Bầu cử Tống Thống Pháp

Bà Le Pen (Trái), ông Macron (Phải)

Bầu cử Tổng Thống Pháp hôm nay làm dư luận thế giới xôn xao vì đường lối ngoại giao của hai ứng cử viên hoàn toàn đi trái ngược nhau.  Một vài nét chính của hai ứng cử viên Tổng Thống Pháp.

Ông Emmanuel Macron:  sinh 21 tháng 12 năm 1977  tại Amiens, ông học triết học tại Đại học Paris-Nanterre, và sau đó tốt nghiệp tại École nationale d’administration (ENA) năm 2004. Từng là một thành viên của Đảng Xã Hội Pháp từ năm 2006-2009, ông được đề bạt làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật vào năm 2014 , tại đây ông thúc đẩy thông qua cải cách thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tháng 11 năm 2016, Macron tuyên bố sẽ đứng ra tranh cử Tổng thống Pháp dưới ngọn cờ của En Marche! (Tiến Bước!) – là một phong trào ông thành lập vào tháng 4 năm 2016; Mặc dù Macron là một thành viên của Đảng Xã hội Pháp, khi thành lập En Marche! tổ chức tìm cách vượt qua ranh giới chính trị truyền thống như là một tổ chức liên đảng. Macron mô tả En Marche! là một tổ chức tiến bộ của cả hai bên cánh Tả và cánh Hữu. En Marche! có hai chữ đầu trong tên Emmanuel Macron.  Những người ủng hộ ông Macron cho ông là “Kennedy của Pháp'”.  Nếu đắc cử ông sẽ là tổng thống trẻ nhất nước Pháp, 39 tuổi. Còn bà Marine Le Pen là ai?

Marine Le Pen sinh ngày 5 tháng 8 năm 1968 (hơn ông Mocron 11 tuổi) tại Neuilly-sur-Seine, Hauts-de-Seine, Île-de-France. Bà là con gái út của Jean-Marie Le Pen là một chính khách người Pháp, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, lãnh đạo đảng Mặt Trận Quốc Gia từ khi thành lập vào năm 1972 đến năm 2011, từng ứng cử viên Tổng Thống Pháp.
Bà là luật sư, nghị sĩ Nghị viện châu Âu , và thay cha làm chủ tịch Mặt trận Quốc gia kể từ năm 2011.
Được mô tả là có tính dân chủ và cộng hòa hơn cha mình, bà Le Pen đã dẫn dắt một phong trào nhằm “giải độc” và cải thiện hình ảnh của đảng Mặt trận Quốc gia, thông qua việc thay thế các vị trí và xây dựng lại đội ngũ, đồng thời trục xuất các thành viên gây tranh cãi do bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc.
Bà Le Pen được xếp hạng trong số những người có ảnh hưởng nhất vào năm 2011 và 2015 vào trong danh sách 100 của tạp chí Time. Vào năm 2016, bà được tạp chí Politico đánh giá là nghị sĩ có ảnh hưởng thứ hai trong Nghị viện Châu Âu, ngay sau Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz.

Sở dĩ dư luận thế giới, và đặc biệt là ở Châu Âu đang xôn xao, thấp thỏm xem ai sẽ là trúng cử Tổng Thống Pháp trong vòng bầu cử chung kết ngày 7/05/2017. Kết quả đó sẽ là quyết định quan trọng đối với nước Pháp nói riêng và đối với khối Châu Âu và cả khối quân sự NATO nói chung. Về chính sách ngoại giao, hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen có những quan điểm đối chọi nhau trên hầu hết các chính sách đối ngoại.

Đối với khối Châu Âu:

Đối chọi nhau rõ rệt nhất chính là về châu Âu. Bà Le Pen thì chủ trương một châu Âu “của những quốc gia có chủ quyền và của các dân tộc tự do“. Theo chiều hướng này, ứng cử viên cực hữu cam kết là nếu đắc cử tổng thống, ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền, bà sẽ trả lại cho dân Pháp “chủ quyền về tiền tệ, lập pháp, lãnh thổ và kinh tế”.  Bà cũng dự trù tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Trong khi đó, ông Macron muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập châu Âu, vì theo ông, tương lai của nước Pháp là trong Liên Hiệp Châu Âu và khối đồng tiền euro. Ông là ứng cử viên tổng thống duy nhất đưa ra rất nhiều đề nghị về châu Âu, chẳng hạn như ông muốn ngay từ mùa Thu năm nay sẽ tổ chức các “hội nghị dân chủ” ở từng quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, để chính người dân ở các nước tham gia vào việc đề ra một “lộ trình” cho Ủy Ban Châu Âu. Để thể hiện quyết tâm thúc đẩy hội nhập châu Âu, trong mỗi cuộc mít tinh tranh cử, ông đều cho phân phát rất nhiều cờ Liên Hiệp Châu Âu bên cạnh cờ Pháp, trong khi ở các cuộc mít tinh của bà Le Pen chỉ có quốc kỳ Pháp.

Đối với các cường quốc khác:

Về quan hệ giữa Pháp với các cường quốc khác, ai cũng thấy rõ là bà Le Pen có lập trường rất thân Nga và bà đã sang Moskva để tiếp kiến tổng thống Vladimir Putin vào tháng Ba vừa qua. Ứng cử viên cực hữu đã ca ngợi ông Putin là có một nhãn quan mới về một “thế giới đa cực”. Trong khi đó, ông Macron vẫn cho rằng nước Nga của Putin đang thi hành một chính sách ngoại giao nguy hiểm“, bất chấp luật pháp quốc tế.

Về chiến tranh ở Syria:

Về quốc tế nóng bỏng nhất hiện nay là Syria, hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng có nhiều khác biệt. Bà Le Pen vẫn cho rằng tổng thống Bachar al-Assad là “giải pháp duy nhất” để tiêu diệt lực lượng Hồi Giáo cực đoan ở Syria và theo ứng cử viên cực hữu, quốc tế phải tiếp tục đối thoại với ông Assad, vì không có ai khác đáng tin cậy.

Trong khi đó, ông Macron ban đầu cũng cho rằng không nên đặt điều kiện tiên quyết là Assad phải ra đi, nhưng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 04/04, mà chế độ Damas bị tố cáo là thủ phạm, lập trường của ứng cử viên cánh trung đã thay đổi. Nay cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp đòi phải đưa tổng thống Syria ra xét xử trước các tòa án quốc tế về những tội ác đã gây ra. Tuy nhiên, ông Macron cho rằng ưu tiên số một hiện nay vẫn là phải nhổ tận gốc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.

Đối với khối quân sự NATO:

Trái ngược với ông Macron, bà Le Pen chủ trương nước Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Về phần mình, ông Macron muốn là NATO chỉ can thiệp bên ngoài khu vực địa lý của khối này khi các lợi ích của nước Pháp bị đe dọa.

Một vài tương đồng:

Có một điểm mà hai ứng cử viên gần như đồng ý với nhau, đó là nước Pháp không nên can thiệp vào những cuộc xung đột không liên quan đến Pháp, trừ trường hợp tự vệ chính đáng. Cả hai ứng cử viên đều dự trù tăng ngân sách quốc phòng của Pháp lên ít nhất là 2% tổng sản phẩm nội địa GDP, như yêu cầu của Mỹ đối với các nước thành viên NATO. Ngoài ra, ông Macron và bà Le Pen cũng đồng ý là phải tăng ngân sách cho viện trợ phát triển của Pháp lên 0,7% GDP.

Tin tổng hợp

Admin vietquoc.org tóm lượt theo nhiều tài liệu 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt