Bên Giòng Lịch Sử 1940–1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 34 & 35
Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử. Sau đây là Chương 34 & 35:
[Bấm chuột vào đây để đọc chương trước]
Chương 34:
Công đầu của Tổng thống Diệm: Định cư 1.000.000 người
Ngay sau khi hiệp định Genève được ký kết, các đoàn người di cư từ Bắc và Trung vào bằng đường Hàng không, đường thủy và đường bộ bắt đầu lục tục kéo vào các tỉnh miền Trung và Sài Gòn. Cảnh những dân di cư lếch thếch trên đường chạy trốn Cộng sản thật là thương tâm. Tôi theo dõi từng ngày, và hễ mỗi khi có đoàn di cư nào từ Nghệ Tĩnh Bình vào, thì tôi lại tìm cách đến thăm viếng, an ủi, và thúc giục chính quyền địa phương tìm mọi cách giúp đỡ họ. Lúc bấy giờ chưa có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về dân di cư.
Vào cuối năm 1954, Phủ đặc ủy di cư mới được thành lập. Nhưng nhờ thiện chí của chính quyền địa phương, sự quan tâm đặc biệt của ông Diệm đối với dân di cư, cho nên các chính quyền địa phương đã cố gắng hết sức giải quyết vấn đề di cư.
Vào khoảng tháng 10, bà Nhu tổ chức một cuộc biểu tình lớn để ủng hộ ông Diệm, đả đảo Pháp. Đoàn biểu tình bị công an xung phong Bình Xuyên chận ngay Bùng Binh chợ Bến Thành bắn chết 6 người, làm bị thương hàng chục người. Cảnh hỗn loạn diễn ra nhiều nơi trên các đường phố lớn ở Sài Gòn. Ông Diệm chán nản mất tin tưởng, vì từ ngày về nước đến nay, ông đã cố gắng nhiều nhưng vẫn không nắm được công an và quân đội. Công an thì trong tay Bình Xuyên, quân đội thì trong tay Nguyễn Văn Hinh. Vài giờ sau khi tin này được loan đi thì ông Cẩn cho người tìm tôi tin cho tôi biết rằng ông Diệm đã thất vọng và chán nản cực độ, có ý định bỏ nước ra đi, ông Cẩn không khuyên tôi làm điều gì nhưng tôi đã hiểu ý ông khi ông báo tin này cho tôi biết. Tôi lập tức lấy máy bay vào Sài Gòn. Tôn Thất Trạch, chánh văn phòng ông Diệm đón tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất và trên đường vào Sai Gòn ông Trạch cho tôi biết rằng cụ Diệm đang sửa soạn va li để rời Việt Nam trong vài ngày tới đây.
Tôi không kịp thay áo, vào ngay Dinh Thủ Tướng lúc đó vẫn còn được gọi là dinh Norodom. Lúc đó khoảng 6 giờ chiều. Tôi vào ngay văn phòng ông Diệm và thấy đức cha Ngô Đình Thục và ông Ngô Đình Nhu đang ngồi với ông Diệm. Ba người im lặng trong cái không khí buồn thảm của một nhà có tang. Văn phòng của ông Diệm vẫn tranh sáng tranh tối.
Ngoài trời vẫn còn tỏ, nhưng trong nhà ánh sáng đã mờ. Đèn chưa được bật lên. Đức Cha Thục và ông Nhu thấy tôi vào lặng lẽ đi sang phòng bên cạnh. Khi cửa phòng đó hé mở, tôi thoáng thấy bóng vài người như là các ông Trần Chánh Thành, Trần Văn Lắm, Trần Trung Dung. Đức Cha Thục và ông Nhu không nhìn tôi, không chào hỏi cúi đầu bước qua cửa phòng bên cạnh.
Ông Diệm ngồi trong ghế bành lớn, thấy tôi vào, vẫn ngồi yên, chậm chạp đưa tay sửa lại hai cái đai quần rồi cầm chiếc áo vét máng ở lưng ghế khoác vào người. Nét mặt ông Diệm trông thật buồn thảm thiểu não, như một người đã hết sinh lực, mất chí phấn đấu. Tôi cúi đầu chào ông Diệm.
Ông chẳng nói gì, chỉ chiếc ghế đối diện ra hiệu mời tôi ngồi. Tôi ngồi xuống chờ đợi ông lên tiếng trước. Một chặp sau, ông Diệm mới cất tiếng, giọng đều đều, chán nản:
– Thưa cha, tình hình này, tôi không thể ở lại được nữa. Tôi ở nán thêm chẳng ích lợi gì mà còn gây hỗn loạn và đổ máu cho đất nước mình thôi.
Người Pháp không thành thực. Họ vẫn dựa vào bọn Bình Xuyên và Tâm Hinh mà phá tôi. Cha không thể tưởng tượng được các khó khăn mà người Pháp và bọn đó gây ra cho tôi. Tôi không thể làm được một việc gì hết, vì mọi mấu chốt quyền hành đều nằm trong bọn này hết. Tình thế này tôi không thể ở lại được!
Tôi im lặng một lúc, rồi nhìn thẳng vào mắt ông Diệm:
– Thưa cụ, cách đây vài tháng, tôi đã thưa với cụ là cụ không nên về, vì về trong tình thế này không thể thành công được, nhưng cụ đã hăng hái nói rằng cụ tin tưởng ở một phép lạ của Chúa. Thưa cụ, tuy tôi là linh mục, nhưng tôi không chờ đợi ở phép lạ mà chỉ trông vào cố gắng của mình trước. Cụ đã nhận lời về nước, cụ chịu trách nhiệm không phải là Bảo Đại, người Pháp hay với bọn Bình Xuyên, bọn Tâm Hinh, mà với quốc gia Việt Nam, dân tộc Việt Nam và bây giờ đặc biệt cụ phải nhận trách nhiệm với hàng trăm ngàn dân di cư đã tin tưởng nơi cụ mà kéo vào đây. Dù Chúa không ban phép lạ cụ cũng không có quyền đào ngũ lúc này. Vả lại phép lạ của Chúa chỉ xảy ra khi con người đã làm hết sức mình. Cụ thử xét lại xem cụ và những người quanh cụ đã làm hết sức mình để đối phó với tình thế chưa? Đồng bào di cư Bắc và Nghệ Tĩnh Bình là một gánh nặng, nhưng cũng có thể là một sức mạnh, cụ đã nghĩ đến chuyện nhờ đến sức mạnh đó chưa? Những đồng bào di cư hiện đang sống khốn khổ, bấp bênh trong các trại tạm cư chen chúc nhau hàng chục người trong một căn phòng vài thược vuông vức, cụ có thể nỡ lòng bỏ họ trong tình trạng đó sao?
Ngoài cụ không có ai nghĩ đến chuyện lo cho đồng bào di cư cả. Cụ ra đi lúc này, họ sẽ chết, vì về Bắc thì không thể được nữa rồi mà ở lại không có người lãnh đạo giúp đỡ thì làm sao sống được nơi đất lạ? Mọi người đều biết không phải Bảo Đại hay Nguyễn Văn Hinh muốn và có thể giúp đỡ dân di cư được.
Ông Diệm im lặng và chăm chú nghe tôi càng lúc mặt ông cụ càng có vẻ quyết liệt hơn. Tôi nói tiếp:
– Cụ nên ở lại thêm vài tháng nữa, hãy cố gắng hết sức mình. Thành công thì khó chớ dọn va li ra đi khi nào cũng được. Cụ nên cố gắng thêm vài tháng rồi lúc đó nếu hết cách thì dọn va li cũng chưa muộn gì. Cụ nên tập trung mọi phương diện, mọi nỗ lực giải quyết vấn đề đồng bào di cư trước. Một khi cụ định cư họ được thì chính họ sẽ là lực lượng hậu thuẫn nòng cốt cho cụ.
Cụ Diệm vẫn còn phân vân:
– Nếu bây giờ tôi ở lại, thì cha thấy rằng thái độ của quốc dân sẽ ra sao?
Tôi trả lời ông không chút do dự:
– Trừ một số nhỏ theo Tây, theo Bình Xuyên, toàn dân vẫn tin tưởng nơi cụ. Phần lớn các tỉnh trưởng nhất là ở miền Trung, đều ủng hộ cụ. Vả lại họ là những kẻ thuộc cấp, họ chỉ tuân lệnh, những kẻ có danh nghĩa, danh nghĩa ở nơi cụ. Cụ là thủ tướng chính phủ, Bảo Đại thì ở Cannes, vậy chỉ có cụ có tư cách ra lệnh và lệnh của cụ chắc chắn sẽ được tuân hành. Cụ có thể ra chỉ thị cho họ tổ chức những cuộc biểu tình khắp nơi trên toàn quốc, lần lượt, và cuối cùng phối hợp thành một ngày tổng biểu tình. Sự biểu dương lực lượng quần chúng này chắc chắn sẽ làm cho Pháp và bọn Bình Xuyên, Tâm Hinh phải nể nang mà không dám lộng hành nữa.
Hơn nữa cụ đi lúc này tức là mắc mưu người Pháp, Bảo Đại, bọn Tâm Hinh họ muốn cụ về để tự đốt cháy uy tín và sự nghiệp chính trị. Cụ đi thì khác nào thú nhận sự bất lực với họ, chịu thua họ.
Ông Diệm vui nét mặt, đứng thẳng người:
– Cha nói đúng. Nếu tôi đi lúc này thì đúng là mắc mưu người Pháp. Họ đem tôi về rồi làm mọi cách để cho tôi thất bại, để cho tôi phải tự ý bỏ đi. Vậy bây giờ theo ý cha, tôi quyết ở lại, không phải vài tháng mà cho đến bao giờ hoàn tất sứ mạng.
Có điều lạ là những người quanh tôi không một ai khuyên tôi ở lại. Họ đều đồng ý rằng ở lại không thể làm gì được và tôi nên ra đi để tránh cảnh hỗn loạn đổ máu cho đất nước. Tôi sẽ nghe lời cha, dồn mọi nỗ lực vào việc giúp dân di cư, không phải mai sau, mà ngay bây giờ. Tôi đã nghĩ ra một cách để đối phó với bọn Bình Xuyên, Tâm Hinh.
Ông Diệm ngắt lời, và không nói gì thêm. Tôi yên tâm ra về ngày hôm sau trở lại Huế. Vài hôm sau tôi hiểu ra cái cách ông Diệm nói úp mở trong đoạn cuối câu chuyện là cách gì. Cụ dùng mọi cách chuyển các tiểu đoàn Bảo Chính Đoàn, Bảo An Đoàn, các lực lượng quân sự Việt Nam từ Bắc và Trung vào Sài Gòn bằng những phương tiện nhanh nhất.
Mặt khác ông Diệm cho thay thế một số chỉ huy trưởng, đơn vị trưởng mà không qua hệ thống của Nguyễn Văn Hinh, cũng không tham khảo với người Pháp. Mặt khác có lẽ ông đã chỉ thị mật cho các tỉnh quận trưởng khắp nơi, cho nên lục tục có những cuộc biểu tình nổi lên khắp nơi ủng hộ ông. Những khẩu hiệu đả đảo Bảo Đại bắt đầu được tung ra.
Ông Diệm cũng thành lập một hệ thống công an cảnh sát riêng không nằm trong tay Bình Xuyên. Hình như ông Mai Hữu Xuân cầm đầu hệ thống này. Tại Huế, Sài Gòn, Nha Trang nhiều cuộc biểu tình lớn được tổ chức liên tiếp, và lần này công an xung phong Bình Xuyên đã không ngăn trở gì có lẽ vì họ thấy phong trào ủng hộ ông Diệm quá mạnh.
Ông Diệm cũng khéo léo điều đình với các giáo phái và cả Bình Xuyên để họ ở yên cho ông củng cố quyền hành và xây dựng lực lượng.
Số người di cư càng ngày càng đông, và đúng như tôi đã nói với ông Diệm, chính họ, hay con cái họ trong các lực lượng quân sự, đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho ông Diệm, giúp ông thành công.
Tôi về Huế ngày hôm sau, nghĩa là tôi chỉ ở lại Sài Gòn một đêm mà thôi. Tình hình ở Sài Gòn lúc bấy giờ hết sức căng thẳng. Bảy Viễn và Nguyễn Văn Hinh đã tỏ ra quá kiêu căng vì tự tin, và đó là lỗi lầm lớn nhất của họ. Lỗi lầm thứ hai, là họ chỉ có một số thuộc hạ tuy khá đông, nhưng không được cảm tình và sự ủng hộ của quần chúng.
Quan niệm chính trị của bọn này là cái quan niệm chính trị hẹp hòi, tưởng rằng nắm được những mấu chốt triều đình hay thâm cung là nắm được hết, tưởng rằng được quan thầy Pháp và Bảo Đại thương là đủ. Họ không ý thức được sức mạnh của quần chúng, chỉ biết sức mạnh của võ lực, súng đạn.
Lúc bấy giờ quần chúng Việt Nam có nhiều thiện cảm với ông Diệm. Cả những người không phục ông Diệm khi so sánh ông Diệm với bọn Tâm Hinh, Bảy Viễn thì cũng phải chấp nhận ông Diệm. Thực ra thì tôi chẳng đóng góp được gì nhiều vào các quyết định, mưu kế, chính sách của ông Diệm, trong thời kỳ này, hay về sau, nhưng tôi đã gợi ý cho ông Diệm nhớ đến một sức mạnh chưa được sử dụng, hàng chục vạn dân di cư và gia đình họ. Số người đông đảo này đang ở trong một thế kẹt, đang bị dồn vào đường cùng, và sẵn sàng liều mạng để chiếm một đất sống.
Tôi về Huế, ngoài việc dạy học, rãnh rỗi lúc nào là tôi tôi đi thăm các trại tạm cư của đồng bào di cư Nghệ Tĩnh Bình ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Các tỉnh trưởng biết tôi quen thân gia đình ông Diệm, vả lại những đề nghị của tôi hoàn toàn vô tư và vô vị lợi, nên nhiều người nghe lời tôi nói mà đặc biệt chú ý đến dân di cư.
Các trường học được dành làm nơi tạm trú cho dân di cư. Mọi phương tiện địa phương được đề ra để giúp đỡ dân di cư. Con số dân di cư càng ngày càng đông, có những gia đình chỉ trốn vào được với một tay nải, tiền bạc không có bao nhiêu, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình và mau chóng của chính quyền địa phương nên không xảy ra một trường hợp nào dân di cư phải chết đói.
Những nhà hảo tâm nhiều người cũng hết lòng giúp đỡ một cách thực tế. Tôi nghĩ rằng chính số người di cư lúc bấy giờ đã làm sống bừng dậy tinh thần dân tộc, lòng thương yêu rộng lớn, tình đoàn kết chân thật, và tạo được một khối quần chúng thuần nhất ủng hộ ông Diệm.
Trong thời gian này, có lẽ nhớ lại vài lời nói của tôi, ông Diệm tìm mọi cách đem vào Sài Gòn và Nam phần nhiều tiểu đoàn quân Việt Nam từ phía Bắc vĩ tuyến 17. Trước hết một đơn vị thiện chiến và trung thành được thành lập để bảo vệ phủ Thủ tướng, sau này thành Liên Binh phòng vệ phủ Tổng thống. Phần lớn binh sĩ và sĩ quan trong đơn vị này đều là người Thanh Nghệ Tĩnh Bình, và lính Bắc phần. Nguyễn Văn Hinh, với chức vị tư lệnh quân đội Việt Nam, lại được người Pháp ủng hộ, tưởng rằng nắm được mọi sức mạnh quân sự, nhưng thực tế đã ngược lại.
Hinh chỉ nắm được một vài đơn vị nhỏ, một vài cấp chỉ huy do cha con Tâm Hinh đặt để, nhưng số người này, cũng như chính cá nhân của tướng Hinh, không được các binh sĩ kính phục thật tình, cho nên không chắc họ đã mù quáng tuân lệnh Hinh để đàn áp dân chúng hay chống lại ông Diệm.
Suốt thời gian cuối năm 1954, tôi vào Sài Gòn vài lần khi thì tự ý tôi bay vào, khi thì chính ông Diệm cho mời vào. Mỗi lần làm được một việc gì vừa ý, nhất là trong địa hạt giúp đỡ dân di cư, ông Diệm lại đem kể với tôi, như để khoe, như để phân bua.
Ông Diệm có thiện cảm nhiều với dân di cư Thanh Nghệ Tĩnh Bình. Có lần ông nói với tôi:
– Giả sử tôi đem vào Nam được vài chục ngàn dân Nghệ Tĩnh Bình và có mươi cán bộ giỏi như cha thì mọi việc chắc chắn sẽ thành công.
Tôi cười trả lời:
– Hiện nay cụ đang có một con số dân di cư Nghệ Tĩnh Bình đông đảo hơn con số mà cụ vừa nói ra. Cũng xin cụ lưu ý rằng tất cả dân di cư bất cứ vùng nào đến cũng đang ở trong một ngõ cùng, và chỉ có lối thoát duy nhất là theo cụ chiến thắng mọi trở ngại, mọi lực lượng phản dân phản nước.
Ông Diệm cũng cho tôi biết đã đem vào Sài Gòn và Nam phần một số đơn vị quân đội từ ngoài vĩ tuyến 17 vào. Ông cũng cho tôi biết khái niệm của ông về các định cư. Ông chú ý đặc biệt đến giá trị chiến lược và kinh tế của vùng cao nguyên, và đặt kế hoạch định cư đồng bào di cư Nghệ Tĩnh Bình tại các vùng Ban Mê Thuột, Tuyên Đức, Đà Lạt. Số người di cư này được định cư khá sớm tại các trại như Hà Lan A, và B, Đức Lập, Bình Giả, Phan Thiết, Tân Bình (Khánh Hòa, Cam Ranh). Tôi có nghĩ đến cách hòa đồng dân di cư vào dân địa phương nhưng không có dịp nói ra, và tôi cũng nhận thấy sự khó khăn quá lớn trong việc đó. Mọi việc là phải chạy đua với thời gian. Dân di cư lại không chịu rời nhau, đến đâu cũng muốn tập trung vào một vùng, do đó lắm lúc đã tạo ra một tình trạng biệt lập, kỳ thị.
Một mặt giải quyết vấn đề di cư, củng cố lực lượng tổ chức bộ máy chính quyền, mặt khác ông Diệm và các cán bộ của ông bắt đầu phát động phong trào chống Pháp và chống Bảo Đại. Thời gian cuối năm 1954 là thời gian thanh toán bọn Bảy Viễn và Tâm Hinh.
Thoạt đầu ông Diệm cố gắng tiến hành công việc theo các cách thức hợp pháp, ôn hòa bằng cách cử người thay thế những thuộc hạ của Tâm Hinh trong các cơ quan hành chánh cũng như quân sự. Tại miền Trung ông Diệm đã thành công dễ dàng, không gây nên sự xáo trộn nào nhưng tại Nam phần nhiều trường hợp các lệnh của ông Diệm đã không được tuân theo. Nhiều sĩ quan được ông Diệm bổ nhậm đã không thể tiếp nhận chức vụ mới được.
Chương 35:
Ông Diệm đối với Bình Xuyên và các đảng phái chính trị
Tại Nam phần, có mấy lực lượng được coi như không theo ông Diệm, đó là một số đơn vị quân đội dưới quyền chỉ huy trực tiếp của tướng Hinh và các thuộc hạ thân tín, các quân đội giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo và quân đội Bình Xuyên.
Ông Diệm và ông Nhu khôn khéo tách rời các lực lượng này ra, trước hết ông tìm cách làm cho hai lực lượng Giáo phái là Cao Đài và Hòa Hảo trở thành trung lập trong cuộc tranh chấp quyền hành giữa ông và Tâm Hinh. Tôi không rõ nhờ may mắn hay nhờ tài giỏi, ông Diệm đã lôi cuốn được một thành phần quân đội Cao Đài dưới quyền tướng Trịnh Minh Thế. Việc đó được coi như một thành công lớn của ông. Ông yên tâm hơn, dựa vào những đơn vị quân đội trung thành với ông thanh toán Nguyễn Văn Hinh, Bình Xuyên và Lữ đoàn Ngự lâm quân.
Về mặt chính trị, ông Diệm cho thành lập tại các tỉnh những ủy ban nhân dân cách mạng, và tại trung ương phong trào Cách mạng Quốc gia ra đời. Nhiệm vụ của tổ chức này là ủng hộ ông Diệm và hạ bệ Bảo Đại cùng bọn Tâm, Hinh.
Nhờ có tổ chức và được sự ủng hộ của quần chúng, trong thời gian từ 1955 đến 1956, ông Diệm có thể nói đã nắm được quần chúng trong lúc những kẻ thù ông dần bị cô lập và vì làm tay sai cho Pháp một cách quá trân tráo đã mất hết chính nghĩa, không có một hậu thuẫn quần chúng nào. Những chuyện đằng sau vụ truất phế Bảo Đại, đánh đuổi người Pháp, tôi không dám biết đến, và xin nhường cho các nhà chính trị nghiên cứu và phê phán.
Vả lại lúc bấy giờ tôi chỉ chú ý đến một vấn đề di cư. Tôi cũng nghe nói đến sự giúp đỡ của Mỹ đối với ông Diệm trong thời gian này, không những chỉ về phương diện xã hội, như các khoản trợ giúp dân di cư mà thôi, mà còn nhiều về phương diện chính trị, ngoại giao quân sự nữa. Có một điều làm tôi ngạc nhiên là quân đội Pháp lúc bấy giờ đã phản ứng yếu ớt chiếu lệ đối với việc truất phê Bảo Đại và đuổi họ ra khỏi Việt Nam. Trong cuộc xung đột giữa ông Diệm và Tâm Hinh và Bình Xuyên, một cách có chừng vậy thôi, không lấy gì làm tích cực cho lắm. Tôi tin rằng đằng sau việc đó, tại những kinh đô lớn của các cường quốc, đã có một sự dàn xếp nào đó, hoặc là Pháp đã quá chán ngán chiến tranh Việt Nam và bây giờ không tha thiết đến việc bảo vệ địa vị của nước Pháp ở phần đất Việt Nam còn lại nữa.
Nếu lúc bấy giờ quân đội Pháp chống ông Diệm ra mặt, không biết chuyện gì sẽ xảy ra, và dù ông Diệm có thắng cũng còn nhiều khó khăn, và còn đổ máu nhiều hơn nữa. Sau khi quân đội Pháp chấp nhận tập trung vào một vài vùng phái bộ quân sự Pháp rút lui thì người ta thấy Mỹ tăng cường phái bộ của họ: do tướng Harkins cầm đầu. Vai trò của phái bộ Mỹ càng ngày càng lớn, hoàn toàn thay thế phái bộ Pháp trong các công tác huấn luyện, cố vấn.
Tôi phải công nhận rằng ông Diệm là một người có óc độc tôn, nếu chưa phải là độc tài. Ngay từ đầu ông đã cho rằng chỉ nên có một đảng duy nhất. Có lẽ ông cho rằng để chống lại cộng sản, thì phe quốc gia không thể rơi vào những hỗn loạn chính trị do chế độ đa đảng gây ra, cho nên ông không muốn tại miền Nam có trên hai đảng. Về mặt nổi, ông thành lập phong trào Cách mạng Quốc gia, và trong bề sâu của sinh hoạt chính trị ông dựng đảng Cần Lao Nhân Vị.
Cái tinh thần độc tôn này được biểu lộ rõ rệt trong cách đối phó với các đảng phái quốc gia, tuy không hoàn toàn ủng hộ ông Diệm và chịu sát nhập vào phong trào Cách mạng Quốc gia của ông. Tôi còn nhớ một hôm tôi đang ở trong dinh, hình như khoảng đầu năm 1955 thì có một đoàn biểu tình kéo đến trước dinh. Đoàn biểu tình này do các cán bộ một đảng khá quan trọng lúc bấy giờ tổ chức, đó là phòng trào Tranh Thủ Tự Do của các ông Vũ Quốc Thúc, Bùi Văn Thinh.
Tôi tưởng rằng thế nào ông Diệm cũng ra trước dinh tiếp đại diện của đoàn biểu tình, nhưng chuyện xảy ra trái với ý nghĩ của tôi. Ông Diệm đã ra lệnh đơn vị phòng vệ phủ Thủ tướng canh gác nghiêm mật rồi ông vẫn bình tĩnh ở trong dinh, cho đến lúc đoàn biểu tình chán nản tự giải tán. Sau đó ít lâu, Bùi Văn Thinh đang làm bộ trưởng Tư pháp được cho đi làm đại sứ tại Nhật Bản.
Cũng trong thời gian này, phía bên Công giáo có một lực lượng chính trị khá quan trọng, là Tập đoàn công dân tôn giáo. Ông Diệm và ông Nhu không bằng lòng cho lực lượng này hoạt động, nhưng cũng hơi kẹt. Ông không muốn dùng các phương thức áp lực hay đàn áp. Một hôm ông Diệm nói chuyện với tôi:
– Nước mình đang có quá nhiều mầm mống hỗn loạn. Theo ý tôi chỉ nên có một phong trào Cách mạng Quốc gia, và một đảng chính trị duy nhất là Cần Lao. Bây giờ có phong trào Tập Đoàn Công Dân do Đức cha Phạm Ngọc Chi lãnh đạo, tôi sợ rằng như thế không ích lợi gì. Tôi muốn nhờ cha nói với Đức cha Chi cho Tập đoàn công dân sát nhập vào phong trào Cách mạng Quốc gia, cha nghĩ sao?
Tôi ngần ngại, thưa ông:
– Tôi không biết chắc Tập Đoàn Công Dân có thực sự do Đức cha Chi lãnh đạo hay không, bởi vì về mặt công khai chúng ta không thể nói chắc Đức cha Chi lãnh đạo Tập Đoàn Công Dân. Trên danh nghĩa, Đức cha Chi không có chức vụ quan trọng gì trong tổ chức này cả. Hơn nữa tôi là một linh mục, lãnh việc đi thu xếp chuyện đảng phái cho cụ e không tiện. Chi bằng nhân dịp nào đó, cụ gặp Đức cha Chi thử nói chuyện này với ngài xem sao? Tôi nghĩ rằng nếu Đức cha Chi nhận thấy tình hình chính trị nước ta không nên có nhiều đảng, thì có thể ngài bằng lòng.
Tôi được biết ít lâu sau, ông Nhu mới Đức cha Chi vào trong dinh nói chuyện, nhân một dịp Đức cha Chi vào Sài Gòn. Phong trào Tập Đoàn Công Dân bị giải tán và người ta thấy phần lớn các cán bộ cao cấp và các tổ chức hạ tầng của phong trào này gia nhập vào phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao.
Vì các đảng phái có thể trở thành đối lập bị thanh toán ngay từ đầu, và lại bị thanh toán bằng sức mạnh của chính quyền, chớ không bằng một cuộc đấu tranh chính trị nào, cho nên phong trào Cách mạng Quốc gia và đảng Cần Lao không có cơ hội thử thách để trưởng thành và trở thành một đảng chính trị đúng nghĩa của nó. Hai tổ chức này, xét kỹ chỉ là một bộ phận lệ thuộc của chính quyền ông Diệm. Nếu ông Diệm được coi là lãnh tụ đảng thì cũng chỉ vì ông đang là lãnh tụ quốc gia, chớ không phải vì ông được đảng bầu lên. Lề lối sinh hoạt đảng cũng được đồng hóa vào lề lối sinh hoạt của guồng máy chính quyền. Những cơ sở huấn luyện đảng, là những cơ sở chính quyền. Trong hầu hết các trường hợp, viên chức cao cấp nhất của chính quyền, tại một địa phương, hay một cơ quan nào đồng thời cũng là lãnh tụ địa phương của đảng. Như thế tổ chức đảng trở thành thừa và vô ích, cùng lắm nó chỉ có cáo ích lợi là nắm chắc được guồng máy chính quyền, đặt để hay ép buộc những người của chính quyền và của ông Diệm vào các địa vị then chốt trong quốc gia mà không gây được cơ sở hạ tầng vững mạnh bền bỉ trong quần chúng.
Theo lề lối tổ chức và sinh hoạt như thế, bao giờ ông Diệm còn nắm chính quyền, thì đảng của ông có vẻ mạnh, nhưng chỉ là cái sức mạnh bề ngoài, sức mạnh lòe được kẻ non dạ, mù quáng, mà không bịp ai được. Lý thuyết nhân vị được dùng làm nền móng tinh thần cho Đảng và Phong Trào cũng vấp vào nhiều khuyết điểm không có sức sinh động mạnh để thu hút quần chúng, những căn bản triết lý của nó cũng còn quá mập mờ, vá víu, và không bắt nguồn từ những truyền thống sâu xa của dân tộc Việt Nam. Tôi không dám nói nhiều về chuyện này, và ngay lúc bấy giờ tôi cũng đã không có ý kiến gì về cái lý thuyết nhân vị, mặc dù khi du học tôi đã chọn ban triết và cũng đã nghiên cứu đôi chút về triết học. Đôi lúc ông Nhu có đề cập đến cái lý thuyết nhân vị với tôi, nhưng tôi cố tránh để khỏi có ý kiến. Riêng ông Diệm thì tôi thấy ông không quan tâm nhiều đến phần lý thuyết chính trị. Tôi cũng không được nghe ông bàn với tôi một lần nào về lý thuyết nhân vị. Ông chỉ nói đến những việc làm, những thực hiện cụ thể. Có một điều mà tôi có thể đồng ý, là một phong trào chính trị muốn vững bền cần phải có một nền móng tinh thần, và nền móng tinh thần đó nếu được đúc kết lại mạch lạc có thể thành một lý thuyết chính trị. Cho nên trong lúc tôi không thấy có gì hơn, tôi nghĩ rằng cái lý thuyết nhân vị, dù sao thì có vẫn hơn không. Ít ra nó giúp cho người hành động một vài tiêu chuẩn hướng dẫn và một vài cách thức biện hộ. Tôi cố tránh bình luận, chỉ trích là vì nghĩ như thế.
Tôi muốn nhắc đến một trường hợp điển hình thứ hai chứng minh tính cách độc tôn của ông Diệm trong việc dàn xếp với các đảng phái, hoặc trong quan niệm của ông về sinh hoạt chính trị dân chủ. Trong khoảng thời gian sau 1954, tại Huế nhóm Lê Trọng Quát muốn thành lập một đảng chính trị lấy tên là đảng Cộng Hòa Xã Hội. Lê Trọng Quát có nói chuyện với tôi. Chủ ý của Quát là muốn đem đến sinh hoạt chính trị một sự hào hứng phấn khởi bằng cách tạo ra thế lưỡng đảng và như thế trong lúc đảng Cần Lao và phong trào Cách mạng Quốc gia đóng vai đảng nắm quyền thì đảng Cộng Hòa Xã Hội của Quát đóng vai đảng đối lập.
Tôi nhận thấy chủ trương như vậy chẳng những rất hay mà còn cần thiết để xây dựng những lề lối và truyền thống dân chủ trong sinh hoạt chính trị quốc gia, cho nên tôi thấy có thiện cảm với chủ trương đó. Khi Quát trình bày với tôi, và nhờ tôi nói với ông Cẩn và ông Diệm cho phép Quát lập đảng và hoạt động công khai, mặc dù tôi ngại sẽ không được ông Cẩn, ông Diệm đồng ý, nhưng tôi cũng đến trình bày ý định của Quát cho ông Cẩn trước.
Ông Cẩn chăm chú nghe, rồi cho tôi biết rằng về vấn đề này, ông Diệm và ông Nhu đã ra chỉ thị rõ ràng không cho phép bất cứ ai lập thêm đảng phái chính trị.
Ông Cẩn cũng giải thích rằng chẳng phải là gia đình họ Ngô chủ trương độc tài chuyên chế, nhưng vì nhận thấy quan niệm đối lập của người Việt Nam mình thật là thô sơ và sai lạc, khi nói đến đối lập họ chỉ nghĩ đến việc cướp chính quyền bằng mọi cách, bất chấp hiến pháp luật lệ và những thủ tục dân chủ hợp pháp. Ông Cẩn đơn cử những trường hợp hoạt động đối lập của Đại Việt, Quốc Dân Đảng. Hai tổ chức này đã có lúc chống đối bằng võ lực, gây khó khăn cho chính quyền, chẳng ích lợi gì cho quốc gia dân tộc.
Lúc bấy giờ tôi nhận thấy những lời giải thích này có phần đúng, vì trình độ ý thức chính trị của người Việt Nam còn thiếu sót nhiều lắm, các tổ chức chính trị lại đã quen hoạt động bí mật dưới thời chống Pháp, nên về chủ trương, đường lối cơ cấu tổ chức đều không thích ứng được với sinh hoạt chính trị công khai. Ông Diệm cũng còn nghĩ rằng lúc đó phải đối phó với cộng sản là một kẻ thù mạnh và nguy hiểm, ông không thể nào chịu thêm những hỗn loạn và xáo trộn chính trị trong nội bộ quốc gia.
Ông Cẩn có nói với tôi về dùng lời khéo léo trình bày cho Quát, và khuyến khích các anh em đó nếu muốn tham dự vào sinh hoạt chính trị thì hãy gia nhập đảng Cần Lao và phong trào Cách mạng Quốc gia. Về sau hình như một số các anh em trong nhóm này đã theo lời khuyên đó.
Những gì đúng cho lúc này không hẳn đúng vĩnh viễn. Cái chủ trương độc đảng của ông Diệm trong giai đoạn đầu có thể chấp nhận được, nhưng về sau khi đã củng cố được quyền hành tôi mong ông Diệm mềm dẻo hơn đối với các tổ chức chính trị, cho phép hoạt động đối lập chính trị công khai và hợp pháp, nhưng đã không có dịp nào đề cập đến vấn đề này với ông Diệm. Vả lại càng về sau thì quyền hành thực sự của ông Nhu càng lớn lên mà ông Diệm thì ít chú ý đến, chỉ lưu tâm đến các vấn đề thiết thực, và một trong vấn đề thiết thực đó là vấn đề văn hóa, giáo dục.