BẦU CHO JOE BIDEN HAY TRUMP DỰA TRÊN SÁCH LƯỢC ĐỐI NGOẠI (bài 2)

Ông Joe Biden  (T) và  ông Donal Trump (P) Ứng Cử Viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa Hoa Kỳ  nhiệm kỳ 2020-2024

Tóm lược: Theo VOA, “Đại hội Toàn quốc đảng Cộng Hòa đã khắc họa Tổng thống Donald Trump như một vị Tổng tư lệnh mạnh mẽ đang đánh bại kẻ thù, và đòi hỏi các đồng minh phải đóng góp nhiều hơn. Đối thủ của ông, cựu Phó Tổng Thống Joe Biden cho biết ông sẽ sát cánh cùng với đồng minh của Mỹ, chứ không phải những tay độc tài.”  Ngoài ra trong vấn đề đối ngoại, ông Biden chưa đưa ra sách lược gì thêm. Như vậy, trong khi chờ đợi ông Biden đưa thêm sách lược đối ngoại, cử tri nên xem xét cẩn trọng những hoạt động ngoại giao của ông Trump trong thời gian qua để quyết định lá phiếu.

1) Mục tiêu đối ngoại của ông Trump chủ yếu gói gọn trong khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết!” Trump khẳng định “những nhà lãnh đạo sáng suốt đặt lợi ích của dân tộc mình, quốc gia mình lên trên hết!” Ông cũng nói tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Nguyên văn ông phát biểu tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) năm 2017: “Với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ luôn luôn đặt nước Mỹ lên trên hết, cũng giống như quý vị, là lãnh đạo của đất nước của quý vị, quý vị sẽ luôn luôn và nên luôn luôn đặt ưu tiên quốc gia của quý vị lên trên hết.” Tuy nhiên ông nói tiếp, “Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là người bạn vĩ đại của thế giới, và đặc biệt là với các đồng minh của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không còn chịu để bị lợi dụng, hoặc tham gia vào thỏa thuận một chiều, nơi  đổi lại Hoa Kỳ không nhận được gì. Chừng nào tôi còn tại nhiệm, tôi sẽ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ hơn hết thảy mọi thứ khác.”

2) Ông Trump là nguyên thủ duy nhất mạnh mẽ tuyên bố chống Cộng Sản tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc (LHQ). Chưa tổng thống Mỹ nào làm như vậy.

Trump tuyên bố tại LHQ, “Những biến cố tại Venezuela nhắc nhở tất cả chúng ta rằng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa không có công lý, không có công bằng, không giúp đỡ người nghèo…mà chỉ cho thấy một điều: quyền lực ở trong tay giai cấp thống trị. Trong thế kỷ trước, xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa đã sát hại 100 triệu người.”

Ông tuyên bố “Từ Liên Bang Xô Viết tới Cuba tới Venezuela, nơi nào chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản chân chính được áp dụng, nơi đó đều phải chịu đắng cay, tuyệt vọng và thất bại.”

Tổng Thống Trump phát biểu tại Liên hiệp Quốc ngày 25/09/2018

3) Ông Trump thường lặp lại mong muốn chấm dứt các cuộc chiến ở Iraq, Syria và Afghanistan. Nghị trình nhiệm kỳ hai của ông là “chấm dứt các cuộc chiến vô tận” và đưa binh sĩ Mỹ về nhà.

Mục tiêu tiếp theo trong nghị trình nhiệm kỳ hai của ông Trump bao gồm cam kết “đem về 1 triệu công việc sản xuất từ Trung Quốc,” cũng như ngăn không cho các hợp đồng của chính phủ liên bang rơi vào tay các công ty sử dụng nguồn nhân lực ở Trung Quốc.

4) Quan hệ Hoa Kỳ-Cuba: Trump tuyên bố: Chính phủ của tôi hiện tại đã thông báo rằng chúng tôi sẽ không dỡ bỏ chế tài đối với chính quyền Cuba cho đến khi nào họ thực hiện các cải cách cơ bản.

5) Quan hệ Hoa Kỳ-Venezuela: Trump tuyên bố: Chúng tôi cũng đã áp đặt những chế tài cứng rắn đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của Maduro ở Venezuela, chế độ đã biến một quốc gia từng rất thịnh vượng tới bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn.

6) Hoa Kỳ và Hòa bình Trung đông: Do trung gian của chính quyền Trump, 2 quốc gia Ả-rập ở Trung đông đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với DonThái (Israel) là United Arab Emirates (8/2020) và Bahrain (9/2020).

Theo AP, ngày thứ Sáu 11/9/20 Bahrain đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel. Đây là quốc gia Ả Rập thứ nhì bình thường quan hệ ngoại giao với Israel trong vòng hai tháng qua, trong một cố gắng ngoại giao rộng lớn của chính quyền Trump nhằm giảm sự cô lập của Israel tại Trung đông và tìm một căn bản chung cho các quốc gia cùng chia sẻ với Hoa Kỳ nỗi lo âu về Iran.

Từ trái sang phải: Bộ Trưởng ngoại giao Bahraini Abdullatif bin Rashid Zayani, Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, TT Trump, Bộ Trưởng Ngoại Giao United Arab Emirates Abdullah bin Zayed al-Nahyan trong buổi ký kết thỏa thuận tại Tòa Bạch Ốc – Washington DC (ảnh AP)

Trong khi chính quyền Obama ngăn cản việc bán chiến đấu cơ F-16 cho Bahrain thì chính quyền Trump bác bỏ việc ngăn cấm này.

Chưa đầy một tuần trước Trump đã chủ tọa một buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc (White House) đánh dấu việc thiết lập quan hệ ngoại giao trọn vẹn giữa Israel và United Arab Emirates, một thành quả do sự trung gian của chính quyền Tổng Thống Trump hồi tháng 8 vừa qua.

Thêm nữa, tuần trước Trump đã loan báo các thỏa thuận trên nguyên tắc để Kosovo công nhận Israel và để Serbia chuyển tòa đại sứ từ Tel Aviv tới Jerusalem.

TT Mỹ Trump (giữa) có lời phát biểu trước khi Thủ Tướng Kosovar Avdullah Hoti (Phải) và Tổng Thống Serbian Aleksandar Vucic (trái) ký thỏa thuận bình thường kinh tế tại Tòa Bạch Ốc (Ảnh phòng Bầu Dục tại Tòa bạch ốc ngày 4/09/2020)

Thủ tướng Netanyahu của Israel đã cảm ơn ông Trump, nói rằng “Chúng tôi mất 26 năm để có được thỏa ước hòa bình giữa chúng tôi với quốc gia Ả Rập thứ hai (Jordan) và thứ ba (UAE), nhưng chỉ mất 29 ngày để đạt thỏa ước hòa bình giữa quốc gia Ả rập thứ ba và thứ tư (Bahrain). Ngoại trưởng Bahrain đã ca ngợi thỏa ước này và những cố gắng của Trump trong việc tái lập an ninh, ổn định và thịnh vượng tại Trung đông.

Người ta tin rằng những quốc gia Ả Rập khác sẽ hoàn toàn công nhận Israel trong đó có Oman và Sudan. Cường quốc khác trong vùng là Saudi Arabia có thể cũng sẽ đạt thỏa thuận với Israel. https://apnews.com/e21e371f1b406b209f93df5973d1fa46

7) Quan hệ Hoa Kỳ-Israel: Chính quyền Trump đã giải tỏa được sự cô lập của Israel với một số quốc gia Ả Rập ở Trung đông, tạo nền tảng hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngày 14/5/2018 Chính quyền Trump đã thực thi Đạo luật 1995 của Quốc Hội Hoa Kỳ đòi hỏi di chuyển tòa đại sứ tới Jerusalem điều mà các đời tổng thống trước từ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã không thực hiện. Theo ông Trump, kể từ nay, vấn đề thành phố Jerusalem không còn trong nghị trình thảo luận kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine nữa.

8) Hoa kỳ trung gian đạt hòa bình Balkans

Theo CNN, Ngày 4/9/2020 Serbia và Kosovo đồng ý bước vào chương mới trong quan hệ nhiều sóng gió, nhằm thiết lập bình thường hóa quan hệ kinh tế qua lễ ký kết tại Tòa Bạch Ốc (White House) với sự chứng kiến và tham gia ký kết của tổng thống Trump. Thỏa thuận này có kèm theo việc Serbia sẽ chuyển tòa đại sứ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalam và Kosovo sẽ tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Ông Trump ca ngợi thỏa thuận này là một cam kết thực sự lịch sử, sau thật nhiều năm cố gắng.

Cuộc đàm phán đưa tới thiết lập quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo diễn ra sau 21 năm xung bất hòa kể từ sau cuộc xung đột đẫm máu.

Ông Trump nói rằng thỏa ước này sẽ khiến thế giới an toàn hơn và ông mong đợi sẽ sớm viếng thăm hai quốc gia. Trong khi đó cố vấn an ninh Hoa Kỳ ông O’Brien nói rằng ông hy vọng sự bình thường hóa quan hệ kinh tế này sẽ đưa tới “khai thông về mặt chính trị trong tương lai.”

Tổng thống Serbia ông Vucic cám ơn ông Trump đã thúc đẩy tiến trình này. Ông nói thêm rằng trong khi Serbia và Kosovo vẫn còn khác biệt chính trị, “Đây là bước nhẩy vọt về phía trước và một lần nữa tôi chân thành cám ơn ông và nhân dân Hoa Kỳ đã giúp chúng tôi tới đây một cách thành công.”

Đồng thời Tổng thống Kosovo ông Hoti cũng cám ơn ông Trump về vai trò của ông trong thỏa thuận này và gọi đó là “một thời khắc lịch sử cho Kosovo và cho toàn vùng”. Ông nói tiếp, “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được một bước tiến lớn về phía trước hướng tới bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ và cuối cùng sẽ đưa tới hữu nghị hổ tương giữa hai quốc gia.”
(https://www.cnn.com/2020/09/04/politics/serbia) kosovo) agreement/index.html)

9) Hoa Kỳ và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khủng bố:
Trump tuyên bố “Chúng ta sẽ ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan vì chúng ta không thể cho phép chúng tàn phá quốc gia của chúng ta, và thực sự phá nát cả thế giới.

Ngày 27/1/2017 ông Trump ban hành quyết định hành chánh (Executive Order 13769) ngừng trong 90 ngày việc cho nhập cảnh một số người thuộc bẩy quốc gia gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen là những quốc gia được xác định mang lại nguy cơ cao đưa khủng bố vào Hoa Kỳ.

10) Hoa Kỳ giảm quân tại Iraq:

Theo VOA, ngày 9/9/2020, năm 2016, ông Trump vận động tranh cử với cam kết chấm dứt “các cuộc chiến không có hồi kết” của Mỹ. Hoa Kỳ có khoảng 5,200 binh sĩ được triển khai tới Iraq để chống nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo. Các quan chức trong liên minh do Mỹ dẫn đầu nói rằng các lực lượng Iraq giờ gần như có đủ khả năng tự chống chọi với tàn dư của Nhà nước Hồi giáo. Quân đội Hoa Kỳ hôm 9/9 thông báo sẽ giảm quân số ở Iraq, từ mức 5,200 xuống còn 3 nghìn lính trong tháng này, theo tin Reuters.

11) Quan hệ Hoa Kỳ và Iran.

Nói về Iran, Tổng thống Trump cảnh cáo Washington sẽ siết chặt các biện pháp trừng phạt nếu Tehran tiếp tục có các hành vi khiêu khích ở Trung Đông. Phát biểu trước các thành viên Liên Hợp Quốc, ông Trump tuyên bố “mọi quốc gia có nghĩa vụ” chống lại ảnh hưởng của Iran. Ông Trump cũng nhắc lại vụ Iran tấn công vào các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia. Ông Trump khẳng định “Chừng nào những hành vi đe dọa của Iran còn tiếp tục, các biện pháp trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ. Chúng sẽ càng thêm siết chặt”.

Ông Trump kết án Iran tài trợ cho Hezbollah và các phần tử khủng bố khác giết chết những người Hồi giáo vô tội và tấn công các nước láng giềng Ả-rập và Israel, củng cố chế độ độc tài Bashar al-Assad [ở Syria], châm ngòi cho cuộc nội chiến tại Yemen, và phá hoại hòa bình trên toàn bộ Trung Đông.

     a) Dưới thời ông Obama, ngày 14/7/2015 một thỏa thuận giữa Iran, và nhóm P5+1 cùng với Liên hiệp Âu châu (EU), về chương trình nguyên tử của Iran có tên “Iran Nuclear deal” nhằm xóa bỏ khả năng vũ khí hạt nhân của Iran, và Iran sẽ không còn bị trừng phạt. (P5 + 1 là  năm quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an LHQ cộng với Đức; như vậy gồm Trung Cộng, Pháp, Nga, Anh, Hoa Kỳ và Đức). Nhưng tháng 8/2018 ông Trump kết luận Thỏa thuận Iran là một trong những vụ đàm phán tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ từng tham gia và ông đã hủy bỏ thỏa thuận này vì cho rằng những cam kết của Iran là giả dối.

     b) Thời Obama, ngày 12/1/2016 Iran đã bắt giữ hai chiếc tầu tuần duyên nhỏ (riverine command boats) của Hoa Kỳ bị hỏng máy trôi dạt vào lãnh hải Iran và bắt các thủy thủ Hoa Kỳ quì gối trước sự canh gác của binh lính Iran.

     c) Thời Trump, ngày 20/6/2019 Iran bắn rơi một drone của Hoa Kỳ. Các cố vấn góp ý với Trump nên trả đũa nhưng Trump không đồng ý vì Trump cho rằng không thể vì chiếc drone mà có thể gây chết người. Trump chỉ thị chỉ trả đũa nếu Iran làm thiệt mạng một người Hoa Kỳ, và ông đã thực hiện việc này vào ngày 3/1/2020 như dưới đây.

     d) Ngày 3/1/2020, để trả đũa vụ lực lượng ủy quyền của Iran (proxy) tấn công ở Iraq khiến một công dân Hoa Kỳ thiệt mạng, ông Trump đã ra lệnh  dùng drone hạ sát Tướng Soleimani Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran gần phi trường quốc tế tại thủ đô của Iraq  vì cho rằng ông này chỉ huy lực lượng khủng bố của Iran trong khu vực và đang hoạch định kế hoạch tấn công vào lực lượng Hoa Kỳ.

12) Quan hệ Hoa Kỳ-Syria:
Quan hệ ngoại giao giữa Syria và Hoa Kỳ đã bị đình chỉ từ năm 2012 sau khi bùng nổ nội chiến ở Syria. Những vấn đề ưu tiên giữa Syria và Hoa Kỳ gồm có cuộc xung đột Arab-Israel, việc Israel xáp nhập cao nguyên Goland, chiến tranh Iraq. Vào tháng 9/2014, chính quyền Obama bắt đầu nhiệm vụ theo dõi (surveillance missions) tổ chức tự nhận là Nhà Nước Hồi Giáo (Islamic State) tại Syria.

Trong khi ông Trump chủ trương duy trì quân sự không hẹn ngày chấm dứt (open ended military presence) tại Syria để đối phó với tổng thống Bashar al-Assad của Syria (chịu ảnh hưởng của Iran). Ông Trump tuyên bố “Chúng tôi tìm kiếm sự xuống thang trong xung đột tại Syria, và một giải pháp chính trị tôn trọng ý chí của người dân Syria. Những hành động tội ác của chế độ Bashar al-Assad, trong đó có việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính nhân dân của họ –  thậm chí là cả những đứa trẻ vô tội –  gây sốc cho mọi người tử tế có lương tâm. Không xã hội nào có thể được an toàn nếu những vũ khí hóa học bị cấm vẫn được phép sử dụng tràn lan. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ không quân [của chính quyền Syria], nơi đã thực hiện cuộc tấn công [bằng vũ khí hóa học]” .

Và sáng ngày 7/4/2017 Hoa Kỳ bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của chính phủ Syria để trả đũa việc chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học tấn công quân nổi dậy vào ngày 4/4 trước đó.

13) Hoa Kỳ sẽ giảm quân tại Afghanistan: Tháng 11) 2020 quân số Hoa Kỳ tại Afghanistan sẽ giảm từ 13,000 xuống còn 4,000.

Ông Trump nói “Tôi đã công bố một chiến lược mới để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại cái ác này ở Afghanistan. Từ bây giờ trở đi, các mối quan tâm an ninh của chúng tôi sẽ quyết định sự lâu dài và phạm vi hoạt động của quân đội, chứ không phải các tiêu chuẩn và thời-gian-biểu do các chính trị gia thiết lập”. Điều này có nghĩa là số lượng binh sĩ tăng giảm và thời gian lưu lại Afghanistan sẽ tùy thuộc tình hình an ninh tại chỗ chứ không tùy thuộc tuyên bố của các chính khách.

Nhận định: Quan điểm này hoàn toàn đúng về chiến thuật quân sự và an toàn cho lực lượng Hoa Kỳ tại chỗ. Các đời tổng thống trước của Hoa Kỳ thường vì nhu cầu chính trị bản thân tuyên bố trước công luận số lượng binh sĩ và thời lượng binh sĩ trú đóng tại một quốc gia có chiến tranh mà có lực lượng Hoa Kỳ tham dự, ví dụ trong chiến tranh Việt Nam trước 1975 cũng vậy. Điều này hoàn toàn sai về chiến thuật quân sự và gây nguy hiểm cho lực lượng Hoa Kỳ đang trú đóng tại chỗ, vì địch quân chỉ lui về phòng thủ chờ thời điểm Hoa Kỳ rút quân là họ chiến thắng.

Ngày 12/9/2020, Afghanistan, Taliban bắt đầu đàm phán lần đầu tiên nhằm mục đích chấm dứt hàng thập niên chiến tranh. Cuộc đàm phán diễn ra tại Doha, Qatar, quy tụ các đại biểu do chính phủ Afghanistan và phe Taliban bổ nhiệm có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong lễ khai mạc. Cuộc đàm phán giữa các phe trong nước của Afghanistan được vạch ra trong một thỏa thuận hòa bình mà chính quyền Trump ký với Taliban vào ngày 29/2. Các cuộc thảo luận đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm hòa bình lâu dài, điều này cũng sẽ mở đường cho quân đội Mỹ và NATO rời Afghanistan sau gần 19 năm. Tổng thống Donald Trump cho biết là đến tháng 11, số binh sĩ Mỹ ở Afghanistan sẽ chỉ còn 4,000 người, giảm xuống từ con số 13,000 người khi thỏa thuận Mỹ-Taliban được ký hồi tháng 2.

14) Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa ước Open Skies với Nga:  Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 22/05/2020 đã chính thức thông báo quyết định rút khỏi hiệp ước Open skies, tố cáo Nga đã vi phạm thỏa thuận quốc tế được 35 nước ký kết và có hiệu lực từ năm 2002. Hiệp ước này quy tụ tất cả các quốc gia châu Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, cho phép bay qua không phận các nước ký kết để giám sát các hoạt động quân sự và kho vũ khí, với mục đích hòa bình. Tổng thống Mỹ hôm thứ Năm 21/05 loan báo : “Nga không tôn trọng hiệp ước (…) vì vậy chúng tôi rút lui”. Quyết định này sẽ được thực hiện sáu tháng sau khi thông báo.

– Ông Biden nói “Tôi cũng sẽ không bỏ qua những can thiệp nước ngoài vào việc thực hiện quyền dân chủ thiêng liêng nhất của chúng ta – việc bầu cử.”  Không biết có phải ông Biden ám chỉ trường hợp nước Nga?

15) Vấn đề biến đổi khí hậu: Ông Trump rút ra khỏi thỏa ước The Paris Agreement ký kết năm 2016 tại Paris giữa 196 quốc gia vì ông cho rằng thỏa ước đó bất lợi cho Hoa Kỳ. Trong khi đó ông Biden nói “Chúng ta có thể và sẽ đối phó với biến đổi khí hậu.”

16) Quan hệ Hoa Kỳ-NATO: NATO đồng ý đóng góp đủ chi phí theo thỏa thuận.

Từ khi thành lập, các quốc gia thành viên NATO đã không chịu đóng góp đủ số chi phí theo thỏa thuận. Không một tổng thống Mỹ nào trước kia đòi NATO phải thực hiện nghĩa vụ tài chánh này, vì thế ông Trump đe dọa sẽ rút khỏi NATO nếu các quốc gia không chịu tăng chi phí quốc phòng. Cuối cùng ông Trump đã thành công và ngày 30/11/2019 Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết liên minh quân sự này đã thoả thuận mức đóng góp mới. Theo đó, tỷ lệ chi của Canada và các nước EU sẽ tăng lên, trong khi đóng góp của Hoa Kỳ sẽ giảm. Từ năm 2021, tỷ lệ đóng góp của Hoa Kỳ cho ngân sách (NATO) sẽ giảm từ 22% xuống 16%. Ngược lại, Đức sẽ tăng tỷ lệ đóng góp lên ngang bằng Hoa Kỳ là 16%. Phần còn lại sẽ do các thành viên khác đóng góp. Đây dường như là hành động xoa dịu phía Hoa Kỳ khi TT Donald Trump đưa ra lời đe dọa cắt giảm cam kết đối với an ninh châu Âu ngay vào tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập khối NATO. https://nvngaynay.com/tin) tong) hop/nato-thoa-thuan-muc-dong-gop-ngan-sach-moi/

Đòi hỏi này dĩ nhiên không được lòng dân chúng và truyền thông Âu châu. Trong cùng lúc, ông Joe Biden cho biết ông sẽ sát cánh cùng với đồng minh của Mỹ. Trái lại ông Trump tuyên bố “Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là người bạn vĩ đại của thế giới, và đặc biệt là với các đồng minh của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không còn chịu để bị lợi dụng”.

17) Hoa Kỳ thay đổi thỏa ước NAFTA: Theo đòi hỏi của ông Trump, trong tháng 9/2018, Hoa Kỳ, Mexico và Canada đã đạt thỏa thuận mới thay thế NAFTA mà ông Trump cho là bất công bằng thỏa thuận USMCA.

18) Hoa kỳ rút khỏi thỏa ước TPP: Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa ước thương mại TPP (Trans-Pacific Partnership). Đây là thỏa ước thương mại được ký kết ngày 4/2/2016 dưới thời Obama, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Vietnam, và Hoa Kỳ. Nhưng ngay trong lúc tranh cử năm 2016 ông Trump đã chủ trương rút Hoa Kỳ khỏi thỏa ước này vì ông cho rằng thỏa ước này làm thiệt hại kinh tế Hoa Kỳ. Ông đã thực hiện lời hứa vào tháng 1/2017.

19) Hoa Kỳ rút khỏi tổ chức WHO. Tổ chức y tế quốc tế WHO (World Health Organization) có lịch sử 72 năm trong đó Hoa Kỳ là quốc gia có vai trò chủ yếu với sự đóng góp hàng năm 15% toàn ngân sách của tổ chức. Năm ngoái Hoa Kỳ đóng góp $893 triệu dola. Nhưng vào ngày 14/4/2020, trong một cuộc họp báo Tổng thống Trump đã cáo buộc sự lây lan của đại dịch Coronavirus là do lỗi của WHO và sau đó vào ngày 29/5 ông quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức này. Nhưng theo luật Hoa Kỳ, Tổng thống Hoa Kỳ không thể tự ý cắt đứt ngay lập tức quan hệ với WHO mà Hoa Kỳ phải gửi cho WHO thông báo (notice) trước một năm và vẫn phải đóng đủ trách nhiệm tài chánh trong năm hiện hành. Và ngày 7/7/2020 Hoa Kỳ đã chính thức gửi thông báo cho LHQ biết rằng Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi tổ chức WHO. Tuy nhiên hành động này chỉ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 6/7/2021. Như vậy còn có khả năng nếu ông Trump thất cử thì chính quyền của ông Biden có thể quyết định đảo ngược và ông Biden đã ngày lập tức phát biểu rõ ông sẽ làm như vậy. Ông Biden tweet như sau “Người dân Hoa Kỳ sẽ an toàn hơn khi Hoa Kỳ tham gia củng cố sức khỏe thế giới. Ngay vào ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống, tôi sẽ tái gia nhập tổ chức WHO và phục hồi vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới.”

20) Quan hệ Hoa Kỳ-Đức: Hoa kỳ sẽ giảm quân tại Đức.

24/6/2020, tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ở White House, Tổng thống Trump nói một số quân nhân Mỹ sẽ được chuyển từ Đức đến Ba Lan do Berlin không tăng mức chi tiêu quốc phòng theo quy định của NATO. Đại bản doanh của V Corps Quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ được chuyển từ Đức sang Ba Lan. Hoa Kỳ xác nhận gần 12,000 binh sỹ  (trong tổng số 38,000) sẽ được rút khỏi Đức. Khoảng 6,400 binh sỹ được đưa về nước. Số còn lại chuyển đến các nước NATO khác trong đó có Ba Lan, Ý và Bỉ.

21) Quan hệ Hoa Kỳ-Ba lan: Trump đưa quân Hoa Kỳ tới Balan với sự đóng góp chi phí của Balan.

24/6/2020, tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ở White House, Tổng thống Trump nói Ba Lan sẽ trả tiền để đón quân Mỹ rút khỏi Đức. Ông nói một số lính Mỹ sẽ được chuyển từ Đức đến Ba Lan. Trump cho biết thêm, “Họ (Ba Lan) hỏi chúng tôi liệu có thể tăng thêm quân và họ sẽ trả tiền cho việc gửi thêm quân. Có lẽ chúng tôi sẽ điều quân từ Đức đến Ba Lan”.

Hiệp ước mới ký kết giữa Hoa Kỳ và Balan sẽ khiến số binh sỹ Mỹ đóng ở Ba Lan tăng lên tới mức 5500 binh sỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói số quân này sẽ có thể nhanh chóng được tăng lên 20,000 nếu có mối đe dọa.

22) Quan hệ Hoa Kỳ-Nhật: Nhật gia tăng đóng góp chi phí quốc phòng.

Hồi tháng 6 năm ngoái, trong một cuộc họp báo tại Nhật Bản, ông Trump cho biết hiệp ước trên cũng như chính sách quốc phòng của Nhật Bản là “không công bằng” và cần thay đổi. Thời điểm đó, ông Trump cho biết ông cân nhắc việc rút khỏi hiệp ước. Sau đòi hỏi của ông Trump, Nhật đã đồng ý gia tăng chi phí quốc phòng. Và ngày 18/1/2020, ông Trump tuyên bố “Tôi tin tưởng rằng trong những tháng, năm tới sự đóng góp của Nhật Bản cho an ninh hai nước sẽ tiếp tục gia tăng, và liên minh sẽ tiếp tục phát triển”.

23) Quan hệ Hoa Kỳ-Bắc Hàn: Hai nước có thể gặp thượng đỉnh vào cuối năm nay.

Khi bàn giao, ông Trump hỏi vấn đề đối ngoại nào là khó khăn nhất, ông Obama trả lời: Đối phó với Bắc Hàn. Và rồi ngày 19/9/2017, lần đầu tiên phát biểu trước Đại hội Đồng LHQ,  ông Trump tuyên bố “Không nước nào từng bày tỏ thái độ khinh rẻ các quốc gia khác và coi thường phúc lợi của chính nhân dân mình hơn chế độ đồi bại tại Bắc Triều Tiên… Hoa Kỳ có sức mạnh và kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu buộc phải tự vệ hoặc bảo vệ đồng minh, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên”.

Sau thời gian đầu ông Trump lời qua tiếng lại nặng nề với Kim Jong Un, cuối cùng ông Trump đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp khiến Un không còn lời lẽ và hành động gây hấn với Hoa Kỳ. Ông Trump và Kim Jong Un đã gặp nhau 3 lần: tại Singapore (2018), Hà Nội (2/2019) và DMZ chia đôi Triều Tiên ngày 30/6/2019. Kết quả là Bắc Hàn đã ngừng thử nguyên tử, phóng thích mấy người Mỹ đã bị giam giữ và gửi trả hài cốt của một số quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên thập niên 1950s. Các viên chức Nam Triều Tiên và trong khu vực nhận xét tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều tiên đã giảm đáng kể. Tổng thống Nam Triều Tiên ông Moon ca ngợi Tổng thống Trump là “người kiến tạo hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên”.

Theo BBC ngày 20 tháng 8 năm 2020 bà Yo-jong em gái nhiều quyền lực của Kim Jong-un đã viết về khả năng có cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Tổng thống Trump vào cuối năm nay, nhấn mạnh rằng Bắc Hàn không có “ý định nào dù nhỏ nhất để gây ra mối đe dọa đối với Mỹ”.

Trong khi đó ông Biden phát biểu “Tôi sẽ nói rõ với những kẻ thù của chúng ta rằng thời kỳ thân mật với những kẻ độc tài đã qua.”  Không biết có phải ông Biden ám chỉ trường hợp Bắc Hàn không?

Cho tới nay ông Biden chưa công bố chính sách đối ngoại. Từ nay tới ngày bầu cử 3/11, cử tri nên theo dõi những phát biểu của ông Biden để có thêm cơ sở quyết định lá phiếu.

Nguyễn Tường Tâm

Tham khảo: Một số câu, đoạn được trích nguyên văn từ một số báo tiếng Việt trên mạng sau khi đã kiểm chứng độ trung thực với bản chính tiếng Anh.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt