Bắt tàu chở 160 tấn bauxite từ Trung Cộng đến Formosa
Việt Nam vừa bắt giữ một tàu chở 160 tấn bùn đỏ bauxite từ Trung Cộng vào công ty Formosa ở Hà Tĩnh.
Hôm 16/9 trích từ báo trong nước, nguồn tin từ Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết đơn vị này đang cùng với cảnh sát môi trường kiểm tra 160 tấn bùn bauxite vừa bắt được trên một tàu hàng từ cảng Đại Liên, Trung Cộng, cập cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh, để đưa vào công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa, thuộc khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Tin cho hay lô hàng bauxite được Formosa nhập về để làm gạch và lò cao, phục vụ một số hạng mục của dự án.
Phó Chi cục Hải quan Vũng Áng cho báo Dân Trí biết kết quả kiểm tra sẽ được đưa ra trong 1 tuần nữa. Giới chức này cũng cho biết nếu sau khi xét nghiệm, lượng bùn này không đúng trong danh mục được phép nhập thì sẽ bị xử phạt, “trục xuất về nước” theo quy định.
Thảm họa môi trường do hệ thống xả chất thải của Formosa gây ra thời gian gần đây được xem là lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Sau khi Formosa chính thức bị quy trách nhiệm trong việc gây cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, doanh nghiệp này đã bồi thường cho nhà nước Việt Nam 500 triệu đôla. Tuy nhiên, nhiều người dân Việt Nam không thỏa mãn với cách giải quyết của nhà nước. Một số nhà hoạt động và người dân địa phương đã liên tục tổ chức biểu tình dưới nhiều hình thức, kêu gọi Việt Nam đóng cửa Formosa và buộc doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út từ Sài Gòn, cho rằng việc buộc trách nhiệm hình sự hay rút giấy phép của Formosa là khó thực hiện được vì những rào cản, bất cập về pháp lý của Việt Nam:
“Hành vi này thuộc về vi phạm pháp nhân thì chủ yếu là phạt tiền, đồng thời bắt buộc phục hồi. Nhưng vấn đề pháp nhân hiện nay đã dời ngày thi hành đối với Bộ luật Hình sự và phải sửa đổi, bổ sung. Thành ra dự kiến sẽ là ngày 1/1/2017 nếu điều luật về pháp nhân gây thiệt hại môi trường, thì lúc đó pháp nhân sẽ bị khởi tố và phạt tiền giải quyết hậu quả. Luật hiện nay chưa quy định rõ ràng, thành ra pháp nhân hiện nay không phải chịu trách nhiệm. Còn sau này có luật thì nó không coi là vấn đề hồi tố hiện nay”.
Theo Luật sư Út, ngoài những bất cập về quy định pháp lý, việc rút giấy phép đầu tư của Formosa chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư vào những ngành nghề ưu tiên ở Việt Nam. Vì vậy, Luật sư Út cho rằng điều Việt Nam có thể làm được hiện nay là để cho người dân khiếu kiện về những thiệt hại trên thực tế do thảm hoa môi trường mà Formosa gây ra.
Ông nói: “Cái rào cản [pháp lý] không trừng phạt được Formosa một cách thỏa mãn được người dân thì trước mắt là hãy để cho người dân kiện Formosa. Thiệt hại tới đâu thì Formosa sẽ chịu trách nhiệm tới đó. Có thể thiệt hại tổng cộng là 100 triệu đô, hay 10 tỷ đô, hay 100 tỷ đô. Cái đó tùy thuộc vào vấn đề chứng minh thiệt hại của người dân, của những nạn nhân”.
Theo Luật sư Phạm Công Út, mức bồi thường hiện nay của Formosa là thấp và không thỏa đáng so với các thiệt hại nghiêm trọng đã gây ra:
“Nhà nước phải chấp nhận hành lang pháp lý cho người dân kiện, chứ không phải nhà nước cầm 500 triệu đó rồi ban phát cho những người bị thiệt hại”.
Luật sư từ Sài Gòn cho biết một số luật sư ở Việt Nam khi tìm cách giúp đỡ về pháp lý cho những người dân bị ảnh hưởng từ thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh đã gặp phải nhiều trở ngại và phải giúp một cách “lén lút”:
“Tôi biết một số nhóm luật sư sẵn sàng hỗ trợ, nhưng hiện nay họ phải tự mình đi thu thập chứng cứ, tự mình đi liên lạc với người dân một cách ‘chui’, không chính thức, không được công khai. Nếu công khai, có thể gặp rắc rối, phức tạp, khó khăn, giống như đi xúi người dân đi kiện vậy. Nhưng thực tế, họ làm bằng trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội”.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến Formosa, báo Đời Sống Pháp Luật hôm 14/9 trích nguồn tin từ Người Đưa Tin cho biết công ty Môi trường Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã hủy hợp đồng giải quyết 400 tấn bùn thải của Formosa Hà Tĩnh. Đây là số bùn thải mà Formosa đã giao trái phép cho Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh và hiện đang bị công an tỉnh Hà Tĩnh thu giữ và niêm phong.
Tin VOA