Bầu cử giữa kỳ Mỹ, cuộc “trưng cầu dân ý” về tổng thống

Tổng thống Mỹ Donald Trump vận động tranh cử tại phi trường quốc tế Pensacola, Florida ngày03/11/2018 (Ảnh: REUTERS/Carlos Barria)

Ngày 06/11/2018, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu lại bộ máy lập pháp (toàn bộ Hạ Viện và một phần ba Thượng Viện), nghị viện các tiểu bang và một phần lớn các ghế thống đốc tiểu bang. Cuộc bầu cử ngay từ giờ đã báo hiệu một bước ngoặt cho chính quyền Trump cùng hy vọng cho phe Dân Chủ. RFI tóm lược những tranh chấp của kỳ bầu cử có thể làm thay đổi sâu sắc thế cân bằng chính trị của nước Mỹ sau hai năm nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống.

Những vị trí nào sẽ được bầu và những tranh chấp

Dù không mấy khi lôi kéo đông đảo cử tri tham gia nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ vẫn đóng vai trò quan trọng. Cuộc bầu cử này diễn ra vào giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống có ảnh hưởng lớn đến việc điều hành chính quyền trong 2 năm còn lại của tổng thống.

Toàn bộ 435 ghế ở Hạ Viện và 35 trên 100 ghế ở Thượng Viện sẽ được bầu lại trong kỳ bầu cử 06/11 tới.  Dưới chính quyền Trump, đây là thách thức rất lớn cho đảng Dân Chủ đang muốn chiếm đa số tại Quốc Hội. Hiện tại đảng Dân Chủ chỉ có 193 trên 435 ghế ở Hạ Viện và 49 trên tổng số 100 ghế tại Thượng Viện.

Ở cấp độ địa phương, trừ Nebraska, các tiểu bang khác của Mỹ cũng có hai viện lập pháp, lần này cũng sẽ được bầu lại một phần. Tại các cơ quan lập pháp địa phương này, đảng Dân Chủ cũng cần phải kiếm thêm rất nhiều ghế bởi hiện họ mới chỉ kiểm soát được 14 tiểu bang, trong khi phe Cộng Hòa đang nắm tại 31 tiểu bang.

Ngày 6/11 này, cử tri Mỹ còn bầu lại 39 thống đốc tiểu bang (36 tiểu bang ở nội địa và 3 vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ). Đây là những vị trí cực kỳ quan trọng vì những thống đốc chính là những người lãnh đạo hành pháp của các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Hiện tại đa số các thống đốc này vẫn thuộc phe Cộng Hòa. Họ kiểm soát 30 trên 50 tiểu bang

Cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống

Ngày 6/11 này, tên của Donald Trump không xuất hiện trong bất kỳ lá phiếu bầu nào. Tuy nhiên, ông vẫn luôn là nhân vật trung tâm của cuộc bầu cử. Lá phiếu bầu lần này của cử tri Mỹ còn để bày tỏ sự đồng tình hay phản đối chính sách của tổng thống Trump từ 2 năm qua.

Như đã thành thông lệ cuộc bầu cử Mỹ rơi vào giữa nhiệm kỳ của tổng thống vẫn thường có giá trị như một cuộc trưng cầu dân ý về chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng tính cách và những quyết sách bất ngờ của ông Trump trong hai năm cầm quyền đã làm cho tính chất của cuộc trưng cầu dân ý này trở nên sống còn.

Bởi thế mà cả tháng nay, ông Donald Trump liên tục di chuyển hết tiểu bang này đến tiểu bang khác, liên tục xuất hiện trong các cuộc mít tinh kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho các ứng viên của Cộng Hòa. Ông biết nếu phe Cộng Hòa mất kiểm soát Quốc Hội thì nửa cuối nhiệm kỳ của ông sẽ bị tê liệt và thậm chí còn có thể tồi tệ hơn thế .

Theo một cuộc thăm dò dư luận của Viện Rasmussen Report, 48% người được hỏi cho rằng cuộc bầu cử này là cuộc trưng cầu dân ý về Donald Trump. 60% cho rằng những dư luận về vị tổng thống tỷ phú này sẽ ảnh hưởng đến lá phiếu bầu của họ. Trong đó: 34% nói sẽ bỏ phiếu chống lại ông Trump và 26% phiếu bầu ủng hộ ông.

Phe Dân Chủ có thể tìm lại sức sống mới

Trong lịch sử chính trị Mỹ, các kỳ bầu cử giữa kỳ vẫn thường có kết quả bất lợi cho tổng thống đương nhiệm. Từ khi kết thúc Thế chiến thứ 2, đảng của tổng thống trung bình mất đi 26 ghế ở Hạ Viện và 4 ghế ở Thượng Viện sau bầu cử giữa kỳ, theo thống kê của hãng tin Blooberg.

Các kết quả đó thường có mối tương quan với chỉ số được lòng dân của tổng thống. Hiện tại chỉ số tín nhiệm của Donald Trump đang xuống thấp, chỉ chiếm có 40%, theo Realclear Politics. Tỷ lệ này còn thấp hơn của Barack Obama trong bầu cử giữa kỳ năm 2010. Khi đó đảng Dân Chủ của tổng thống Obama cũng bị thất bại nặng nề, bị mất 63 ghế ở Hạ Viện và 6 ghế Thượng Viện.

Vài ngày trước cuộc bầu cử 2018, đa số các viện thăm dò dư luận đều cho rằng phe Dân Chủ sẽ có thể tận dụng được cuộc bầu cử này để thay đổi cán cân lực lượng. Các cử tri của phe Dân Chủ dường nhưng đang rất phấn khích tham gia bầu cử. Theo một thăm dò dư luận của kênh truyền hình NBC, 65% cử tri Dân Chủ cho biết rất quan tâm đến kỳ bầu cử này. Trong khi đó chỉ có 49% cử tri Cộng Hòa thấy tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu ngày 6/11.

Một số dữ liệu thăm dò đánh giá khả năng đảng Dân Chủ có trên 80% cơ hội giành kiểm soát ở Hạ Viện. Trái lại, cuộc chiến ở Thượng Viện báo hiệu phức tạp và khó khăn hơn nhiều cho phe Dân Chủ. Trên tổng số 35 ghế thượng nghị sĩ phải bầu lại thì có 26 ghế của Dân Chủ và 9 ghế của Cộng Hòa.

Muốn kiểm soát được Thượng Viện, trong tương quan hiện tại đảng Dân Chủ phải có thêm 2 ghế. Con số không lớn nhưng cánh cửa vào Thượng Viện của phe Dân Chủ rất hẹp bởi sự phân vùng địa hạt chính trị rất bất lợi cho các ứng viên Dân Chủ. Theo các viện thăm dò dư luận thì đảng Dân Chủ chỉ có 1/6 cơ hội chiến thắng ở Thượng Viện.

Kết quả có thể làm tê liệt nửa cuối nhiệm kỳ của Trump

Nếu đảng Dân Chủ tạo được làn sóng mới thì đó sẽ là một tin xấu đối với tổng thống Trump. Khi phe Cộng Hòa mất đa số ở Hạ Viện, lịch trình với lập pháp của tổng thống Mỹ sẽ bị đình trệ, nhất là với các hồ sơ nhạy cảm: di dân, hủy cải cách y tế của Obama, hay một số chương trình xã hội khác.

Điều hệ trọng khác là trong trường hợp giành chiến thắng, đảng Dân Chủ sẽ lấy lại kiểm soát các tiểu ban điều tra của Hạ Viện. Giới quan sát Mỹ cho rằng khi đó phe Dân Chủ sẽ không thiếu việc để lôi chính quyền Trump vào các hết cuộc điều trần này đến điều tra khác. Chẳng hạn như phe Dân Chủ vẫn muốn mở lại điều tra về Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Cuộc điều tra này đã bị phe Cộng Hòa nhanh chóng khép lại.

Tuy nhiên, khi có đa số ở Thượng Viện, tổng thống hiện nay vẫn có thể tiếp tục bổ nhiệm các thẩm phán liên bang thuộc phe bảo thủ. Hơn nữa ông cũng không bị ngăn chặn trong chính sách đối ngoại vì ông có thể đưa phê chuẩn các hiệp định tại Thượng Viện. Tổng thống vẫn có quyền ký các sắc lệnh, có điều các văn kiện như vậy có thể sẽ bị bãi bỏ dễ dàng chỉ bằng một chữ ký của đời tổng thống sau.

Kịch bản tồi tệ nhất đối với ông Donald Trump, nhưng rất ít khả năng xảy ra, sẽ là phe Cộng Hòa bị mất cả hai viện. Khi đó Nhà Trắng sẽ trở thành một boong-ke, cố thủ trong đó là tổng thống với các quyền hành pháp bị phe Dân Chủ phong tỏa.

Liên quan tới bầu cử tổng thống 2020

Đảng Cộng Hòa liệu có đoàn kết thành một khối thống nhất sau ông Trump trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2020? Sự ủng hộ này sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 06/11. Nếu đảng Cộng Hòa bị nhấn chìm trong làn sóng xanh (màu biểu trưng của đảng Dân Chủ) thì chắc hẳn lòng trung thành của các nghị sĩ Cộng Hòa sẽ bị lung lay. Không mấy ai dại gì đặt niềm tin vào một người bị mất uy quyền chính trị. Trong trường hợp ngược lại thì vị thế của Donald Trump sẽ được củng cố.

Về phần phe Dân Chủ, đảng này đang rất cần có một gương mặt khả ái mới có khả năng lôi cuốn cử tri vào năm 2020. Đảng Dân Chủ hy vọng kỳ bầu cử giữa kỳ này sẽ giúp họ tìm được nhân vật như vậy.

Theo RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt