Bên Giòng Lịch Sử 1940–1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 20 & 21
Trong giòng Lịch Sử Cận Đại của Việt Nam, vì lý do chính trị thay đổi thường xuyên nên sự kiện ghi lại cũng không được trung thực. Trang nhà https://www.vietquoc.org nhận thấy cuốn “Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965” của Linh Mục Cao Văn Luận, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang nhiều tính khách quan, vậy xin độc giả đọc từ đầu đến cuối để có cái nhìn trung thực về lịch sử. Sau đây là Chương 20 & 21
[Bấm chuột vào đây để đọc chương trước]
Chương 20: Huế điêu tàn và buồn thảm
Đã lỡ hứa với ông Trần Văn Lý, tôi vào Huế khoảng cuối năm 1947. Tôi ở lại Huế vài tháng, nói chuyện với ông Lý khá nhiều. Lúc này tôi cũng có cơ hội gặp một số người trong đó có ông Ngô Đình Cẩn, Trần Điền, và dĩ nhiên là các cha sở Huế. Tôi ở lại Huế vài tháng, ông Lý đề nghị mời tôi làm giám đốc nha Văn Hoá miền Trung, một nha chưa thành hình, có trách nhiệm như một bộ giáo dục thông tin thu hẹp mà ông Lý định thành lập. Ông Lý sống rất đơn giản gần như khắc khổ, mặc dù lúc bấy giờ uy quyền ông, sau người Pháp thì khá lớn.
Với uy quyền đó, vào tay người khác đã hét được ra lửa. Riêng với ông Lý, tôi phải công tâm mà nhận xét rằng trong thời gian quyền thủ hiến Trung Việt, ông Lý cố gắng làm những việc tốt, cứu giúp một vài người bị Tây tình nghi nhưng ông biết không phải cộng sản.
Tôi thấy tình thế không cho phép tôi hay bất cứ ai làm việc gì. Tôi từ chối và chú tâm lo việc đọc sách tìm hiểu, qua lại với những người mà tôi thấy có tâm huyết.
Dịp này tôi có gặp ông Ngô Đình Cẩn một vài lần, nhưng không thân lắm, bà cụ Khả có vẻ mến tôi lắm, thường mỗi lần tôi đến thăm ông Cẩn, bà cụ hay chống gậy ra hỏi thăm dặn dò ông Cẩn làm các món ăm ngon đãi tôi. Bà cụ rất mộ đạo, và đôi khi ngồi lại nói chuyện đạo với tôi khá lâu.
Nhân một vài lúc rãnh rỗi tôi có vào thăm thành nội Huế, bùi ngùi nhìn cung điện nhà Nguyễn nay hoang tàn, đổ nát. Tôi chợt nhớ đến Bảo Đại, người đang được nhắc đến khá nhiều ở Pháp những ngày tôi sắp về nước cũng như ở Việt Nam những tháng vừa qua.
Tôi không tìm thấy hy vọng đẹp đẽ nào ở con người đó, chẳng hiểu tại sao. Tôi chưa gặp Bảo Đại, chưa thấy Bảo Đại, và những ý nghĩ của tôi có tính cách linh cảm hay trực giác mà thôi. Tôi không một lúc nào tin tưởng dù mong manh rằng Bảo Đại sẽ làm được chuyện gì lớn lao xoay chuyển được tình thế đất nước xứng đáng đối thoại một mặt với nước Pháp, một mặt với Việt Minh, để trở thành một cơ hội qui tụ những người Việt Nam yêu nước không cộng sản nhưng không thể theo Pháp.
Nhận thấy ở tại Huế chẳng ích lợi gì, chẳng làm được việc gì, tôi tính về Quảng Bình, thuộc địa phận Vinh.
Lúc bấy giờ quân Pháp đã đổ bộ lên cửa sông Gianh, tiến sâu vào đến hết huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá theo hai ngã sông Gianh là Nguồn sơn và Nguồn nậy. Quân Pháp và lính bảo vệ đoàn đóng ở hai đồn lớn ở Quảng Khê và Ba Đồn. Những làng công giáo bắt đầu nổi lên chống lại Việt Minh, xin súng Pháp lập đồng hương vệ trong làng. Tôi muốn tìm hiểu cái giải pháp này, cũng muốn sống trọn vẹn đời sống một linh mục nên dứt khoát rời Huế đi Đồng Hới, rồi từ đây đi ca nô ra Quảng Khê lên Ba Đồn và về xứ Đan Sa.
Thời gian này tôi làm một cha xứ Đan Sa hết bổn phận, thay cha Dụng đã từ trần. Xứ Đan Sa, cũng như các xứ khác ở Hoà Ninh, Hướng Phương, Vĩnh Phước cũng lập đồn hương vệ, rào làng, xin súng Pháp để chống lại Việt Minh. Tôi không tin rằng giải pháp này là đúng, trái lại tôi lo sợ sẽ đem lại nhiều hậu quả tai hại hơn cho người công giáo mà thôi, nhưng giáo dân có vẻ hăng say, tin tưởng.
Lúc đó nếu người Pháp thực tâm thì tình thế không chừng có thể thay đổi, ít ra ở vùng tôi vừa đến, tức là vùng Quảng Bình từ Đèo Ngang trở vô phía Nam. Nhưng chỉ ít lâu tôi biết ngay rằng người Pháp không thực tâm, mà cũng không có phương tiện, vũ khí để võ trang đầy đủ cho dân làng nào muốn tự trị chống lại Việt Minh.
Hình như bộ phận lãnh đạo Việt Minh trong tỉnh Quảng Bình, các huyện Quảng Trạch và Tuyên Hoá đã được báo cáo nhiều về tôi, nên thỉnh thoảng tôi nhận được một thư mời của Chính uỷ huyện Tuyên Hoá. Lời lẽ có vẻ tha thiết, trình bày hơn thiệt, mời tôi hợp tác với chính phủ Việt Minh, tố cáo Pháp có những tội ác này nọ.
Tôi không hiểu rõ những thư mời này do tự ý Chính uỷ huyện bày ra, hay có chỉ thị từ trên. Tôi chẳng dám hy vọng rằng cụ Hồ còn nhớ đến tôi sau mấy lần gặp gỡ, chuyện trò, mặc dù tôi biết cụ có trí nhớ kỳ lạ. Cũng có những lá thư gần như là nhân danh cụ Hồ mời tôi nhưng tôi đoán điều đó chỉ là một thủ đoạn để vuốt ve tôi mà thôi.
Thời gian làm cha xứ ở Đan Sa tôi được cái an ủi là giúp đỡ dân chúng chẳng những về việc đạo, mà cả về những việc hết sức lẩm cẩm, bất ngờ, như chữa bệnh cảm gió cho một người đàn bà, bày thuốc giục đẻ cho bò cái.
Sau gần một năm, tôi lên Hướng Phương, tức là nơi cai quản các xứ công giáo trong hạt Quảng Bình thuộc địa phận Vinh (bên kia sông Gianh về phía Nam thì lại thuộc địa phận Huế). Lúc này tôi thường nhận được thư mời của Chính uỷ huyện Tuyên Hoá hơn trước, và cạnh những lời mời mọc, thỉnh thoảng có những đoạn ngụ ý đe doạ.
Tôi trình bày với các cha về cách rào làng chống Việt Minh như thế này xem chừng không bền vững được, thà rằng chấp nhận sống như mọi người khác, không lẽ Việt Minh lại giết hết người công giáo được sao, nhất là trong lúc họ cần thu phục lòng dân để đánh Pháp. Một vài cha đồng ý điều đó, nhưng nói rằng các giáo dân không chịu.
Tôi và cha Khẩn bàn nhau nên nói thẳng, hỏi ý định của người Pháp, và cho biết nếu họ thành thực giúp đỡ thì họ phải cho thêm súng ống, phương tiện xứng đáng. Tôi thay mặt các Cha đi Đồng Hới trình bày câu chuyện với đại tá cai quản vùng Quảng Bình. Ông nói thẳng là người Pháp không thể làm hơn được, mà cũng không đủ tin tưởng người Việt Nam, dù là ai để võ trang thêm.
Vào tháng tư 1948 có tin vua Bảo Đại về nước, và dân chúng những vùng Tây chiếm được kêu gọi dân lên huyện Ba Đồn tụ họp để nghe đọc hiệu triệu của hoàng đế. Tôi được cử làm đại diện dân chúng đi họp ở Ba Đồn. Trong lời hiệu triệu, tôi không thấy điều gì lạ, đáng mừng.
Chương 21: Câu chuyện bên lò sưởi năm 1948
Tôi đi ca nô từ Quảng Khê vào Đồng Hới, mua vé máy bay vào Huế. Vì đường bộ và đường thuỷ bị cắt đoạn, người Pháp thời bấy giờ mở một đường máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, lên Nam Vang, Vạn Tượng.
Vào Huế chưa được bao lâu, khoảng một tháng, thì Bửu Lộc đánh điện mời tôi lên gặp hoàng đế Bảo Đại, và ý chừng muốn nhờ toi thuyết phục ông Ngô Đình Diệm ra thành lập một chính phủ qui tụ được những người quốc gia chân chính, có uy tín, có tài năng.
Đi cùng chuyến máy bay đặc biệt của quân đội Pháp, mà Bửu Lộc xoay sở để đem ra Huế dành riêng chở tôi và cụ Đoàn Nậm, một nhân sĩ ở Huế.
Lên Đà Lạt, tôi tìm đến ông Ngô Đình Diệm ngay. Lúc đó ông Diệm ở trong biệt thự của ông Nhu. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Diệm, nhưng đã biết tiếng ông từ khi ông làm thượng thư, rồi từ chức và mới đây qua những lời ca tụng của các cộng sự viên của ông như Hoàng Bá Vinh, Nguyễn Khuê, Nguyễn Văn Châu, các cha và giới công giáo, cũng như nhiều thành phần quốc gia tôi được tiếp xúc cũng hay nhắc đến ông Diệm, và tỏ vẻ tin tưởng, kính phục ông. Với những cảm tình có sẵn đó tôi chỉ định đến gặp thăm hỏi, làm quen và tìm hiểu ông Diệm mà thôi, chớ không có ý định rõ rệt nào.
Trời Đà Lạt lạnh, ông Diệm bận bộ đồ com-lê ngồi đọc sách trong sa lông, sát bên lò sưởi. Ông Diệm thân mật, tươi cười đứng lên mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bành cạnh ông, hỏi han tôi về những cảm tưởng, nhận xét của tôi lúc về nước. Tôi tỏ ý lo sợ, xót xa cho đất nước, vì tình trạng chiến tranh, vì âm mưu của người Pháp, vì sự chia rẽ nội bộ hàng ngũ quốc gia, vì hiểm hoạ cộng sản. Ông Diệm ít nói, gật gù có vẻ tán đồng. Tôi vào ngay đề:
– Thưa cụ, bây giờ người Pháp đã đưa hoàng đế Bảo Đại về lập lại triều đình nhà Nguyễn, cụ có định ra lập chính phủ không? Ông Diệm lắc đầu, nhìn đăm đăm vào bếp lửa:
– Trước cha, vài người cũng đã hỏi tôi điều đó. Thực ra thì tôi không nên trả lời vì Bảo Đại hoặc người của ngài chưa nói gì với tôi một cách chính thức về điều đó. Theo tôi thì không thể nào ra lập chính phủ lúc này được. Cha cũng hiểu rồi đó. Thoả hiệp Vịnh Hạ Long đã không đem lại độc lập và thống nhất chân chính cho Việt Nam. Quân đội Pháp, Cao uỷ Pháp đang nắm mọi quyền hành chính trị, quân sự. Về ngoại giao thì Việt Nam bị giới hạn, chỉ được phép đặt đại diện ở ba nơi là Ba-Lê, Hoa-thịnh-đốn và Luân-đôn.
Như thế chủ quyền ngoại giao hoàn toàn không có, hoàn toàn trong tay người Pháp. Điều thứ hai nữa ít người để ý là người Pháp lập ra Hoàng Triều Cương Thổ để biến tất cả vùng cao nguyên Trung và Nam Phần thành đất thuộc địa trực tiếp của Pháp.
Ông Diệm trầm ngâm một lúc. Tôi vẫn im lặng. Những lời ông nói ra nửa như suy tư, nửa như phân trần với tôi:
– Vùng cao nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế. Về chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt, Miên, Lào. Ai chiếm giữ được cao nguyên này có thể gây áp lực đước đối với cả ba quốc gia đó.
Người Pháp gọi vùng cao nguyên là Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá hình, trên thực tế chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa Pháp. Về mặt kinh tế, thì vùng cao nguyên hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta cần phải bảo vệ cho Việt Nam.
Rồi còn vấn đề thể diện quốc gia, chủ quyền quốc gia nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một vùng đất quan trọng như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam nào muốn lên lại phải xin thông hành!
Tôi chợt nhớ đến một cuốn sách khảo luận về địa dư Đông Pháp, không nhớ rõ tác giả, và tôi đem những ý kiến được nêu lên trong tập sách này trình bày lại với cụ Diệm:
– Cụ nói đúng. Tôi có đọc một cuốn sách viết đại ý rằng Pháp muốn ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam về phía Tây, muốn để dân tộc Việt Nam dừng lại ở các miền duyên hải, còn Pháp thì phải giữ vững vùng cao nguyên Trường Sơn, vừa để ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt Nam, vừa canh phòng phía Lào. Như vậy khi lập Hoàng Triều Cương Thổ, đặt trực thuộc Pháp, thì Pháp đã bắt đầu thi hành đúng cái chính sách đó rồi.
Cụ Diệm chậm rãi:
– Trong một vài trường hợp, mình có thể tính chuyện hợp tác với người Pháp trên căn bản thoả hiệp vịnh Hạ Long, với một điều kiện: Bảo Đại không phải là Bảo Đại.
Cụ Diệm có vẻ khoái trá với câu nói ý nhị đó, hơi mỉm cười. Tôi hiểu ý cụ, cũng mỉm cười. Cụ Diệm lại tiếp:
– Nhưng chuyện đó không thể xảy ra được. Bảo Đại là Bảo Đại tức là một người, thì chúng ta có thể dùng thoả hiệp vịnh Hạ Long làm bàn đạp để tranh đấu từ ôn hoà đòi hỏi thêm những chủ quyền khác mà người Pháp chưa chịu trao trả. Với ai thì được, nhưng với Bảo Đại thì không thể được. Dù có thiện chí đến mấy cũng vô ích thôi. Bảo Đại chỉ thích nghi lễ, hình thức, bề ngoài lại ham săn bắn, ăn chơi, không có tinh thần trách nhiệm đối với sứ mạng lãnh đạo của ông.
Giả sử tôi ra lập nội các với Ngài thì sẽ xảy ra đổ vỡ rất mau. Và dĩ nhiên lúc này thì tôi là phải chịu ra đi, chịu thiệt thòi, vì Pháp còn coi nặng lá bài Bảo Đại lắm.
Tôi thán phục những nhận định sáng suốt, chính xác của ông Diệm, hỏi thêm:
– Thưa cụ, như vậy bây giờ cụ không ra lập nội các, thì theo cụ bao giờ mới có cơ hội tốt để đem ra một giải pháp hoàn toàn quốc gia?
Cụ Diệm nhìn tôi như trách rằng tôi cũng đã biết như cụ rồi mà còn hỏi làm chi:
– Bên Tàu đằng nào thì Mao Trạch Đông cũng thắng Tưởng Giới Thạch. Mỹ muốn cho họ Tưởng thoả hiệp chia đất hay chia quyền với Mao cho yên chuyện Trung Hoa lục địa. Quân cộng sản tàu thẳng tiến đến biên giới Bắc Việt Nam, quân Việt Minh được sự giúp đỡ trực tiếp của quân cộng sản Tàu, sẽ mạnh lên, quân Pháp sẽ gặp khó khăn, lúc đó thì cả Pháp và Bảo Đại sẽ lạy lục người nào đưa ra được một giải pháp quốc gia chân chính. Lúc đó ra cũng chưa muộn.
Tôi đứng lên chào ông Diệm định ra về, chợt nhớ rằng đây là nhà của ông Nhu.
Tôi hỏi ông Nhu và được ông Diệm cho biết là ông Nhu đang ở phòng trong. Tôi tiến vào. Đây là một căn phòng rộng, giữa kê một chiếc bàn dài, có lẽ là bàn ăn, một góc kê chiếc đàn dương cầm. Sát tường có bộ sa lông và mấy chiếc bàn nhỏ, thấp. Ông Nhu ngồi trên chiếc ghế sa lông đó. Ông Nhu mặc chiếc áo len dày cao cổ. Con gái đầu lòng của ông là Lệ Thuỷ đang ngồi trên chiếc bàn dài, học bài. Bà Nhu mặc áo dài màu xanh đậm đứng bên con gái la mắng Lệ Thuỷ vì Lệ Thuỷ làm bài không đúng ý bà.
Câu chuyện giữa tôi và ông Nhu cũng tương tự như câu chuyện với ông Diệm. Giọng nói ông Nhu chậm rãi, rắn rỏi, đầy tin tưởng. Chợt giữa câu chuyện bà Nhu la lớn mắng Lệ Thuỷ. Tôi quên nói một điều là từ đầu tôi chỉ nghe bà Nhu nói tiếng Pháp thôi.
Ông Nhu cau mày:
– Mình làm gì thế, có cha Luận đến thăm đây này.
Ông Nhu nói với vợ bằng tiếng Việt. Bà Nhu không nghe, cứ tiếp tục mắng con, và bằng tiếng Pháp. Ông Nhu thở dài, lắc đầu khẽ:
– Thôi cha, chúng mình sang phòng bên cạnh nói chuyện bớt ồn ào hơn.
Tôi và ông Nhu bước sang phòng khác. Ông Nhu khép cửa lại, tuy vậy những tiếng la hét của bà Nhu bên phòng vẫn còn vọng sang được.
Câu chuyện tiếp tục, và ông Nhu cũng nhận định rằng lúc này ra chấp chánh chưa thuận lợi lắm, sẽ bị tràn ngập vì những khó khăn không giải quyết nổi. Tôi cũng góp ý đại để là nếu vì nóng lòng, vội vàng quá mà ra chấp chánh lúc chưa thuận tiện, thì chẳng những không được việc gì mà tiêu tan luôn cả vốn liếng danh dự và sự nghiệp chính trị tương lai của mình. Ông Nhu có vẻ thấm thía cái ý đó, gật gù. Tôi hẹn thế nào cũng đến thăm hai anh em ông lần khác.
Ông có vẻ mến tôi, và khi từ giã ra về, tôi bước qua phòng khách, ông Diệm vẫn đang ngồi ở đó đọc một tờ báo tiếng Pháp. Cả hai người cùng bắt tay tôi và đưa tôi ra cửa.