúng tôi nhìn nhau chua chát. Tôi nói tiếp:
– Tôi quan niệm quốc gia Việt Nam chúng tôi như một cơ thể, hay ít ra chính quyền Việt Nam này như một cơ thể, mà ông Diệm là cái đầu, những kẻ phụ tá ông là những tay chân, những bộ phận trong cơ thể, và một chứng bệnh kỳ quái nào đó, những tay chân và những bộ phận trong cơ thể nổi loạn chặt cái đầu đi, thì dĩ nhiên là tay chân và các bộ phận khác không còn người chỉ huy, sẽ hành động rối loạn đấm đá lẫn nhau. Rồi các ông sẽ thấy, những tướng lãnh, những chính khách cầm quyền thay ông Diệm sẽ nghi kỵ lẫn nhau, thanh toán nhau, tranh giành nhau và gây thêm nhiều xáo trộn chính trị mới, nhiều hỗn loạn xã hội mới. Tôi là kẻ tin vào những uy lực thiêng liêng, nên tôi cho rằng không một việc làm nào dựa trên cái chết của kẻ khác, nhất là cái chết của chủ mình, thầy mình mà có thể tốt đẹp được. Dân chúng Việt Nam lên án nặng nề những kẻ phản vua phản thầy. Hay những kẻ dự phần vào cuộc đảo chánh cũng sẽ mang nặng cái mặc cảm đó, và sẽ lúng túng trong những nỗ lực để chạy tội mà không làm được gì khá. Họ sẽ mất tự tin, bị dằn vặt bởi những hối hận, những mặc cảm tội lỗi vì hầu hết họ đều được ông Diệm đào tạo nên, đưa từ chỗ tối tăm lên địa vị cao sang, cho nên cái bóng lớn của ông Diệm không thể nào phai nhoà trong tâm trí họ được, dù thân xác ông Diệm đã tan rã. Lãnh đạo mà thiếu tự tin thì làm sao gây tin tưởng cho dân chúng được?
Người Mỹ đối diện với tôi gật gù có vẻ đồng ý. Tôi trầm ngâm một lúc rồi tiếp:
– Những việc vừa xảy ra được đặt tên là một cuộc cách mạng, nhưng như ông thấy và mọi người Việt Nam chúng ta đều thấy không có gì đáng được gọi là một cuộc cách mạng hết. Những căn bản xã hội không thay đổi. Những tệ đoan xã hội không bị bãi bỏ, trái lại sẽ trầm trọng hơn, những bất công và chênh lệch xã hội sẽ nặng nề hơn. Tục ngữ Việt Nam chúng tôi có câu: Đục nước béo cò. Những hỗn loạn sắp tới sẽ làm cho tình hình trong nước chúng tôi chẳng khác nào một vũng nước đục, làm cho những con cá nhỏ, những người dân nghèo đói thiệt thòi hơn và đó là cơ hội tốt nhất để bọn hoạt động chính trị, bọn con buôn chiến tranh lợi dụng làm giàu, bóc lột. Những kẻ thay thế ông Diệm ngày nay không có tư tưởng, chính sách, sáng kiến gì khác hơn ông Diệm, trái lại những việc làm của họ chỉ là những học hỏi từ ông Diệm, và học hỏi không thuộc kỹ, áp dụng sai lầm. Dân chúng nhìn vào những người đó chẳng hạn ông Nguyễn Ngọc Thơ, Thủ tướng hiện nay, đã là một Phó Tổng thống vô quyền dưới thời ông Diệm và sẽ không thấy có gì mới lạ, gây được phấn khởi, hào hứng. Dân chúng sẽ nghĩ rằng đây là cái phần xấu, coi phần tệ của ông Diệm được dịp đem ra chưng bày, và tai hại hơn nữa, không còn ông Diệm để lãnh đạo và dạy bảo họ. Những thành phần chính phủ là những chuyên viên hạng hai nếu không nói là còn tệ hơn thế. Trước đây họ giữ chức giám đốc trong một chế độ trung ương tập quyền, nghĩa là họ không hề có dịp đưa ra sáng kiến, mà chỉ ngoan ngoãn thi hành lệnh. Nay họ làm bộ trưởng làm sao để một sớm một chiều họ có thể có khả năng đảm trách chức vụ mới? Dân chúng Việt Nam nhìn vào họ làm sao có thể tin tưởng họ làm được gì khác hơn chế độ cũ. Vì những lý lẽ trình bày trên, tôi tin chắc rằng chế độ gọi là cách mạng này sẽ không làm được gì tốt, và tình hình chung sẽ không sáng sủa hơn chút nào. Những mong ước mà dư luận và báo chí Mỹ đặt vào cuộc đảo chánh sẽ không thành tựu được. Người Mỹ rồi sẽ còn hối hận và tiếc đã mất ông Diệm hơn dân chúng Việt Nam nhiều.
Ông Giám đốc viện trợ Mỹ nghe tôi nói vậy có vẻ suy nghĩ lắm, một lúc sau ông gọi điện thoại cho ông Đại sứ Henry Cabot Lodge, và dứt cuộc điện đàm ông cho tôi biết rằng Đại sứ Lodge rất muốn gặp tôi. Tôi về nhà được mấy tiếng đồng hồ, chỉ chiều đó có người đại diện của Toà đại sứ Mỹ đến nói là ông Lodge muốn gặp tôi ngay và xe đã chờ sẵn.
Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Lodge, Nét mặt, dáng điệu của ông làm cho tôi nhớ đến hình ảnh một “Businessman” thành công đầy tự tin khinh bạc và kiêu ngạo, tuy nhiên bề ngoài và trong lời ông hết sức niềm nở, cởi mở, vui vẻ. Câu chuyện giữa tôi và ông Lodge cũng bắt đầu như câu chuyện với ông Giám đốc viện trợ Mỹ, nhưng tôi trình bày các nhận định của tôi cặn kẽ hơn.
Cuối cùng ông Lodge có vẻ thành khẩn tha thiết hỏi tôi:
– Theo ý cha thì bây giờ chúng ta phải làm cách nào để thành công, để thoát qua những khó khăn mà cha nêu lên?
Tôi mỉm cười:
– Đáng lý các ông đã tính đến chuyện này trước khi có cuộc đảo chánh mới phải chớ, tôi không phải là một chính trị gia, cũng không tham dự gì vào những biến động vừa qua, cho nên tôi không thể đưa ra một giải pháp nào toàn vẹn, nhưng tôi nghĩ rằng nếu muốn thành công phải làm cách nào để gây được và nuôi dưỡng được niềm phấn khởi, hào hứng, tin tưởng trong dân chúng. Sự thay đổi chính trị này đem lại một yếu tố thuận là đem lại cho dân chúng nhất là phía những người không thích ông Diệm một niềm hy vọng tương lại sẽ khá hơn. Nhưng nếu không hành động gấp thì chỉ ít lâu là dân chúng sẽ thất vọng chán chường và hết tin tưởng nổi vào chế độ mới. Mặt khác không phải tất cả chế độ ông Diệm đều sai lầm, vậy thì phải cố gắng duy trì những thành công tốt của ông Diệm. Tôi đang nghe người ta đồn rằng ấp chiến lược bị phá bỏ, các cán bộ ấp và thanh niên chiến đấu đang bị giải giới. Hẳn là ông hiểu cái gì sẽ xảy ra ở nông thôn sau đó, và ai sẽ được lợi, ai chịu thiệt hại.
Một việc phải làm khác là tránh thanh toán người của chế độ cũ, và làm sao kết hợp các đảng phái, các phần tử đối lập thành hai ba lực lượng chính trị mạnh, có thực lực, có quần chúng. Nếu không thể làm được việc này thì tôi thấy chỉ có một cách, giao quyền hành cho quân đội. Ít ra trật tự còn được duy trì.
Câu chuyện giữa tôi và ông Lodge chấm dứt ở đây. Khi đề cập đến việc nên tránh những vụ thanh toán, trả thù người chế độ cũ, tôi đã nghĩ đến trường hợp ông Cẩn và những người của chế độ hiện đang trốn tránh hay bị giam cầm. Trong đó dĩ nhiên có một vài người có tội, nhưng số đông chỉ là những kẻ hành động theo lệnh, và do đó thực tình họ chẳng có tội lỗi gì.
Nếu chỉ vì theo chế độ cũ mà trừng phạt thì cả những tướng lãnh và những nhân vật đang ở trong tân chế độ cũng đáng trừng phạt lắm, vì chính họ đã từng là người của chế độ cũ.
Những chuyện thanh toán và trừng phạt những người chế độ cũ đang xảy ra, nhưng theo tôi thấy thì không đến nỗi qui mô và tàn bạo như tôi lo sợ. Không có những cuộc đàn áp, bắt bớ, xử bắn tập thể. Cũng không nghe nói đến những vụ thủ tiêu rùng rợn, ngoại trừ một vài trường hợp lẻ loi và như tôi có lần trình bày, những kỳ thị tôn giáo và chính trị ngắn tuy có nhưng không lấy gì làm trầm trọng lắm.
Chỉ có điều đáng ngại, là sau ngày đảo chánh, giá sinh hoạt vọt lên cao, vật giá đắt đỏ chưa từng thấy, dân chúng đang cơn say sưa chính trị ngắn ngủi bắt đầu nghĩ đến chuyện thực tế, và ca thán khắp nơi về nạn vật giá leo thang. Những con đường tiếp tế bị cắt đứt, những hệ thống phân phối bị tắt nghẽn, và nhiều vùng thiếu thốn các nhu yếu phẩm.
Vào khoảng cuối tháng mười một, tôi ra Huế. Máy bay đang lượn trên sân bay Phú Bài, tôi đã nhìn thấy nhiều đám đông tụ họp trên bãi đất trống trước phòng khách sân bay này. Hàng đoàn xe gắn máy và xe lam, xe hơi đậu dài trên đường từ sân bay Phú Bài hướng về thành phố Huế. Một vài biểu ngữ đã được căng ra.
Tôi vừa bước xuống khỏi máy bay, lập tức một đám sinh viên học sinh nhào đến, dành nhau trèo lên thang máy bay, và tôi chưa kịp làm một cử chỉ gì hay nói một lời nào thì các sinh viên đã công kênh tôi lên vai đến trước đám đông sinh viên đang tụ họp. Tiếng reo hò ầm ĩ, tôi không còn nghe rõ tiếng nào thành tiếng nào.
Sau một vài phút lộn xộn, những sinh viên công kênh tôi dừng lại trước đám đông sinh viên. Tôi nhận ra những khuôn mặt quen thuộc, trong đó có một số giáo sư, khoa trưởng đã cộng tác với tôi lâu năm. Bây giờ đám đông đã hơi yên lặng đôi chút, và những tiếng hoan hô nghe đã rõ.
Tôi cảm động nhưng không khỏi lo ngại. Sự bồng bột này của các sinh viên làm cho nhiệm vụ của tôi trở nên khó khăn hơn. Làm sao tôi vừa có thể thoả mãn những đòi hỏi của sự khôn ngoan, của tình thế? Sự đón tiếp hôm nay càng nồng nhiệt bao nhiêu thì sau này nếu tôi không thành công trong nhiệm vụ khó khăn, sự thất vọng của họ lại càng lớn hơn bấy nhiêu. Tôi chỉ vẫy tay chào các sinh viên học sinh, và hình như chỉ lẩm bẩm một vài tiếng cám ơn.
Các sinh viên lại công kênh tôi ra xe. Đoàn người đón tiếp tôi kéo dài trên trăm thước.
Đến Huế, một đám sinh viên khác không có phương tiện lên Phú Bài đã chờ sẵn, nhập đoàn, rước tôi qua cầu Trường Tiền, chợ Gia Hội rồi mới quay trở về Toà Viện trưởng Đại học Huế. Bây giờ tôi bước lên thềm đại học, đứng trước hàng ngàn sinh viên học sinh vẫy tay chào, tôi yêu cầu im lặng, rồi nói một vài lời. Thực tình tôi rất cảm động, cho nên giọng nói của tôi có phần ấp úng:
– Bây giờ chúng ta đã lật qua một trang lịch sử. Những hận thù, hiểu lầm, kỳ thị nên chôn theo dĩ vãng. Mọi người Việt Nam chúng ta, dù là Công giáo hay Phật giáo đều chung một số phận khốn đốn như nhau hết. Moi người Việt Nam chúng ta, nhất là thành phần trí thức, giáo sư, sinh viên, phải đoàn kết lại để viết một trang sử đẹp đẽ hơn, ít lầm lỗi hơn, nhiều hứa hẹn hơn.
Các sinh viên reo hò inh ỏi, nhiều anh em đứng gần chạy lại ôm chầm lấy tôi. Một đại diện sinh viên đứng ra bày tỏ nỗi hân hoan được gặp lại tôi, cám ơn chính phủ cách mạng đã thoả mãn yêu cầu của anh em, và tỏ ý tin tưởng rằng sự hợp tác giữa tôi và các anh em sinh viên học sinh Huế sẽ bền chặt và tốt đẹp.