Bầu cử tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ

Ông Trump (T) bà Hillary Clinton (P): Ai thắng khuya nay sẽ biết….

Tổng Thống Hoa Kỳ nắm vận mệnh và nền an ninh toàn cầu, người léo lái những cơn sóng gió về kinh tế, quân sự và nền an ninh thế giới. Điều này không sai, bởi vì bất cứ mọi biến cố nào trên bản đồ quốc tế đều có sự can dự của Mỹ… Do đó, hôm nay cả thế giới đang theo dõi kết quả cuộc bầu cử này. Sau 12 giờ khuya hôm nay Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ có kết quả tổng thống thứ 45.  Tỷ phú Donal Trump hay bà Hillary Clinton thành Tổng Thống đều là sự kiện lịch sử: Nếu ông Trump thắng thì đó là tỷ phú đầu tiên làm TT, còn nếu bà Clinton thắng thì đó là nữ TT và nước Mỹ có một cặp vợ chồng đều làm TT tổng thống đầu tiên. Trong lúc tranh cử, một sự kiện làm nên “biến cố” lịch sử khác nữa (dù xấu), cả hai đối thủ đấu nhau rất “dữ dằn không kém phần thô lỗ”, qua ba cuộc “debate” rất tệ hại chưa từng thấy trong lịch sử lập quốc Hoa Kỳ…, mà toàn những chuyện “dưới thắt lưng” đem ra “bôi xấu” nhau không tiếc lời trước bá quan thiên hạ, trên truyền thanh, truyền hình thế giới. Đáng ra, trong cương vị tranh cử TT siêu cường đang bị mộng bành trướng Đại Hán và kẻ ngông cuồng Putin đe dọa, họ cần phải có những “quyết sách” để cho thế giới nể phục, nhưng trái lại, thất đáng thất vọng và hổ thẹn!? Dù sao đi nữa, chỉ có hai người, người dân Hoa Kỳ không còn cách nào khác hơn phải chọn một trong hai…Dưới đây là tổng hợp các bình luận của các bình luận gia quốc tế, các cơ quan truyền thông trên thế giới đối với ngày bầu cử. Cần đọc để xem sự thể ra sao đối với vận mệnh Biển Đông và nguy cơ của Châu Á Thái Bình Dương trước kết quả cuộc bầu cử này…

I) Phóng viên Anh Vũ và Trọng Thành của đài Radio France International có bài bình luận “Mỹ bầu tổng thống sau một chiến dịch tranh cử gây chia rẽ”

Cuộc đấu khẩu dữ dằn, tồi tệ:

Hai ứng viên của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã kết thúc chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 18 tháng, với những màn tấn công nhau dữ dội chưa từng có trong lịch sử gây xáo động nước Mỹ. Đây cũng là kỳ bầu cử tổng thống gây thất vọng nhất cho người dân Mỹ.

Sau khi vượt qua được vòng bầu cử sơ bộ trong hai đảng, tỷ phú Donald Trump – đại diện của đảng Cộng Hòa và bà Hillary Clinton, chính trị gia dày dạn kinh nghiệm đại diện đảng Dân Chủ,  đã bước vào một cuộc đối đầu trực diện trong một chiến dịch tranh cử dữ dội, nhưng cũng gây chia rẽ nước Mỹ nhất từ trước đến nay.

Nếu như tỷ phú Donald Trump có khẩu hiệu “Hãy làm nước Mỹ mạnh trở lại”, ” Nước Mỹ là trên hết “, thì bà Hillary Clinton hô hào “Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh hơn”. Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, các chương trình hành động về kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại cho nước Mỹ đã nhanh chóng bị che lấp bởi các vụ lùm xùm bê bối và những màn tấn công nhau không khoan nhượng từ cả hai phe. 

Tranh luận dữ dằn

Tranh luận dữ dằn (hình Internet)

Trong ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, cũng như tại hàng loạt các cuộc mít tinh trên khắp các tiểu bang, cử tri Mỹ chủ yếu chứng kiến những cuộc khẩu chiến dữ dằn, có phần thô bạo đôi khi “thô lỗ” của hai ứng viên nhằm tấn công vào đời tư và tư cách của đối thủ. Dư luận Mỹ nhận thấy đây là kỳ bầu cử gây thất vọng nhất của lịch sử nước Mỹ.

Dù đã huy động hết nguồn lực cho một chiến dịch tranh cử dài hơi, nhưng cả Hillary Clinton và Donald Trump đều không phải là những ứng viên tổng thống lý tưởng đối với đại đa số cử tri Mỹ. Họ lựa chọn bỏ phiếu cho một trong hai ứng cử viên trong tâm trạng miễn cưỡng nhiều hơn là được thuyết phục.

Trước khi kết thúc chiến dịch tranh cử, hôm qua 07/10 ứng viên Donald Trump đã tăng tốc để thuyết phục các cử tri còn lưỡng lự. Trong một ngày, ông đã đi tới 5 tiểu bang để diễn thuyết. Cùng lúc phe Dân chủ cũng huy động tổng lực với cuộc mít tinh của bà Hillary Clinton tại Philadelphia, tập hợp khoảng 40,000 người, với sự tham gia của tổng thống Obama, cả gia đình  Clinton và những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của Mỹ như Lady Gaga, Bruce Springsteen, Jon Bon Jovi.

Theo dự tính, vào lúc khoảng 3 giờ, giờ quốc tế ngày 09/11, mọi người có thể biết tên người chiến thắng, tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. 

Mệt mỏi vì cuộc tranh cử kéo dài

Sau một giai đoạn tranh cử tổng thống kéo dài, rất căng thẳng và thậm chí rất hung bạo, các cử tri Mỹ nhìn chung đều thở phào nhẹ nhõm khi ngày bỏ phiếu rốt cuộc cũng đã tới. Từ San Francisco, thông tín viên Carlotta Morteo cho biết tâm trạng của cử tri tiểu bang miền viễn tây nước Mỹ :

“Rời khỏi phòng bỏ phiếu, các cử tri California đều có một quan điểm thống nhất. Một nữ cử tri cho biết bà khá lo ngại về kết quả, nhưng thật mừng là cuối cùng thì mọi sự cũng sẽ sớm kết thúc. Một nam cử tri nhận xét là cuộc tranh cử tổng thống rất sôi động, nhưng ông cũng mong sớm kết thúc, cuộc tranh cử vừa qua phải nói là rất gây chia rẽ, rất tồi. Một nam cử khác thì cho rằng đây là một trò hề, một trò lừa đảo khủng khiếp, điều đáng tiếc là người ta đã không thảo luận thực sự về chính trị trong cuộc tranh cử vừa qua.

Thất vọng về tính chất trống rỗng của một cuộc tranh cử chính trị tràn ngập những lời lẽ cực đoan, rất nhiều cử tri Hoa Kỳ cũng bực bội vì tình trạng bội thực thông tin, và khoản tiền 10 tỉ đô la được chi cho quảng cáo. Một cử tri nói ông hết sức mệt mỏi, vì ngày nào cũng buộc phải nghe đi nghe lại những thông tin như vậy. Một cử tri khác cũng cùng cảm nhận là ông phải tiếp nhận hàng tấn thông tin, gần như bị bão hòa vì các thông tin dồn dập về bầu cử ; quảng cáo về bầu cử chỉ là những lời lẽ tuyên truyền, chỉ là những lời lẽ mà mỗi người muốn được rót vào tai.

Theo báo The Washington Post, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ là món lộc trời cho đối với công nghiệp truyền thông. Một ví dụ, đó là hãng CNN đã kiếm được một tỉ đô la năm nay, hay New York Times kiếm được thêm 516.000 khách hàng mới”.

II) Lo lắng về Châu Á, nhất là chiến lược xoay trục tại Thái Bình Dương như thế nào, nhà nghiên cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ, tiến sĩ Sarah Graham của Đại Học Sydney, Úc bình luận  “Ổn định châu Á tùy thuộc vào kết quả bầu cử Mỹ”

Nếu Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, châu Á Thái Bình Dương có nguy cơ mất ổn định, còn nếu Hillary Clinton chiến thắng, bà sẽ tập trung trở lại những nỗ lực của Hoa Kỳ cho vùng này. Đó là nhận định của một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Sydney, Úc, được Đài phát thanh New Zealand trích dẫn hôm nay, 08/11/2016.

Theo lời tiến sĩ Sarah Graham, trong thời gian vận động tranh cử, chính sách của ông Donald Trump về châu Á-Thái Bình Dương đã “dao động” rất nhiều, tức là chẳng ai rõ chính sách của nhà tỷ phú Mỹ về khu vực này sẽ như thế nào.

Như vậy, theo chuyên gia Sarah Graham, nếu đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump sẽ cần có một êkíp vững chắc để giúp ông kiến tạo một chính sách về châu Á làm sao cho các chính phủ khu vực này cảm thấy yên tâm.

Nhưng tiến sĩ Graham nhắc lại rằng ứng cử viên Cộng Hòa đã từng đặt lại vấn đề về các liên minh truyền thống của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là liên minh với Nhật. Ông Donald Trump đã nói đến khả năng đòi các đồng minh châu Á này phải đóng góp nhiều hơn, còn nếu không đồng ý thì phải ra khỏi liên minh với Hoa Kỳ. Điều này sẽ gây ra căng thẳng và bất ổn cho nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, vốn ngày càng lo ngại trước đà lớn mạnh của Trung Cộng. Theo chuyên gia Sarah Graham, với chính quyền Donald Trump, Hoa Kỳ sẽ bớt can dự vào châu Á, để mặc cho Trung Cộng tha hồ làm mưa làm gió ở vùng Biển Đông.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đóng góp rất nhiều cho chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á, cho nên bà rất hiểu mối quan ngại của một số quốc gia khi thấy chiến lược “xoay trục” này đã không được thi hành đúng mức nên Trung Cộng mới có những hành động áp đặt chủ quyền như thế ở Biển Đông. Cho nên, theo bà Sarah Graham, nếu đắc cử tổng thống, ứng cử viên Dân Chủ sẽ tìm cách phục hồi uy tín của Mỹ ở châu Á.

Cũng theo tiến sĩ Graham, cựu Ngoại trưởng Clinton không được Trung Cộng “ưu ái” lắm vì bà thường chỉ trích Bắc Kinh trên vấn đề nhân quyền và cũng vì bà có tham gia vào chiến lược “xoay trục” sang châu Á, một chiến lược bị xem là nhằm kềm chế Trung Cộng.

Bà Sarah Graham cho rằng nếu đắc cử tổng thống Mỹ, bà Clinton sẽ tỏ ra thận trọng trong quan hệ với Trung Cộng, tức là sẽ kiên quyết trên vấn đề Biển Đông, nhưng vẫn phải làm việc với Bắc Kinh nhằm đối phó với tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng nhà nghiên cứu Đại hoc Sydney tin tưởng rằng bà Clinton có đủ kinh nghiệm để thi hành đường lối ngoại giao rất tế nhị này với khu vực châu Á.

III) Giáo sư Barthélémy Courmont, giảng viên Đại Học Công Giáo Thành Phố Lille, miền Bắc nước Pháp, đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại viện IRIS… qua theo dõi tranh cử đã đặt vấn đề: “Phải chăng chiến lược xoay trục của Mỹ đến lúc hạ màn?”

Sau các sự kiện xích lại gần Trung Cộng của Philippines rồi Malaysia, rất nhiều chuyên gia phân tích đã không tránh khỏi bi quan về chiến lược “xoay trục” qua châu Á của tổng thống Hoa kỳ Barack Obama. Trong một bài phân tích đăng trên trang web của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Pháp IRIS ngày 07/11/2016, ông Barthélémy Courmont, giảng viên Đại Học Công Giáo Thành Phố Lille, miền Bắc nước Pháp, đồng thời là giám đốc nghiên cứu tại viện IRIS, đã nêu câu hỏi phải chăng bức màn đã hạ trên chiến lược xoay trục nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ để kềm hãm sự bành trướng của Trung Cộng ở một vùng được xem là then chốt.

Theo chuyên gia Pháp, những diễn tiến trong tháng 10 và 11 này càng làm thấy rõ xu hướng đó: Sau Philippines, một đồng minh truyền thống của Mỹ, đến lượt Malaysia, một đồng minh nặng ký khác, xích lại gần Trung Cộng một cách ngoạn mục. Tại Bắc Kinh, tuần qua, thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo thiết lập quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Trung Cộng, chỉ ít lâu sau khi tổng thống Philippines Duterte, cũng tại Bắc Kinh, đã vui mừng thông báo một loạt thỏa thuận với một nước mà quan hệ vốn rất căng thẳng.

Màn “ba lê” ngoaị giao đó quả là một vố rất đau đánh vào chiến lược xoay trục, hướng về Châu Á của chính phủ Obama, muốn đặt Mỹ vào trung tâm bàn cờ Châu Á. Chiến lược này dựa trên hai vế: kinh tế – mà hiệp định TPP là một biểu hiện, và chính trị – chiến lược, khẳng định lại các liên hệ đồng minh hiện hữu và tìm thêm đồng minh mới.

Thất bại từ kinh tế đến chiến lược

Kể cả khi được Thượng Viện Mỹ thông qua, trên thực tế thì hiệp định TPP sẽ chỉ có ảnh hưởng rất giới hạn vì chỉ có 5 quốc gia Châu Á ký kết (Nhật Bản, Brunei, Singapore, Malaysia, Việt Nam) trong lúc mục tiêu lại là tập hợp tất cả các quốc gia trong vùng và loại trừ Trung Cộng. Có lẽ đấy là nguyên nhân khiến cho hiệp định không hoàn toàn thành công. Bên cạnh đó thì Trung Cộng đã “tấn công”, tăng đầu tư vào Đông Nam Á.

Tóm lại, nếu giá trị của hiệp định TPP nằm ở chỗ đã được ký kết vào năm 2015, thì nó vẫn là một hiệp định “giá thấp”, không có hy vọng “vượt lên”.

Trên bình diện chiến lược, nếu Washington đã tái khẳng định mối quan hệ đối tác với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc, thì mối quan hệ được tăng cường với Việt Nam và Philippines trong thời gian qua có thể được xem là thành quả mới của chính quyền Obama.

Thế nhưng chiến lược đổi phe của tổng thống Philippines Duterte đã là một cú đâm sau lưng chính sách ngoại giao Mỹ, làm cho chiến lược xoay trục mất đi một hậu thuẫn then chốt. Cuộc tranh cử tổng thống tệ hại vừa kết thúc càng làm cho vị trí của Washington ở Châu Á yếu đi thêm, trong lúc viễn cảnh trước mắt không có gì đáng phấn khởi.

Cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump đều phớt lờ châu Á !

Cả Hillary và Trump tại so phát lờ châu Á?

Cả Hillary và Trump tại so phát lờ châu Á?

Barack Obama, thời thơ ấu đã ở Jakarta, vẫn được uy tín trong vùng, và uy tín này đã giúp Mỹ duy trì hy vọng là trụ lại được trong một khu vực ngày càng bị ảnh hưởng của một Trung Cộng đang vươn lên. Thế nhưng cả Hillary Clinton lẫn Donald Trump không ai có được uy tín, hình ảnh tích cực như của Obama.

Hơn nữa, cả hai đều không cho thấy là họ có cái nhìn về tương lai chiến lược xoay trục. Nếu Trump có chú ý thì chỉ là để tố cáo hiệp định thương mại TPP, còn Hillary Clinton, tuy là người từng chủ trương chiến lược này, nhưng đã không đưa nó vào các sự kiện đối ngoại cần quan tâm trong cuộc tranh cử !

Điều đáng ngạc nhiên ở đây, theo ông Courtmont, là cả hai ứng viên, không ai đưa ra chính sách gì về Châu Á… Chưa bao giờ từ thời Bush và các tranh luận về chiến tranh Iraq, một cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ lại phớt lờ đến mức này đối với các thách thức kinh tế và chính trị ở Châu Á. Cuộc vận động tranh cử vừa qua nhìn chung quả là trống rỗng, vô nghĩa và nhất là đáng ngại cho tương lai.

Sự mất phương hướng đó kết hợp với một sự chuyển hướng dần dần của các đồng minh của Washington trong khu vực – tuy tương đối nhưng cũng rất thực – nghiêng về phía Trung Cộng, phải chăng có nghĩa là chiến lược xoay trục đang kết thúc và sẽ được ghi nhận như một thất bại của chính quyền Obama?

Rất có thể là như thế, vì không gian cho phép Mỹ hành động hiện nay eo hẹp hơn là vào năm 2009, khi Obama nhậm chức và đề cử Hillary Clinton làm ngoại trưởng. Và tân ngoại trưởng khi ấy đã dành chuyến công du đầu tiên cho Châu Á, điều chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ.

Mỹ không thành công trong lúc Trung Cộng vươn mạnh

Nếu Mỹ tìm cách tiến bước ở Châu Á với kết quả nửa vời, thì Bắc Kinh ngược lại đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của họ. Là một nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới từ năm 2010, Trung Cộng đã thiết lập vùng tự do mậu dịch với ASEAN, thành lập Ngân Hàng Đầu Tư châu Á AIIB vào năm 2015, gia tăng đầu tư vào các láng giềng, kể cả với Đài Loan.

Coi chừng tham vọng của Tập Cận Bình

Coi chừng tham vọng của Tập Cận Bình

Đồng thời Trung Cộng cũng vươn lên trên bình diện quân sự, nhất là Hải Quân, đến mức có thể cạnh tranh được với Mỹ trong vùng. Với đường chín đoạn và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông, Trung Cộng đang thách thức Mỹ. Chỉ trong vỏn vẹn 8 năm, từ một cường quốc Châu Á đang hình thành, Trung Cộng đã trở nên một cường quốc thật sự.

Bắc Kinh đã biết tận dụng một cách khéo léo thời cơ Mỹ bận bịu, tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống – ông Obama đã lo đi vận động cho bà Hillary Clinton hơn là bỏ thì giờ thúc đẩy các vấn đề đối ngoại.

Tóm lại chiến lược xoay trục, mà mục tiêu chính là kềm hãm Trung Cộng đã thất bại và nếu phải khôi phục lại, Washington sẽ phải điều chỉnh sao cho thích ứng với ván bài mới không thuận lợi cho mình.

Thái độ của Philippines, Malaysia chỉ là dấu hiệu mới nhất, bên cạnh chế độ độc tài ở Thái Lan, các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở Bắc Triều Tiên, và cuộc khủng hoảng chính trị ở Nam Hàn… Những vấn đề đó dự báo những ngày khó khăn đang chờ đợi Washington, sẽ phải đối mặt với Trung Cộng có thể sẽ trở thành cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới khi tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ bước vào Nhà Trắng.

IV) Các nước châu Âu, Trung Cộng và Nga nhìn như thế nào về bầu cử tại Mỹ qua báo chí châu Âu:

Nước Pháp nín thở theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Đa số các nhật báo Pháp hôm nay 08/11/2016, đều dành nhiều trang để dự đoán, nhận định, phân tích và giới thiệu quan điểm của một số cường quốc trên thế giới về cuộc bầu cử tổng thống có một không hai trong lịch sử Hoa Kỳ.

Le Monde trên trang nhất phải thốt lên rằng : “Hillary Clinton – Donald Trump: Chiến dịch vận động tranh cử điên rồ”. Đó là “cú sốc giữa hai nước Mỹ” chạy tít trên trang nhất của tờ Le Figaro. Điều đó cũng thể hiện rõ qua chương trình vận động tranh cử của hai ứng viên tổng thống: “Hai chương trình, hai tầm nhìn của nước Mỹ”, tựa bài nhận định trên Le Monde, Les Echos và Le Figaro.

Cả ba tờ báo cùng điểm lại những khác biệt trong chương trình vận động của hai phe trong các lĩnh vực thuế khóa, thương mại, xã hội và việc làm, chính sách công nghiệp và năng lượng, thị trường tài chính Wall Street và các chính sách đối ngoại.

Một nước Mỹ rạn nứt trầm trọng:

Các nước Châu Âu nhìn về bầu cử Mỹ

Các nước Châu Âu nhìn về bầu cử Mỹ

Nhưng cuộc đua vào Nhà Trắng lần này đã làm lộ rõ “một sự rạn nứt của nước Mỹ”, theo như quan điểm của nhật báo công giáo La Croix trên trang nhất với hình ảnh hai ứng viên tổng thống đang xoay lưng vào nhau. Libération chua xót bồi thêm rằng, sau cuộc bầu cử này, “nước Mỹ sẽ không còn giống như trước nữa”.

Người Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, phải bầu chọn cho mình một vị tổng thống mới, nhưng đó lại là một sự chọn lựa “miễn cưỡng” giữa một Trump quá đáng và một Clinton dày dặn kinh nghiệm.

Làn gió hy vọng và lạc quan của năm 2008 lần đầu tiên đưa một một vị tổng thống da màu làm chủ Nhà Trắng nay chỉ còn là một kỷ niệm xa xôi. Bị vỡ mộng, bực tức và chia rẽ, nước Mỹ nghi ngờ cả chính mình và hai ứng viên tổng thống. Đối với nhiều cử tri Mỹ, đây chỉ là một sự chọn lựa “miễn cưỡng”, nhưng lại rất quan trọng giữa hai ứng viên được cho là không được lòng dân nhất trong lịch sử.

Theo bài xã luận của Libération, cuộc bỏ phiếu hôm nay còn là “một cuộc trưng cầu dân ý lớn về toàn cầu hóa”. Liệu rồi chủ nghĩa dân tộc có “cuốn theo chiều gió” cùng với Donald Trump hay không? Đương nhiên, đây không phải cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên vì tại Anh quốc đã có Brexit, Hungary thì có Viktor Orban, hay như tại Áo, phe cực hữu xuýt trúng cử tổng thống. Nói tóm lại ông Trump nhận được sự ủng hộ của các đảng cánh hữu, những đảng cứng rắn nhất tại châu Âu.

Libération cho rằng chính học thuyết “tự do” là nguồn cội của mọi sự bực tức một bộ phận dân chúng Mỹ nói riêng và tại một số nước châu Âu nói chung. Họ vỡ mộng vì những lời hứa hão huyền về sự toàn cầu hóa mang lại sự phồn vinh, giàu có không giới hạn. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, tại những nước phát triển, thu nhập của tầng lớp trung lưu và bình dân hầu như bị đình trệ.

Châu Âu rụt rè ủng hộ bà Hillary Clinton

Giả như Liên Hiệp Châu Âu được quyền tham gia bỏ phiếu, họ sẽ chọn ai? Clinton hay là Trump? Và vì sao? Le Figaro có bài giải mã về chủ đề này.

Trong bài xã luận “Nhìn từ châu Âu”, tờ báo khẳng định Pháp và một phần lớn châu Âu sẽ bỏ phiếu cho Clinton. Bởi vì, châu Âu biết rõ bà Clinton hơn nên họ cảm thấy yên tâm hơn. Bản thân ứng viên đảng Dân Chủ cũng hiểu rõ guồng máy và duy trì các mối liên kết có từ lâu nay.

Trong khi đó, ông Trump tuyên bố nếu đắc cử sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại, và muốn châu Âu chia sẻ gánh nặng. Hoa Kỳ phải chấm dứt việc chi ra hàng tỷ đô la mỗi năm để làm hiến binh thế giới. Đó cũng có thể là cơ hội để cho châu Âu thức tỉnh.

Le Figaro cho rằng bầu cử Hoa Kỳ lần này đã làm sáng tỏ sự dao động giữa hai trường phái lớn. “Chủ nghĩa cô lập” mà Trump là đại diện, đối lập với “chủ nghĩa can thiệp” của bà Hillary Clinton. Giả như bà trở thành phụ nữ đầu tiên cầm trịch chỉ huy cường quốc số một thế giới, Le Figaro tỏ ra nghi ngờ, cho rằng bà có nguy cơ châm mồi và phát hỏa khắp nơi.

Nói tóm lại, ngay chính bản thân châu Âu cũng không biết là họ muốn gì. Hoặc là người Mỹ quá nặng tay, hoặc là quá nhẹ tay. Có lẽ họ sẽ thấy rõ hơn mọi việc giả như họ biết được là họ muốn đi đâu về đâu.

Bắc Kinh: Tân tổng thống Mỹ sẽ là một đối thủ “cứng đầu”

Thế còn Trung Cộng thì sao? Giữa hai nỗi đau, đành chọn cái nào đau ít vậy. Le Figaro hóm hỉnh nhận xét. Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh hồi hộp theo dõi cuộc đua Clinton-Trump. Bất kể người thắng cuộc là ai, các chiến lược gia Trung Cộng chuẩn bị tinh thần đối phó với một đối thủ ương ngạnh hơn ông Barack Obama.

Tổng thống sắp mãn nhiệm đã từng nhắm đến việc hợp tác với cường quốc kinh tế thế giới thứ hai, để rồi sau đó phải chậm trễ cứng rắn trở lại trước những đà tiến của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Tờ báo trích dẫn phân tích của một cố vấn Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Trương, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế cho rằng “Tập Cận Bình đã bắt được mạch của Obama và cảm nhận được điểm yếu. Do đó, ông ấy đã tiến các con chốt của mình”.

Tuy nhiên, trước những phát ngôn “bốc đồng” của nhà tỷ phú Mỹ, các vị hoàng tử đỏ Trung Cộng nghiêng về ứng viên Hillary Clinton nhiều hơn. Đó là vì những lý do thực dụng.

Ông Shi Yinhong, giáo sư Đại Học Nhân Dân tại Bắc Kinh, giải thích rằng : “Bắc Kinh có lẽ sẽ không mấy hứng khởi trước chiến thắng của ông Trump. Điều đó dường như sẽ có tác động tiêu cực trên phương diện thương mại, đe dọa đến điểm yếu hiện nay của Trung Cộng, nền kinh tế của nước này”.

Các lãnh đạo Trung Cộng cảm thấy lạnh xương sống trước triển vọng cuộc chiến thương mại trong những bài diễn văn của ông Trump, vào thời điểm mà tăng trưởng của Trung Cộng xuống đến mức thấp nhất từ 25 năm nay. Thời điểm mà Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc chuyển tiếp tế nhị về mô hình kinh tế. Các kết quả thăm dò tại Trung Cộng cho thấy 37% số người được hỏi ủng hộ bà Clinton, và cho ông Trump là 22%.

Nhưng điều đáng chú ý là “chính sách cô lập” của Trump lại rất có lợi cho Trung Cộng tại châu Á. Đề xuất rút hết binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc, hay Nhật Bản nếu những nước này không tham gia một phần tài chính lại rất làm hài lòng Bắc Kinh, đáp ứng được những lợi ích chiến lược của Quân Đội Giải phóng Nhân dân.

Nhưng chính tính cách khó đoán trước của Trump lại gây lo ngại cho Trung Cộng, vốn rất thích với chính sách kiểm soát. Do đó, ông Shi cho rằng : “Bà Clinton dù sao vẫn ít đau hơn. Bà ấy sẽ cứng rắn, nhưng vẫn đi tiếp chính sách của ông Obama và bà ấy vẫn sẽ tiếp tục các kênh giao tiếp”. Dẫu sao thì đối với 45% người dân Trung Cộng, dù là Trump hay Clinton, Hoa Kỳ “vẫn là mối đe dọa quan trọng”.

Báo Nga: Tân tổng thống Mỹ sẽ là “con vịt què”

Vẫn theo Le Figaro, “Người Nga thích nhà tỷ phú, nhưng vẫn dè chừng cả hai ứng viên”. Ông Donald Trump làm lung lay phe Dân Chủ, khơi lại những vết thương xa xưa của Hoa Kỳ, đang làm hài lòng Matxcơva. Nhưng điều đó cũng không hẳn là điện Kremlin sẵn sàng ủng hộ hoàn toàn ông Trump. Các cáo buộc của phe Dân chủ cho rằng ông Trump là “con rối” của ông Putin đã khiến Nga phải tỏ ra thận trọng.

Theo một thăm dò quốc tế do cơ quan Gallup thực hiện vào tháng 9/2016, Nga nằm trong số 45 quốc gia có tỷ lệ ủng hộ bà Clinton thấp nhất (10%) và số người ủng hộ Trump là 33%. Đặc biệt là 57% người Nga (con số kỷ lục) cho biết không thể chọn ai. Điều đó cho thấy là các cuộc bầu cử Hoa Kỳ vẫn là điều khó hiểu.

Dường như suốt chiến dịch vận động bầu cử, hầu như toàn bộ truyền thông Nga và phần đông các nhà phân tích đều nghiên về phía ông Trump, bỏ qua những cáo buộc mang tính chất kỳ thị giới tính đang đè nặng lên ứng viên Cộng Hòa, đồng thời gây trầm trọng thêm những điều rủi lên bà Clinton.

Đó là vì lúc này ông Trump còn là ứng viên, nhưng nếu ông ấy đắc cử, liệu sự nhiệt tình đó có còn hay không? Le Figaro cho là chưa chắc. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Chính giới Nga thừa hiểu rằng đảng Cộng Hòa vẫn còn mang nặng tư tưởng chiến tranh lạnh.

Cũng giống như Trung Cộng, nước Nga không thể ủng hộ một ứng viên khó dự đoán trước theo như khẳng định của một chuyên gia Nga, thuộc Viện Carnegie tại Matxcơva.

Nhưng Hillary Clinton, vốn không ngừng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc tranh cử cũng sẽ là một người đối thoại khó tính. Đề xuất của bà về việc thiết lập vùng cấm bay trên không phận Syria, có khả năng gây cản trở các chiến dịch hoạt động của không quân Nga đang dấy nhiều mối quan ngại cho điện Kremlin.

Trong cả hai trường hợp, không một chính khách Nga nào tin vào khả năng nhanh chóng bình thường hóa quan hệ Nga – Mỹ, đã bị xuống cấp nghiêm trọng kể từ khi xảy ra nội chiến tại Ukraina, các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga và cuộc tấn công không quân Nga tại Syria.

Nhìn từ Matxcơva, chiến dịch vận động tranh cử tại Hoa Kỳ cho phép bộ máy tuyên truyền tại Nga giới thiệu nước Mỹ dưới một ngày đen tối. Rủi ro gian lận bầu cử như ban vận động tranh cử cho Trump đưa ra cũng đã được truyền thông Nga phổ biến rộng rãi, cho rằng nền dân chủ Hoa Kỳ là bệnh hoạn.

Để kết luận, Le Figaro dẫn lại nhận định trên tờ Kommersant : “Bất kể là ai, tổng thống mới ngay từ đầu sẽ xuất hiện như một con vịt què”.

Tổng hợp từ các cơ quan truyên thông quốc tế ngày bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ (8/11)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt