Bên Giòng Lịch Sử 1940–1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 26 & 27

Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử.  Sau đây là Chương 26 & 27

[Bấm chuột vào đây để đọc chương trước]

Chương 26:  Gặp lại cụ Diệm ở Ba-Lê

Tháng sáu năm 1953, nhờ sự can thiệp của văn phòng Nguyễn Đệ, tôi thu xếp xong giấy tờ xuất ngoại và sửa soạn sang Pháp.

Vào thời gian này, tình thế đã gần như suy sụp hoàn toàn. Trong nước, Việt Minh được sự giúp đỡ ồ ạt của Trung Cộng đã bước sang giai đoạn tổng phản công. Trong khi ấy, chính phủ Nguyễn Văn Tâm càng lúc càng lộ rõ bộ mặt bè phái, vơ vét, bất lực.

Trạng huống này làm những người quốc gia bất hợp tác với cả Cộng sản lẫn Bảo Đại càng thêm nóng lòng, và ông Ngô Đình Diệm, sau khi được chính giới Mỹ hỗ trợ, trở thành giải pháp được trông đợi.

Một số trí thức Việt Nam ở Pháp, hồi ấy, như Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương, Vũ Văn Thái, Nguyễn Văn Thoại, Ngô Đình Luyện v.v… quá nóng lòng với tình thế, đã tìm mọi cách đón được cụ Diệm từ Mỹ sang Ba-Lê để xúc tiến kế hoạch đưa cụ về nước nhưng hình như cụ Diệm vẫn còn ngần ngại.

Có lẽ thấu rõ thâm ý ông anh, trước ngày tôi rời Huế để sang Pháp, ông Ngô Đình Cẩn ngoài việc giao cho tôi một phong thư niêm kín, còn ân cần dặn dò:

– “Ông cụ” tính tình cẩn thận quá đáng lắm, dù bọn con có bảo đảm là mọi cơ sở trong nước đã chuẩn bị xong cũng chưa chắc ông cụ yên tâm. Vậy phải nhờ cha nói thêm vô. Có cha nói ông cụ mới tin. Cha cũng nên phân tích rõ cho ông cụ thấy là nước đã tới chân rồi, không thể chần chừ thêm nữa.

Tháng sáu, mùa xuân bên Tây bắt đầu đến lúc ấm áp nhất. Tin tôi sang Ba-Lê đã được bên nhà đánh điện báo trước bên Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương đã chờ sẵn đón tôi ngoài phi trường. Vừa đặt xuống chưa kịp chào mừng nhau Trương Công Cừu đã báo ngay cho tôi biết là cụ Diệm hiện đang ở nhà Tôn Thất Cẩn ở ngoại ô Ba-Lê và cũng đang chờ gặp tôi. Cừu và Phương còn cho tôi biết thêm là Nguyễn Đệ đổng lý văn phòng của Bảo Đại cũng vừa sang Ba-Lê và dường như để mở cuộc thăm dò chọn người thay thế Nguyễn Văn Tâm. Các anh em cũng thúc giục tôi tương tự như ông Cẩn bên nhà:

– Cha phải can thiệp dùm vụ này, vì ông cụ vẫn chần chừ lắm. Một trở ngại khác là ông cụ vẫn tỏ vẻ không muốn nói chuyện với Nguyễn Đệ, đâu vì xích mích gì đó từ hồi ông cụ từ quan trong triều.

Lần này, tôi trọ trong nhà một người bạn Pháp là ông Auberty ở đường Saint Gormain, quận 5 Ba-Lê.

Sau một đêm nghỉ ngơi, ngay sáng sớm hôm sau, tôi đến nhà Tôn Thất Cẩn gặp cụ Diệm. Cẩn là con cụ Tốn Thất Hân, trước làm nhiếp chánh, hiện sống trong một biệt thự nhỏ ở ngoại ô Ba-Lê. Từ khi sang đây, cụ Diệm về ở luôn đây với Cẩn.

Ông Diệm tiếp tôi trong một gian phòng, chật hẹp. Mấy năm không gặp lại, ông Diệm trông có vẻ khỏe hơn so với buổi tôi năm nào tôi gặp ông ở Đà Lạt. Tuy gặp tôi, hỏi thăm được tin tức gia đình, ông có vẻ vui hơn, nhưng nét tư lự vẫn vương vất trên mặt.

Sau khi trao lá thư niêm kín của ông Cẩn gửi cho ông Diệm tôi nói với cụ:

– Thưa cụ, chuyến ni tôi đi ra ngoài là tính sang bên Mỹ coi chừng bọn sinh viên tôi gởi sang du học với cha Houssa bên nớ, sở dĩ tôi phải ghé Ba-Lê trước là vì ngoài việc theo lời yêu cầu của ông Cẩn, chính tôi cũng cần được gặp để trình với cụ là tình hình nước nhà lúc ni khẩn trương lắm rồi. Trong mấy năm ni, Cộng sản càng ngày càng mạnh hơn lên, mà các chính phủ do Bảo Đại lập nên chỉ bù nhìn hoàn toàn. Cứ tình thế ni, Cộng sản nhất định sẽ thắng và khi nớ kéo lại e quá muộn.

Chương 27:
Ông Diệm tâm sự: Tôi cũng mong về, nhưng Bảo Đại chưa nói chi,
không lẽ mình năn nỉ

Ông Diệm nghe đến đây, liền nhớ lại câu chuyện chúng tôi đã trao đổi với nhau từ năm 1948 bên một lò sưởi ở Đà Lạt. Ông hỏi tôi:

– Bộ cha quên là tình thế ngày nay mình đã bàn với nhau trước hồi cha mới lên Đà Lạt sao?

Thấy ông Diệm có vẻ nhắc đến chuyện cũ, sẵn đà, tôi nói luôn:

– Thưa cụ, chính vì vẫn nhớ lời cụ hồi trước nên tôi ghé đây để thưa với cụ: Lúc ni chính là lúc cụ phải về nước chấp chánh. Hồi trước, cụ đã tiên đoán giải pháp Bảo Đại sẽ thất bại hẳn rồi, chắc thế nào Hoa Kỳ cũng phải can thiệp. Mấy năm ni cụ đã tạo được uy tín với Mỹ. Tôi tưởng đây là lúc tình hình đã chín mùi rồi.

Ông Diệm hỏi lại tôi:

– Tôi không rõ những diễn biến bên nhà lúc này ra sao. Nhưng theo cha, mình phải có trong tay những gì mới có thể về được?

Câu hỏi làm tôi đắn đó vài giây rồi mới trả lời được:

– Trong nước lúc ni, thoạt nhìn, những cánh dựa vào thế Bảo Đại cánh nào cũng cố làm ra vẻ mạnh, nhưng thật ra ở cảnh phân hoá rời rạc. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm chỉ là bù nhìn. Tuy cha con ông vênh cáo nhờ nắm quân đội, nhưng thực chất quân đội cũng chỉ mới là một lực lượng ô hợp, vì Pháp e ngại nên không những không thực tình giúp mà còn cố chia rẽ bằng cách vũ trang cho Bình Xuyên và bọn cướp bóc trong Nam để phá thêm. Do đó, tôi thấy lúc ni mình cũng chưa nhất thiết phải nắm ngay quân đội mà chỉ cần nắm được công an cảnh sát trước đã. Được vậy, với sự hậu thuẫn của dân chúng, tưởng đã có thể làm việc được.

– Còn vấn đề Hoàng Triều Cương Thổ?

– Thưa cụ, Bảo Đại lúc này còn mải miết ăn chơi kể như đã hoàn toàn buông thả chỉ dựa vào thế Pháp mà có ảnh hưởng. Thế của Pháp thì đang suy sụp trông thấy. Tôi tưởng mình cũng không nên đòi quá. Khi cụ về chấp chánh rồi, mình có thực lực, sẽ nương theo tình thế mà dành lại chủ quyền dần. Tôi tin chắc vấn đề Hoàng Triều Cương Thổ thế nào cũng giải quyết xong. Điều quan trọng không còn ở ngoài mà chỉ còn là việc cũ đã chấp thuận trở về hay chưa.

Nghe tôi trình bày, ông Diệm có vẻ trầm ngâm hơn. Lá thư của ông Cẩn tôi vừa đưa tới đang đặt trên chiếc bàn nhỏ, được ông cầm lên, rồi lại đặt xuống nhiều lần. Lát sau, ông mới nhỏ nhẹ nói:

– Cha đã nói vậy, tôi cũng xin thưa thật với cha. Khi nhận điện tín của bọn bên này (ý chỉ Trương Công Cừu, Ngô Đình Luyện) yêu cầu rời Hoa Kỳ, sang Pháp, tôi cũng đã đắn đo nhiều. Sau hai ba năm ở Hoa Kỳ, nay cũng đã gây được tiếng vang, lại thấy rõ là tình hình đang cấp bách, e để thì rồi ra chậm mất. Nhưng tôi sang Ba-Lê đã mấy tháng mà cũng chưa thấy Bảo Đại nói chi không lẽ lại phải đi năn nỉ cầu cạnh, nên đành phải chờ.

Tôi hỏi ông Diệm:

– Bữa qua tôi có nghe nói Nguyễn Đệ cũng đã tới Ba-Lê mấy bữa rồi, không hiểu Đệ đã tới thăm cụ chưa.

Nghe nhắc tới Nguyễn Đệ, ông Diệm nhíu mày, lộ vẻ không vui ra mặt:

– Có, Nguyễn Đệ có tới nhưng cũng không nói chi, mà tôi cũng có lý chi mô mà phải đi nói với Đệ.

Thấy ông Diệm không muốn nhắc đến Nguyễn Đệ tôi đành chuyển câu chuyện sang phía khác. Sau khi kể một số hoạt động của ông ở Ba-Lê. Khi chia tay ông Diệm bảo tôi:

– Thôi thì cách chi mình cũng phải chờ coi. Vậy cha cứ sang Hoa Kỳ cái đã, sang bên ấy, cha liên lạc với bọn Bùi Công Văn, Đỗ Vạn Lý coi tình hình ra sao.

Ông Diệm đưa tôi ra tận cổng rồi mới quay vào.

Tuy trong câu chuyện vừa rồi, tôi đã cố tránh nhắc lại tên Nguyễn Đệ với ông Diệm, nhưng khi chia tay ông Diệm rồi, tôi thấy rõ sự hiềm khích giữa ông Diệm với Đệ trở thành một vấn đề đáng kể. Viên chánh văn phòng này hiện đang lãnh sứ mạng của Bảo Đại mở các cuộc tiếp xúc tìm người về chấp chánh.

Vậy mà ông Diệm với Đệ lại không thể nói chuyện với nhau, như vậy làm sao để ông Diệm có thể vượt qua cửa ải này mà gặp Bảo Đại thu xếp việc nước.

Tôi quyết định phải đi tìm gặp ngay Nguyễn Đệ.

[bấm vào link này đọc chương kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt