Bầu cử tại Mỹ năm 2020: một thảm họa
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Bầu cử tại Mỹ năm 2020, hai phe tranh nhau tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ! Nếu ở một quốc gia “không xem pháp luật làm trọng” thì chắc chắn sẽ có nội chiến đẫm máu xẩy ra. May thay, nước Mỹ là nước có truyền thống thượng tôn pháp luật từ ngày lập quốc, cho nên hai phe chưa dám phá lệ vượt lên ý dân. Vì thế chiến trường bằng súng đạn nhường lại cho “cuộc chiến pháp lý”. Một cuộc chiến không có khói súng nhưng cường độ ác liệt chẳng kém.
Một bên đảng Dân Chủ, bên của đảng Cộng Hòa của ông Trump. Lực lượng mỗi bên có những sở trường khác nhau, phía TT Trump nhờ tính khí bất khuất quyết chiến tới cùng. Đến nay, đã 35 ngày nhưng chiếc ghế Tổng Thống chưa biết về ai? Đáng ra đã biết vào buổi tối 3/11 hay chậm là sáng 4/11!
Một chiến trường bầu cử với thế lực hai bên chằng chéo phức tạp từ thượng tầng Washington xuống các tiểu bang nước Mỹ. Thế lực “Deep State” (Nhà nước ngầm) đã lộ diện cùng sự lấp ló bàn tay lông lá của Bắc Kinh làm cho trận đồ vốn phức tạp lại thêm rối bời thêm!
Thiết nghĩ, ngồi chờ là thái độ tiêu cực. Nên cần nói lên những suy nghĩ của mình… Bởi đâu, vì đâu và rồi đây con tạo xoay vần nước Mỹ ra sao?
Năm 1492, Thượng Đế trên trời cao đã dẫn đường cho ông Christopher Columbus khám phá ra miền đất hứa nước Mỹ. Vùng “đất lành chim đậu” thu hút hằng triệu giống dân khác nhau từ năm châu bốn bể đến đây xem như “tứ hải giai huynh đệ” chung xây Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ thành một siêu cường trong gần một thế kỷ qua. Họ thề nguyền “Chúng ta, là dân Hiệp Chủng Quốc, khiêm tốn nhận biết Đấng Thượng Đế Toàn Năng… để hình thành một liên bang toàn hảo hơn… để thiết lập công lý và hiến pháp của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”.
Với khả năng kinh tế và quân sự hiện nay, khẳng định không một nước nào trên thế giới có thể đánh bại nước Mỹ, chỉ có Thượng Đế Toàn Năng mới đủ sức quyết định sự tồn vong của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ!
1) Đã có chia rẽ trong lòng nước Mỹ – tổn thương nội lực!
Cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã có từ lâu lắm trên nước Mỹ, thường thì hai bên nhường nhịn và nương tựa vào nhau để nói lên tính ưu việt của nền chính trị dân chủ lưỡng đảng. Nay thì không còn e dè, không còn giữ thể diện nước Mỹ, sẵn sàng chà đạp lên sự thật, từ chối công lý và lẽ phải đã tạo ra một biên giới sâu đậm giữ hai đảng, con ác thú “tiền tài và quyền lực” đang chiếm lĩnh tâm trí họ rồi chăng? Nội bộ nước Mỹ chia rẽ, xã hội đang trải qua những phong ba bảo táp. Phong trào “Black Lives Matter” nổi dậy đòi nợ làm nô lệ ngày nào? Bọn thiên tả cộng sản Antifa xuất hiện đốt phá, cướp của, khích động bạo lực…Có bàn tay lông lá của Cộng Sản Bắc Kinh nhúng vào không?
2) Cuộc chia rẽ bắt đầu…
Cuộc chiến bắt đầu từ khi ông TT Trump bước vào Tòa Bạch Ốc tháng 1/2017. Trong tháng đầu tiên, phe của TT Trump đã bị đối phương loại mãnh tướng Michael Flynn khỏi vòng chiến, vì FBI cho là nói đối trong việc điều tra TT Trump thông đồng với chính phủ Nga để chiến thắng bầu cử năm 2016.
Ông Robert Mueller, cựu Giám Đốc tình báo FBI, thám tử thượng hạng được chọn vào cuộc để điều tra TT Trump về hai tội: Thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016 và lạm dụng quyền lực cản trở thi hành công vụ. Nếu ông Trump mắc phải một trong hai tội này, thì đã vi phạm luật pháp, buộc phải xách khăn gói trở về New York để tiếp tục kinh doanh địa ốc. Nhưng sau hai năm điều tra, vào tháng 3/2019, ông Robert Mueller đệ trình lên Tổng Chưởng Lý Williams Barr một hồ sơ dày 448 trang, ông Barr kết luận “xét thấy hồ sơ điều tra không đủ bằng chứng kết tội” (did not find that the Trump campaign or anyone associated with it conspired or coordinated with Russia in its efforts to influence the 2016 U.S. presidential election)” (1). Thế là dân Mỹ mất $32 triệu USD tiền thuế cho một cuộc lật đổ TT Trump kéo dài 2 năm bất thành.
Cuộc chỉnh lý của ông Mueller chưa ráo mực, vào tháng 9/2019, một trận cuồng phong khác nổi lên tại Hạ Viện Hoa Kỳ, lúc này do thành viên đảng Dân Chủ chiếm đa số nên đã quyết định đàn hạc truất phế TT Trump với 2 tội danh: lạm dụng quyền lực từ chối viện trợ cho Ukraina nhằm điều tra Joe Biden và ngăn chặn Quốc Hội. Sau 3 tháng ráo riết điều tra, tháng 1/2020, Hạ Viện đưa TT Trump ra đàn hạc. Ngày 5/02/2020 bị Thượng Viện Mỹ miễn trừ luận tội (2). Cuộc đảo chánh TT Trump lần thứ hai cũng thất bại!
3) Lực lượng bao trùm của phe Joe Biden trong mùa bầu cử 2020
Qua hai lần đảo chánh bất thành, lần thứ 3 đảng Dân Chủ bố trí chiến lược chu đáo hơn có tính cách “tập trung toàn diện”, nhất quyết không cho ông Trump ngồi lại nhiệm kỳ 2 tại Tòa Bạch Ốc. Bằng mọi mưu mô hiểm ác, bày binh bố trận hợp đồng tác chiến gồm các lực lượng:
– Đấu trực diện: đảng Dân Chủ làm bình phong trực tiếp tranh ghế từ lưỡng viện Quốc Hội, nhất là ghế Tổng Thống.
– 90% lực lượng truyền thông: TV, báo chí dòng chính đưa tin có lợi cho Joe Biden và tập trung nã pháo vào TT Trump.
– 100% truyền thông xã hội Big-Tech (Google, Twitter, Facebook) cho tự do chuyển tin của Joe Biden. Trái lại bịt miệng (đóng account, dán nhãn) những “commend” có lợi cho TT Trump. Thậm chí Twitter.com là công ty của Mỹ lại đóng tài khoản của TT Mỹ! (điều này thái quá).
– Hậu cần, có những tỉ phú mở hầu bao, có người “mở bạo” như tỉ phú Bloomberg bỏ 100 triệu USD để quyết tâm đánh bại Trump ở tiểu bang chiến trường Florida.
– Những đảng viên “Cộng Hòa – No Trump”: Gia đình Bush, cựu ngoại trưởng Colin Powell, thế lực của John McCain v.v. cùng những nhân vật được ơn mưa móc do TT Trump tiến cử nhưng thuộc loại “nuôi ong tay áo”…
– Còn hai hợp đồng với ông Joe Biden là phong trào Black Live Matter và Antifa đốt phá, cướp của làm loạn sẽ ra tay khi cần.
4) Về phía TT Trump có gì?
Để chống lại với cường tập TOT (pháo tập trung), TT Trump có lợi thế đang ngồi trên ngai vàng, nên tiếng nói có trọng lượng, ông dùng Twitter hàng ngày vào sáng sớm khi mọi người chưa thức dậy, thường xuất hiện trong các họp báo tại Tòa Bạch Ốc để tung tin. Đồng minh thân cận của TT Trump gồm những người bị đảng Dân Chủ dồn vào đường cùng nên quyết sống chết với ông. Bên cạnh, TT Trump cũng có những người trung kiên không rời bỏ “chủ nghĩa Trumpism” như PTT Mike Pence, bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo, Rudy Giuliani và một số thân cận trung thành với ông… Sau ngày 3/11, nhiều kiện tướng nam nữ trong đội luật sư Pháp Lý Bầu Cử cương quyết tranh đấu pháp lý với ông.
Tuy vậy, thành đồng vững chắc của ông Trump là thành quả 4 năm Tổng Thống không ai có thể phủ nhận và cũng đã chứng minh qua cuộc bầu cử đã có 74 triệu người tín nhiệm nhiệm bỏ phiếu cho ông với thành tích:
– Đưa nền kinh tế của nước Mỹ tăng cao, nạn thất nghiệp xuống thấp nhất vào cuối năm 2019,
– Có những bước ngoại giao đột phá hòa giải những xung đột ở một số điểm nóng trên thế giới, do đó đã có ba nghị sĩ châu Âu đề nghị ông Trump đoạt giải Nobel Hòa Bình.
– Lập trường cương quyết chống Trung Cộng lộng hành trên Biển Đông và tham vọng bá quyền trên thế giới.
Thành thật mà nói, với những thành quả trong 4 năm làm tổng thống, nếu nước Mỹ “biển yên sóng lặng” trong mùa tranh cử, thì không có một Ứng Cử Viên nào có thể địch nổi chiếc ghế Tổng Thống của Trump trong nhiệm kỳ 2.
Thế nhưng Trời không chiều lòng người! TT Trump bị “họa vô đơn chí” (tai họa tiếp tục) trong mùa bầu cử năm 2020!
5) Những tai họa dồn dập làm TT Trump yếu thế
Đang trên đà đưa kinh tế nước Mỹ lên đến tột đỉnh vào cuối năm 2019, ngoại giao xuất sắc chưa từng thấy trong những đời tổng thống tiền nhiệm, đang làm cho Trung Cộng điêu đứng về mọi mặt, Tập Cận Bình phải tắt tiếng trong những bài diễn văn không còn “đao to búa lớn” như trước nữa, bổng đâu đại dịch Virus Vũ Hán tràn đến nước Mỹ vào tháng 2/2020 cũng là lúc TT Trump bị đàn hạc tại Quốc Hội.
Dĩ nhiên chống dịch là phải tổn thương kinh tế. Nước Mỹ trong lúc thất nghiệp xuống thấp nhất, nhưng vì đại dịch virus Vũ Hán thất nghiệp tăng vọt lên cao, nạn thất nghiệp chạm mức báo động đỏ, những hứa hẹn hạ thấp thuế cho các công ty Hoa Kỳ đem việc làm về lại Mỹ đều khựng lại… Đại dịch đợt này chưa hết lại đến đợt khác, đợt sau khốc liệt hơn đợt trước tạo cơ hội cho đảng Dân Chủ, cơ quan truyền thanh, truyền hình, truyền thông xã hội và báo chí dòng chính đồng loạt cho TT Trump bất tài, không có khả năng lãnh đạo đất nước chống đại dịch coronavirus làm trên 10 triệu người Mỹ nhiễm bệnh và mấy trăm ngàn người chết!
Trong khi đại dịch đang hoành hành cao độ, thì vào tháng 5/2020, ông George Floyd, một người Mỹ gốc da đen bị cảnh sát Minnesota bắt vì tội dùng $20 tiền giả tại tiệm tạp hóa, ông cảnh sát da trắng lấy đầu gối chèn cổ làm George tắt thở. Ứng Cử Viên Tổng Thống Joe Biden và mấy chục Dân Biểu đảng Dân Chủ quỳ gối tưởng niệm cái chết của George Floyd như một anh hùng dân tộc vừa cứu nước Mỹ ra khỏi cơn đại nạn. Việc làm này chắc không phát xuất từ sự thương cảm đối với George Floyd chết oan trước khi kêu mẹ, mà là một hành động chính trị nhằm tuyên truyền đảng Dân Chủ mới thực sự sống cho sự bình đẳng, bảo vệ người Mỹ da đen và kết án TT Trump kỳ thị chủng tộc, chỉ biết bênh vực cho giới da trắng thượng đẳng. Thế là truyền thông dòng chính đồng thanh tương ứng hô lên TT Trump kỳ thị chủng tộc! một “danh từ” tối kỵ tại nước Mỹ.
Từ đại dịch virus Vũ Hán, đảng Dân Chủ nẩy sinh ý kiến bầu cử bằng thư sớm càng nhiều càng tốt. Cho rằng đến ngày bỏ phiếu mọi người chen chúc đi bầu thì đại dịch lây lan. Nghe qua có vẻ khá hợp lý, nhưng đằng sau sự hợp lý này có cả một âm mưu toan tính mà nay đã hé lộ ra trong cuộc chiến pháp lý ở các tiểu bang chiến trường qua lời tường thuật của những nhân chứng hữu thệ.
6) Ông Trump tự bắn vào chân mình!
Nói đi thì cũng phải nói lại, trong tình cảnh “họa vô đơn chí” trong mùa bầu cử, thì ông Trump còn bị họa “khẩu nghiệp”, đôi khi lời phát biểu của ông “tự đào lỗ chôn mình”. Trời sinh mỗi người một tính, hơn nữa ông Trump lớn lên trong môi trường kinh doanh nắm chức vụ CEO suốt 50 năm nên quen với lối hành xử CEO của công ty hơn là một vị lãnh đạo siêu cường thế giới. Ông Trump luôn hành xử theo thơ của Phùng Quán:
…..
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu”
….
Cá tính đó khó thành công đối với một người ngồi trên đỉnh cao quyền lực. Làm Tổng Thống không phải là CEO của một công ty, muốn sa thải nhân viên lúc nào cứ việc tùy tiện, và chỉ biết nhìn kết quả lợi nhuận để đo lường sự thành bại. Trên chính trường dân chủ như ở Mỹ, cá tính đó đã tạo ra một số kẻ thù không đội trời chung ngay trong đảng Cộng Hòa. Việc ông mất 11 cử tri đoàn ở tiểu bang Arizona vốn là thành trì đảng Cộng Hòa từ 72 năm qua là bài học “khẩu nghiệp” khi ông chỉ trích Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Arizona, John McCain không đúng cách. Ông Trump lại là một doanh nhân thành đạt dựa trên những tính toán kinh doanh để bước lên vũ đài tỉ phú nên có tính tự đắc, thiếu khiêm tốn và tế nhị khi “nói không” với những thế lực tài phiệt muốn lobby, cho nên giới “tài phiệt” tìm cách hạ ông.
Về ngoại giao quốc tế, tính bộc trực của ông cũng làm cho các nước châu Âu vốn không ưa thích nước Mỹ nay lại ác cảm hơn, chỉ vì việc mỗi thành viên NATO phải đóng 2% GDP cho khối NATO để giúp giảm chi phí cho nước Mỹ mỗi năm phải đóng gần 70% trong tổng số chi tiêu (3). Điều này đã có sự đồng ý từ thời TT George Bush (con), thay vì TT Trump chỉ cần nhắc nhở, thì mỗi lần gặp nguyên thủy của các thành viên NATO (đặc biệt là nước Đức) TT Trump nói như đòi nợ! Đây cũng là một lỗ hổng để đảng Dân Chủ tấn công TT Trump về chính sách đối ngoại chia rẽ đồng minh trong khối NATO. Âu đó cũng có thể là điều làm cho Đức, Anh, Pháp đồng loạt chúc mừng ông Joe Biden là President-elect sớm nhất.
7) Ngày lên đấu trường (3/11/2020)
Trận đồ hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đã dàn ra cho đấu trường ngày 3/11. Nếu như bao nhiêu lần bầu cử Tổng Thống trước đây và không có chuyện gì xẩy ra thì giờ đây ông Biden đã thắng 306 Cử Tri Đoàn và ông Trump chỉ được 232. Và ông Joe Biden nhận danh hiệu President-elect, hiên ngang đi vào cửa chính Tòa Bạch Ốc. Nhưng trong lá thư ngày 23/11 bà Emily Murphy, giám đốc GSA có trách nhiệm bàn giao Tổng Thống thì bà đã gửi cho “Mr. Biden” chứ không phải “President-elect Biden” (4) và bà nói trong thư đó là sự tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ. Phía TT Trump cũng chưa chấp nhận ông Biden thắng cử, cho đó là chiến thắng gian lận và đang tiến hành cuộc chiến pháp lý ở nhiều tiểu bang để quyết định chiến thắng cuối cùng.
8) Trận chiến Pháp Lý:
Phe Dân Chủ và một số người khác cáo buộc ông Trump nỗ lực gây tổn hại lòng tin của quần chúng vào tính trung thực của cuộc bầu cử, và phá hoại nền dân chủ Hoa Kỳ. Phe ông Trump của đảng Cộng Hòa và một số người khác lại tin ông Trump thắng cử nhưng bị ông Biden cướp mất vì gian lận! Hai bên nổ lớn tố nhau không tiếc lời, làm cho những giá trị căn bản của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vốn có từ hơn mấy trăm năm nay bị xói mòn tận gốc rễ. Dù sức mạnh nước Mỹ chưa suy giảm, nhưng uy tín của Hoa Kỳ về công lý, dân chủ, tự do, văn minh, nhân quyền của một siêu cường dẫn đầu thế giới bị tha hóa và biến dạng!
Trận chiến pháp lý đang xẩy ra ở 6 tiểu bang chiến trường: Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Arizona và Nevada, phía TT Trump tố cáo phe ông Biden gian lận bầu cử về nhiều vấn đề như tạo phiếu giả để bỏ vào thùng phiếu; Chưa phải công dân Mỹ và người chết cũng được bỏ phiếu qua thư; Người ngoài tiểu bang được đi bầu; Bưu điện gian lận thay đổi thời gian bỏ phiếu; Vứt bỏ những phiếu bầu hợp lệ của ông Trump vào thùng rác trong khi kiểm phiếu; Dùng kỹ thuật điện toán tráo phiếu từ Trump sang Biden từ máy kiểm phiếu Dominion v.v.
Đến nay rất nhiều khiếu kiện gian lận tại 6 tiểu bang và có người làm chứng hữu thệ (affidavit of witness) tường trình vụ việc bầu cử tại hiện trường. Nên nhớ rằng người làm chứng hữu thệ ở Mỹ nếu khai không đúng sự thật thì phải đi tù 5 năm và bị phạt tiền. Cho nên những người làm chứng hữu thệ là những người rất can đảm dám nói lên sự thật mắt thấy, tai nghe. Trong khi làm chứng như vậy, cá nhân họ không được hưởng lợi lộc gì, đôi khi “chuyện giữa đường mang gông vào cổ”. Hớ hênh nói sai sự thật thì cuộc đời tàn.
Những người phía ông Biden hỏi rằng gian lận thì bằng chứng đâu trình ra cụ thể? Cứ thế, ông Joe Biden tiến tới lập nội các, hối thúc chuyển giao quyền lực để cuộc bầu cử rơi vào tình trạng “gạo đã nấu thành cơm”. Những ai có trách nhiệm bàn giao quyền lực Tổng Thống mà chậm trễ thì cả gia đình bị đe dọa và bị khủng bố như bà giám đốc GSA Emily Murphy là một ví dụ. Những ai dám đứng ra làm chứng hữu thệ về gian lận bầu cử cũng bị cô lập, gia đình bị đe dọa, bạn bè tránh né, mất việc làm v.v. Hãy chấm dứt những trò khủng bố ngay! Ở đây là nước Mỹ chứ không phải Tàu Cộng.
Cuộc chiến pháp lý đang diễn ra tại 6 tiểu bang vô cùng phức tạp. Tại đó những cơ quan hành pháp và tư pháp của mỗi tiểu bang đều có người của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa… Họ đang tranh dành tính hợp pháp (legal) hay bất hợp pháp (illegal) của bầu cử tại các tiểu bang. Không thể tin được vào những tin tức truyền thông báo chí đưa ra hiện nay, phủ bênh phủ huyện bênh huyện, sự thật đang bị ngành truyền thông đánh mất. Hãy để Đấng Thượng Đế Toàn Năng phán xét.
Chúng ta tin Đấng Thượng Đế Toàn Năng không bao giờ thiên vị. Ngài có quyền lực định đoạt số phận của nền chính trị Hoa Kỳ sắp tới. Đúng ra, cả đảng Dân Chủ và Cộng Hòa khi thấy có sự gian lận bầu cử thì phải hợp tác cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề, có thế mới đem lại niềm tin cho người Mỹ và xứng đáng siêu cường đang lãnh đạo thế giới tự do dân chủ.
– Cầm Passport của nước Mỹ trên tay đi khắp thế giới với niềm hãnh diện không phải vì nước Mỹ có kinh tế giàu mạnh, có vũ khí vô địch, có kỹ thuật tiên tiến mà hãnh diện vì công dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ biểu tượng cho nền tự do, dân chủ, công bằng và tôn trọng giá trị con người.
– Là công dân nước Mỹ, chúng ta không nên đứng về phía nào cả mà phải đứng về công lý và lẻ phải để bảo vệ giá trị nước Mỹ.
– Một công dân Mỹ đứng về phía công lý và lẻ phải không bao giờ chấp nhận một tổng thống gian lận bầu cử, và cũng không bao giờ chấp nhận một tổng thống thực sự thất cử vì lá phiếu của người dân mà không chịu chuyển giao quyền lực.
– Là người Mỹ hãy đứng lên bảo vệ cho công bằng và công lý cho cuộc bầu cử tức là để bảo vệ giá trị của nước Mỹ.
Ngày 8 tháng 12, 2020
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Chú thích:
(1) https://www.pbs.org/wgbh/frontline/article/the-mueller-investigation-explained-2/
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Donald_Trump
(3) https://www.bbc.com/news/world-44717074
(4) https://www.washingtonpost.com/context/read-gsa-administrator-emily-murphy-s-letter-to-president-elect-joe-biden/a615a8b4-29b4-4628-8a9c-7e87fc2430dd/